Dạy học ở Vĩnh Phúc 15 năm, tôi cho rằng mình cũng chỉ mới chạm chân đến cái rìa bên ngoài trung du. Phú Thọ mới là trung du đích thực. Một ngày đẹp trời, tôi phóng xe đạp từ Việt Trì đi Phú Thọ. Xe tôi bon theo con đường rải nhựa lên xuống, xuống lên hai bên là chè, là cọ xanh biếc một màu. Nắng như mật ong phủ một sắc vàng óng ánh lên cây lá đẹp như mùa thu Nga trong tranh Lêvitan. Tôi ngây ngất trước thiên nhiên kỳ thú của Phú Thọ. Khi thấy hai chân đã mỏi nhừ, tôi dừng xe nghỉ ở một cái quán bên đường. Quán dựng bằng thân cọ. Ghế ngồi đóng bằng cọ, mái lợp lá cọ. Bà cụ hàng nước, tóc trắng phau, vẻ mặt hiền hậu cứ như bà cụ trong truyện Tấm Cám hiện về.
Tôi uống một bát nước chè xanh, thấy cái ngọt thấm qua cổ họng, tỉnh người. Bên tay trái tôi, xa xa có một cái xóm nhỏ chừng mười nóc nhà lợp cọ ẩn hiện trong cây.
- Thưa cụ, đấy là xóm gì ạ?
- Đấy là xóm Thậm Thình.
Một cái gì chạy lăn tăn dọc cột sống tôi.
- Sao lại có cái tên lạ thế cụ?
Bà cụ, tay vuốt mép trầu, nói chậm rãi:
- Cứ đời này truyền lại cho đời khác thì đấy là nơi ngày xưa Vua Hùng dựng lầu giã gạo. Vua tuyển về hàng trăm cô gái đẹp như tiên giã chày đôi chày ba, khi cối gạo đã trắng tinh, các cô nghỉ ngơi múa hát.
Trời ơi, một cái ý tưởng rất thơ. Thậm Thình: một cái xóm nhỏ thời Vua Hùng dựng nước, qua mấy nghìn năm vẫn còn tên. Trong mấy nghìn năm ấy, ít nhất cũng ngót nghìn năm bọn phong kiến Bắc phương dòm ngó, thôn tính nước ta. Vận nước lúc xuống lúc lên, lúc hưng lúc phế nhưng tinh thần dân tộc thì bất diệt. Họ cai trị nước ta, đốt sách ta, bắt dân ta để tóc như họ, ăn mặc như họ, cúng bái như họ, hòng tiêu diệt cái gốc văn hoá trong mỗi con người nước Việt, nhằm đồng hoá dân tộc ta, xoá tên nước ta, nhập vào đất đai của họ. Mọi mưu mô dù xảo quyệt, thâm hiểm đến mấy cũng không tiêu diệt nổi lòng yêu nước của dân ta. Trong mỗi con người, từ đời này qua đời khác, dòng máu Việt bất khuất, quật cường rần rật chảy giữ cho Việt Nam bền vững muôn đời.
Lòng tràn ngập ý thơ, tôi quay về ngay Việt Trì, hỏi lại nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Khắc Xương cho thật yên tâm trước khi thai nghén bài thơ.
Đêm ấy, tôi trằn trọc mãi. Hai tiếng “Thậm Thình” cứ vang vang trong đầu tôi. Nhất định phải viết lục bát, mà thơ lục bát thì... tôi sợ lắm. Viết không khéo thành văn vần!
Đất này là đất của những truyền thuyết. Truyền thuyết về dãy núi một trăm con voi, 99 con quay về phía Nam, một con đem lòng phản nghịch quay đầu về phương Bắc; Vua Hùng nổi giận sai công chúa Bầu vung gươm chém đứt đầu con voi bất nghĩa. Vết chém ấy ngày nay nhìn vẫn rõ, những hôm trời mưa to, nước chảy ào xuống theo vết chém, đỏ như máu. Truyền thuyết về làng Minh Nông, nơi Vua dạy dân làm lúa nước. Làng Dữu Lâu ngày trước xanh um những vườn trầu...
Tôi thả hồn vào những mẩu chuyện nghe được, đọc được từ ký ức tuổi thơ. Chập chờn... chập chờn... một đoàn voi, ngựa. Nhà vua đi săn về. Lọng vàng quân hầu che rợp đất Phong Châu. Vua đi đến đâu, các cụ bô lão đặt án thư, đốt hương, đốt trầm đem bánh giầy bánh chưng dâng vua thưởng lãm...
Tôi giật mình tỉnh dậy, tiếc ngẩn tiếc ngơ. Tôi lẩm nhẩm một mình:
Vua Hùng một sáng đi săn
Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này
Dân dâng một quả xôi đầy
Bánh chưng mấy cặp, bánh giầy mấy đôi
Đẹp lòng vua phán bầy tôi
Tìm đất kén thợ định nơi xây nhà
Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình
Đêm đêm tiếng thậm... tiếng thình
Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non.
Tôi nhẩm lại vài lần cho thật thuộc, lòng sướng rơn. Nhưng... hình như mình vào bài đột ngột quá. Phải mở bài đã chứ. Tôi lẩm nhẩm:
Đi qua xóm núi Thậm Thình
Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm
Ổn, ổn rồi! Bài thơ cứ như là bắt được! Lên không khí lắm. Cái giống làm thơ chúng tôi khi viết được cái gì tâm đắc thì thích đọc cho người khác nghe để tìm sự đồng cảm, sự chia sẻ. Độc giả, bạn bè ở xa cả, chỉ có một người yêu thơ dại khờ đó là em đang ngủ ngon lành. Sau một ngày lên lớp dạy học và chăm nom cho bốn đứa con, giấc ngủ của em rất sâu. Nhưng tôi thì không thể chờ sáng mai mới đọc được, tính tôi đã định làm gì là làm tắp lự, không chậm một giây. Tôi lay vai:
- Dậy! Dậy! Anh vừa viết được một bài thơ ưng ý!
