Dù cuộc đời Emily Dickinson (1830-1886) thuộc về thế kỷ 19, song thơ ca nàng thuộc về thế kỷ 20, “xông hương” cho thời hiện đại. Bởi vì mãi đến năm 1955, thơ nàng mới được ấn hành toàn bộ trên đất Mỹ. Lúc sinh thời, Emily Dickinson chỉ cho phép người ta in 7 bài thơ của mình.
Mọi người gọi nàng là “Ẩn sĩ ở Amherst” vì ngay ở tuổi đôi mươi, nàng đã sống ẩn mình trong ngôi nhà ở làng Amherst, Massachusttes, quê hương của nàng. Nàng đã để lại trong văn chương Mỹ và thế giới một bóng áo trắng huyền thoại. Nhưng Emily Dickinson không tu như một ẩn sĩ hay ngủ trong rừng như nàng công chúa mà nàng dâng trọn cuộc đời cho thơ. Những bài thơ thường hết sức cô đọng, tinh tế và có vẻ trẻ con. Thế nhưng chúng đậm chất, mà các nhà phê bình gọi là “chất Emily”, một tinh chất người ta khó tìm lại lần thứ hai trong “men say” của thơ ca nhân loại.
Những đứa trẻ trong vùng thường đứng dưới cửa sổ nhà nàng, chờ cô gái áo trắng thả xuống những giỏ kẹo, quà đầy ắp. Ngoài chúng ra, ngay cả những người bạn lâu năm cũng hiếm khi được nhìn thấy nàng. Từ khung cửa nhỏ hẹp ấy, cái nhìn của nàng chiếu rọi thế giới thơ ca với ánh sáng diệu kỳ khiến cho con ong, chiếc lá, ngọn núi, giọt sương, mùa màng, cái chết, sự vĩnh cữu như quần tụ trên bệ cửa nhà nàng.
Emily Dickinson “gia đình hoá” vũ trụ khiến cho vạn vật trở nên thân mật và “vĩnh cửu chạy theo chân nàng như con chó cưng Carlo của nàng vậy”.
Dickinson không chú ý đến danh vọng, thích làm một người “Không là ai”. Nàng viết thơ để dành cho riêng mình. Nhưng gần 1.800 bài thơ mà nàng để lại cho thế gian có thể được ví như trận mưa sao kỳ lạ. Khi bạn tắm mình trong ánh sáng của cơn mưa sao ấy, bạn sẽ thấy rằng cô gái áo trắng trong khung cửa sổ nhỏ ở Amherst kia đã mở thêm cho cuộc đời một khung cửa sổ thần tiên. Và:
Thiên đàng ai không tìm thấy
dưới thế gian này
Sẽ không tìm thấy được ở trên cao...
Phan Nhật Chiêu