Trong 2 tập “Thơ hay phổ nhạc” do nhà văn Phan Đức Nam tuyển chọn, NXB Hội Nhà văn, quí I-2007, không biết vô tình hay ngẫu nhiên mà lạ thay một bài thơ phổ nhạc lại có hai văn bản giống hệt nhau một cách đáng ngờ.

Ở tập 1, trang 130-131 tác giả Hồ Ngọc Sơn, có tiêu đề “Gửi em dưới quê làng” (Gửi H.), Phổ nhạc Phan Huỳnh Điểu “Tình ca”, có nguyên văn như sau:

“Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi?
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Anh đi xa bao núi
Tình em như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương
Chảy theo anh khắp đường

Anh đi xa càng xa
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha
Theo anh dài nương rẫy

Anh đi biệt tháng ngày
Tình em như sông dài…”.

Ở tập 2, trang 110-111 có tiêu đề khác “Tình em”, Phổ nhạc Huy Du tác giả thơ lại là Ngọc Sơn. Để phân biệt sự khác nhau chúng tôi chỉ trích những câu, chữ khác biệt (in nghiêng đậm):

“Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh vời vợi?
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Nên nắng bừng trong lòng
Mạch đời căng máu nóng

Anh đi qua bao núi
Tình em như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương
Chảy theo anh khắp rừng

Anh đi xa càng xa
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha
Theo anh dài nương rẫy

Tình em là thế đấy
Anh đi bao tháng ngày
Tình em như sóng dài
Vỗ theo từng năm tháng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bài “Tình em” ở tập 2 do Huy Du (sinh 1-12-1926, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Bế Văn Đàn sống mãi, Đường chúng ta đi, Anh vẫn hành quân, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Nổi lửa lên em, năm 2000) phổ nhạc là có cơ sở chính xác. Bài hát được sáng tác thời gian năm 1962, khi nhạc sĩ Huy Du từ Nhạc viện Bắc Kinh trở về, đọc bài thơ Tình em của Ngọc Sơn trên Báo Văn Nghệ, ông đã cảm hứng phổ nhạc ngay.

Bài hát đã được Nghệ sĩ Ưu tú Trung Đức thể hiện trong Album “Em ở nơi đâu”, còn có ca sĩ Đăng Dương. Để rõ hơn xin truy cập vào địa chỉ: www.vnmusic.com.vn. Nguyên văn:
“TÌNH EM” (Nhạc: Huy Du - Lời: Ngọc Sơn)

”Khi chiếc lá xa cành, lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hửng trong lòng
Mạch đời căng máu nóng
Anh anh đi xa bao núi
Tình yêu như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương chảy theo anh khắp rừng
Anh anh đi xa càng xa
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha theo anh dài nương rẫy
Anh anh đi xa bao núi
Tình em như khe suối
Anh đi biệt tháng ngày
Tình em như sông dài
Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi
Có gì đâu em ơi !
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hửng trong lòng mạch đời căng máu nóng
Nên nắng hửng trong lòng mạch đời căng máu nóng”.

Trên website của Bộ Văn hoá –Thông tin, chúng tôi truy cập vào http://www.cinet.gov.vn có nguyên văn bài “Tình em” kể cả tiểu sử tác giả: Tên thật: Hồ Ngọc Sơn, sinh năm 1932, Quảng Ngãi:

Tình em

Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hửng trong lòng
Mạch đời căng máu nóng

Anh đi xa bao núi…
Tình em như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương
Chảy theo anh khắp rừng

Anh đi xa càng xa
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha
Theo anh dài nương rẫy

Anh đi xa xa mãi
Đường giải phóng gian nan
Tình em là buồm căng
Qua bão bùng sóng lộng

Tình em là lửa hồng
Rực cháy giữa đêm đông
Mặt trời lên đỏ mọng
Như môi em tươi hồng

Vì sao khuya đỉnh đồi
Là mắt em xa xôi
Làm cánh gió em ơi
Chắp cánh chim em ơi
Chắp cánh ta yêu nhau
Trọn đường đời chiến đấu

Anh đi biệt tháng ngày
Tình em như sông dài…

(Nơi xuất bản: NXB Giáo dục, 2005)”.

Tình cờ, đọc trên mạng www.qdnd.vn bài “Tình yêu là sự sống...” (đăng ngày Thứ năm, 7-9-2006), mới biết chính xác đó là bài thơ “Tình em” của nhà thơ Hồ Ngọc Sơn. Chúng tôi xin lược trích: “…Cách đây hơn 40 năm, tôi là một chiến sỹ quân giải phóng chiến đấu tại chiến trường Gia Lai-Kon Tum. Bài thơ “Tình em” có mặt trong nhật ký của tôi giữa thời điểm chiến trường miền Nam nóng bỏng, nhất là vào mùa khô khốc liệt 1962-1963. Vì bài thơ có xuất xứ từ chuyện riêng của mình nên tôi chỉ chia sẻ với một vài người bạn cùng đơn vị, không rõ ai đã gửi bài thơ ấy ra miền Bắc. Nó xuất hiện đầu tiên trên tập “Sức trẻ” và được nhạc sỹ Huy Du phổ nhạc vào cuối năm 1962, nhanh chóng trở thành một trong những bài tình ca nổi tiếng thời đánh Mỹ”.

