Bản dịch của Nam Long

Âu Dương Quýnh – Ty Phán quan Tiết độ sứ quân Vũ Đức soạn

Chuốt ngọc chạm châu, muốn khéo léo khác xa tạo hoá; Trồng hoa tỉa lá, mong xinh tươi hơn cả màu xuân. Cái gọi là, rót rượu Hà Lễ, ắt phải say như lòng Mục Vương; Ca khúc Vân Dao, ắt phải thanh tựa lời Vương Mẫu. Danh lừng “Tuyết trắng”, lời lời đã hợp giọng loan ca; Tiếng át mây bay, chữ chữ hài hoà âm phượng luật. Câu “Dương liễu”, “Đại đê” truyền từ Nhạc phủ; Thiên “Phù dung”, “Khúc chử” tạo bởi danh gia. Đâu phải, cửa nọ tranh hơn, giắt trâm mồi tân khách ba nghìn; Tiệc kia so của, bày cây báu Thạch, Vương mấy chục. Hẳn có, công tử trên chiếu lụa, giai nhân chốn màn là, dâng hoa tiên lũ lượt, dệt văn gấm vóc; Giơ ngón ngọc mảnh mai, gõ phách đàn hương. Chẳng có lời từ cao nhã, sao nâng dáng vẻ yêu kiều. Từ thơ cung thể Nam triều, tới khúc xướng ca Bắc Lý. Sao cho rằng có lời mà chẳng hay, hoặc gán nỗi tuy đẹp mà không thật. Từ Đường đã có, trong chốn đô thành, xuân phong lối ngát nhà nhà, mê mải đi tìm Tây Tử; Dạ nguyệt lầu son chốn chốn; đinh ninh đã nhốt Thường Nga. Ở triều Minh Hoàng, có Lý Thái Bạch làm từ ứng chế “Thanh bình lạc” bốn bài, Ôn Phi Khanh trước đây lại có “Kim Thuyên tập”, tác giả đương thời, chẳng hổ với tiền nhân. Nay quan Vệ uý Thiếu Khanh tự Hoằng Cơ, góp chim trả bãi bồi, tự cho khác loài cầm điểu; Dệt sợi tơ dưới suối, riêng mình công sức thoi đưa. Tụ tập chúng tân, hồi lâu bàn luận. Nhân thu thập năm trăm bài khúc tử từ của thi khách gần đây, chia làm mười quyển. Quýnh vụng về dự chốn tri âm, luống thẹn nhận lời đề sách, đành làm bài bạt mấy câu. Trước, người Sở có khúc ca “Dương xuân”, tiếng là tuyệt xướng, liền đặt tên tập này là “Hoa gian”. Sau dùng cho kẻ anh triết ở Tây viên, cưỡi xe tới dự cuộc vui; Người giai nhân nơi Nam quốc, ngừng hát mãi bài Liên khúc.

Viết lời tựa vào mùa hạ, tháng 4, năm Quảng Chính thứ 3 nhà Đại Thục.