Bản dịch của Trần Đương

Trong tất cả những chứng nhân được đưa tới
Các hình ảnh này tôi có thể nào quên!
Khi chứng nhân bước vào, theo đội ngũ
Cả phiên toà đứng dậy, lặng im

Cả một đoàn, sóng đôi nhau lặng lẽ
Chúng tôi nhìn những bóng dáng trẻ thơ
Tưởng lúc đó vang lên bài ca con trẻ
Nghe xa xôi... như khúc nhạc nhà thờ

Đó là một chuỗi dài, sặc sỡ
Nối theo nhau, uốn lượn khắp gian nhà
Và sự lặng im muốn chìm sâu hơn thế nữa
Trong dáng đi này, trong tiếng trẻ thơ

Đi đầu là những dáng hình nhỏ nhất
Chúng bây giờ cũng mới tập đi
Những chiếc giày con như biết cười biết khóc
Chưa bao giờ tôi thấy cảnh tượng kia!

Tạt sang bên, một đôi giày nhỏ xíu
Muốn nghỉ hơi một chút dọc đường
Rồi đi tiếp. Những đôi giày thơ ấu
Nối thành hàng, như đang buổi hành hương

Ai cũng thấy: Những bàn chân vừa khớp
Chẳng bao giờ nhức nhối ở đây
Và những bàn tay chơi núm len, xúc xắc
Em bé nào chẳng thích đi giày!

Một đôi bằng nhung, một đôi bằng lụa
Có một đôi còn được kết liền
Chúng xúng xính bên nhau, sặc sỡ
Vui như đôi bạn trẻ hồn nhiên

Có dây buộc, có khuy cài, kẹp tóc
Những thân hình bé xíu, nhẹ như bông
Chúng đã đi, trong mưa dầm, lăn lóc
Tự lâu rồi, sũng ướt, lại khô cong

Tưởng như thấy bà mẹ nào đương ẵm
Đứa con thơ, trước một quầy hàng:
“Những chiếc giày vừa mềm vừa ấm
Đẹp làm sao! Xin mẹ sắm cho con”

“Mẹ cũng muốn... Nhưng chúng ta phải trả
Con ơi con, mẹ lấy tiền đâu?...”
Đến gần kia là một đôi giày gỗ
Đang nặng nề lê bước theo sau

Một chiếc tất được tết vao trong đó
Đầu gối ai mang một vết thương rồi
Giày tiếp nối - Ai nào hiểu rõ?
Cả tiếng rì rầm khúc nhạc xa xôi

Những đôi giày con cũng biết cười biết khóc
Cứ như trong cổ tích, tự thời nào
Như thuyền nhỏ, một chiếc giày đơn độc
Chở búp bê trong đó vẫy chào

Một đôi khác, hẳn là chú bé
Đã từng đi, từng nhảy, từng chơi
Đôi giày ấy, của bao đứa trẻ
Từng đùa vui tung bóng lên trời

Một chiếc ủng nhỏ nhoi lẻ chiếc
Không tìm ra bạn cũ nơi đây
Hẳn nó đã dọc đường chết rét
Vào cái năm tuyết trắng rơi đầy

Tận sau cùng, một đôi giày rách nát
Dáng mệt nhoài, vẫn gắng gượng đi
Một đôi giày trẻ con, xơ xác
Hẳn là đang muốn nói điều gì

Ôi những đôi giày không quê hương, không trẻ nhỏ!
Ai gửi tới đây, ai đã tháo nó ra?
Những bàn chân các em đâu rồi, tất cả?
Sao giày để các em đi chân đất ở nhà?...

