Đối với thi sĩ lãng mạn tiểu tư sản trước cách mạng đã từng chìm đắm trong cái tôi cô đơn, bé nhỏ, bế tắc, nay được trở về cái “ta”, với nhân dân, đất nước là một nỗi niềm khát khao, một niềm hạnh phúc lớn lao. Để diễn tả niềm hạnh phúc, niềm vui ấy. Chế Lan Viên đã viết nên một đoạn thơ thật chân thực, xúc động và rất hấp dẫn:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ….
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi
Đoạn thơ trên trích trong bài
Tiếng hát con tàu, một bài thơ chín nhất của Chế Lan Viên rút từ tập
Ánh sáng và phù sa sáng tác năm 1960.
Chế Lan Viên là thi sĩ có phong cách trí tuệ. Vì vậy ông rất thích những hình ảnh độc đáo mà rất mực tài hoa. Chính điều đó đã giúp ông ngay khổ thơ đầu chỉ bốn câu mà đã kết dệt được bốn hình ảnh rất hấp dẫn, vừa thức tỉnh lý trí vừa lay động trái tim thể hiện niềm khát vọng, hanh phúc được về với nhân dân.
Con gặp lại… bỗng gặp cánh tay đưa
Những hình ảnh so sánh trên nhằm để diễn đạt tình cảm và có tác dụng khơi sâu, mở rộng, khám phá thêm ý nghĩa của sự việc, hành động được trở về với nhân dân, cội nguồn sáng tạo nghệ thuật thơ ca. Những hình ảnh này đều lấy từ đời sống tự nhiên và con người. Nhưng chính vì thế, chúng thật gần gũi, giản dị mà không kém phần thơ mộng, đẹp đẽ, gợi cảm. Về với nhân dân là về với những gì phù hợp với quy luật sống và tự nhiên.
Trước hết, về với nhân dân là về với những gì thân quen nhất của lòng mình, về với môi trường quen thuộc, làm nảy sinh sự sống. Đó cũng là ngọn nguồn sáng tạo thơ ca, “nai về suối cũ”. Sao lại là “nai” mà không phải là con vật nào khác trong rừng sâu? Con nai là một con vật rất hiền dịu, xinh đẹp, hồn nhiên, ngây thơ, đáng yêu. Đó cũng là con vật khá quen thuộc với thơ ca. Nhưng con nai trong thơ Lưu Trọng Lư là chú “nai vàng ngơ ngác” lạc giữa rừng thu. Còn con nai trong thơ Huy Cận thì “chìm lẫn trong sương mù”. Đặc biệt chú nai trong thơ Xuân Diệu mới tội nghiệp làm sao, bởi chú không chỉ ngơ ngác mà còn bị “chiều đánh lưới không biết về đâu đứng sầu bóng tối”.
Cách mạng đã làm thay đổi cuộc đời và hồn thơ Chế Lan Viên, nên con nai trong thơ ông giờ đây cũng đã hoàn toàn thay đổi, từ chú nai ngơ ngác trong thơ lãng mạn bỗng trở thành chú nai tơ đầy kiêu hãnh tha hồ đùa dỡn chạy nhảy tung tăng trong cuộc sống nhân dân như tung tăng trên những dòng suối thân thuộc mát trong.
Về với nhân dân là về với niềm vui và hạnh phúc từng khao khát chờ mong “cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa”. Trải qua mùa hè nắng cháy, qua mùa thu với những cơn mưa xối xả, qua mùa đông lạnh giá với sương muối gió mùa, cỏ hầu như đã bị tàn lụi, được gặp giêng hai với những làn “mưa xuân phơi phới bay”, cùng nắng vàng ấm áp, cỏ bật dậy tươi non mơn mởn. Trong bài Mùa xuân chín, Hàn Mạc Tử chẳng những đã viết “sóng cỏ tươi xanh gợn đến trời” và trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã hết lời ca ngợi sức sống của cỏ khi gặp mùa xuân bằng một câu thơ tuyệt tác: “Cỏ non xanh rợn chân trời” đó sao? Càng suy ngẫm như vậy, ta càng thấm thìa hình ảnh thơ Chế Lan Viên thật chính xác, gợi cảm và ý nghĩa diễn tả.
