Bản dịch của nhóm Trần Kính Hoà

An Nam là đất Việt ngày xưa, tuy ở ngoài cửu châu, nhưng có lẽ cũng thuộc bản đồ của vua Hạ Vũ. Từ xưa đặt thứ sử, thái thú cai trị, triêm nhiễm văn hoá, cho nên phong tục cũng có văn vật, không đến đỗi chẳng biết nghĩa lý về việc tôn vua và thân kẻ trên. Thế mà từ ngày liệt vào hàng phiên thuộc Nguyên triều đến nay, nghĩa vụ thân thượng sự quân, có phần không được tỏ rõ. Vì vậy triều đình phải khiến sứ qua lại luôn luôn. Vả đường đường quốc gia của chúng ta, đối với mãnh đất nhỏ xíu ấy, há lại bỏ sót. Đại để, phương pháp làm cho kẻ xa thần phục, một là dùng đức, hai là dùng oai; dùng đức là việc đầu tiên của thánh nhân, dùng oai chỉ là một việc bất đắc dĩ. Vua Thuấn ban bố văn đức ở hai bên thềm, vua Văn Vương sửa sang giáo hoá mà bốn phương thảy đều phục tòng. Nay Thiên tử chính ngự ngôi rồng, nhuần ơn mưa móc, chẳng vì nước An Nam xa xuôi mà bỏ rơi. Vì muốn tuyên bố đức âm, cho nên khiến Lễ bộ thị lang Lý quân Trọng Tân làm sứ giả, phó sứ thì dùng Binh bộ lang trung Tiêu quân Tắc Bình, thực đã chọn người xứng đáng vậy.

Mọi người đều bảo chuyến đi này dễ, riêng tôi lại cho là khó. Vì sao mà bảo khó? Trước đây, các sứ giả đi qua nước ấy, ai cũng đem nghĩa quân thần, cơ hoạ phúc ra hiểu dụ, nếu vua nước ấy có lòng sợ mà nghe, thì nói dễ đắt lời, nếu chẳng thế, thì họ lại trở về báo cáo, thế là hết trách nhiệm, còn xử trí cách nào, đã có quốc gia. Nay hai ông vượt mấy nghìn dặm, mang một phong thư, phải làm sao mở đường cải quá tự tân cho nước ấy. Nếu ù ù ra đi, rồi ù ù trở về thì ai đi chẳng được, cần chi dùng đến chúng ta. Vả lại nhân tình sau khi lo lắng, bỗng thấy mình được không lỗi thì chẳng xiết mừng, nhưng mừng lại sinh ra khinh mạn. Nay ta nhân lúc chúng đương mừng, làm sao cho chúng bỏ lòng trì nghi để đi theo đường mới, thế mới khỏi thẹn với sứ mệnh hoàng hoa của chúng ta. Trọng Tân từng ở ban thượng thư lang, Tắc Bình sung chức phó sứ hai lần, bình tố học hành những gì? Nay hai ông ra đi, một lòng trung nghĩa, không quản đến việc riêng mình và không có thái độ đa ngôn trong khi vào trực vua, chắc chắn thế nào cũng làm xong công việc mà người khác cho là khó làm. Trong tiệc khách không nỡ nghe hát khúc “Dương Quan”, lại không thể bắt chước các bạn chúc lời mạnh giỏi, tỏ ý nhớ nhung, tôi xin viết mấy hàng nầy để tiễn biệt.

Ngày 1 tháng 7 năm Chí Nguyên thứ 31 (1294), viết tại nhà Ngọc Đường (tức Hàn Lâm Viện) tại Thượng Đô.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]