Hơn 60 năm trôi qua những câu thơ:
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo cuả chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim một bóng người.
..........................................
... cái tên T.T.KH vẫn còn là một nghi vần để hôm nay, năm 2007, người ta lại có dịp được “thưởng thức” tài “giải mã” văn (g) học của nhà giải mã Trần Đình Thu mà ngay trang bìa 4 cuốn sách với những hàng chữ:

“Năm 1994 một người cung cấp cho ông Thế Phong một thông tin mật”: T.T.Kh chính là bà Trần Thị Vân Chung hiện sống ở Pháp. Thông tin ngắn ngủi và không có bằng chứng nhưng ông Thế Phong đã viết thành một cuốn sách với tựa đề hấp dẫn: T.T.Kh nàng là ai? Khi cuốn sách phát hành, bà TTVChung công khai phủ nhận, cho rằng mình không phải là T.T.Kh.

Năm 2004, tác giả Trần Đình Thu lật giở toàn bộ tư liệu liên quan để xem lại. Thật bất ngờ (ông TĐT chỉ cần lật giở toàn bộ tư liệu đã có sẵn là giải mã ngay chóc! tài thật) khi kết quả giải mã của ông trùng khớp với thông tin được tiết lộ trước đây. (thông tin nào trước đây, thưa ông TĐT?) “T.T.Kh chỉ có thể là Trần thị Vân Chung”. Đó chính là những gì được trình bầy trong sách bạn cầm trên tay - (Sách do NXB Văn hoá Saì Gòn và Cty Cadasa thực hiện xuất bản, phát hành tại Tp HCM quý 1/2007. Sách dầy 192 trang, khổ 13x19cm, giá bán 23000 VNĐ - “tác giả” Trần Đình Thu.).

Chỉ với những dòng chữ trên đây người đọc đã cảm thấy có điều gì rối rắm mập mờ trong công cuộc “giải mã vĩ đại “của nhà giải mã TĐT: lập luận ở trên thì vào năm 1994 với thông tin ngắn ngủi và không có bằng chứng nhưng ông Thế Phong đã viết thành một cuốn sách với tựa đề hấp dẫn: T.T.Kh nàng là ai?, nhưng lập luận ở dưới: Năm 2004 (1994-2004), tác giả Trần Đình Thu lật giở toàn bộ tư liệu liên quan để xem lại.... (hồ sơ tư liệu nào để ông lật giở thưa ông TĐT??? phải chăng là hồ sơ tư liệu lấy từ “thông tin ngắn ngủi và không có bằng chứng” trong phần Phụ Lục quyển sách T.T.K.H NÀNG LÀ AI? của - Thế Nhật - NXB Văn Hoá Thông Tin Hà Nội 1994)

Sự luộm thuộm, dấu đầu hở đuôi trong công trình giải mã, lật giở hồ sơ tư liệu của ông TĐT lại thấy trong một bài “TỰ HỎI rồi TỰ ĐÁP” của chính ông TĐT.

Khi bản thảo cuốn sách này vừa hoàn thành, chúng tôi đã tóm tắt toàn bộ nội dung để công bố trên báo Thanh Niên. Sau khi báo đăng tải, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến thắc mắc từ bạn đọc. Do là giải đáp thắc mắc nên chúng tôi chọn cách trình bầy dưới dạng một bài trả lời phỏng vấn:

Độc Giả: Thưa anh, có một thắc mắc rất phổ biến cuả nhiều người, tồn tại từ khi có hiện tượng T.T. Kh cho đến nay. Đó là vì sao T.T.Kh phải ẩn mình, bởi nếu nhận mình thì là một điều vinh quang chứ có sao đâu?

- Ai cũng thắc mắc như vậy bao năm rồi nhưng tại sao không ai thấy cho là vào cái thời kỳ 1937 ấy, những câu thơ cuả T.T.Kh quả thật là dữ dội, vượt ra khỏi vòng lễ giáo. Từ sau khi T.T.Kh, trong thơ tình VN chúng ta không thấy có bài nào đạt được sự dữ dội như vậy, kể cả thơ Xuân Quỳnh. Mời bạn đọc cứ đọc lại T.T.Kh: Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời /Ái ân lạt lẽo cuả chồng tôi /Mà từng thu chết, từng thu chết / Vẫn giấu trong tim một bóng người.” Rồi thì: Đâu biết lần đi một lỡ làng/ Dưới trời đau khổ chết yêu đương/Người xa xăm qúa tôi buồn lắm/ Trong một ngày vui pháo nhuộm đường” Hoặc là: “Nếu biết rằng tôi đã có chồng/ Trời ơi người ấy có buồn không..” Tôi có thể nói chắc rằng không một người con gái có chồng nào đủ can đảm đứng ra nhận mình là tác giả của những câu thơ đó đâu, dù sau khi nhận xong thì được trao ngay một giải thưởng văn học lớn đi chăng nữa. Tôi nói ngay cả thời bây giờ cũng không còn ai dám nhận chứ đừng nói tới những năm tháng đó. Những câu thơ ấy tác giả phải sống để bụng chết mang theo.

