Đoá hoa vô thường là một hiện tượng cực kỳ đặc biệt trong bộ sáng tác đồ sộ của Trịnh Công Sơn, vì ca khúc này đã hơi tách khỏi ba chủ đề chính thường thấy trong nhạc của ông là tình yêu, quê hương, và thân phận; hay nói đúng hơn đó là một sự hợp lưu và nâng cao khéo léo của cả ba dòng nhạc trên trong cùng một nhạc phẩm.
Dù cho nhận xét này có đúng hay không, ta hãy cứ xem bài hát như là lời tự sự của chính nhạc sĩ, và tạo cho mình một chút tự do đi vào khám phá cõi lòng bí ẩn của ông qua nhạc phẩm này, mà không phải băn khoăn quá nhiều về những câu hỏi đại loại như: Đó là ai? hay Đó là gì?
Trước hết có thể gọi đây là một bản trường ca của tình yêu và niềm tin, thể hiện đỉnh cao của sự lãng mạn trong tình yêu và niềm tin của Trịnh Công Sơn, là một hành trình gian nan nhưng đầy cảm hứng, với với một tình yêu dường như đã hoàn toàn thoát tục.
Cũng như trong nhiều bản tình ca khác của Trịnh Công Sơn, hình bóng người con gái ông yêu được hiện lên chỉ qua các hành vi cử chỉ của người đó, chứ không phải là những đặc điểm nhân dạng cụ thể. Trong bài này cũng thế, đó là: em đi, em về, em đứng, em ngồi, em hát, em cười, em buồn, em vui…
Và cũng như trong nhiều bài tình ca khác, người con gái mang đến cho ông niềm vui tột đỉnh của tình yêu được thăng hoa trong thời gian ngắn ngủi, nhưng rồi để lại cho ông một nỗi buồn dài lâu của sự kết thúc và chia ly; đó cũng chính là nằm trong sự “vô thường” của đời sống, của tạo hoá; tình yêu trong tim ông cũng chính là một đoá hoa vô thường, khi nở bừng mãnh liệt, lúc tàn lụi bất ngờ..
Nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Thị Tâm Anh có nhận xét về bài
Đoá hoa vô thường như sau trên trang tin của Hội nhạc sĩ Việt Nam:
“Trịnh Công Sơn luôn nhận ra cái lẽ vô thường trong trời đất. Vô thường bàng bạc trong âm nhạc của ông khiến người nghe cảm thấy bâng khuâng và không cần hiểu hết ý nghĩa cũng đã thấy hay lắm rồi. Và trong đó còn chứa đựng chiều sâu triết lý làm rung động đến sâu thẳm tâm hồn mỗi con người… Với
Đoá hoa vô thường, Trịnh Công Sơn đã nhạc hoá lý thuyết và lý thuyết hoá nhạc. Toàn bài là một chuyện tình với ẩn chứa đâu đó hình ảnh một người phụ nữ đẹp, một “đoá hoa vô thường”.
Ta cũng như nhiều người khác cũng đồng ý rằng, khi nghe nhạc Trịnh dù chưa hiểu hoàn toàn những điều ông muốn nói nhưng vẫn thấy hay, thấy cảm. Nhưng bên cạnh đó, ta cũng nhận ra rằng mình luôn ước vọng, như một điều rất tự nhiên, hiểu được tường tận, tới chân tơ kẽ tóc những ý tứ của ông trong từng bài hát. Với bản trường ca này, chúng ta sẽ đi từ đầu đến cuối để tìm xem
Đoá hoa vô thường này thực sự là gì.
Ca khúc bắt đầu với một hành trình miệt mài tìm kiếm một con người – tựa như một người con gái – hoàn hảo, ngây thơ trong trắng đến mức gần như tuyệt đối:
Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới
Ở đâu trên cuộc đời này sẽ có một con người như thế? Nhưng chàng trai đã không hề chùn bước, với cuộc tìm kiếm có thể nói là khắp chân trời góc bể, không bỏ sót nơi nào, hơn nữa là không ngừng nghỉ, không đếm kể thời gian, như cánh chim không bao giờ biết mỏi:
Tìm em tôi tìm, nhủ lòng tôi ơi
Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi…