Trượng phu không hay sé gan bẻ cột phù cương thường.
Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương.
Trời Nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương.
Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
Rót về đông phương, nước bể đông chẩy xiết sinh cuồng lạn.
Rót về tây phương, mưa tây sơn từng trận chứa chan.
Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương.
Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta ta hay.
Nam nhi sự ngiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.

Ở trên là bản dịch thơ của Nguyễn Bá Trác đăng trên Nam Phong tạp chí số 41 năm 1920. Bản dịch ở đây chép được nguyên văn, vẫn giữ lại các lỗi chính tả do thời đó chính tả chưa hoàn chỉnh, và chú thích kèm từ tương ứng theo chính tả ngày nay.

Bản dịch của Nguyễn Bá Trác do Phạm Thế Ngũ ghi lại trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Quốc học tùng thư, Sài Gòn, 1965):
Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường,
Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha phương.
Trời Nam ngàn dặm thẳm, mây nước một màu sương.
Học chẳng thành công chẳng lập,
trai trẻ bao năm mà đầu bạc,
trăm năm thân thế bóng tà dương.

Vỗ tay mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ,
lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?

Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lạn.
Rót về Tây phương, mưa Tây rơi từng trận chứa chan.
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương.
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.

Nào ai tỉnh nào ai say.
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Bản dịch của Nguyễn Bá Trác do Đông Trình ghi lại (báo Tuổi trẻ chủ nhật ngày 7-6-1998):
Trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường,
Hà tất tiêu dao bốn bể, xuân lạc tha hương.
Trời Nam nghìn dặm thẳm, mây nước một màu sương

Học không thành, công chẳng lập,
trai trẻ bao lâu mà đầu bạc,
trăm năm thân thế bóng tà dương.

Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu?

Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng

Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây?
Bản dịch của Nguyễn Bá Trác do báo Thế kỷ 21 đăng:
Trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường,
Hà tất tiêu dao bốn bể, lưu lạc tha phương.
Trời Nam nghìn dặm thẳm, non nước một màu sương.

Chí chưa thành, danh chưa đạt,
trai trẻ bao lăm mà đầu bạc,
trăm năm thân thế bóng tà dương.

Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.

Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn.
Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan.
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát giương.
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.

Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Bản dịch của Nguyễn Bá Trác do Lãng Nhân Phùng Tất Đắc ghi lại trong Chơi chữ (Nam Chi tùng thư, Sài Gòn, 1960):
Trượng phu đã không hay xé gan bẻ cột phù cương thường,
Sao lại tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương?
Trời Nam nghìn dặm thẳm, non nước một màu sương.

Học không thành, công chẳng lập,
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc;
trăm năm thân thế bóng tà dương.

Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi: Trời đất mang mang, ai là tri kỷ??
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu?

Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết, sinh cuồng-lạn.
Rót về Tây phương, mưa Tây-Sơn từng trận chứa chan;
Rót về Bắc phương, ngọn bắc phong vi vút, đá chạy cát dương.
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.

Nào ai tỉnh, nào ai say?
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đốí cỏ cây!