Một số bài cùng từ khoá
Một số bài cùng tác giả
Một số bài cùng nguồn tham khảo
Chữ giao nguyền với mấy năm tròn,
Xe nón tình kia mãi mãi còn.
Chẳng biết dạ người đen tựa mực,
Sao hay lòng khách thắm như son.
Còn tai chữa vãng lời vàng ngọc,
Có mắt càng xem mặt nước non.
Chớ trách chúa xuân lòng mỏi mệt,
Mận đào được thế tiếng công môn?
Theo TS. Phạm Trọng Chánh, Chí Hiên là một bút hiệu khác của Nguyễn Du sử dụng từ năm 1786 đến 1796, do sự kiện sau khi nhà Trịnh sụp đổ Nguyễn Du chạy sang Vân Nam cùng với Nguyễn Đại Lang tức Cai Gia và Nguyễn Sĩ Hữu tức Nguyễn Quýnh vì Nguyễn Khản làm thượng thư bộ Lại kiêm cả binh quyền Thái Nguyên, Hưng Yên, Sơn Tây (Hưng Yên do con rể Nguyễn Huy Tự làm trấn thủ cùng hai em Nguyễn Trứ và Nguyễn Nghi; Sơn Tây do Nguyễn Điều làm trấn thủ, Nguyễn Nể phụ tá). Tại Thái Nguyên, Nguyễn Du nắm giữ đội quân hùng hậu nhất: Chánh thủ hiệu quân hùng hậu hiệu Nguyễn Quýnh, chức trấn tả đội với sự cố vấn quân sư của Cai Gia, một tay giặc già Trung Quốc phản Thanh phục Minh, sang đầu quân dưới trướng Nguyễn Khản, Nguyễn Du có kết nghĩa sinh tử với Cai Gia nên gọi là anh cả. Trong thơ chữ Hán (Thanh Hiên thi tập), ông cho biết ông ở vùng núi có tuyết, dân cư trưởng giả ăn mặc theo nhà Hán, và không theo lịch nhà Tần. Đến Vân Nam ông bị bệnh ba tháng nên chia tay cùng Nguyễn Đại Lang hẹn gặp lại ba năm sau ở Hàng Châu, chia tay với Nguyễn Sĩ Hữu trở về làm chủ Hồng Lĩnh khởi nghĩa chống Tây Sơn. Hết bệnh Nguyễn Du không đến Nam Ninh với vua Lê Chiêu Thống mà đi chu du lên Trường An, và xuống Hàng Châu (Nguyễn Du có các bài thơ làm năm 1787-1790 như Dương phi cố lý, Bùi Tấn công mộ, Phân kinh thạch đài và 5 bài thơ bên miếu Nhạc Phi không nằm trên đường đi sứ năm 1813), không tiền nhưng muốn theo gương Lý Bạch, tuổi trẻ đi chu du khắp Trung Quốc.
Nguyễn Du đã trở thành một nhà sư đội mũ vàng, đi giang hồ trong 3 năm (thơ Nguyễn Hành có nhắc chuyện này) bằng cách tụng kinh Kim Cương làm công quả tại các chùa trên đường đi để kiếm ăn (bài Phân kinh thạch đài). Hành trang bên mình Nguyễn Du là quyển Kinh Kim Cương chú giải của Lê Quý Đôn, một quyển sách yêu chuộng của giới trí thức Bắc Hà thời bấy giờ. Nguyễn Du xưng danh hiệu là Chí Hiên. Chí lấy từ danh Chí Thiện thiền sư, chưởng môn danh tiếng phái Thiếu Lâm thời vua Càn Long trở thành đề tài nhiều bộ sách, và Hiên của gia đình, cha là Nghị Hiên, anh là Quế Hiên. Đến Hàng Châu điểm hẹn với Nguyễn Đại Lang là miếu Nhạc Phi, nơi đây Nguyễn Du dừng khá lâu nên làm 5 bài thơ về Nhạc Phi, Tần Cối và Vương Thị và ở gần đó, ngôi chùa Hổ Pháo nơi Từ Hải từng tu hành, nơi đây Nguyễn Du tiếp xúc với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân đang bán và nổi tiếng tại Hàng Châu, và từ đó trở thành quyển sách bên mình Nguyễn Du. Sau đó nhờ Cai Gia chu cấp Nguyễn Du đi xe song mã lên Yên Kinh và trở về đến Hoàng Châu (Hà Bắc) thì gặp Đoàn Nguyễn Tuấn và anh Nguyễn Nễ trong sứ đoàn Tây Sơn. Đoàn Nguyễn Tuấn có hai bài thơ bàn luận sôi nổi với văn nhân họ Nguyễn tại Hoàng Châu, và viết bài về “hồng nhan đa truân” trên đường đi sứ (Hải Ông thi tập). Sau đó Nguyễn Du trở về Long Châu, Nam Đài chờ đợi và về Thăng Long mùa xuân năm 1790 cùng sứ đoàn của anh. (Xem Phạm Trọng Chánh, Nguyễn Du, mười năm gió bụi, Khuê Văn Paris xuất bản, 2011)
Hai bài thơ này được cho là của Nguyễn Du, viết năm 1796 sau khi Hồ Xuân Hương bị mẹ ép gả cho thầy lang xóm Tây làng Nghi Tàm. Nguyễn Du sau khi ra khỏi tù ở Hà Tĩnh, ban đêm trốn ra Thăng Long, viết. Do chưa được thống nhất về tác giả, Thi Viện vẫn tạm xếp bài thơ này vào mục thơ Hồ Xuân Hương.
[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]