Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Hư Vô » Lưng nguyệt (2015)
Áo tình nhân em phơi vào Tết
Trên chồi mai nhọn đóa xuân thì
Em phơi cái bóng tôi trong mắt
Vạt áo buồn ai bay ướt mi.
Ngày tôi đi em còn kẹp tóc
Đứng nép bên song để đợi chờ
Tôi về không kịp như hò hẹn
Xác pháo đường hoa đỏ dốc mơ.
Em còn đứng bên bờ tơ lụa
Áo chưa khô giọt lệ lăn trầm
Để em mặc khoe cùng nhan sắc
Chút kiêu kỳ tặng phẩm tình nhân.
Thì như tôi vẫn còn đâu đó
Ở loanh quanh một chỗ thật gần
Tìm trong hương cũ em sẽ thấy
Mùa xuân đang chạm tới da trần...
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Hư Vô ngày 13/07/2018 16:24
Đẹp nhất trong năm là những ngày sắp Tết. Trời se se lạnh cho dù khí hậu Sai gòn sớm nắng chiểu mưa. Còn gì thú vị hơn khi được lang thang qua những con đường vắng, đón Tết sớm của riêng mình cũng là một hạnh phúc không dễ gì có được.
Sài gòn ngày xưa đi đâu đâu ta cũng bắt gặp những tà áo dài thướt tha trong gió. Nữ sinh, phụ nữ làm công sở, người đi chơi… ai cũng thích mặc áo dài. Tôi một người con gái của Sài gòn thuở ấy cũng chỉ thích một trang phục duy nhất – áo dài.
Đêm giao thừa nào cũng vậy, cả nhà tôi đều đi lễ chùa, hái lộc đầu năm. Những tà áo dài tha thướt trong đêm sương lành lạnh, trong mùi nhang trầm thơm ngát, trong tiếng chuông chùa, trong tiếng pháo đì đùng tiễn đưa năm cũ là những kỷ niệm không dễ gì quên, nó đi vào cuộc sống của tôi thầm lặng mà đầy nhung nhớ mênh mông. Tôi yêu mùa xuân, tôi yêu Sài gòn những ngày giáp Tết:
Giao thừa em đi hái lộc
Chuông chùa theo gió trầm đưa
Lòng tôi vang hồi tín mộ
Trôi dài suốt chuỗi ngày xưa
(Sưu tầm)
Sài gòn sau 75 bao thay đổi. Đổi từ diện mạo đến cách sống, giá trị sống và cả con người. Bây giờ còn mấy ai ngồi lặng lẽ một mình trong đêm giao thừa mà đọc thơ tình. Cuôc sống thực dụng đã làm thay đổi và đồng thời cũng làm mất đi nhiều thứ lắm. Cái thành phố từng được xem là Hòn Ngọc Viễn Đông bây giờ cũng xô bồ, chen chúc, hỗn loạn; đi tìm một chốn thanh vắng thật là không dễ dàng gì. Thôi thì trong căn phòng nhỏ của riêng mình, cái thế giới thật nhỏ nhưng không luỵ phiền mỗi ngày tôi đi về với nó để cảm nhận một thoáng bình yên trong dòng đời cuộn chảy. Tôi đón mùa xuân trong thời khắc lặng lẽ, riêng mình với bài thơ mùa xuân của Hư Vô:
Phơi Áo Tình Nhân Ngày Giáp Tết.
Áo tình nhân em phơi vào Tết
Trên chồi mai nhọn đoá xuân thì
Em phơi cái bóng tôi trong mắt
Vạt áo buồn ai bay ướt mi.
Ngày tôi đi em còn kẹp tóc
Đứng nép bên song để đợi chờ
Tôi về không kịp như hò hẹn
Xác pháo đường hoa đỏ dốc mơ.
Em còn đứng bên bờ tơ lụa
Áo chưa khô giọt lệ lăn trầm
Để em mặc khoe cùng nhan sắc
Chút kiêu kỳ tặng phẩm tình nhân.
