204.55
Thể thơ: Lục bát
Thời kỳ: Hiện đại
5 bài trả lời: 1 bản dịch, 4 thảo luận
5 người thích
Từ khoá: thơ phổ nhạc (602)

Đăng bởi Hư Vô vào 27/09/2008 15:32, đã sửa 10 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 24/08/2018 10:34

Em qua bóng đổ hiên ngoài
Đàn chim sáo nhỏ vụt bay cuối ngàn
Giật mình hạ rớt thênh thang
Nở trên nhánh tóc em vàng cánh hoa.

Nắng trong veo, thấu lụa là
Áo em mỏng quá lòng ta gập ghềnh
Dù là một thoáng lênh đênh
Đã nghe mùa hạ chảy trên phím đàn.

Từ em xoã tóc sang ngang
Hàng cây nghiêng nón rộn ràng tiễn nhau.
Em mang mùa hạ qua cầu
Ta như khách lạ tìm đâu bóng mình

Bên đời nắng có lung linh
Để em giấu kín chút tình phôi pha
Còn thương góc phố quê nhà
Vàng em áo hạ, buồn ta mưa về...


Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Quang Ngọc phổ nhạc với cùng tựa đề, hát lần đầu tiên bởi ca sĩ Mai Thiên Vân.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Áo hạ vàng - Tâm kinh thời đại

Tuỳ Bút Toại Khanh
TÂM KINH THỜI ĐẠI

Nói y như trong kinh thì vạn hữu không gì là ngẫu nhiên. Mỗi cọng rêu, ngọn cỏ hay từng con ong, cái kiến thảy đều do nhân duyên mà có. Ai người học Phật đều ít nhiều biết qua chuyện đó. Vậy mà có ai trong số này lại không một lần bất chợt đứng dưới hiên mưa mà bỗng nhiên nhớ về một chuyện xưa cũ càng không hò hẹn. Không phải ngẫu nhiên thì còn là gì nữa. Một câu hát bâng quơ nghe được ở đâu đó, một gương mặt hay ánh mắt tình cờ bắt gặp trên đường nhiều khi cũng đủ làm một cái cớ để vực dậy một hồi ức tưởng như chẳng mắc mớ liên can gì hết. Kỳ thực, từng cái xem chừng là ngẫu nhiên ấy cũng là một kiểu nhân duyên khác. Thiếu đi những thứ nhân duyên bất ngờ và đa đoan đó, biết đâu cuộc đời càng buồn thêm. Cuộc đời là một tuồng ảo hoá, khách trầm luân là những diễn viên, chuyện đời từ đó phải cần đến những khía cạnh kịch tính. Chuyện tu học của tôi cũng là một thứ chuyện đời, nghĩa là nó cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó.
Hồi nào đầu óc giản đơn, học kinh Phật như một cái máy, cách cảm nhận lời Phật của một cậu bé chỉ đơn giản là chụp lại mọi sự bằng chiếc máy ảnh không biết suy tư. Thấy sao tin vậy, nghe sao hiểu vậy. That’s it, no more. Rồi thì một ngày, người ta già hơn, có thể hư đốn hơn, lem luốc hơn, nhưng cách hiểu vấn đề cũng được thay đổi để lời kinh xưa lúc này coi như đã trở thành một nguồn sống sinh động và thấm thía hơn, nếu người ta vẫn chưa bỏ Phật mà đi.
Một ngày của tuổi bốn mươi, tôi ngẫu nhiên bắt gặp trong hộp thư email của mình một cái thư lạ. Lạ vì cái Subject của nó, và cũng vì người gửi là một nhân vật kỳ lạ. Chưa biết mặt nhau bao giờ, từ vài tháng nay bỗng nhiên cứ dồn dập gửi cho thiệt nhiều email. Không thăm hỏi gì hết, chỉ ròng những thứ góp nhặt từ muôn phương, để tôi nghe, ngắm và đọc. Chẵng gì ghê gớm, vài ba tấm ảnh lạ, dăm thứ tin tức giật gân, đôi khi là một nhạc khúc. Có cũng vui, không cũng được, dù nhiều khi buồn buồn tôi lại có ý trông. Chiều nay, tôi lại nhận được một cái email của người bạn giấu mặt đó. Một chuyện bình thường nhưng có chút lạ. Nó lạ từ cái chủ đề: Vàng Em Áo Hạ. Cả một thứ tiếng Việt dễ dãi nhất cũng không ai nói năng, viết lách kỳ cục như vậy. Nhưng mà nó lạ, và cứ nghe hay. Gói theo cái email đó là một cái File Video http://www.youtube.com/watch?v=ybzD5GMb1O4 (thơ của Hư Vô, nhạc Phạm Quang Ngọc). Tôi mở ra và bàng hoàng. Cái mà tôi nghe được, xin thề, tuyệt không phải thứ tình ái lăng nhăng mà nhạc khúc đó đang diễn tả. Tôi vừa cảm nhận được cái mà nói bằng ngôn ngữ của ngành Vật Lý hiện đại là Chiều Thứ Tư của Phật Pháp. Một góc cạnh thật mới lạ, tinh khôi, dù thực ra muôn thuở đã là vậy. Mới là mới đối với gã dốt này thôi. Ô hay, tôi tự hỏi mình, sao thiên hạ bây giờ lại không thử dùng cách nói này để nói về Phật chứ, dĩ nhiên nên nghiêm túc hơn một tí là được. Người ta viết nhạc Phật giáo mà cứ như để xua đuổi thiên hạ. Thay vì réo gọi nhau về dưới chân Phật, người ta lại khiến thiên hạ bỏ chùa mà đi, nhiều khi còn chạy mất cả dép. Ai hổng tin xin cứ kiếm mấy cái CD nhạc đạo nghe thử một lần thì biết. Nhưng đó là chuyện của ai, ở đây tôi chỉ xin nói chuyện mình.

