Bản dịch của nhóm Trần Kính Hoà

Năm Chí Nguyên thứ 15 (1278), An Nam quốc vương dâng biểu thác cớ vì bận lo đề phòng nước láng giềng xâm lấn, không thể vào triều kiến. Quốc vương mất, Thế tử tự lập, không chờ xin mệnh lệnh Thiên tử.

Triều đình bàn khiến sứ, nhưng khó chọn người. Vừa gặp An phủ sứ Kim sỉ Sài Trang Khanh, từ Vân Nam về, các đại thần đều tiến cử tài của ông. Vua vời vào hỏi, biết rằng phụ huynh của Sài công đều là tôi cũ của triều đình, và Sài công tâu đối, lời ý khẳng khái, thông thạo phong thổ An Nam. Tức thì vua gia phong làm Lễ bộ thượng thư; khiến đi sứ, ban cho áo gấm, cung tên, yên ngựa, để cho cuộc hành trình thêm phần vẻ vang. Trang Khanh đến An Nam, tuyên ý chỉ nhà vua, khuyên dụ hai ba lần, nhưng quốc vương chấp nệ, chẳng tỉnh ngộ, rốt cuộc không có ý muốn lai triều. Trang Khanh trở về, Hoàng thượng chẳng nỡ gia binh, xuống chiếu dụ mong vua An Nam lai triều, Trang Khanh trong ba năm ba lần qua lại. Năm ấy người vào chầu là Trần Di Ái, em của quốc vương và chú của Thế tử hiện
nay.

Hoàng thượng bảo rằng: “Đó là Thế tử trái mệnh, chứ người nước ấy nào có tội gì, nên cho Di Ái làm vua để yên vỗ dân”, bèn ban sách mệnh cho Trang Khanh làm chức Tuyên uý sứ Đô nguyên soái, đem binh hộ tống Di Ái về nước. Lúc sắp đi, các quan Hàn Lâm viện đều làm thơ tống tiễn. Tôi may được dự một chức trong Viện Hàn Lâm thường những chiếu dụ, biểu chương, đều có dự nghe, bèn thuật lại công việc và kính tặng mấy lời như sau: “Từ xưa chẳng phải có nhân tài là khó, mà chọn nhân tài mới là việc không phải dễ dàng. Nay chúa thượng biết Trang Khanh là người thuần hậu, lanh lợi, học rộng biết nhiều, đủ sức đảm nhận trọng trách; đi sứ bốn phương, không nhục mệnh nhà vua, cho nên ký thác việc biên thuỳ, uỷ nhiệm sứ mệnh ở nơi tuyệt vực, phàm các việc quân lữ, đều được tự ý điều khiển, lại lấy Chấn Văn Lý Công làm tá nhị, Phi Nhị Lý Quân làm tham tán, chọn tài như vậy, thực là tinh tế.”

Trang Khanh hãy đi cho khỏi phụ ý lựa chọn của thánh Thiên tử, khỏi phụ lòng kỳ vọng của hàng công khanh, chiêu dụ vỗ yên, chính do ở chuyến đi nầy. Vài hôm nữa, tôi sẽ đón chờ hiền công ở ngoài cửa đô môn mà mừng rằng: “Chung Quân, Lục Giả không chuyên chiếm tiếng tốt ở ngày xưa”.

Ngày tháng 11 năm Chí Nguyên thứ 18 (1281).

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]