Thì như tôi vẫn còn đâu đó
Ở loanh quanh một chỗ thật gần
Tìm trong hương cũ em sẽ thấy
Mùa xuân đang chạm tới da trần…
Hư Vô
Trong tình yêu, quà tặng cho nhau là điều bình thường. Tặng quà – món quà người yêu mình thích đó là điều những người yêu nhau thường làm. Tặng để lưu dấu tình yêu, tặng như một lời đính ước, đợi chờ nhau…
Hư Vô tặng cho tình nhân mình chiếc áo. Món quà bình thường, giá trị vật chất không cao nhưng nó bao hàm một ý nghĩa sâu sắc. Tặng áo để người yêu luôn nhớ về mình, nhớ những kỷ niệm tình yêu. Món quà của thi sĩ phù hợp với tình yêu ngây thơ, đượm sắc màu lãng mạn của mối tình đầu thời đi học. Thuở mà tình yêu chưa bao giờ đạt lên cân mà tính toán lỗ lời. Hẳn món quà đó làm cho người con gái được yêu muôn vàn hạnh phúc. Sư lựa chọn ngẫu nhiên vô tình trùng lặp hay là một ẩn ý của thi sĩ đưa người đọc trở về nguồn cội của chiếc nôi văn hoá dân gian, một tặng vật gợi tình, gợi nhớ đẫm chất thơ. Ca dao Việt Nam có nhiều bài nói về việc tặng áo, tặng khăn cho tình nhân. Cái áo trong ca dao đã thành vật kỷ niệm, biểu tượng của tình yêu lứa đôi nồng nàn, bền chặt, là chỗ dựa tinh thần, phương thuốc mầu nhiệm của những lứa đôi.
Chiếc áo của thi sĩ không chỉ là tặng vật đơn thuần mà gắn vào đó là lời hứa. Chiếc áo vì thế mà thiêng liêng mà mang bao giá trị. Em giữ gìn chiếc áo, đợi anh về. Thế nhưng lời hứa chưa thể thực hiện, người con gái không đủ niềm tin để đợi chờ. Chiếc áo được giấu kỹ, khoá kín như một phần đời không bao giờ được bộc lộ ra. Không nỡ bỏ, vẫn quý yêu nên Tết đến xuân về, người con gái mang chiếc áo ra phơi. Phơi có nghĩa là đã rất lâu không dùng đến, phơi là để cố giữ một kỷ niệm của một thoáng vàng son, phơi là vẫn bận lòng, vẫn một chút tiếc nhớ mối tình thơ ngây đã qua đi. Chiếc áo vì thế mà dường như có linh hồn, có nỗi buồn – nỗi buồn của những lãng quên.
Áo tình nhân em phơi vào Tết
Trên chồi mai nhọn đoá xuân thì
Áo phơi lên đón mùa xuân về. Hai sự việc như dẫn dắt nhau đưa người đọc đến thế giới của không gian tự nhiên và không gian của hồn thi sĩ.
