15.00
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại

Đăng bởi Vanachi vào 06/07/2014 12:31

Trước chiến tranh... Một lần, em thảng thốt
Khi bất ngờ nghe "Giao hưởng của Niềm Vui"
Em như lửa, em không rời được lửa,
Thúc em yêu mọi khát vọng trên đời!

Đấy là chiều mùa đông. Bom chưa rơi xuống phố,
Chỉ thấy hạt cây cơm nguội rơi đầy...
Em mặc áo bông chần, chưa nhuộm màu cỏ úa
Mắt rạng nguyên màu trăng mới thơ ngây!

Nét nhạc cuốn em đi. Tâm hồn bừng sáng dậy,
Tới lúc ngẩng cao đầu, sầm sập thác đồng ca,
Như sấm chớp trút niềm vui bão táp
Da thịt cũng rưng rưng giữa ánh sáng chan hoà!

Những ràng buộc xoá đi. Đất trời cao rộng quá,
Niềm vui từ nét nhạc hư vô, người rút ruột mà thành!
Trải yếu đuối, ngập ngừng, dào lên, còn vấp ngã,
Qua ngàn đợt sóng trào, lật xới mọi âm thanh...

Cho tới phút cả nhân loại kề vai, bỏ hết mọi
                               lo âu vô ích,
Phá sạch mọi bất công, cuồn cuộn thác người reo
Niềm Vui – tưởng Trời ban, kỳ thực cũng chỉ Người
                                   tạo nổi,
Người trút bỏ đau thương, Người dẹp hết khổ nghèo!

                 *

Thoắt đó, mười lăm năm...
             Hai lần chiến tranh, hai lần sơ tán,
Hai lần yêu rồi vĩnh viễn xa chồng!
Không lần nào em nghe bản nhạc ngày xưa lại nữa!
Buồn vui hết cỡ rồi, còn xúc động gì không?!

Ấy thế mà chiều nay, giữa thị trấn chỉ toàn tre nứa,
Bản giao hưởng hiếm hoi đột khởi đến, không ngờ!
Úp mặt trong lòng tay, em chẳng nhớ mình
                            già hay trẻ nữa,
Chỉ biết đích thực mình! Và em khóc như mưa...

Không, không! Không thể dửng dưng, khi biết chắc
                           Niềm Vui cứ đến,
Những nghệ sĩ tiên tri đâu có nỡ dối lừa!
Cuộc sống chẳng chai đi vì phải mất quá nhiều trả giá,
Chỉ hạnh phúc muộn mằn càng thúc bách hơn xưa!

Có thể nào nguôi quên mọi khát vọng con người?
Mỗi thế hệ liên tiếp truyền tay, như bùi nhùi nhóm lửa,
Còn gì bất ngờ đâu, trong bản nhạc thuộc lòng kia nữa?
Nhưng lửa vẫn bùng lên, ngay ở chỗ không ngờ!


1980

Giao hưởng số 9 – Giao hưởng của niềm vui – được L.V. Beethoven sáng ác trong những năm 1822–1824, nối tiếp ở mức chín hơn suy tưởng của Giao hưởng số 5 – Giao hưởng của số phận, (xin xem lại bài thơ: "Beethoven và âm vang hai thế kỷ", cùng trong Tuyển thơ này). Giao hưởng số 9 được đánh giá là một trong các tác phẩm có tính cách mạng cao nhất của nhạc giao hưởng thế giới. Nhà văn Pháp Rômanh Rôlăng đã coi nó là "một bằng chứng bất tử về niềm mơ ước vĩ đại, bao giờ cũng ẩn náu trong trái tim nhân loại".


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]