Em qua, bóng đổ hiên ngoài
Đàn chim sáo nhỏ vụt bay cuối ngàn
Giật mình hạ rớt thênh thang
Nở trên nhánh tóc, em vàng cánh hoa.

Mùa hạ ở đây bỗng dưng là một thứ gì đó có đủ hồn vía hẳn hoi, như một sinh vật, không còn là một hiện tượng thiên nhiên nữa. Nó còn ly kỳ hơn, khi đường hoàng hoá thân vào từng cánh hoa phượng vàng, và cùng đưa em vào hạ. Em, hoa vàng và mùa hạ lúc này đã là một. Tôi đã xem, nghe rồi chợt nhớ về một bài học cũ. Toàn bộ cái gọi là thế giới, trong kinh Phật, chỉ là con số 18: Lục Căn, Lục Trần và Lục Thức. Ngoài ra không còn gì nữa. Từ cái hiểu lầm, người ta biết thương ghét và nghĩ ra muôn thứ ảo tượng và đặt cho chúng những tên gọi Chính Trị, Văn Hoá, Khoa Học, Nghệ Thuật, Triết Học, Lịch Sử, Ngôn Ngữ, kể cả Tôn Giáo. Một mớ khái niệm cộng với chút tình cảm ghét thương đã làm nên mọi sự ở đời. Tất thảy những thân sơ thù bạn, ân oán tình thù đều chỉ là những cuộc chơi của người chưa biết mình thực ra là những gì ghép lại. Tôi yêu em, thế là nhìn thấy trong hoa có em, trong em có mùa hạ, và rồi một ngày, cả ba chỉ là một. Để mùa hạ có thể rơi trên tóc người, và màu vàng của hoa đã là một với em. Nhưng như thế đã hết đâu:

Nắng trong veo…thấu lụa là
Áo em mỏng quá, lòng ta gập ghềnh
Dù là một thoáng lênh đênh
Đã nghe mùa hạ chảy trên phím đàn
Từ em tóc xoả sang ngang
Hàng cây nghiêng nón rộn ràng tiễn nhau.

Thơ hay của thiên hạ tôi đọc cũng nhiều, nên có dốt mấy, cũng có thể bảo rằng bài thơ này chưa phải là tuyệt tác. Có điều lạ lùng, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi chịu nghe và đọc một bài thơ tình bằng một tâm cảm đã đời đến vậy. Tôi đã nghe thấy ở đó một bài tâm kinh, nhưng không phải Tâm Kinh Bát Nhã của nhánh Bắc Truyền. Tâm Kinh ở đây là kinh nói về đạo qua ngõ tình và phải được cảm (không phải hiểu) bằng trái tim (không phải óc). Đến nắng ở đây cũng đã được ghép thêm phần hồn. Nó soi thấu lụa là một cách có ý thức, không phải một hiện tượng thiên nhiên. Vì trong nắng bây giờ có gã tình si mê gái đang dõi nhìn gót sen người đẹp. Thế là hắn xem ánh nắng như một tên đồng loã. Và nếu vật vô tri có thể trở thành động vật thì ở đây cái phàm tâm của gã tục tử kia cũng có thể là một với trời đất quanh mình để có thể gập ghềnh, triền dốc như mặt đường mà em đang đi trên đó, để sóng dậy đất bằng, để bóng sắc em tuy chẵng ba đào mà vẫn có thể khiến chết đuối người trên cạn mà chơi!
Lục Trần, Lục Thức, Lục Căn ở đây đã phổ vào nhau đến tận tuyệt. Mùa hạ đã là cái tâm cái tình của gã tục tử để góp mặt hết mình vào cuộc chơi. Nó len vào từng nốt nhạc trên dây đàn và trong cõi âm thanh đó, những hàng cây kia bỗng dưng là những khách mời, những chứng nhân cho một cuộc tình vỡ giữa chiều nắng hạ. Tôi lại nhớ hai câu thơ của Trần Dạ Từ: Lần đầu ta ghé môi hôn, mấy con ve nhỏ hết hồn kêu vang. Bao nhiêu Uẩn Xứ Giới Đế có rảnh thì đều cùng về tham dự hết. Rồi thì:

Em mang mùa hạ qua cầu
Ta như khách lạ tìm đâu bóng mình
Bên đời có nắng lung linh
Để em giấu kín chút tình phôi pha
Còn thương góc phố quê nhà
Vàng em áo hạ, buồn ta mưa về…

Như trên đã thưa, mùa hạ bây giờ đã được chuyển thể (transform) để có thể theo em qua cầu bỏ lại một thằng khờ sau lưng. Em và mùa hạ đã là một, em đi rồi mùa hạ cũng đi. Và cả ánh nắng mùa hạ nữa, nó cũng tham dự vào nổi chia xa của chúng ta. Và không phải chỉ hôm nay, đến bao giờ em còn là một cố nhân chưa quên nổi thì cứ thấy nắng hạ hoa vàng thì tôi sẽ thấy em về, như từ bây giờ, những cơn mưa với nổi buồn của tôi sẽ mãi mãi là một. Trong ngôn ngữ lòng tôi từ giờ sẽ mãi hoài đọng lại hai cụm từ ghép không thể tách rời: Vàng Em Áo Hạ và Buồn Tôi Mưa Về. Nhưng đâu phải chỉ một mình tôi ngớ ngẩn đến vậy, hồi xưa còn sống, ông Nguyên Sa cũng hơn một lần mơ hồ như thế vào một thuở yêu người:
Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường!
Là vậy đó. Gì cũng là một cuộc chơi. Và, dẫu chong đèn thức trăm năm, người sinh tử vẫn mãi nằm chiêm bao!

Santosa, 11/27/08
Toại Khanh

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của James Banerian

Yellow Summer Dress


You passed by, your shadow spilling
across the porch outside.
A flock of tiny magpies
exploded toward farther reaches.
Startled, summer tumbled down
unhindered all about.
Blossoming in the arbor of your hair
were yellow petals.

Sunlight clear and pure seeped through
the panels of your gown.
Your dress was so fine and filmy
that my heart stammered.
Though it was but
a fleeting moment,
I heard summer daintily trip
across taut-stringed frets.

When you, hair hanging loose,
made your way across,
Rows of trees tipped their hats
in a flurry of farewells.
You took the summer with you
across the bridge.
I, like a stranger, searched
everywhere for my shadow.

Where life has brought you now,
the sunshine shimmers.
And you must cover up that bit
of faded love.
Sentiments remain for that corner
of the street in our hometown.
Yellow for you in the dress and summer,
sadness for me in the rain returning...


Translate by James Banerian
Original Title Áo Hạ Vàng

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Áo Hạ Vàng. Thơ Hư Vô Mỏng Tênh Như Tơ Lụa. Tuỳ bút Trần Sương Lam

Mùa hè, mùa của hoa rực rỡ, của trái chín trĩu cành, của lời mời gọi ta đến với biển với nắng. Mùa hè mở vào tâm hồn ta những khát khao thầm kín, dấy lên trong ta những yêu thương, những đam mê bỏng cháy. Trong bài Hạ Hồng, Phạm Duy dường như cũng bốc cháy với mặt trời trên cao:

Mùa hè thiên nhiên như tỉnh giấc
Mùa hè đưa ta tới hồng hoang
Trần truồng yêu nhau trong trời đất
Mùa hè của uyên ương.

Hư Vô đến với mùa hè bằng khúc lục bát bềnh bồng, mơ hồ đến mênh mông:

Em qua bóng đổ hiên ngoài
Đàn chim sáo nhỏ vụt bay cuối ngàn
Giật mình hạ rớt thênh thang
Nở trên nhánh tóc em vàng cánh hoa.