Độc giả: Thế còn sáu mươi năm sau, khi Thế Nhật viết cuốn T.T.Kh nàng là ai?, thì mọi thứ ràng buộc có lẽ không còn nữa đối với TTKh. Vậy giả sử bà Vân Chung đúng là T.T.Kh thì việc gì bà phải phủ nhận mình, phải phản ứng dữ dội như vậy? Bà Vân Chung cón nói rằng nhận mình là T.T.Kh thì việc gì bà phải phủ nhận mình, phải phản ứng dữ dội như vậy? Bà Vân Chung còn nói rằng nhận mình là T.T.Kh là một điều vinh quang nhưng tiếc rằng không thể nhận được vì mình không phải là T.T.Kh, sợ một ngày nào đó có “T.T.Kh thật” xuất hiện thì xấu hổ. Nhiều người cho rằng bà Vân Chung nói như thế nghe ra có vẻ chân thành. Anh có nhận xét gì vế ý kiến này?

- Đúng là lời tuyên bố của bà Vân Chung quá cứng rắn khiến ai nghe qua nấy đều phải tin. Tôi dẫn chứng câu chuyện này: một biên tập viên văn học đầy kinh nghiệm của một nhà xuất bản khi đọc bản thảo của tôi đến đoạn này đã hoàn toàn bác bỏ phần giải mã phía trước của tôi và tuyên bố không thể tin Vân Chung có thể là T.T.Kh. Ban biên tập nhà xuất bản gửi bản thảo cho một biên tập viên thứ hai đọc lại thì người này cũng có nhận xét tương tự. Như vậy là khó tin thật. Cho nên chỗ này phải tinh mắt chứ suy diễn theo kiểu chủ quan bình thường là không lý giải nổi. Nếu ai đã đọc cuốn sách T.T.Kh nàng là ai? của tác giả Thế Phong thì thấy rõ cuốn sách này viết quá gây sốc, không thể chịu đựng nổi. Vấn đề nằm ở chỗ đó. Vân Chung phủ nhận mình là T.T.Kh chính là để phủ nhận cuốn sách của Thế Phong mà thôi. Và khi đã phủ nhận thì phải nói sao cho người ta tin tuyệt đối, còn nếu nói yếu ớt quá thì chẳng thà im lặng còn hơn. Nói thật, nếu trong đời thường người ta còn phải “thề độc” nữa kia chứ nói như vậy ăn nhằm gì. Hiện ông Thanh Châu còn sống ở TP.HCM, bà Vân Chung còn sống ở Pháp, hai người đâu có phản ứng gì khi tôi cho đăng tải tóm tắt bản thảo cuốn sách lên mặt báo đâu? Vì tôi viết nghiêm túc mà. Còn vấn đề như nhiều độc giả đặt ra, là đã qua sáu mươi năm rồi, không còn gì phải e ngại, nên nói đúng là T.T.Kh thì bà Vân Chung sẽ đứng ra nhận liền. Lập luận như thế là không hợp lý đâu. Bà Vân Chung phản ứng mạnh là do cách viết của ông Thế Phong. Nếu ông Thế Phong viết hiền lành hơn, thì có lẽ bà vân Chung sẽ không phản đối. Nhưng chỉ không phản đối thôi. Còn nói nếu việc tự nhận thì tôi xin thưa rằng, không bao giờ có chuyện đó. T.T.Kh không bao giờ làm cái việc đứng ra nhận mình đâu. Không nhận mình thì mới đúng là T.T.Kh. Chứ còn bây giờ giả sử có người nào đó đứng ra nhận mình là T.T.Kh thì tôi có thể nói ngay rằng đó chắc chắn không phải là T.T.Kh.

Độc giả: Anh có nhận xét gì về bức thư ngỏ của bà Vân Chung gửi độc giả trước đây?

