Các nhà phê bình, bạn bè văn chương và cả người đọc viết khá nhiều về thơ Nguyễn Trọng Tạo. Tôi khó tìm ra điều gì để viết thêm về nhà thơ danh tiếng này. Tôi muốn viết một cái gì đó nho nhỏ, hợp với sức mình, về thơ Nguyễn Trọng Tạo, với tư cách một người đọc bình thường. Tôi không cố chọn ra một số bài thơ hay nhất của Nguyễn Trọng Tạo để nói đến. Tôi đơn giản lấy luôn bài thơ mới nhất mà anh công bố để đọc và cảm nhận.

Viết về thơ Nguyễn Trọng Tạo là một công việc cực kỳ khó khăn. Vườn thơ anh quá rộng, cây hoa nào cũng đẹp, bông hoa nào cũng lung linh. Vừa định “yêu” bông hoa này, ta lại thấy bông khác quyến rũ không kém.

Một nhà “Nguyễn Trọng Tạo học” chắc chắn phải bỏ cả năm để đọc, nghiên cứu và viết một công trình khoa học về thơ anh. (Xin xem Phụ lục ở cuối bài để hình dung kho “sản phẩm” mang thương hiệu Nguyễn Trọng Tạo)

Mấy chục năm qua nhiều bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo vẫn sống trong lòng người đọc, được nhiều người thuộc lòng. Tiến sỹ Hoàng Kim, một nhà nông học tên tuổi, hễ khi nào trò chuyện với bạn bè về thơ văn là nhắc đến mấy câu:
Anh trót để ngôi sao bay khỏi cát.
Biếc xanh em mãi chớp sáng bầu trời.
Điều có thể đã hoá thành không thể.
Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi
Tôi chỉ lấy lấy ra trường hợp tiến sỹ Hoàng Kim làm ví dụ. Những người khác có thể thích bài khác, những câu thơ khác. Những câu thơ mượt mà, dễ nhớ, không cầu kỳ nhưng hình ảnh hấp dẫn, mới lạ, dưới con chữ là Tình và Lý ẩn hiện.

Đó là nói về những bài thơ thành danh của Nguyễn Trọng Tạo, thế thơ của anh gần đây thì sao? Xin mời đọc bài thơ sau:
NGÀY KHÔNG EM
Tặng Em

Ngày không em
anh cây chổi tựa mòn góc bếp
anh cái chảo mốc meo
anh con mèo đói kêu khan
anh con chồn hoang ngủ vùi trong hốc tối...

Ngày không em
anh làm gì với gió
gió mềm mại dáng em
anh làm gì với lửa
lửa cháy môi em
anh làm gì với cơn mơ giật liên hồi tiếng nấc

Ngày không em
anh không có thật
anh bị phép tàng hình
chiếc bình vỡ không sao gắn lại...

Mưa vẫn rơi
anh bão về miền thẳm
ngày không em
con chó tru điên
con chó điên tru hình anh mờ tỏ
nó chạy thật xa
về mách anh lưỡi được liếm gió...

Anhnhớ em
mắt liếm màn hình
những dòng chat thơm mùi da thịt

Anh thấy mình bay làtrên cỏ ướt
trên cánh trần tay em
đêm dồn đêm
ngày cũng là đêm
anh nhắm mắt một thiên đường mây trắng

Ngày không em
ngọn cỏ khát đâm mù tia nắng...

24.9.2008
Cách tân (đổi mới) là một quy luật của sự tồn tại, một yêu cầu tự thân của mỗi tác giả. Ai liên tục cách tân, tuổi thọ sáng tác của người đó càng dài lâu.

Có người hiểu cách tân nghệ thuật là múa không mặc quần áo như mấy chú ở FPT, có người lại làm cho câu văn lủng củng đến vô nghĩa, câu thơ cầu kỳ khó hiểu. Thậm chí có người cho rằng phải đập phá các tượng đài mới là cách tân mạnh mẽ.

Dẫu đã bước sang thập kỷ thứ 7 của cuộc đời, Nguyễn Trọng Tạo vẫn liên tục cách tân thơ mình, theo cách của anh.