Như một phản xạ quen thuộc, em dậy ngay, tỉnh táo. Nghe tôi đọc hai lần, em nói ngay:
- Theo em, anh dừng bài thơ ở đấy rất nguy hiểm. Cả nước đang đánh Mỹ mà anh lại nói chuyện Vua Hùng. Cán bộ, nhân dân mỗi tháng bây giờ được mươi cân gạo, phải đi xếp hàng mua ba bốn lần mà cảnh ngày xưa thì nào bánh giầy, bánh chưng no đủ thế, biết đâu người ta chụp cho anh cái mũ hoài cổ thì nguy to. Hoài cổ tức là phủ nhận hiện tại. Còn sửa thế nào thì em không biết. Em ngủ đây!
Tôi reo lên, thán phục:
- Em nói đúng lắm. Điều em nói quả là anh chưa nghĩ đến.
Tôi ngồi ở một góc giường. Tiếng em thở đều đều vào giấc ngủ. Tội nghiệp, nửa đời sống với một thằng chồng làm thơ đa cảm, dại dột, bộc trực, em như con nhím lúc nào cũng phải xù bộ lông có gai nhọn ra để che chắn cho chồng cho con, giữ gìn từng ly từng tí một.
Tôi lẩm nhẩm đọc lại bài thơ mấy lần nữa, đọc mãi thành thuộc:
Đêm đêm tiếng thậm... tiếng thình
Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non
Tách được hai tiếng “Thậm Thình” ra thành “tiếng thậm”, “tiếng thình” là tôi đã cụ thể hoá được cái từ tượng thanh này bằng hai tiếng chày giã gạo. Ngực tôi nóng ran vì hạnh phúc, vì sung sướng. Tôi cứ “ư ư ư ư” một mình rồi đọc tiếp:
Không còn dấu cũ lầu son
Phía sau thành phố khói vờn trong mây
Trời cao. Bóng toả đường cây
Nhịp chày xưa thoảng đâu đây... Thậm Thình.
Cái điều em gợi ra, tôi đã làm được. Phía sau Thậm Thình là khu vườn công nghiệp Việt Trì đang nhả khói lên trời cao. Tôi hơi ngượng với mình vì cái vẻ đẹp của câu thơ mang tính ước lệ và lạc hậu. Tôi nghe nói ở các nước văn minh, để bảo vệ môi trường người ta cho khói phả vào đất hay dùng công nghệ sử dụng nó như một thành phần chế tạo ra phân bón. Tôi mỉm cười một mình: Đấy là ở các nước văn minh, còn câu thơ này mình viết ở nước mình cơ mà!
Thức suốt đêm làm thơ nhưng sáng hôm sau, tôi đến cơ quan sớm hơn mọi ngày mười lăm phút.
Hoàng Hữu đang ăn mì. Tôi ào vào và đọc cho anh nghe bài thơ, giọng đọc vẫn còn run vì xúc động. Anh bắt đọc lại một lần nữa và nói ngay:
- Theo em, đây là bài thơ hay nhất của anh từ trước tới nay. Cảnh, tình, ý tưởng đều “lên” được hết nhưng hình như có một câu, thanh chưa ổn. Tiếng thứ hai của câu “bát” nhất thiết phải thanh bằng (mà thanh “bằng” không dấu huyền mới hay!).
Hoàng Hữu nói đúng. Cái câu “Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non”, tôi biết chữ “gạo” không ổn về thanh nhưng lại được về ý. Cứ để tạm, sửa sau. Hoàng Hữu bắt tôi chép bài thơ ra. Anh đọc bằng mắt vài lần rồi chạy xuống phòng văn thư nhờ cô Hồ đánh máy. Suốt cả buổi sáng hôm ấy, hai thằng vui sướng, hạnh phúc với bài thơ.
Hoàng Hữu bảo:
- Em nói thế này, anh đừng giận. Em mới đọc của anh dăm năm nay, chủ yếu là ở các báo trung ương thì thấy thơ anh có tình, có tâm trạng nhưng diễn đạt thì cũ quá, thấy anh ít tìm tòi nhưng đến bài lục bát này thì quả là anh viết xuất thần, chặt chẽ mà rất gợi. Không có câu nào độn cả. Thôi anh cho in quý này đi. Biên tập viên mới mà trình làng bài này thì cộng tác viên xanh mắt!
...22h5’, Phó trưởng ty Nguyễn Chí Vượng hổn hển chạy lên, giọng nói đứt quãng:
- Xuống, xuống... Tiếng Thơ phát
Qua Thậm Thình.
Ngực tôi đập thình thịch. Đã được đăng báo Trung ương hàng trăm lần rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi gửi bài cho Tiếng thơ và được đài cho ngâm...
Nguyễn Bùi Vợi
Tên đây là trích đoạn hồi ký của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi nói về quá trình ông sáng tác bài thơ Qua Thậm Thình - một thi phẩm từng được chọn in trong sách giáo khoa và là một trong những thi phẩm tiêu biểu trong đời thơ của ông.