- Bức thư này tuy phần đầu và phần cuối khẳng định mình không phải là T.T.Kh nhưng phần giữa lại đi sâu vào những chi tiết trong cuốn sách của ông Thế Phong. Nó lộ rõ ý định phủ nhận cuốn sách hơn là chứng minh mình không phải là T.T.Kh. Về mặt tâm lý, nếu không phải là T.T.Kh thì không phải nhiều lời lắm đâu. Chỉ cần khẳng định một câu “tôi không phải là T.T.Kh” là đủ rồi.

Độc giả: Thế còn bức thư ngỏ của bà Vân Chung gửi bà Thư Linh? Bức thư này rất quyết liệt, chứng tỏ tác giả bị bức xúc?

- Không phải là T.T.Kh thì thôi chứ làm gì mà bức xúc! Tôi thấy lời lẽ trong bức thư này rất nặng nề u ám. Nó cho thấy tác giả là một người có tâm hồn dễ bị tổn thương. Tôi nhớ lại những câu thơ cuả T.T.Kh thuở xưa cũng nặng nề u ám như thế. Chẳng hạn như câu thơ “Là giết đời nhau đấy biết không?/Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung.” Độc giả có thấy rằng, nếu bà Thư Linh chỉ phạm “cái tội” như bà Vân Chung nói là “vu khống” cho bà là T.T.Kh trong khi bà không phải là T.T.Kh thì “cái tội” ấy có gì nghiêm trọng đâu. Người ta nói mình là T.T.Kh chứ có nói gì xúc phạm danh dự nhân phẩm đâu mà phải giận dữ ghê thế! Sự giận dữ trong bức thư này thực tế vượt ra ngoài ranh giới bình thường. Nó cho thấy chỉ có bà Thư Linh phạm vào những “cái tội” như vi phạm lời thề không tiết lộ thân phận của bà Vân Chung chẳng hạn thì mới có sự giận dữ vậy.

Độc giả: Như vậy có thể tin rằng T.T.Kh chính là Trần Thị Vân Chung? - Tôi biết diễn đạt thế nào cho khỏi bị bắt bẻ về mặt câu chữ đây? Thú thật tôi rất muốn nói như vậy nhưng có lẽ tôi không nên nói thế mà nên nói thế này: tôi tin rằng từ nay về sau khó có ai có thể tìm ra một người nào khác phù hợp với T.T.Kh hơn Trần thị Vân Chung. Trần Thị Vân Chung sẽ đi vào lịch sử văn học như là một bóng hình kỳ lạ để từ đó người đời soi rọi ra con người thật của T.T.Kh.

Độc giả: Anh đã gặp bà Thư Linh, người đã tiết lộ câu chuyện rằng T.T.Kh chính là Trần Thị Vân Chung cho tác giả Thế Phong để từ đó người đời biết đến bà Vân Chung?

- Tôi có tìm gặp bà Thư Linh khi cuốn sách của tôi đã sắp viết xong. Tìm gặp với mục đích mượn một số bài thơ của bà Vân Chung để so sánh chứ không phải để hỏi xem bà Vân Chung có phải là T.T.Kh không. Bởi công việc giải mã của tôi độc lập với những thông tin đó. Bà Thư Linh đã cho tôi xem khá nhiều thơ của Vân Chung gửi tặng bà. Bà Thư Linh cho biết bà rất buồn vì mười năm nay tình bạn của bà và bà Vân Chung bị sứt mẻ trầm trọng từ khi Thế Phong viết cuốn sách.

Độc giả: nếu bà Vân Chung không phải là T.T.Kh thì thôi chứ việc gì mà phải giận lâu như thế? Có lẽ bà Vân Chung là T.T.Kh thật chăng?

- Cái này thì tuỳ suy luận của mọi người thôi. Nhưng tôi cũng đồng quan điểm đó.

Độc giả: - Anh đã tìm cách giải đáp câu hỏi ai có thể là TTKH nhưng anh chưa giải đáp được cái bút danh TTKH có nghĩ gì?

- Tôi chỉ có thể giả định ai có thể là TTKh mà thôi. còn vì sao người đó lại lấy cái bút danh khó hiểu đó thì tôi không thể suy luận được. Bởi việc lấy bút danh nhiều khi rất ngẫu hứng, không theo một quy luật nào cả. Tạm thời chúng ta chỉ thấy hai chữ TT trùng với chữ đầu của họ và tên lót của bà Vân Chung. Còn KH thì không biết do đâu mà có.