Mùa xuân kéo theo chồi non, lộc biếc, càng đẹp hơn khi “em” đang độ xuân thì. Hư Vô thật tinh tế khi viết về mùa xuân non tơ phải là “chồi mai nhọn”, chồi nhọn là chồi chưa lớn, chưa căng tràn sức sống, còn e ấp, thơ ngây. Mùa xuân ở đây thuộc về vẻ đẹp chưa mãn khai, vẻ đẹp mới tượng hình, non tơ, nõn nà, e ấp. Vẻ đẹp tinh khiết, thơ ngây của đoá xuân ngời. Cái đẹp của liên tưởng, của dẫn dắt, của khám phá, của sự toàn bích. Hương mùa xuân bát ngát đất trời, hương xuân nữ bao la khắp chốn. Vẻ đẹp khiến ta phải cảm xúc đến trào tuôn và có khi còn phải thốt thành lời ca ngợi. Khung cảnh tươi, không gian ngát hương, mùa của đôi lứa, của tình yêu nhưng không là đôi lứa đang yêu và tình tự với mùa xuân mà lại chỉ có một – cái một lẻ loi: “Cái bóng tôi”. Nếu là người yêu thơ anh, có lẽ ta không ngạc nhiên khi thấy không gian mùa xuân xuất hiện cái bóng. Tôi nhớ đến truyện dài của Tuý Hồng “Tôi nhìn tôi trên vách” và có cảm nhận chúng ta như chiếc bóng cả đời tự rượt đuổi mình nhưng vẫn không làm sao vượt qua nỗi cô đơn. Nghĩ nhiều nên tâm động, cuộc sống chỉ có tôi tồn tại. Tâm là bóng, tình là bóng, đời cũng là một chiếc bóng. Câu thơ dường như đã cực tả được nỗi cô đơn của kẻ lãng du qua đường tình mà không có điểm dừng chỉ lang thang, đơn độc. Mối tình tơ, mối tình thơ thoáng như một giấc mơ nhưng nó để lại trong tâm hồn thi nhân bao dấu tích. Để từ đây, trong thơ Hư Vô ta thường bắt gặp chiếc bóng của chàng nghệ sĩ đa tình:
Bước chưa qua chiếc bóng
Quẩy cái gánh cồng kềnh
Mà hồn nghe luýnh quýnh
Biết còn kịp tái sinh.
(Con Đường- Hư Vô)
Một lần em biết khóc
Giọt nước mắt dậy thì
Cho trắng da dài tóc
Che bóng người tình si.
(Từ Khúc Mùa Xuân -Hư Vô)
Em mang mùa hạ qua cầu
Ta như khách lạ tìm đâu bóng mình.
(Áo Hạ Vàng -Hư Vô)
Bóng mình không tìm thấy ai tìm ra bóng ta trong cuộc đời dài rộng. Nỗi u ẩn muộn phiền đang thấm vào không gian, thấm vào lòng người những gam màu ảm đạm.
Em phơi cái bóng tôi trong mắt
Vạt áo buồn ai bay ướt mi.
Thì ra chàng đã cảm nhận rất rõ: anh không còn gì trong em. Sự hiện hữu của anh chỉ còn đọng trong đôi mắt đã mơ hồ, đã không còn tồn tại. Đôi mắt của tình xưa kéo không gian về lại quá khứ êm đềm:
Ngày tôi đi em còn kẹp tóc
Đứng nép bên song để đợi chờ
Tôi về không kịp như hò hẹn
Xác pháo đường hoa đỏ dốc mơ.
Em vẫn còn kẹp tóc, vẫn ôm cặp đến trường, vẫn đón lời hò hẹn, nép bên song đợi chờ. Mối tình có lẽ đẹp như bài thơ vì nó còn mới mẻ, còn ngây thơ, trong sáng. Họ yêu không lâu và phải từ biệt nhau với lời hẹn ước đợi chờ. Và tình yêu đã bước vào ngã rẽ, con đường anh đi lắm chông gai. Thời gian không biết là bao lâu em đã quên lời hẹn- người con gái đi lấy chồng. Có hạnh phúc không khi em là người lỗi hẹn? Có đớn đau không khi tôi không còn có em? Chỉ biết câu thơ cuối đoạn kết bằng máu đỏ của trái tim đau: “Xác pháo đường hoa đỏ dốc mơ”. Dốc mơ đâu còn màu hoa tím mà chỉ toàn sắc đỏ của ly tan. Ý thơ làm tôi nhớ đến câu thơ của TTKH:
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi, người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng
Hoa đỏ nhưng bài thơ không sáng, không rực rỡ. Dốc mơ không đẹp như thơ, màu đỏ của tim tan vỡ làm nhức nhối trái tim ta. Dốc mơ của đồi yêu bây giờ chỉ là máu nhỏ của chàng thi sĩ cô đơn. Nỗi đau vì thế đã tượng hình thành nỗi tiếc nhớ khó nguôi ngoai:
Em còn đứng bên bờ tơ lụa
Áo chưa khô giọt lệ lăn trầm
Để em mặc khoe cùng nhan sắc
Chút kiêu kỳ tặng phẩm tình nhân.