Về với nhân dân là về với môi trường làm nẩy sinh sự sống. Đó là mùa xuân để chim én về làm tổ và tung cánh bay lượn. Đúng như Tố Hữu đã từng viết:
Mùa xuân đó, con chim én mới
Rộn đồng chiêm chấp chới trời xanh
Được trở về với nhân dân, đối với Chế Lan Viên còn là về với ngọn nguồn thiết yếu của cuộc sống, của sự nuôi dưỡng chở che và làm hồi sinh sự sống. “Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa… bỗng gặp cánh tay đưa”. Sữa là nguồn dinh dưỡng cơ bản giúp cho đứa trẻ sống dậy, khoẻ mạnh, lớn khôn. Cánh tay đưa nôi giúp cho đứa trẻ thơ ngon giấc nồng để càng trưởng thành hơn cùng với những dòng sữa ngọt ngào. Hình ảnh thơ làm người ta nhớ đến hình ảnh những em bé rơi vào cảnh ngộ éo le đầy hiểm nghèo trong truyện cổ tích. Khi sự sống đang bị đe doạ như ngàn cân treo đầu sợi tóc giữa rừng vắng thì bỗng gặp bàn tay dịu hiền và rất mực nhân hậu của nhũng ông bụt, bà tiên kịp thời đến tiếp sữa đưa nôi làm cho bé sống lại, lớn cao thành chàng dũng sĩ hay hoàng tử sau này. Như vậy, niềm biết ơn nhân dân của chàng thi sĩ từng khóc “Những Tháp Chàm loang lổ”, đã từng:
Đừng quên nỗi chua cay một thời ấy
Tổ quốc trong lòng có cũng như không
Nhân dân ở quanh ta mà chẳng thấy
Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng
Giờ đây đã trở thành niềm biết ơn đối với những người đã cứu mệnh, tái tạo cuộc đời mình.
Niềm hạnh phúc và khát vọng về với nhân dân đã được tác giả thể hiện qua những cảm xúc chân thành, những tình cảm cụ thể, những kỉ niệm sâu sắc gắn liền với những con người tiêu biểu cho sự hy sinh thầm lặng, sự nuôi dường đùm bọc của nhân dân đối với cán bộ kháng chiến. Nhân dân ở đây không còn là một khái niệm chung chung mà hiện ra qua những hình ảnh, những con người bằng xương, bằng thịt, gần gũi mà rất anh hùng.
Đó là người anh du kích không hề nghĩ đến cái chết đang đến gần mà tất cả vì đồng đội:
Con nhớ anh con… cho em
“Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách” mà “anh du kích”, “mặc đêm đông còn ấy”, xét về giá trị vật chất thì chẳng đáng giá là bao, nhưng “Đêm cuối cùng, anh cởi lại cho con” thì về ý nghĩa tinh thần, chiếc áo đó bỗng trở nên vô giá. Bởi của chẳng đáng bao nhiêu nhưng tình thì rất nặng. Đây không còn thuần tuý là trao chiếc áo cho nhau mà đó chính là trao lại sự sống cho nhau. Thật cảm động biết bao! Trong cuộc cách mạng đầy hi sinh gian khổ, đã xuất hiện biết bao con người có tấm lòng vàng như thế.
Đó còn là những người em liên lạc tận tuỵ làm nhiệm vụ đưa thư và dẫn đường cho cán bộ: “Con nhớ em con… chưa mất phong thư”. Em liên lạc tuổi còn nhỏ mà đã mang phẩm chất anh hùng và có tấm lòng chu đáo đối với cán bộ. “Rừng thưa” dễ đi, nên em “băng” thoăn thoắt, còn “rừng rậm” cán bộ đi lại khó khăn thì em chờ đợi để dẫn dắt. Động từ “băng”, cũng các cặp từ đối lập “thưa” – “rậm”; “sáng” — “chiều”; “bản Na” – “bản Bắc” cùng làm nổi bật được sự nhanh nhẹn, khéo léo, thoắt ở nơi này, thoắt ò nơi kia của chú bé liên lạc. Qua lời thơ của Chế Lan Viên, chú hiện lên đẹp như một tiên đồng như chú Luỹ trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi, chú Lượm trong thơ Tố Hữu:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh…
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng
Công việc liên lạc và đưa thư trong những ngày kháng chiến ở Việt Bắc là một công việc vô cùng gian khổ và cực kì nguy hiểm. Vì phải qua nhiều vòng vây của kẻ thù, phải vượt qua biết bao “mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù”. Nghĩa là mỗi bức thư đều thấm máu và nước mắt, ấy thế mà “Mười năm tròn chưa mất một phong thư cảm động biết bao và cũng tự hào biết bao! Những em bé ấy rất xứng đáng được tất cả chúng ta cất tiếng chào kính trọng và cảm phục:
Chào em dũng sĩ mười lăm
Tuổi thơ mà đã ngang tầm nước non
(Tố Hữu)
Tiêu biểu nhất cho những con người bình dị mà có tấm lòng vàng ấy phải kể đến những bà mẹ tuy tuổi già sức yếu nhưng vẫn dành chút hơi tàn của mình để chăm sóc cho những người cán bộ đau yếu như chăm sóc cho con đẻ của mình vậy:
Con nhớ mế… nhớ mãi ơn nuôi
Con nhớ mế lửa hồng soi tóc bạc? Hình ảnh thơ thật đến từng chi tiết nhỏ, mà lại giàu sức gợi tả. Hình ảnh “lửa hồng” đối lập với hình ảnh mái “tóc bạc” đã tạo nên một bức tranh thật nên thơ. Hình ảnh vừa cụ thể vừa có ý nghĩa tượng trưng khái quát sâu xa. “Lửa hồng” đó là cái hồng của ngọn lửa hay cái rực hồng của trái tim mẹ đã sưởi ấm cho biết bao cán bộ cách mạng trong những đêm đông giá rét ở Việt Bắc? Ngọn lửa hồng ấy đã “soi” tỏ mái tóc bạc của mế làm cho mái tóc như bạc thêm ra. Tóc của mế bạc trắng vì thời gian, tuổi già nua, vì đói khổ hay còn bạc trắng vì phải “thức cả một mùa dài” “năm con đau? Con với mế không phải “hòn máu cắt” nghĩa là không phải dứt ruột đẻ ra mà mế chăm sóc tận tuỵ chu đáo không khác gì người mẹ đẻ. Biết bao tình cảm yêu thương, ân nghĩa, lòng biết ơn và sự cảm phục của tác giả được chứa đựng trong “hòn” “máu” “cắt” ấy. Vì thế nên “trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.
Đất nước ta, dân tộc ta, một dân tộc giàu lòng nhân ái đã sản sinh ra biết bao bà mẹ bình thường mà vĩ đại như thế. Đó là mẹ Tơm “Một người mẹ khổ đã dành cơm”; “Cho con cho Đảng ngày xưa ấy”; “Không sợ tù gông, chấp súng gươm”. Đó còn là những bà mẹ chiến sĩ:
Bao bà cụ từ tâm làm mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra
Cho con nào bánh, nào quà
Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi
(Tố Hữu)
Đúng như nhà thơ Dương Hương Ly đã từng viết “Đất nước quê ta mênh mông, Lòng mẹ rộng vô cùng”. Đó cùng là nguồn gốc của mọi sức mạnh Việt Nam:
Nơi hầm tối là nơi sáng nhất
Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam
Những bà mẹ có trái tim “như ngọc sáng ngời” đã sinh thành và tái tạo lần thứ hai cho cuộc đời biết bao người cán bộ, chiến sĩ. Trong đó có nhà thơ Chế Lan Viên.
Nét đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ chính là thủ pháp đối lập để nhấn mạnh ý ở cách xưng hô của chủ thể trữ tình “anh con”, “em con”, “mế” “thằng em”. Điều đó đã làm bộc lộ tình cảm thân tình ruột thịt, niềm tiếc thương sâu nặng đối với những người đã từng gắn bó mật thiết với tác giả trong những năm kháng chiến gian khổ mà oanh liệt. Điều đặc biệt hơn nữa là những hình ảnh, những con người ấy đã được nhà thơ khắc hoạ trong những bối cảnh thời gian gợi rõ sự thử thách, hi sinh trọn vẹn, rộng lớn, cao cả “Đêm cuối cùng”, “mười năm tròn”, “một mùa dài”. Đoạn thơ cũng đã thể hiện rõ nét phong cách của Chế Lan Viên; suy tưởng sâu lắng và sáng tạo hình ảnh phong phú.
Tóm lại đây là đoạn thơ hay và tiêu biểu nhất của
Tiếng hát con tàu. Bằng những hình ảnh độc đáo gợi cảm rất thi vị, đoạn thơ đã diễn tả được một cách chân thực và xúc động tấm lòng của Chế Lan Viên đối với người mẹ lớn là nhân dân, cội nguồn của cảm hứng nghệ thuật thơ ca. Đoạn thơ viết về một vấn đề rất chính trị mà chân thành, đầy tình cảm, không hề khô khan nặng nề. Vì đây là tiếng lòng của một thi sĩ được Đảng, nhân dân cứu vớt “Từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”.
(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)