Mặt trời lên cao nhưng không sáng chói, mặt trời được miêu tả một cách gián tiếp qua “bóng” em. Là bóng thôi, không là hình, bước vào thế giới tình yêu dường như ta đã chạm phải nỗi buồn và hình như ý niệm hiện hữu của “em” đang nhạt nhoà dần trong không gian, trong thời gian của một ngày nắng hạ. Thoáng thấy bóng em ngoài hiên, chỉ thoáng thấy bằng mắt hay bằng tâm không rõ nhưng rõ nhất là hình ảnh của đàn sáo nhỏ. Sáo vụt bay về cuối ngàn. Cách miêu tả âm thanh của thi sĩ lạ: “vụt” một động tác bay đột ngột, rất nhanh của cả đàn sáo. Ta nghe thật rõ tiếng đập cánh của đàn chim trong buổi trưa hạ, âm thanh của sự sống nhưng chỉ vút lên rồi tất cả lại rơi vào yên lặng. Trong cái tĩnh lặng của cõi tình tiếng đập cánh bay của đàn sáo nhỏ không chỉ khuấy động không gian mà còn khuấy động cả lòng người:

Giật mình hạ rớt thênh thang
Nở trên nhánh tóc em vàng cánh hoa.

Tôi ít thấy chữ “rớt” trong thi phẩm nhất là thơ tình. Chữ rớt thường được dùng như một khẩu ngữ. Nhà thơ chọn hạ rớt chứ không chọn hạ rơi (chữ rơi được dùng nhiều trong văn chương bình dân lẫn văn học viết). Khẩu ngữ vào thơ không làm câu chữ trở thành bình dân mà vẫn giữ được vẻ đẹp kiêu sa của nó. Rơi là một thanh bằng chưa đủ lực làm nhân vật trữ tình giật mình phải là rớt. Thanh sắc dấy động tất cả, khơi dậy tất cả một sự bừng thức của không gian “thênh thang”, một sự bừng thức của “anh”, về “em”. Cái đẹp cũng bừng thức, hoa là em, là mùa hạ, là hoa vàng – màu của mùa hè.

Nếu thi sĩ giật mình vì bóng em khơi dậy cả mùa hạ trong anh thì tôi giật mình vì chữ nghĩa vào tay thi sĩ nó không còn tuân theo qui luật vốn có của nó. Tôi đọc khá nhiều thơ, tôi đã gặp không ít trạng thái “Giật mình” của thơ xưa cũng như nay: Nguyễn Du viết “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh? Giật mình mình lại thương mình xót xa”. Tú Xương viết Sông Lấp:”Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”, Nguyễn Duy viết: “Ánh trăng im phăng phắc/ đủ cho ta giật mình”. Giật mình của Nguyễn Du gợi cảm xúc thương thân của Kiều, giật mình của Tú Xương là nhớ tiếc những cái tốt đẹp cứ mất dần đi, giật mình của Nguyễn Duy là sự tự hối và cái giật mình của Hư Vô mới đậm chất lạ lùng sao? Một ngẫu hứng duy lý trong một tương quan chặt chẽ “em- mùa hạ- – nỗi nhớ- lãng quên- trở về” sự khuấy động tâm thức, thời gian, không gian làm cho ta cảm nhận chữ tình trong anh trĩu nặng và chân dung của “em” cứ mở rộng dần trong bức tranh mùa hè huyền diệu:

Nắng trong veo, thấu lụa là
Áo em mỏng quá lòng ta gập ghềnh
Dù là một thoáng lênh đênh
Đã nghe mùa hạ chảy trên phím đàn.

Mùa hạ đã định hình trong màu hoa vàng trên tóc em, mùa hạ lên cao nhập vào trong nắng tạo màu “trong veo”. Tôi thương nắng thuỷ tinh của Trịnh Công Sơn, tôi thích câu hỏi của nhạc sĩ với “em” màu nắng hay là màu tóc em? Nắng mùa hạ trong nhạc Trịnh như khối thuỷ tinh đúc cho nắng lung linh vàng rồi nắng đi vào trong mắt em. Một sự hoá thân, hoà nhập của hai vẻ đẹp: mặt trời-em. Tôi cũng thích cái nắng loạn trong thơ Hàn Mặc Tử “nắng ửng, nắng chang chang, nắng thơm” nắng hè chói chang, nóng rát không còn thay vào đó là nắng tươi, nắng thơm của gấm lụa, của dung nhan. Nắng đã trở thành biểu tượng cho cái đẹp. Nắng của Hư Vô “trong veo” nghĩa là nắng như tấm gương soi không đáy, nắng hữu hình đến trong veo. Chữ nghĩa tượng hình dần như chân dung “em” rõ dần. Không còn là bóng, không còn là mùi hương “hoa vàng” mà là hình hài, là xương thịt là vẻ đẹp kiêu sa. Tôi nghĩ Hư Vô đã dùng nét vẽ tượng trưng cho bức chân dung tình yêu của mình. Tôi nghe giọng thì thầm của thi sĩ. Em mềm như lụa, mong manh như tơ trời, áo là sương khói cho hồn ta thoáng gập ghềnh, lênh đênh. Nhan sắc của người tình sao mong manh, nét đẹp được lọc qua cảm xúc thật tinh tế, thật lãng mạn, vẻ đẹp vừa táo bạo nhục thể vừa thanh tao duyên dáng “trong veo, thấu,mỏng” nó làm tan chảy mọi cảm giác để chỉ còn đọng lại một cảm xúc tuyệt vời: “Đã nghe mùa hạ chảy trên phím đàn”.

Nguyễn Hồng Ân trong bài: “Chiều biển vắng thênh thang” đã viết: “Mang tên em chiều in màu lá / Vừa tàn mùa sen hạ cháy trên cành.”

Hạ cháy của Nguyễn Hồng Ân khơi gợi một sự bừng thức, ngỡ ngàng về mùa hè, Hư Vô lại cảm nhận “mùa hạ chảy trên phím đàn” thì quả là tuyệt bút. Chữ mềm như nhung lụa và tan chảy thành dòng âm nhạc thì không còn gì phải bàn đến vẻ đẹp của ngôn từ. Mỹ học của bài thơ toả từ hội hoạ màu sắc, từ thi ca mùa hạ chảy, từ âm nhạc trên phím đàn. Ta dường như lạc vào thế giới của cõi mơ, của âm nhạc, của cõi tình mê đắm. Ta đang tan chảy vào vẻ đẹp của đất trời, của tình yêu và đồng thời cũng tan chảy vào trong cảm xúc của Hư Vô. Tâm khơi, tình động cho quay quắt một hình hài:

Từ em xoã tóc sang ngang
Hàng cây nghiêng nón rộn ràng tiễn nhau.
Em mang mùa hạ qua cầu
Ta như khách lạ tìm đâu bóng mình.

Mái tóc thề, mái tóc bao lần vào thi ca tạo nên bao hình tượng thẩm mỹ đẹp lạ thường. Lúc còn đi học một cô bạn đã tặng tôi hai câu thơ:

Ta phiêu du mãi chưa về
Biết em còn để tóc thề hay không?

Tôi đã yêu mái tóc thề ngày đó, tôi không ngạc nhiên khi ký ức tình yêu của thi sĩ có mái tóc thề nhưng mái tóc ấy không phải xoã xuống tạo bóng mát cho tình yêu, tạo chiếc cầu cho anh sang em mà là mái tóc xoã để em đi lấy chồng. Oái oăm và trớ trêu là ở đó. Thiên nhiên sao vô tình với nỗi đau của kẻ tình si: “Hàng cây nghiêng nón rộn ràng tiễn nhau.”

Buồn vì tình yêu không trọn vẹn, buồn khi mình tiễn đưa người yêu lấy chồng, thi sĩ lạc lõng trong chốn trần gian “rộn ràng”. Mùa hạ, mùa tình yêu, mùa của hoan lạc, hạnh phúc viên mãn cũng theo em, thi sĩ trở thành khách lạ ngay trong thế giới của riêng mình “Ta như khách lạ tìm đâu bóng mình”, hình như tôi đang cảm nhận nỗi chua chát đến tê đầu lưỡi, nỗi cô đơn đến rợn ngợp “khách lạ không tìm thấy bóng mình”. Tôi lại thấy đâu đây bóng hình Hàn Mặc Tử:

Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi thôi ước mơ.

Với Mặc Tử khi em lấy chồng là kết thúc tất cả: cõi mơ, tình mộng, niềm vui, nỗi buồn… Hư Vô không kết thúc vẫn đong đầy những khát khao:

Bên đời nắng có lung linh
Để em giấu kín chút tình phôi pha
Còn thương góc phố quê nhà
Vàng em áo hạ, buồn ta mưa về…

Nắng đâu còn trong veo, nắng đã lung linh nhuốm màu hư ảo, màu của lãng quên, thi sĩ vẫn mong mỏi đến tuyệt vọng “em giấu kín chút tình phôi pha”. Mối tình ấy sâu đậm đến khắc cốt ghi tâm, không thể quên và không bao giờ quên. Tình ấy mãi vần vương đến “còn thương góc phố quê nhà”, nơi chúng ta từng hẹn, nơi tình yêu của tuổi học trò bừng cháy những khát khao, chữ nghĩa bây giờ dung dị, giản đơn như một khúc ca dao buồn, da diết vang lên từ làng quê Nam bộ “còn thương” hai thanh bằng tạo âm hưởng kéo dài thê thiết của mối tình quá khứ làm sao quên, thương góc phố, quê nhà lặng lẽ, thương hạ vàng áo em và thi sĩ càng cảm nhận nỗi cô đơn cứ rộng đến vô cùng để rôi kết đọng lại thành những cơn mưa hạ ướt đẫm hồn, ướt đẫm tình, tình vô biên. Giấu… như một quãng lặng của cảm xúc ngậm ngùi, của mối u tình mà dẫu cơn mưa có ướt, có thấm đẫm cũng không thể phôi pha. Áo hạ vàng- một bài thơ của tình yêu dang dở, khúc ca buồn của Hư Vô về một cuộc tình đã qua nhưng không tan biến. Tình đã hoà thành dòng chảy của thời gian để rồi rung lên thành cung đàn bất tận. Tôi như thấy thi sĩ ngồi giữa biển hoa vàng nghe hạ chảy trên tay. Không gian, thời gian dường như trầm mặc như tâm trạng đầy uẩn khúc của thi sĩ. Hạ vàng hay áo em nhuộm vàng mùa hạ, nhuộm hồn anh tơi tả những dấu mưa.

Trần Sương Lam
(Kính tặng nhà thơ Hư Vô.)
22/11/2017

XIN MỜI THĂM NGƯỜI TÌNH HƯ VÔ Ở ĐÂY: http://nguoitinhhuvo.wordpress.com/
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Áo Em Mỏng Qúa Lòng Ta Gập Ghềnh, Vũ Thanh Hoa

Tôi đọc thơ lục bát của Hư Vô đã lâu và mỗi khi có dịp đọc lại, tôi lại như thấy mình lạc vào những giấc mộng vàng, nơi có bóng trăng khuyết ảo mờ, những cơn mưa mùa hạ dịu dàng và những dáng hoa thấp thoáng lụa là… Một khung cảnh Miền Nam xưa đẹp và buồn trong ký ức người xa xứ. Hư Vô định cư ở Sydney (Úc), có lẽ trong lòng anh còn nhiều nỗi khắc khoải về cố hương: Đâu biết trước đời nhiều dâu bể/Chạy loanh quanh tóc đã hai màu/Tìm được lối về trăng rơi xuống đất/Chúng mình mất hết, chỉ còn nhau… (Chúng mình Mất Hết, Chỉ Còn Nhau – Hư Vô)
Mời bạn đọc chùm thơ Lục bát của nhà thơ Hư Vô với Vũ Thanh Hoa:

Vài dòng về tác giả:

Hư Vô

Tên thật:
Hùng Võ
Sinh quán: Việt Nam

Trú quán:
Sydney, Australia

Sinh hoạt văn học nghệ thuật:
Chủ biên Quán Thơ Hư Vô trên Bán Tuần Báo Việt Luận Úc Châu

Tác phẩm:
-Thành Phố Anh Đến, Thơ 1974
-Chúng Mình Mất Hết, Chỉ Còn Nhau, Thơ 2007
-Tuyển Tập 6 Nhà Thơ Úc Châu, Thơ 2010, (in chung với 5 tác giả khác)
-Người Tình Hư Vô, Thơ 2011
-Người Tình Hư Vô, CD 2011 (gồm 12 bài thơ được phổ nhạc bởi Phạm Quang Ngọc)

Đang in:
– Lưng Nguyệt, Thơ 2015
– CD Còn Có Chút Em (Tình Ca Hư Vô – Anh Bằng)

Sẽ in:
– Đường Vào Bể Dâu, Hồi Ký

ÁO XUÂN THÌ

Ơn em,
áo Tết đã vàng
Đàn chim vỗ cánh dung nhan
dậy thì
Tôi về mất dấu
thiên di
Đường năm bảy ngả biết đi
lối nào?

Vườn xưa
nắng ở trên cao
Bóng nghiêng chưa tới lối vào
áo em
Cảm ơn,
phố vẫn trinh nguyên
Để tôi giấu kín tôi riêng
hình hài.

Đường nào
mái tóc chẻ hai?
Nhánh chia Đề Thám cho
dài Lý Bôn
Từ em,
đôi mắt biết buồn
Áo bay
cuốn góc linh hồn tôi theo.

Tay trần che giấc
chiêm bao
Dáng xuân mù mịt tơ nhầu
đáy gương
Lối về
mất dấu uyên ương
Tôi nghe đã tới cuối đường
bơ vơ…

EM. MÙA THU LỤC BÁT

Từ nay em khóc một mình
Đâu còn tôi dỗ tội tình môi em
Góc phòng mù mịt, tối tăm
Bỏ quên một chỗ em nằm trống trơn.

Mùa thu đã mất linh hồn
Tóc tơ buông thấp cho còn thơm tho
Gối chăn cũng biết so đo
Em ôm cái bóng nằm co đợi chờ.

Từ đêm trăng khuyết tình cờ
Trong mắt em bỗng bất ngờ đổ mưa
Ướt cành liễu rũ vườn xưa
Thả câu lục bát cho vừa thu phai.

Còn nghe tiếng lá thở dài
Em quẩn quanh một hình hài như không
Trăm năm tôi vẫn nặng lòng
Hạt mưa rớt xuống cong vòng bóng em…

ÁO HẠ VÀNG

Em qua bóng đổ hiên ngoài
Đàn chim sáo nhỏ vụt bay cuối ngàn
Giật mình hạ rớt thênh thang
Nở trên nhánh tóc em vàng cánh hoa.