Vị chánh án có thể trả lời câu hỏi đó
Ông nêu lên số trẻ bị thiêu
Vọng tiếng chuông của người quá cố
Các chứng nhân vẫn tiếp tục theo vào

Phát xít Đức từ lâu bị tống cổ
Và người ta tìm được những thứ này
Ở đâu ở đâu, bao nhiêu em nhỏ?
Muốn rõ ư, nghe tâm sự những đôi giày:

Đó là một toa xe tối tăm, u ám
Ngỡ một chuyến vui bằng xe lửa, cùng nhau
Nhưng sự thật nào ai tường tỏ
Chúng em tới đây trong tăm tối những nấm mồ

Chúng em đến từ nhiều đất nước
Có nhiều em đã bị mất giày
Một số em ngã lăn ra vì vấp
Trước khi các em tới được nơi đây

Người mẹ nói: “Đã bao tuần như thế
Chẳng có gì một chút để cầm hơi!
Giờ mẹ sẽ đi đun súp nhé...”
Và người đàn ông dắt chó tiếp lời:

“Rồi ai cũng sẽ tìm ra chỗ đứng
- Lão cười to - mà cũng ấm cả thôi -
Chẳng ai phải mất thì giờ lo lắng...”
Cho đến khi làn khói toả lên trời

“Các em sẽ chẳng thiếu gì hơi ấm
Chúng tôi đêm ngày đốt nóng ở đây
Xứ Lublin tràn đầy ngột ngạt
Ở đây ở đây khói toả đêm ngày”

Và tiếp đó là một mụ người Đức
Đón chúng em trong trại Lublin
Mụ nói đến “súp tiên” ngon nhất
Và cởi giày từng đứa chúng em

Khi chúng em bắt đầu kêu khóc
Mụ nói ngay: “Chớ có ngại ngần
Mặt trời sẽ bùng lên, sáng rực
Và các em được phép bước chân trần

Các em tưởng tượng xem, và hãy nghe mụ kể:
Các em vẫn rất xinh, dù chẳng có giày!
Hơi nóng ở đây tràn trề, đấy nhé
Mặt trời sẽ mang hơi nóng lại ngay

Kìa các em vẫn khóc ư? Tệ quá!
Ai làm các em đau? Những búp bê xinh?
Ta là một người Đức từ trong truyện cổ
Là một nàng tiên xinh đẹp hiền lành!

Thôi nhé, đến giờ rồi, mau xếp hàng nghiêm chỉnh!
Ai làm gì đâu mà quỳ gối, các em?
Đứng lên chứ, hát lên, chẳng cần cầu nguyện
Mặt trời hồng đang toả sáng Lublin

Mụ người Đức xướng lên một bài hát
Vuốt váy phẳng phiu rồi vượt trước chúng em
Và ở đó, nơi mặt trời như thiêu đốt
Đứng trước nhà, mụ đếm lại từng em

Hàng trăm em đánh trần trong xà lim chật chội
Tiếng các em kêu bỗng ngưng tắt nửa chừng
Rồi những đôi giày con được đem xếp lại
Mang đến kho, thành tàng trữ của riêng

Thế là nên một cửa hàng rồi đó
Cái trại giết người ở xứ Lublin
Những tù nhân, những đoàn người phẫn nộ
Và - một mặt trời nước Đức đã mọc lên

Những người chết xưa kia muốn trả thù, gào thét
Trên nước Đức này sẽ rầm rập bước chân
Họ sẽ toả ra, từ xa, tít tắp
Và các đôi giày cũng nhịp bước hành quân

Hàng nghìn chú lùn đi trong hàng lớn
Nối tiếp nhau thành một đoàn tàu
Và nơi đâu lũ côn đồ lẩn trốn
Các chú lùn cũng dẫm nát, chẳng tha đâu!

Các chú men theo cầu thang, từng bậc
Xông vào từng ngõ ngách, căn phòng
Bọn sát nhân như bị trói ghì, phủ phục
Và run lên trước tội ác khôn cùng

Mặt trời sẽ bừng lên, chói sáng
Sự thật làm mọi người thêm dũng cảm, bền gan
Đó là tiếng khóc của trẻ thơ bất tận
Một điệu hát xuống mồ, từ miệng các em

Chuyện đã rõ. Các em thơ bị giết
Những chứng nhân đều vạch mặt chỉ tên
Và tất cả, chẳng ai quên được hết
Những đôi giày từ xứ Lublin

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]