Độc giả: - Anh có nghĩ rằng mình đã khép lại được nghi án này không?

- Tôi tin rằng tôi là người cuối cùng khép lại được nghi án này sau 70 năm để ngỏ.

TRẦN ĐÌNH THU

(từ trang 81 đến 87)
Khi đọc bài HỎI và ĐÁP trên người ta nhận ngay được nhà giải mã T.Đ.T đã “GIẢI MÔ thật vô cùng “vất vả” với những gì đã được ông Thế Phong “dọn sẵn cỗ” cho ông rồi và ông chỉ cần sao chép lại thêm thắt vài việc (chẳng lẽ lại chép tuốt hết sách của ông Thế Phong thì coi kỳ quá xá!) rồi làm cách nào để nguỵ trang những gì sao chép không quá gây sốc, để không không thể chịu đựng nổi. Thế là với: Thông tin ngắn ngủi và không có bằng chứng nhưng ông Thế Phong đã viết thành một cuốn sách với tựa đề hấp dẫn T.T.Kh nàng là ai? được ông TĐT “giải mã” trùng khớp với thông tin được tiết lộ trước đây (thông tin được tiết lộ trước đây: “cuỗm” từ TTKH Nàng Là Ai? của Thế Nhật)

Rồi nhà giải mã T.Đ.T khiêm tốn tuyên bố một câu “xanh rờn”:

- Tôi tin rằng tôi là người cuối cùng khép lại được nghi án này sau 70 năm để ngỏ.

Quả thật, đúng như tựa đề bài báo đăng tải trên Pháp Luật ngày Chủ Nhật 18.3.2007: “GIẢI MÃ NGHI ÁN T.T.KH” của ông TĐT CHƯA RÕ ĐÚNG SAI NHƯNG CHẮC LÀ ông TĐT PHẠM LUẬT (Xem Bài Báo ở dưới):

Ông giải mã TĐT chẳng những phạm luật theo những nhận xét của các Luật sư Trương Thị Hoà và Phạm Quốc Hưng trong Đoàn Luật Sư TP.HCM mà còn phạm một luật chơi tuyệt đối cấm kỵ của giới cầm bút: Sao Chép Ý Tưởng của Thế Nhật mà chàng giải mã vĩ đại cứ phớt tỉnh Ăng Lê, lờ tịt đi xuất xứ lấy từ đâu ra (trong văn chương gọi là đạo văn, đạo ý - ngoài đời gọi là “cuỗm”, “thuổng” hay nói nôm na là “ăn cắp”) rồi mập mờ đánh lận con đen xử dụng cái trò tiểu xảo “ăn theo” “hùa theo” “ăn có”(một việc làm chẳng đẹp tý nào).

Thành Danh trong Sự Nghiệp Văn Chương có rất nhiều phương cách.

Nhà giải mã TĐT đã chọn cho mình phương cách đi TẮT cho NHANH, cho GỌN, cho DỄ, GÂY ĐƯỢC TIẾNG NỔ dù THƠM dù THỐI nhà giải mã TĐT cũng “đếch” cần miễn làm sao được nổi danh liền tuýt suỵt là đủ.

May mắn thay cho nền văn chương Việt Nam ngày hôm nay không có nhiều người cầm bút đi tắt theo kiểu NHÀ ĐẠI GIẢI MẢ VĂNG HỌC TĐT!

_______________________________________________________

Bài Đăng Tải Trên báo Pháp Luật:

Hơn 70 mươi, trước bao cuộc tranh luận tốn hao giấy mực trên nhiều diễn đàn báo chí, văn học, tác giả bài thơ “hai sắc hoa ti gôn” vẫn ẩn mình dưới tên tắt là TTKh và không công khai tên thật. Mới đây, có người viết sách “nghiên cứu” về nhân thân TTKh đã đưa tư liệu về đời tư cuả một phụ nữ có thật ngoài đời để chứng minh người ấy là TTKh. Giá trị của luận cứ này xác thực mức nào chưa rõ nhưng lại làm phát sinh tranh chấp pháp lý về vi phạm đời tư, vi phạm quyền tác giả. (trích bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn”).