Nắng trong veo, thấu lụa là
Áo em mỏng quá lòng ta gập ghềnh
Dù là một thoáng lênh đênh
Đã nghe mùa hạ chảy trên phím đàn.

Từ em xoã tóc sang ngang
Hàng cây nghiêng nón rộn ràng tiễn nhau.
Em mang mùa hạ qua cầu
Ta như khách lạ tìm đâu bóng mình

Bên đời nắng có lung linh
Để em giấu kín chút tình phôi pha
Còn thương góc phố quê nhà
Vàng em áo hạ, buồn ta mưa về…

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Quang Ngọc phổ nhạc với cùng tựa đề, hát lần đầu tiên bởi ca sĩ Mai Thiên Vân.

TƠ MƯA

Mưa qua khuất lối em vào
Ta gom chẳng thiếu hạt nào, cho em!
Thênh thang dòng tóc bay nghiêng
Kết mưa trổ nhánh oan khiên giữa đời.

Lòng như giọt nước chẻ đôi
Chở sông lên núi nằm phơi nỗi buồn
Trăm năm ngủ với cội nguồn
Để chiêm bao được ở luôn cõi người.

Nửa em còn đọng trên môi
Có nghe son phấn bồi hồi bóng gương?
Nghiêng vai ta gánh vô thường
Mang núi xuống biển trải đường em qua.

Mưa đan kín lối lụa là
Dáng em chưa thấy đã xa muôn trùng
Tơ trời dẫu có bao dung
Cũng đâu buộc nổi tận cùng bể dâu…

CHÀO EM THÁNG 10

Chào nhau một nụ tháng 10
Mùa xuân nở giữa môi người ngọt ngây
Cảm ơn em mái tóc dài
Thả tôi lêu lỏng trên vai một thời.

Chào nhau nụ ấm hơi người
Cảm ơn em đã vì tôi biết buồn
Môi tròn theo dấu phấn son
Áo chia hai vạt tôi buồn một bên!

Ơn em xin nguyện đáp đền
Thì tôi cũng được chút huênh hoang rồi!
Trả nhau chưa dứt nợ đời
Mà tim tôi đã tơi bời đó em.

Nợ nần chồng chất nặng thêm
Cảm ơn em vẫn còn kềm chân tôi
Chào em môi đỏ tháng 10
Thơ tôi trải xuống em ngồi cho êm…

HƯ VÔ

Vũ Thanh Hoa

XIN MỜI THĂM NGƯỜI TÌNH HƯ VÔ Ở ĐÂY: http://nguoitinhhuvo.wordpress.com/
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Nhát Chém Hư Vô. Tô Đăng Pha

“Nắng trong veo…thấu lụa là
Áo em mỏng quá, lòng ta gập ghềnh
Dù là một thoáng lênh đênh
Đã nghe mùa hạ chảy trên phím đàn
Từ em tóc xoả sang ngang
Hàng cây nghiêng nón rộn ràng tiễn nhau”

-Hư Vô-
Bài thơ đọc lướt qua, có vẻ như là của gã si tình, nhưng nếu đọc kỹ, đó là bài thơ của người đã ngộ đạo. Nét độc đáo là Trí Tuệ sáng ngời của Hư Vô Thi Sĩ đã đạt tới cảnh giới “trạm nhiên thường tịnh” hay là “định trong động”. Đoản thơ là một bài Pháp rất thâm sâu và tuyệt vời nếu ta chịu đăm chiêu hơn chút nữa trong từng lời từng ý. Bây giờ thử ta đọc lại thong thả, thêm một lần nữa:
“Nắng trong veo…thấu lụa là
Áo em mỏng quá, lòng ta gập ghềnh”

Chức năng của “nắng” là soi sáng, nắng lên xua tan màn đêm đen tối và đồng thời phơi bày tất cả vạn vật. Nói cách khác nắng là nền tảng căn bản cho sự nhận ra của cái đẹp. “Nắng trong veo” ở đây là một ẩn dụ, đó là biểu tượng cho trí tuệ “thấu” thị của Hư Vô Thi Sĩ.
Chỉ có Trí Tuệ của “nắng trong veo” mới có khả năng nhìn “thấu lụa là”, tức là bản chất tạm bợ mong manh, của đời sống “lụa là” mang tính chất hưởng thụ của các dục trong hiện tại của đại đa số con người ngày nay.
“Áo em mỏng quá, lòng ta gập ghềnh
Dù là một thoáng lênh đênh”