Đọc khổ thơ này tôi lại nhớ một đoạn thơ tôi biết lâu lắm từ thuở còn đi học:
Ta đứng bên đường chờ em buổi xuân
Có nụ tình xanh ru má em hồng
Có hạnh phúc nào ru đời rất ngắn
Như cuộc tình đầu mang nhiều bâng khuâng
Tình đầu luôn thánh thiện đến tuyệt vời mãi mãi ủ hương hoa trong hồn ta làm say đắm đến diệu kỳ. Người Tình Hư Vô trở thành nàng tiên trong một không gian bát ngát của tơ lụa, gấm hoa, của nhan sắc kiêu kỳ. Chiếc áo lụa là quà tặng của tình nhân càng làm rực rỡ hơn vẻ đẹp huyền hoặc, mê đắm của người con gái. Đoạn thơ sống động, rực rỡ và cũng lắm những u tình. Áo có đẹp nhưng chỉ mặc một mình không anh cùng xuống phố chỉ càng tô đậm cảm giác lẻ loi, kỷ niệm dù đẹp không đủ gói cả cuộc đời. Có tình yêu mà vẫn lẻ loi, những giọt lệ khóc thầm chảy tràn trên gối mỗi đêm, chảy thấm vạt buồn của chiếc áo hẹn hò, kỷ niệm. Với Hư Vô, xa không gian nhưng tình lại thật gần. Câu thơ bật lên nỗi niềm thấu cảm. Trái tim người tình sâu sắc, thiết tha. Thương em với nỗi buồn đơn lẻ, những lúc khóc ai là người lau nước mắt. Xa tặng áo để em luôn nhớ, để em khoe với bạn bè. Chu đáo, tận tình, đầy yêu thương, trìu mến trong cách tặng, quà tặng. Em đã qua cầu, pháo đỏ rượu hồng, xuân xanh phấp phới. Màu đỏ với em hân hoan, chất ngất. Màu đỏ trong tôi là máu nhỏ từ tim, những giọt máu tình yêu đang tuôn chảy. Đau đớn mà không oán trách mà vẫn là những chăm chút yêu thương:
Thì như tôi vẫn còn đâu đó
Ở loanh quanh một chỗ thật gần
Bềnh bồng, lãng đãng như là mưa, như là sương, là gió hay là lá nhưng dù gì đi chăng nữa vẫn là điều không tồn tại. Mạch buồn đã ngấm, chữ nghĩa đã nhoà, bóng tôi đang mờ dần, nước mắt đang nhỏ xuống… Em khóc thương tình tôi, hay em khóc cho mình không đủ kiên nhẫn để đợi chờ hay vì lẽ gì nuối tiếc một tình yêu đẹp đã phai tàn. Tôi như nghe tiếng thì thầm đầy yêu thương của thi sĩ::”Thì như tôi vẫn còn đâu đó/ Ở loanh quanh một chỗ thật gần” Nước mắt rơi xuống rồi nhưng không không phải của thi sĩ, của Người Tình Hư Vô mà của tôi, người suốt đời đi tìm một bóng mát cho đời mình chưa bao giờ gặp. Tôi khóc cho sự đầy đạm trong tình yêu của chàng thi sĩ – Tình yêu không có sự kết thúc nếu là một tình yêu đích thực.
Tình yêu phải là sự quan tâm, ân cần, chăm sóc, chở che. Chỉ đứng loanh quanh, một chỗ thật gần, mãi mãi bên đời rất gần em chỉ đâu đó mà thôi (nhưng em có biết hay em đâu biết?). Tôi nhìn thấy sự đôn hậu, dịu dàng, ân cần, chu đáo mà vẫn đủ đầy đam mê ở thi nhân.