Bài thơ “Ngày không em” được xây dựng theo cấu trúc:
1. Xa em, anh là gì
2. Xa em anh làm gì
3. Xa em anh như thế nào
4. Nguyên nhân - Vì nhớ em
5. Khát vọng yêu đương

Là hoạ sỹ, Nguyễn Trọng Tạo đương nhiên là giỏi bố cục. Là một người làm kỹ thuật, tôi hay tìm “sơ đồ khối” của mọi thứ.

1. Xa em anh biến thành vật bất động, mất hết công năng:
anh cây chổi tựa mòn góc bếp
anh cái chảo mốc meo

hoặc là động vật hoang dại, thiếu thốn và bải hoải:

anh con mèo đói kêu khan
anh con chồn hoang ngủ vùi trong hốc tối...

Đã ai ví sự cô đơn, nhớ nhung của mình như một con mèo đói kêu khan?

2. Xa em, anh thành người bất lực, không còn biết làm gì:

Ngày không em
anh làm gì với gió
gió mềm mại dáng em
anh làm gì với lửa
lửa cháy môi em
anh làm gì với cơn mơ giật liên hồi tiếng nấc

Đụng vào cái gì, kể cả cái vô hình là gió, cũng gợi nhớ đến em. Anh bất lực với sự khủng khoảng của chính mình.

3. Tác giả xác định trạng thái của”anh”, đẩy logic nhớ nhung lên mức cao hơn:

Ngày không em
anh không có thật
anh bị phép tàng hình
chiếc bình vỡ không sao gắn lại...

Anh như bị biến mất, thành vô hình, không xương không thịt. Cảm thấy nói thế hơi điêu, hơi vô lý, tác giả tự gán mình là cái bình đã vỡ.

4. Cái gì làm anh ra nông nỗi này? Vì nhớ em. Tác giả diễn tả nỗi nhớ đến kinh người:
- thành bão về phương em,
- thành con chó điên chạy thật xa.

Tác giả không nói nhưng người đọc hiểu là con chó điên chạy đến “em”, vì ở trên tác giả đã nói “gió mềm mại dáng em”.

Muốn biến thành con chó đến “liếm” được người yêu một cái, hình ảnh này mới lạ, theo tôi là chưa ai nghĩ đến để mà dùng trong thi ca. Một lần nữa, tự thấy mình “phiêu” quá, tác giả lại quay về với cõi thực:

Anh nhớ em
mắt liếm màn hình
những dòng chat thơm mùi da thịt

Liếm màn hình như con chó ảo liếm gió. Động từ “liếm” là một từ trần tục, ít ai dám dùng trong thơ, Nguyễn Trọng Tạo dùng nó, rất sex mà không sex, rất thật mà vẫn rất ảo.

5. Khát vọng yêu đương:
Nhớ đến vậy, điên cuồng đến vậy, nhưng chỉ nói đến mức đó thì bài thơ mới chỉ là hay chứ chưa rất hay. Tiếp tục là khát vọng yêu đương, tuy vẫn là ảo ảnh, nhưng bây giờ thực tế hơn, đắm đuối và hạnh phúc hơn:

Anh thấy mình bay là trên cỏ ướt
trên cánh trần tay em
đêm dồn đêm
ngày cũng là đêm
anh nhắm mắt một thiên đường mây trắng

Hai câu thơ cuối, thông thường là câu kết.

Ngày không em
ngọn cỏ khát đâm mù tia nắng...

Nhưng cái kết thật bất ngờ. Hình ảnh kỳ lạ: ngọn cỏ làm sao đâm mù được tia nắng? Một cái gì đó là ao ước, một chút gì đó là giận hờn hoàn cảnh, một sự khao khát đến tột cùng.

“Ngày không em” là một bài thơ chứng minh sức sáng tạo trẻ trung của Nguyễn Trọng Tạo. Có thể mạnh dạn mà nói: các nhà thơ lớn phải làm một việc lớn là đi tiên phong trong công cuộc đổi mới thơ.

Trên đây là cách tôi hiểu, tôi cảm nhận một bài thơ được lấy hú hoạ trong mấy trăm bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo. Không biết là tôi đã cảm thụ được hết nó hay chưa. Nếu tôi chưa cảm thụ được hết nó thì đó cũng là điều đáng mừng: bài thơ ở một tầm cao hơn sức với của tôi.