Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Hàn Mặc Tử » Gái quê (1936)
Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Hàn Mặc Tử » Lệ Thanh thi tập
Đăng bởi Vanachi vào 27/06/2005 20:13, đã sửa 2 lần, lần cuối bởi karizebato vào 05/09/2009 01:58
Gửi một gái quê làng tôi
Mây trắng ngang trời bay vẩn vơ...
Đời anh lưu lạc tự bao giờ?
Đi, đi,... đi mãi nơi vô định,
Tìm cái phi thường cái ước mơ...
Ở chốn xa xôi em có hay,
Nắng mưa đã trải biết bao ngày,
Nụ cười ý nhị như mai mỉa,
Mỉa cái nhân tình lúc đổi thay...
Trên đường gió bụi anh lang thang,
Bụng đói như cào, lạnh khớp răng,
Không có nhà ai cho nghỉ bước,
Vì anh là kẻ chẳng giàu sang.
Đêm đêm anh ngủ túp lều tranh,
Chỗ tạm dừng chân khách bộ hành,
Đến sáng hôm sau, anh cất bước
Ra đi với cái mộng chưa thành...
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi tducchau ngày 23/08/2010 10:06
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi tducchau ngày 23/08/2010 10:25
Có 1 người thích
... Người cậu, anh thứ hai mẹ tôi bỏ nhà đi theo hoạt động Cách Mạng do Đông Kinh Nghĩa Thục từ ngày xảy ra biến cố, và đã tạo ít nhiều huyền thoại trong dòng họ, tác động mạnh tinh thần Hàn Mặc Tử thưở còn bé.
Mẹ tôi là em út được Cậu rất thương, dạy mẹ tôi học làm thơ, dạy đàn. Về ông, chúng tôi sẽ kể câu chuyện sau đây:
(Câu chuyện mà tôi kể lại, từng được nghe từ thưở bé, đã thành văn trong trí nhớ. Vì vậy chưa bao giờ nghĩ đến tra cứu sử sách. Nếu có những sai lầm nào đó về không gian về thời gian, xin quý độc giả lượng tình bỏ qua và xem như huyền thoại vậy).
CẬU THÔNG OANH (VÀ ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC)
Cậu Nguyễn Văn Oanh từng làm thông dịch viên nên thường được gọi là Thông Oanh. Một con người kỳ lạ trong dòng họ, ít ai hiểu được rõ ràng.
Chỉ biết là con người tài hoa, thơ hay đàn giỏi, phong lưu rất mực và đa tình như cánh bướm vườn xuân.
Theo mẹ tôi kể lại thì ông xấu trai, hơi rỗ hoa mè nhưng ăn nói rất hấp dẫn, chinh phục được hầu hết những ai nghe cậu tôi trò chuyện.
Cha tôi khi đổi vào tòa sứ Hội An, Cậu khuyên ông bỏ tòa sứ qua Thương Chánh, để hoạt động cho Đông Kinh Nghĩa Thục. Vì Thương Chánh, tức Hải quan có nhiều cơ hội liên lạc với Cách mạng hải ngoại.
Mẹ tôi nghe được chuyện này hơi lo, nhưng rất tin ở cậu Thông Oanh. Theo Bà kể lại, việc cậu làm nghe rất nguy hiểm, vào sinh ra tử mà cậu xem như dự một cuộc hòa đàn, một buổi ngâm thơ. Rượu uống tràn như nước. Những lúc cao hứng thì ngâm bài thơ Đường mà mẹ tôi thuộc lòng.
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Lại ngã ra ngủ say. Lúc tỉnh dậy, xách dù ra đi không ai biết. Cậu tôi đi về Quảng Châu Loan – Hội An như đi chơi, không bao giờ có hành trang, thoắt đi, thoắt đến không báo trước.
Năm cha tôi đổi về Quảng Bình, cậu tôi ở hải ngoại về, thỉnh thoảng ra thăm trò chuyện rất tương đắc.
Một hôm cậu tôi ra thăm, trông thấy anh Trí vừa được 3 tuổi, cậu xem tướng khen: “Thằng ni được lắm, Cô Dượng cho tôi đem nó đi với tôi”. Mẹ tôi nói: “Anh chưa có nơi định trú chắc chắn, đem nó về ở đâu”. Cậu cười: “Trong thiên hạ không có chỗ nào là không ở được. Hai năm nữa tôi về đem đi”.
Lúc bấy giờ mẹ tôi dự trữ cá khô, mắm để cậu tôi đem đi. Hình như trong làng chú ý nhiều lần rồi.
Bỗng một hôm thình lình cậu đến lúc nửa đêm, nói chuyện rất lâu với cha tôi, gần sáng lại ra đi. Cha tôi vội vào phòng đem tất cả giấy tờ đốt sạch. Sau lần này, cậu biệt tích luôn. Anh Trí nghe chuyện cậu, lấy làm thích chí, xem Cậu như thần tượng. Anh làm bài thơ tả ý chí ngang tàng của Cậu:
ĐỜI PHIÊU LÃNG
Mây trắng ngang trời bay vẩn vơ
Đời anh nào có khác chi mô
Đi đi đi mãi nơi vô định
Tìm cái phi thường, cái ước mơ
Ở chốn xa xôi em có hay
Nắng mưa đã trải biết bao ngày
Nụ cười ý (nhị) như mai mỉa
Mỉa cái nhân tình lúc đổi thay.
Trên đòi gió bụi anh lang thang
Bụng đói như cào, lạnh khớp răng
Không có nhà ai cho nghỉ bước
Vì anh là kẻ chẳng giàu sang.
Ban đêm anh ngủ túp lều tranh
Chỗ tạm dừng chân khách bộ hành
Đến sáng hôm sau anh cất bước
Ra đi với cái mộng chưa thành.
Luôn mấy năm về sau, tìm hỏi các bạn thân của Cậu. Chẳng ai biết gì, nhưng một người Tàu ở Hội An cho hay: Sau một cuộc biến động ở Quảng Châu Loan nhiều người Việt bị bắt đem đi mất tích, không nghe nói gì. Trong số đó chắc có Cậu Thông Oanh tôi. Đúng như Cậu đã tiên tri:
Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Cuộc chiến cậu đã tham dự có lẽ âm thầm, cũng có thể đã nổ bùng trong một biến động không biết là trong hay ngoài nước.
Hàn Mặc Tử thương tiếc Cậu, so sánh khí phách ngang tàng, xem cái chết nhẹ như lông hồng của Cậu với Cao Bá Quát, khi nghe truyền tụng câu nói họ Cao lúc đưa ra pháp trường vì tội phản loạn theo giặc Châu Chấu. Câu nói vừa chua chát đùa cợt, ngạo nghễ.
Ba hồi trống giục mồ cha kiếp
Một lát gươm đưa bỏ mẹ đời.
Hàn chê vua Tự Đức hẹp hòi, đối xử với một thiên tài đất nước không bằng Đường Minh Hoàng tha chết cho Lý Bạch, nhà thơ bất hủ đời Đường đã theo phản loạn An Lộc Sơn. Vậy mà vua Tự Đức cũng đã từng khen:
Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường.
Phải chăng vua Tự Đức muốn đề cao văn chương hai ông hoàng, Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương lên ngang các thiên tài Siêu, Quát?
Giặc Châu Chấu so với giặc An Lộc Sơn chỉ là một thứ tép riu mà nhà vua Tự Đức cũng sợ hãi phải giết Quát đi thì thật là tồi tệ, nếu không muốn nói là mượn cớ giết người tài...