Tác giả Hồ Ngọc Sơn nói về hoàn cảnh xuất xứ bài thơ: “Một hôm, cùng đơn vị đi gùi đạn trên đường giao liên để chuẩn bị cho một trận chiến đấu lớn, tình cờ tôi gặp một đồng chí thương binh đang chuyển ra Bắc. Sau khi trò chuyện, tôi nhặt một mảnh giấy nhỏ, viết nguệch ngoạc mấy dòng ngắn ngủi: “Anh vẫn mạnh khoẻ. Nhớ em lắm. Địa chỉ của anh... Mong nhận được thư em. Hôn em rất nhiều lần...”. Vì nhớ quá mà viết liều, chứ thật lòng, tôi không hy vọng thư đến tay người nhận. Vậy mà, người thương binh tốt bụng ấy đã lần theo địa chỉ tìm về Nhà máy đường Sông Lam (thuộc tỉnh Nghệ An-nơi vợ tôi làm việc) nhưng Hiên đã đi học. Anh lại lần ra Trường bổ túc Công nông Trung ương, cuối cùng cũng tìm đến Trường đại học Bách khoa, nơi Hiên đang học chuyển thư đến tận tay. Được thư, vợ tôi sững sờ khóc oà...

Một ngày mùa thu năm 1962, đơn vị tôi được lệnh chuyển từ Kon Tum vào Gia Lai đóng quân. Trên đường hành quân, không hiểu do sốt ruột hay linh tính, tôi tạt ngang vào trạm giao liên. Tôi sửng sốt như trời trồng khi nhìn thấy thư vợ gửi. Nhìn nét chữ thân quen trên phong bì, tôi mừng đến phát khóc (…) Tôi nhẩm và sửa trong đầu vài chữ để mờ sáng tôi ghi vào nhật ký:

Tình em
Gửi H

Khi chiếc lá lìa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi?
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống?

Tôi xoá bỏ và thay hai chữ “lìa cành” bằng “xa cành” vì chữ “lìa cành” nghe buồn quá, sợ sẽ gieo vào lòng người suy nghĩ về sự mất mát và cái chết. Từ “xa cành” nghe nhẹ hơn, hợp với chúng tôi hơn-một cuộc chia xa tin tưởng sẽ có ngày về.

Thời ấy, một bức thư gửi từ Nam ra Bắc hoặc ngược lại nhanh nhất cũng mất ba đến bốn tháng mới đến tay người nhận. Do vậy, tuần nào, tháng nào chúng tôi cũng gửi thư cho nhau để tránh thất lạc và khỏi đứt đoạn. Sang đầu năm, tôi nhận được thư Hiên. Em hỏi tôi: “Em nghe trên đài họ hát bài “Tình em” và giới thiệu là thơ của Ngọc Sơn từ miền Nam gửi ra. Có phải là thơ của anh không?”. Nhận thư em, tôi hồi âm liền. Bức thư và bài thơ đến với em vào cuối mùa thu năm 1962. Bài thơ trở thành nguồn động viên Hiên vượt qua mỗi gian lao, thử thách, chiến thắng mọi yếu mềm để giữ trọn tình yêu và vững vàng trước mọi thử thách khắc nghiệt của chiến tranh...”.

Riêng bài “Gửi em dưới quê làng” do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc “Tình ca” để rộng đường bạn đọc yêu Thơ - Nhạc, chúng tôi đã gọi điện (15 giờ ngày 2-4-2007) hỏi nhạc sĩ, ông cho biết: “Bài này tôi có phổ chơi (cười) theo lối Tây nguyên nhưng không có công bố vì đã có bài “Tình em” của nhạc sĩ Huy Du rồi, không hiểu sao người ta có”.

Như vậy, một văn bản không hiểu vì lẽ gì lại có quá nhiều dị bản như vậy. Chúng tôi không trách người tuyển chọn là nhà văn Phan Đức Nam. Có lẽ như anh viết trong “Lời nói đầu”: “THƠ HAY PHỔ NHẠC nhằm cung cấp nguyên bản những bài thơ hay đã được các nhạc sĩ phổ nhạc.

Trong việc sưu tầm biên soạn chắc chắn còn nhiều thiếu sót, chúng tôi hi vọng nhận được những sự góp ý quí báu của các tác giả và các bạn yêu Thơ - Nhạc, để THƠ HAY PHỔ NHẠC về sau càng thêm phong phú”.

Cũng chính vì thiện chí và là người có trách nhiệm với nghề nghiệp của nhà văn Phan Đức Nam, chúng tôi viết cũng là để góp ý. Qua đây cũng để những nhà tuyển chọn hay biên soạn sách chú ý các văn bản để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc. Và mong muốn tác giả là nhà thơ Hồ Ngọc Sơn cung cấp văn bản chính thức tránh sự “tam sao thất bản” để người đọc khỏi bị đánh lừa và hiểu nhầm đó là nạn “đạo văn” của Ngọc Sơn nào đó (?!).

tửu tận tình do tại