Trí Tuệ “thấu lụa là” chạm phải “làn áo mỏng”, kết quả là: “lòng ta gập ghềnh”? Té ra phản ứng của Hư Vô Thi Sĩ cũng không khác chi bao gã si tình khác ư? Có thật thế không?
Nhưng ở đây, các trạng từ “gập ghềnh”, “lênh đênh” của Hư Vô Thi Sĩ gợi cho ta hình ảnh gì? Có phải là một con thuyền đang lướt trên sóng? Thuyền tuy “gập ghềnh”, “lênh đênh”, nhưng thực ra vẫn đang lướt tới, đang đi đến mục đích đã được định sẵn. Hơn thế nữa có con thuyền nào mà lại không “gập ghềnh”, “lênh đênh” trên sóng nước? Điều quan trọng hơn hết không phải là không lênh đênh mà là không lạc hướng và không bị sóng nhận chìm. Còn việc “gập ghềnh”, “lênh đênh” là chuyện đương nhiên của thân phận con thuyền. Vì lẽ? Có lẽ trên đời này không hề có con thuyền nào không “gập ghềnh”, “lênh đênh” trên sóng nước cả. Vì thế sự cố gắng giữ cho thuyền không lênh đênh quả là một việc làm vô ích, sẽ không mang đến kết quả gì. Việc cần làm chỉ chăm chú sao cho khõi bị chìm để đi đến đích cần đến là được, hãy cứ để mặc cho con thuyền lênh đênh gập ghềnh trên sóng nước.
“Dù là một thoáng lênh đênh
Đã nghe mùa hạ chảy trên phím đàn”
Dù chỉ là một thoáng lênh đênh đó, cũng đủ cho bài thơ tuyệt vời này ra đời, cho độc giả gần xa, chia sẻ cái nhìn trí tuệ của Hư Vô Thi Sĩ: “Mùa hạ chảy trên phím đàn” là một ẩn dụ đẹp, một lối nói hoa mỹ cho sự hiện thân của bài thơ này, “phím đàn” hay bài thơ đều thuộc lãnh vực Thi Ca. Nó là tinh tuý của một cuộc tương phùng rất hy hữu: Sự Tương Phùng của “Trí Tuệ Nắng Trong Veo” của Hư Vô Thi Sĩ và “Áo Mỏng Lụa Là” của nhân gian. Kết quả của sự tương phùng này chính là một dòng chảy thi ca của “mùa hạ chảy trên phím đàn”, tức là bài thơ tuyệt vời này đây!
“Từ em tóc xoả sang ngang
Hàng cây nghiêng nón rộn ràng tiễn nhau”

Ô hay, gặp gỡ tương phùng để rồi tiễn đưa vốn và chuyện xưa như trái đất. Như hai mặt của một đồng tiền, không hề có cuộc tương phùng nào không kết thúc với chia ly! Nhưng thái độ lúc chia ly của Hư Vô Thi Sĩ mới là điều đáng nói: “Hàng cây nghiêng nón rộn ràng tiễn nhau”
“Rộn ràng” đó là trạng từ chỉ niềm vui. Nhưng chia ly có gì vui? Nhất là khi chia ly vì em đã sang ngang? Chỉ khi nào có được Trí Tuệ “nắng trong veo” thấu thị bản chất của “tương phùng” và “ly biệt” thì lòng mới có thể “rộn ràng tiển nhạu” lúc chia ly được! Nếu không thì:
“Ngày nhà em pháo nổ, Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ, Trong trái vải cô đơn
Ngày nhà em pháo nổ, Tâm hồn anh nhuốm máu
Ôi nhát chém hư vô, Ôi nhát chém hư vô”

(Phạm Văn Bình)
Vậy đó, ôi nhát chém hư vô! Nhưng ở đây Nhát Chém của Thi Sĩ Hư Vô là nhát chém của Trí Tuệ, không làm tâm hồn anh nhuốm máu mà lại có khả năng đưa đến việc “rộn ràng tiễn nhau” thay vì phải “cuộn mình trong chăn.” Đó là hai thái độ tương phản của hai tâm thức trên cùng một sự kiện “sang ngang”!
Nhát chém hư vô trong bài thơ này không nhận chìm con thuyền mà đó là vết chém của Trí Tuệ. Đó chính là sự cắt bỏ, sự từ bỏ của tất cả những gì thuộc lãnh vực của kinh nghiệm nhận thức trong “một thoáng lênh đênh” của đời người.
Xin Cám Ơn Hư Vô Thi Sĩ đã điềm nhiên đem tinh hoa Phật Giáo gói ghém trong bối cảnh thơ tình cho nhân gian dễ thể nhập.

Tô Đăng Khoa


XIN MỜI THĂM NGƯỜI TÌNH HƯ VÔ Ở ĐÂY: http://nguoitinhhuvo.wordpress.com/
Chưa có đánh giá nào
Trả lời