Trước hết cần phải thấy rằng đây không phải là bài thơ ra đời ngẫu nhiên do tư biện về con tàu và Tây Bắc. Theo Hà Minh Đức trong
Nhà văn nói về tác phẩm, khi ấy Chế Lan Viên đau yếu, không đi đâu được. Trong khi các bạn đồng nghiệp đi thực tế ở nhiều nơi. Bài thơ được viết ra như là để tự an ủi mình, nhan đề đầu tiên của nó là
Con tàu Tây Bắc.
Bốn câu đề từ cho thấy cách suy nghĩ hợp lí của Chế Lan Viên:
Tày Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hoá những con tàu
Khi tổ quốc bốn bề lèn tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu
Như vậy Tây Bắc chỉ là một địa danh, là một miền đất mà nhà thơ cần đi tới. Nhưng có nhất thiết phải tới không, phải đi bằng một chuyến tàu khách hành từ Hà Nội hay không? Khi mà lòng nhà thơ đã hoá những con tàu? Khi mà tiếng hát từ bốn bề đang phơi phới. Nhà thơ cho rằng như thế, Tây Bắc đã ở trong hồn minh.
An ủi mình như thế, nhưng Chế Lan Viện vẫn không thấy thật yên tâm, vì
Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Thế là nhà thơ đi Tây Bắc bằng con đường riêng, bằng con tàu tâm tưởng. Bởi nếu lòng đóng khép thì sẽ chẳng có thơ đâu.
Đi Tây Bắc nhưng là đi để gặp lại tâm hồn mình, gặp lại nhân dân, gặp lại những kỉ niệm kháng chiến như ngọn lửa sáng nghìn năm sau còn đủ sức soi đường. Chưa có thực tế Tây Bắc, nhưng Chế Lan Viên đã có thực tế kháng chiến, thực tế vùng rừng núi Trường Sơn, vì thế mà lên Tây Bắc là về với nhân dân, về với cuộc kháng chiến của nhân dân đã thay đổi đời, đã thay đổi thơ Chế Lan Viên. Tây Bắc lúc này trở thành thực tế của đất nước, là nơi nhà thơ nhất định phải trở về.
Con tàu đi đã trở thành con tàu trong tâm tưởng, con tàu đói những vành trăng. Tàu đã trở thành con chim vỗ cánh, trở thành con tàu mộng tưởng: mỗi đêm khuya uống một vầng trăng.
Tiếng hát con tàu trở thành tiếng hát của nhà thơ ngợi ca nhân dân đất nước với cuộc kháng chiến hào hùng đã làm hồi sinh một hồn thơ từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui.
(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)