Thế giới tình yêu của Hư Vô thật đẹp, cái đẹp của thuỷ chung, của những ngọt ngào, da diết như lời trò chuyện thầm lặng cuối gửi cho tình nhân:
Tìm trong hương cũ em sẽ thấy
Mùa xuân đang chạm tới da trần…
Nếu khi nào buồn, em muốn quay lại tìm chút mùi hương cũ của tình ta, em sẽ thấy mùa xuân trong chiếc áo ngày nào anh tặng, mùa xuân vẫn còn nguyên vẹn chưa phai, chưa bao giờ mất đi. Chữ “chạm” tôi cho đó là chữ “đẹp nhất” của bài thơ. Chạm đã kết tinh cả không gian, thời gian, sự sống, thanh xuân, tình yêu vào đó. Khẽ chạm vào chiếc áo quá khứ sẽ làm sống lại trong em tình anh ngày ấy- bây giờ – mai sau cũng chỉ vẻn vẹn một khối tình chưa bao giờ thay đổi.
Tôi yêu ngôn ngữ thơ Hư Vô vì tôi cảm nhận điều anh viết giống như bút hiệu của anh: Thực ra mọi điều trong cuộc đời này kể cả chữ tình đắm đuối làm đau đớn bao người nó chỉ là hư vô nhưng bước vào cõi hư vô ta lại thấy một điều rất thực mùa xuân đang chạm vào ta, thấu đến da trần. Nhục cảm- Đê mê- Tràn trề- Bát ngát đến mênh mông- Đó là cách nhà thơ tìm đến mùa xuân. Những năm 40, Xuân Diệu đã làm cho bao người Việt Nam phải kinh ngạc vì cách miêu tả mùa xuân rất gợi của ông “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”; “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” thì ở thế kỉ XXI cũng có một nhà thơ tả mùa xuân cũng tuyệt vời không kém “Mùa xuân đang chạm tới da trần…” Nếu Xuân Diệu vồ vập, ngấu nghiến, ôm chầm mùa xuân thì Hư Vô. chiếm lĩnh mùa xuân một cách nhẹ nhàng, tinh tế. Ta cảm nhận mùa xuân trong thơ Hư Vô tinh khôi, thanh khiết, lãng đãng nhưng lại rất đời, rất gần không hề xa chính vì vậy thơ anh đã đi vào bao tâm hồn đồng điệu họ đã giao cảm, đã ngậm ngùi, đã trân trong những thi phẩm tuyệt vời mà anh đã đưa đến cho mọi người (kể cả tôi)
Nếu Xuân Diệu trong Vội Vàng đã đưa đến cho người đọc một thiên đường trần gian, một mâm cỗ tuyệt diệu của những món ngon vật lạ để ngợi ca tuổi trẻ, mùa xuân, tình yêu thì Hư Vô lại đem đến cho chúng ta một ly rượu mùa xuân có men đời chua chát hoà với men tình đắm say của nuối tiếc da diết về cái đẹp của tình yêu- rất đẹp nhưng cũng chóng phai tàn vì cái đẹp vốn mong manh, yếu ớt.
Mùa xuân sẽ lại về với đất trời, với chúng ta một lần nữa. Trong trời đất vô cùng này hãy tận hưởng tất cả cuộc sống trần gian cho dù đó là niềm vui hay nỗi buồn tất cả đều đáng trân quý vì dù vui, dù buồn hạnh phúc nhất là được làm một con người. Và thi sĩ Hư Vô của chúng ta cũng cảm nhận trong cõi vô cùng của đất trời, anh vẫn tìm đến mùa xuân với cả tấm lòng yêu đắm đuối:
Một chút hương thầm rơi xuống đất
Là cả mùa xuân rất diệu kỳ…
(Vườn Xuân- Hư Vô)
Phơi Áo Tình Nhân Ngày Giáp Tết chính là chút hương thầm mà Hư Vô đã rắc vào thế giới nhiều bộn bề, toan lo của tôi, của chúng ta một mùa xuân rất diệu kỳ…
Trần Sương Lam
(29.11.2017)