VỤ “KIỆN” TTKH-NÀNG LÀ AI?:

- Năm 1994, cuốn sách TTKh - nàng là ai? cuả tác giả Thế Nhật gây xôn xao dư luận vì đã giải mã bí mật về nhân thân của tác giả TTKh. Qua lời kể của bà Thư Linh (bạn của một phụ nữ tên trần Thị Vân Chung), nhà văn Thế Phong khẳng định TTKh chính là TTKh (sinh năm 1919 tại Thanh hoá, sống tại Pháp). Sau khi sách in ra, bà Vân Chung đã gửi thư tới Bộ Văn hoá-Thông tin, NXB Văn hoá-Thông tin, tác giả Thế Nhật và bà Thư Linh để phủ nhận mình là TTKh. Bà Vân Chung tỏ ra bức xúc và khẳng định: Nếu có mặt ở VN, bà sẽ kiện bà Thư Linh về tội vu khống vì “miêu tả sự sỗ sàng của người đàn bà có chồng mà còn có cử chỉ vô luân tồi bại” với người khác. Vụ khiếu nại của bà Vân Chung đối với cuốn sách trên gây xôn xao dư luận báo chí suốt một thời gian dài rồi tạm khép lại.

CUỐN SÁCH THỨ HAI VỀ TTKH:

Sau một thời gian dài bị nhiều nhà xuất bản từ chối vì ngại xảy ra vụ kiện tương tự, mới đây (tháng 2-2007), cuốn Giãi mã nghi án văn học TTKh của Trần Đình Thu đã được NXB Văn hoá Sài Gòn cho in. Tác giả TĐThu cũng khẳng định bà V Chung chính là “nghi can số một” trong “nghi án văn học” này vì bà VChung có nhân thân giống TTKh đến mức kỳ lạ. Để chứng minh lập luận trên, ông TĐThu đã trích dẫn một số bài thơ của bà VChung (do bạn bè của bà V Chung cung cấp) để độc giả có sự sánh về phong cách thơ của bà V Chung với TTKh. Tác giả nhắc lại ngày sinh, quê quán, gia cảnh, cha mẹ cùng thân thế của chồng bà Vân Chung để khẳng định bà là người có nhân thân phù hợp nhất với TTKh. Ngoài ra tác giả cũng có nêu rõ hoàn cảnh quen nhau giữa bà VChung và người tình cũ, lý do hai người chia tay... Bìa trong cuốn sách còn in ảnh bà VChung và chú thích rõ: “bà T T V Chung thời còn trẻ (...). đây là người được khẳng định là TTKh”.

XÂM PHẠM BÍ MẬT ĐỜI TƯ:

Sách ra xong, bà V Chung lần nữa lại gửi thư phản đối, nói rằng không thể coi sách là tài liệu văn học, vì đã nêu tên tuổi, đưa hình ảnh, chà đạp lên đời sống cá nhân mà không xin ý kiến của người trong cuộc. Theo ông TĐThu thì ông chỉ muốn nghiên cứu “giải mã TTKh” để ghi đúng tên tác giả những bài thơ trên vào danh mục tác giả văn học. Ông khẳng định sách của ông chỉ viết “bà V Chung là TTKh” chứ không xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của bà. Mặt khác, theo ông, thì nội dung sách không phạm điều cấm của Luật Xuất Bản nên chẳng có gì để nói ông phạm pháp luật.

Về vấn đề này, luật sư Trương Thị Hoà (Đoàn Luật sư TP.HCM) tỏ ra khá “ủng hộ” tác giả TĐThu ở khía cạnh đi tìm tên thật tác giả TTKh: “Những bài thơ của TTKh đã được lưu truyền và nổi tiếng trong 70 năm qua. Việc nghiên cứu để ghi đúng tên tác giả của những vần thơ bất hủ đó là việc đáng ghi nhận và khuyến khích”. Tuy nhiên Ls T.T.Hoà cũng lưu ý: “Việc công bố các tư liệu có liên quan đến đời tư của cá nhân phải được sự đồng ý của họ. Nếu việc công bố vô hại và người trong cuộc cũng không có ý kiến gì thì họ có thể chấp nhận được”. LS Phạm Quốc Hùng (Đoàn LS TP.HCM) phân tích sâu hơn hành vi xâm phạm đời tư: “Việc công bố, đăng tải những thông tin về đời tư mà không được sự đồng ý của người đó là vi phạm Điều 38 Bộ luật Dân sự về bí mật đời tư của cá nhân, có thể bị kiện bồi thường thiệt hại và thu hồi sách. Ngoài ra, việc tự ý đăng những bài thơ khác của bà V Chung là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ”.

Paris, 20.3.2007
Việt Duy
(Thanh Hải, báo Pháp luật TP HCM ra ngày 18/3/2007, phát hành tại TP.HCM)