Bản dịch của Châu Hải Đường

Chính nghị Đại phu, Tư trị doãn Công bộ Tả thị lang, Lê Trừng người Giao Nam soạn.
Tướng sĩ lang, Hồng Lô tự Tự ban, Quý Thuần người Quát quận viết chữ.
Văn lâm lang, Đại Lý tự Hữu tự Hữu bình sự – Trang Sâm ở Thanh Nguyên viết chữ triện trán bia.

Từ kinh đô đi về phía tây thành hơn sáu mươi dặm, có ngôi chùa tên gọi Tú Phong, vốn do quan thái giám Cao Nhượng cùng với nhà sư trụ trì là Trí Thâm sáng lập lên. Trí Thâm là bậc danh tăng ở Giao Nam vốn người họ Ngô, từ nhỏ đã xuất gia, khắc khổ học hỏi. Năm Mậu thân niên hiệu Tuyên Đức (1428) sư đến Bắc Kinh, ngẫu nhiên gặp đại quốc sư giảng kinh ở ti Tăng lục, có các ngài Nguyệt Công, Luật Thiếp biết đến. Lại nhân các ông Nghĩa Ô, Hiển Toản, Thắng Nạp, Lý Thiền, Nhẫn Tam đều là những người có tình đồng hương mà đắc lễ. Đại pháp sư là bậc Tây thiên Phật tử có lòng quảng thiện bao trùm bèn truyền cho tâm ấn và trụ trì ở chùa Đại Giác trên núi Dương Đài. Thường ngày sư đọc hết kinh Đại Tạng, suốt thời gian dài không xuống núi, giới hạnh rất tinh nghiêm, mọi người đều kính ngưỡng.

Một hôm, sư chống gậy dạo bước lên phía bắc chùa chừng 3 dặm đến sườn núi Tú Phong, trông thấy cảnh trí đẹp đẽ, hình thế như rồng cuộn hổ nằm, vách đá chon von vây bọc quanh phía sau, bên phải bên trái hai dòng suối nối dòng ở trước mặt, cỏ cây mươn mướt, hoa quả tốt tươi, ý chẳng phải nơi phàm địa. Sư bèn hỏi thăm các bậc già lão, thì thấy bảo: các cụ già truyền lại đất này vốn là nơi chùa thiêng ngày xưa. Trí Thâm vui sướng nghẹn ngào nguyền sẽ khôi phục lại nơi đất thánh. Cao công nghe được mừng lắm, bèn ra sức phát tâm, dốc hết tiền của đứng ra làm chủ công đức, cùng với thái giám Trần Ngang, trung quý Hoàng Hùng, Nguyễn Phúc Thâm, Phạm Giác Thọ, Bùi Hỉ, Kim Cương, Nguyễn Giác Mục, Trịnh Trí Quảng, Châu Phổ Minh, Trương Phúc Sơn,… cùng bỏ tiền riêng giúp sư xây dựng đạo trường để cầu chúc thiên hạ thái bình, đức vua muôn tuổi.

Sư bèn dụng tâm sắp đặt, bố trí quy mô, tự mình chăm chỉ tân cần để làm gương cho môn đồ, sắp đặt tiền gạo dồi dào để thợ thuyền kéo đến. Thế là từ mùa xuân năm Quý sửu niên hiệu Tuyên Đức (1433) bắt đầu khởi tạo, đến mùa đông năm Đinh tỵ niên hiệu Chính Thống (1437) thì xong, chưa tới năm sáu năm mà sơn môn chất ngất, điện vũ nguy nga, màu son chói lọi, kim bích lung linh, tường hoa quanh co, toà ngang dãy dọc, phàm những nơi thường phải có thì chỗ nào chỗ ấy đều đầy đủ. Thái giám Trần Ngang, Nguyễn Tông lại quyên góp gia tư, để in ấn Đại Tạng kinh, đầy đủ hộp tủ nghiêm trang lưu giữ ở trong chùa để lưu truyền mãi mãi. Sư (Trí Thâm) vẫn thường qua lại xem đọc luôn luôn để khuyến khích mọi người cùng chăm chỉ học tập, chuông trống hương đèn, sớm hôm tán vịnh những mong bảo hộ quốc thổ, phổ tế quần sinh.

Đến ngày 21 tháng Giêng năm Chính Thống thứ 6 (1441), thái giám Cao Nhượng thực tình dâng tấu lên hoàng đế, kính đội ơn vua ban cho biển ngạch đề tên “Tú Phong tự”, khiến cho rừng núi cũng rạng rỡ, tăng tục đều mở mắt. Trí Thâm đốt hương dập đầu bảo: “May được gặp khi trong nước thái bình, nhân dân no ấm, lại nhân các ngài cùng phát thiện tâm mà giúp thành chùa phật, nên được ơn vua ân tứ, soi sáng muôn đời, há chẳng nên khắc bia mà lưu truyền mãi về sau ư?” Bèn sai đệ tử đến chỗ tôi nhờ viết văn bia. Tôi nói: “Sư Trí Thâm khó nhọc mong nên Phật sự, các ngài lại làm việc phúc để báo ơn vua, coi chỗ dụng tâm đều cùng đến nơi cực thiện, vậy xin viết bài minh rằng:

Đồng tây Thần Châu;
Núi dựng Tú Phong;
Hổ ngồi rồng cuộn;
Cảnh đẹp ẩn trong;
Rộng cao sáng láng;
Tú khí đúc hun;
Suối khe mát rượi;
Cây cỏ tươi hồng;
Thực nơi phúc địa;
Tựa chốn Phạn cung;
Phạn cung thế nào?
Có quy có chế;
Điện vũ nguy nga;
Cổng tường tráng lệ;
Tượng phật tôn nghiêm;
Thiên thần bảo vệ;
Dựng cảnh là ai?
Trí Thâm trụ trì;
Nào sau nào trước;
Xây đắp đủ bề;
Đàn việt lòng thiện;
Giúp việc chẳng nề.
Cầu chúc thánh thọ;
Phù trợ nhân dân;
Ruộng phúc to lớn;
Linh hiển ra ân!
Chùa đã dựng được;
Danh đã lập được;
Vua ban chữ vàng;
Sủng ân chói rực;
Sư Trí Thâm ta:
Kiêm gồm phúc tuệ;
Đứng đầu dựng chùa;
Lưu truyền hậu duệ;
Làm gương đời sau;
Thuật chuyện nối chí;
Trăm đời ở đây;
Thịnh hưng vẫn để;
Còn mãi chùa này;
Viết minh cổ lệ.

Ngày Phật đản tháng đầu mùa hạ năm Quý Hợi niên hiệu Chính Thống năm thứ 8 [1443] triều Đại Minh.
Sa môn trụ trì Trí Thâm lập bia. Cẩm y xá nhân Chu Hưng khắc.