Thái Bình quảng ký,
Phật gia truyền kỳ, quyển 5,
Dị tăng 5 chép từ
Bản sự thi kể Khảo công Viên ngoại lang Tống Chi Vấn thời Đường có tội bị biếm làm quan nơi xa. Sau được tha về, tới Giang Nam, ghé chơi chùa Linh Ẩn. Gặp đêm trăng rất sáng, đi dọc hành lang ngâm nga, lại làm thơ rằng “Thứu Lĩnh hữu thiều nghiêu, Long cung toả tịch liêu”, tới hai câu kế dụng công tìm tứ lạ mà rốt lại vẫn không vừa ý. Có nhà sư già thắp đèn trường minh đăng, ngồi trên thiền sàng hỏi “Chàng trẻ đêm khuya không ngủ mà ngâm vịnh khó khăn, sao thế?”. Chi Vấn đáp “Đệ tử theo nghiệp thơ, ngẫu nhiên muốn đề thơ ở chùa, mà hứng trí chưa xứng ý”. Sư nói “Thử đọc hai câu kế xem”, Chi Vấn liền đọc. Sư ngâm nga hai ba lần, rồi nói “Sao không nói Lâu quan thương hải nguyệt, Môn đối Chiết Giang triều?”. Chi Vấn kinh ngạc, lạ lùng vì lời thơ đẹp đẽ, liền nối theo làm hết bài như sau “Quế tử nguyệt trung lạc, Thiên hương vân ngoại phiêu. Môn la đăng tháp viễn, Khô mộc thủ tuyền diêu. Sương bạc hoa canh phát, Băng khinh diệp vị điêu. Đãi nhập Thiên Thai lộ, Khan dư độ thạch kiều”, đưa hai câu thơ nhà sư tặng lên làm tuyệt cú của toàn bài. Sáng ra tới bái phỏng, thì không thấy đâu nữa. Sư trong chùa có kẻ biết chuyện, nói “Đó là Lạc Tân Vương”. Chi Vấn hỏi riết tới, đáp “Lúc Từ Kính Nghiệp thất bại, cùng Lạc Tân Vương chạy trốn, tìm không bắt được, tướng soái triều đình sợ để kẻ đầu sỏ lọt lưới sẽ mang tội lớn. Lúc ấy có mấy vạn người bị giết, nhân đó tìm hai cái xác có diện mạo hơi giống chặt đầu mang về dâng. Về sau tuy biết họ chưa chết nhưng cũng không dám truy bắt nữa. Cho nên Kính Nghiệp được làm sư ở Hành Sơn, hơn 90 tuổi mới chết. Lạc Tân Vương thì xuống tóc, đi du ngoạn khắp các danh sơn, tới chùa Linh Ẩn được một năm thì chết. Lúc ấy tuy thất bại, nhưng vì lấy tiếng khôi phục nhà Đường mà dấy quân nên được nhiều người che chở mà thoát chết”.
Về câu chuyện này,
Đường thi kỷ sự, quyển 7 cũng chép tương tự, nhưng bài thơ có vài chữ khác là “Thứu Lĩnh uất thiều nghiêu, Lâu quan thương hải nhật”. Bài thơ trên có điểm lạ là câu “Tiên cảnh...” thất niêm, so với nhiều tài liệu khác thì còn thiếu hai câu “Túc linh thượng hà dị, Sưu đối địch phiền hiêu” trước hai câu kết, thêm vào thì quả nhiên không còn thất niêm nữa. Có điều hai bản
Thái Bình quảng ký, Bắc Kinh Quảng bá học viện xuất bản xã, 1999 và
Đường thi kỷ sự, Đỉnh Văn thư cục, Đài Bắc, 1971 đều thiếu hai câu ấy, rất khó nói là đều bị in thiếu. Nhưng
Đường thi kỷ sự có tham khảo
Bản sự thi,
Thái Bình quảng ký cũng chú rõ câu chuyện trên là theo
Bản sự thi, có thể
Bản sự thi đã chép thiếu, cũng có thể bài thơ vốn như thế nhưng người sau sao chép thấy thất niêm đã bổ sung thêm hai câu nói trên. Nên ở đây xin bổ sung thêm hai câu ấy để tồn nghi.
Tuy nhiên vấn đề văn bản của bài thơ nói trên chỉ là một chuyện, vì bản ý của những người sao chép câu chuyện này là nhằm giới thiệu hai câu thơ được coi là của Lạc Tân Vương sau khi theo Từ Kính Nghiệp dấy quân chống Vũ Tắc Thiên bị thất bại phải đào vong, và đúng là hai câu ấy đã bộc lộ tâm tình ung dung tự tại mà vẫn ngạo nghễ thách thức kẻ cầm quyền của một người may mắn ra được ngoài vòng cương toả. Tóm lại con người ta thấy không ai làm gì được mình là làm tới ngay, người thường đã như thế, bọn nhà thơ lại càng như thế...
Cao Tự Thanh
Tháng 3.2008