Đăng bởi Hư Vô vào 08/07/2018 07:11
Mưa Sài Gòn còn thơm dáng tóc
Thả xuống lưng chừng vai áo xưa
Đường Tự Do hay Thương Xá Tax
Chỗ nào cũng có bóng em qua!
Phố xá dường như đang mười sáu
Từ em thảng thốt nụ hôn đầu
Còn giấu hồn tôi trong vạt áo
Cho nợ nần quấn quít đời nhau.
Không phải chiêm bao thì cũng đã
Có một thời rộn rã tình nhân
Để em ve vuốt cùng tháng bảy
Những hạt mưa lăn ướt môi trần.
Cũng có đôi lần em biết khóc
Khi phố phường đã vắng bóng tôi
Dù Sydney hay Los Angeles
Thì buồn nào cũng giống nhau thôi.
Mà chỉ riêng một mình tôi hiểu
Đường ngược chiều mù lá sương bay
Em bước cho dài thêm tháng bảy
Cũng đâu níu kịp một hình hài…
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Kỷ niệm đối với tôi đó là những gì thật sự trân quý. Có thể đó là một kỷ niệm vui cũng có khi là kỷ niệm buồn. Nhưng cho dù vui hay buồn nó vẫn luôn hiện diện trong tâm hồn tôi, ru ngủ tôi trong những tất bật của cuộc sống. Tôi thường gọi đó là những hoài niệm khó quên. Nhất là những hoài niệm về những mối tình đã đi qua trong lứa tuổi học trò đẹp như những bông hoa phượng vĩ trên cành chỉ rực rỡ mỗi độ hè về.
Nhà thơ Hư Vô cũng đi qua tuổi học trò với những mối tình sầu mãi mãi còn trong bao thăng trầm của đời sống. Thêm một mùa thu qua, thêm một tuổi thì nỗi nhớ dường như càng nồng nàn, say đắm hơn vì mối tình ấy chưa đi đến cuối đường đã vội vàng rẽ nhánh để lại sau lưng những đau khổ, nuối tiếc khôn nguôi như bài thơ “Thêm Một Lần Tháng Bảy” của thi sĩ Hư Vô
Tôi không nhớ Sài gòn trước đây tháng bảy thế nào? Vì tháng bảy là tháng nghỉ hè. Tôi thuở nhỏ lại là con mọt sách hình như chữ “chơi” với tôi là một khái niệm mơ hồ. Nhưng khi đọc bài thơ thì trong tôi mùa mưa Sài gòn, mùa thu Sài gòn như đang hiển hiện trước mắt bềnh bồng, mơ hồ, xa xăm… Một Sài gòn chưa đi đã nhớ, càng ở càng thương. Tôi nhớ những con đường cây xanh bóng mát ngày hai buổi đi về. Con đường Đoàn Thị Điểm, Ngô Thời Nhiệm, Phan Thanh Giản, Bà Huyện Thanh Quan… sao mà thương đến thế. Thế giới tôi chỉ đơn giản là con đường đến trường với những tàng cây rợp mát, hoa Ngọc Lan thơm ngát con đường mưa. Nhưng đối với Hư Vô lại là con đường của hẹn hò, của tình yêu tuổỉ học trò thơm ngát. Mưa, tà áo dài, mái tóc thề ngang lưng ngày ấy có lẽ đã trở thành một hình ảnh quen thuộc của thơ ca trước đây:
Mưa Sài Gòn còn thơm dáng tóc
Thả xuống lưng chừng vai áo xưa
Đường Tự Do hay Thương Xá Tax
Chỗ nào cũng có bóng em qua!
(Hư Vô)
Mưa thơm. Mưa không màu, không mùi vào trong thơ thành mưa thơm. Mưa thơm vì mưa thấm em, thấm mùi hương áo em, tuổi thanh xuân, mùi thơm thật khó quên, mùi thơm làm bao nhiêu trái tim phải bối rối ngăn cảm xúc đang tuôn chảy thành dòng. Có một thời tôi rất yêu “Một Chút Mưa Thơm”của Mường Mán nhà thơ của Sinh viên Sài Gòn những năm 70.
Mưa thân ái trên tay
Tay mỏi rời trong tóc
Tóc nhớ ai mọc dài
Mắt nhớ ai muốn khóc
Tay của em
Tóc của em, và
Mắt của em
Của mưa của mưa, ừ
Của mưa
Tay em tay mưa
Tóc em tóc mưa
Mắt em mắt mưa…
(Mường Mán)
Để rồi cũng cơn mưa thơm ấy vào tôi cũng trở thành ám ảnh chẳng nguôi ngoai:
Cho em chút mưa thơm
Rơi trên tay ngọt ngào
Mưa ơi em quên hết
Giọt sầu môi run run
(Mường Mán)
Mở đầu không gian tình yêu của Hư Vô là không gian của khứu giác: tưởng nhớ một mùi hương. Không hiểu sao khi tôi đọc “Mưa Sài Gòn còn thơm dáng tóc” tôi lại nhớ đến một tình Kim Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du với câu thơ thật lãng mạn “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình” mùi hương “xộc” vào tâm hồn ta; mưa và mái tóc dài ngang lưng thật ấn tượng. Người lãng mạn ai mà không yêu mưa. Những cơn mưa thấm đất, thấm vào lòng người, thấm vào cuộc tình nỗi nhớ miên man:
Ở đầu kia nỗi nhớ
Nằm đếm tiếng mưa rơi
Đếm mấy triệu hạt rồi
Mà chưa vơi nỗi nhớ
(Trần Đình Chính)
Để rồi những hạt mưa thấm đẫm mái tóc em ướt bờ vai con gái thành một ám ảnh không phai. Tháng bảy mưa. Mưa suốt cả ngày, cả chiều và cả đêm. Những hàng cây rũ rượi trong mưa. Những mái hiên che dọc đường Tự Do, thương xá Tax thành chỗ trú mưa, thành chốn em qua. Những con đường em đến và đi trong cuộc tình đã trở thành con đường mang tên em.
Chỗ nào cũng có bóng em qua!
(Hư Vô)
Tôi thích ngôn ngữ thơ của Hư Vô đơn sơ nhưng gợi. “Chỗ nào” thì hình như đã là tất cả, nghĩa là thế giới của anh, em đã chiếm lĩnh tất cả nhưng buồn ở chỗ nó không phải “dáng em” mà là “bóng em” nghĩa là nó đã trở thành mơ hồ, sương khói, chỉ là bóng không còn là hình, chỉ còn là hư ảo với bao nhớ tiếc khôn nguôi.
Bốn câu thơ đầu, Hư Vô để chút hương gây mùi nhớ, để cơn mưa làm tan biến cái hữu hình và bức chân dung tình yêu trải rộng một nỗi nhớ “hư hao”.
Phố mưa- mái tóc- con đường cuộn tròn lại thành nỗi nhớ, thành nụ hôn đầu của em mười sáu tuổi:
Thanh xuân lại chìm ngập không gian yêu. Thời gian quay lại thanh xuân. Hư Vô quay lại với nụ hôn đầu mê đắm:
Phố xá dường như đang mười sáu
Từ em thảng thốt nụ hôn đầu
Còn giấu hồn tôi trong vạt áo
Cho nợ nần quấn quít đời nhau.
(Hư Vô)
Nụ hôn vội vàng, cuống quýt, lơ ngơ sao mà dễ thương chi lạ. Nụ hôn mà bao năm rồi vẫn cứ làm ta ngơ ngẩn, ngẩn ngơ. Nụ hôn mà Trần Dạ Từ từng say đắm đến dại khờ:
Lần đầu ta ghé môi hôn
Trăm con ve nhỏ hết hồn kêu vang.
(Trần Dạ Từ)
Nụ hôn “hết hồn” trăm con ve nhỏ, hết hồn chàng thi sĩ đa tình và “em” cũng ngẩn ngơ theo. Nụ hôn của Hư Vô với tình nhân là “thảng thốt”. Cả hai thi sĩ đều có một cảm giác bất ngờ, bàng hoàng đến ngẩn ngơ với nụ hôn đầu đời và có lẽ thế giới đang chuyển động phải dừng lại nhiều giây chờ nụ hôn đầu. Câu thơ gợi lại trong ta- những người đã từng có “nụ hôn đầu” một cảm xúc khó diễn tả thành lời. Nụ hôn là kết đọng của cảm xúc, của tình yêu, của những thăng hoa. Nụ hôn đầu của Hư Vô làm sống lại những gì già cỗi trở lại thanh xuân và cũng từ đây cõi riêng của “anh và em” bắt đầu những nợ nần, quấn quít đời nhau. Giọng thơ mê man, chìm đắm trong cõi riêng, ta cảm nhận hình như đã đủ đầy hạnh phúc, đủ đầy yêu thương.
Tình yêu đẹp như một giấc chiêm bao. Câu thơ dường như là chiêm nghiệm của thi sĩ: Cái gì đẹp thường không ở với người ta lâu. Mưa tháng bảy và giấc mơ dường như đã báo trước sự tan rã của đôi tình nhân:
Không phải chiêm bao thì cũng đã
Có một thời rộn rã tình nhân
Để em ve vuốt cùng tháng bảy
Những hạt mưa lăn ướt môi trần.
(Hư Vô)
Tôi đã từng đầu trần trong mưa lang thang bao nhiêu con đường những lúc cô đơn và tôi hiểu mưa là mở ra một thế giới tâm trạng với bao uẩn khúc. Hư Vô đã đưa tình yêu của mình vào thế giới mưa- thế giới của bao nỗi ngậm ngùi. Mưa vuốt ve ướt môi trần tình nhân. Những giọt mưa ve vuốt em, cái lạnh cũng theo về. Mưa tháng bảy dường như đã đưa ta vào thế giới lạnh lẽo với “những hạt mưa lăn”, mưa không rơi mà lăn như tô son lên môi tình nhân. Môi như mềm hơn nhưng lại ướt trong lạnh lẽo.Tôi cảm nhận sự chia ly đã bắt đầu từ đây, từ những giọt mưa lăn trên đôi môi người con gái.
Để rồi cái ngày chia ly cũng đến, cũng chạm vào cuộc tình thơ mộng thuở đầu đời:
Cũng có đôi lần em biết khóc
Khi phố phường đã vắng bóng tôi
Dù Sydney hay Los Angeles
Thì buồn nào cũng giống nhau thôi.
(Hư Vô)
Nhà thơ đã tượng hình một không gian ảo trên cái nền hiện thực Sài gòn- Sydney- Los Angeles nơi Hư Vô đã từng đặt dấu chân qua: Sài gòn chỉ còn là miền ký ức, tình yêu anh đã để lại nơi này, để lại em với “dòng nước mắt” cùng nỗi nhớ tình nhân. Em biết khóc đôi lần có phải Hư Vô tham lam muốn người ở lại cả đời cứ nhớ, cứ thương một người mù khơi hay nhà thơ đang hỏi lại mình. Có bình yên nơi xa xôi không? Hay vẫn cứ canh cánh một nỗi niềm ray rứt khôngnguôi. Tình buồn và nỗi nhớ khó nguôi ngoai. Tôi không còn bên em, không gian chúng mình thật diệu vợi, lạc nhau, mất nhau rồi nỗi buồn như nhân đôi “Dù Sydney hay Los Angeles/ Thì buồn nào cũng giống nhau thôi.”
Thể thơ thất ngôn phù hợp với biểu hiện cảm xúc tâm trạng, cả câu thơ chỉ duy nhất một thanh bằng tạo một cảm giác lạc lõng, chơi vơi không định hướng để rồi chìm đắm trong cõi sầu bát ngát. Dòng tiếp theo lại có đến 5 thanh bằng để rồi kết thúc bằng âm vang “thôi”. Thôi là kết thúc, là chấm dứt là không còn gì. Chữ nghĩa dường như nhoè đi trong sự se xót. Buồn, em ở lại, tôi đi, sự chia cắt rạch ròi cả hai không còn chung lối, tình lỡ, nỗi buồn như ngân vang thành tiếng thơ đến xé lòng.
Tháng bảy mùa ngâu, mưa như trút nước. Mưa gợi nhớ bao nhiêu điều; có điều mọi người ai cũng hiểu nhưng có điều chỉ có mình nhà thơ hiểu:
Mà chỉ riêng một mình tôi hiểu
Đường ngược chiều mù lá sương bay
(Hư Vô)
Con đường tình yêu không còn chung một lối. Tôi và em ngược hướng nhau rồi. Sự dõi tìm là vô vọng. Chiều đã xuống, sương phủ nhạt nhoà và lá bay khi mùa thu tới. Tất cả đã chìm khuất, mịt mờ. Trong sương khói của mưa, của mùa thu bóng em vẫn hiện ra thật đậm, thật rõ ràng với những bước chân thật dài, bước chân đuổi theo tình yêu đã mất dần dấu vết:
Em bước cho dài thêm tháng bảy
Cũng đâu níu kịp một hình hài…
(Hư Vô)
Tôi chạnh thương người con gái với tình đầu dang dở, có thể đối với một ai đó nó chỉ là một thoáng phôi pha nhưng có thể với ai đó thì ngàn năm vẫn không quên.
Tình yêu chỉ mang đến cho ta thoáng ngậm ngùi, nỗi khổ đau nhất là đối với những tình yêu không trọn vẹn.
Thêm một lần tháng bảy là thêm khoảng cách của chia ly, thêm một lần nhói buốt trái tim yêu, thêm một nỗi niềm thống khổ của hai con người yêu mà không thể ở gần nhau. Đã là mưa thì ở đâu cũng thế. Cũng buồn như nhau. Đã là ly tan thì ở đâu cũng đau. Mùa mưa vẫn cứ về như một quy luật tuần hoàn của thời gian nhưng tình yêu thì không có quy luật, đến và đi là lẽ vô thường. Vì vô thường nên ta cứ đau mãi không nguôi, nên vẫn cứ cúi xuống khóc cho những mối tình dang dở…
Trần Sương Lam