Sách Luận ngữ từng nói: “Trong cái xóm mười nhà, thế nào cùng có người trung tín như Khâu này vậy”, huống hồ nhân vật cõi nam Giao từ xưa đã đông đúc, lẽ nào vì nơi hẻo lánh mà vội cho là không có nhân tài! Trong lời nói, việc làm, trong tài năng của người xưa có nhiều điều khả thủ, chỉ vì qua cơn binh lửa, sách vở bị cháy sạch, thành ra những điều đó đều bị mất mát cả, không còn ai được nghe, há chẳng đáng tiếc lắm sao? Nghĩ tới điểm này, tôi thường tìm ghi những việc cũ, nhưng thấy mất mát gần hết, trong trăm phần chỉ còn được một hai; bèn góp lại thành một tập sách, đặt tên là Nam Ông mộng lục, phòng khi có người đọc tới; một là để biểu dương các mẩu việc thiện của người xưa, hai là để cung cấp điều mới lạ cho người quân tử, tuy đóng khung trong vòng chuyện vặt, nhưng cũng là để góp vui những lúc chuyện vui.

Có kẻ hỏi tôi rằng: “Những người ông chép đều là người thiện, vậy thì trong các chuyện bình sinh ông nghe thấy, lại chẳng có chuyện nào bất thiện ư?” Tôi trả lời họ rằng: “Chuyện thiện tôi rất mê nghe, nên có thể nhớ được; còn chuyện bất thiện thì không phải không có, chẳng qua tôi không nhớ đấy thôi”. Họ lại hỏi: “Sách lấy tên là mộng ý nghĩa ở chỗ nào?” Tôi trả lời “Nhân vật trong sách, xưa kia rất phong phú, chỉ vì đời thay việc đổi, dấu tích hầu như không để lại, thành ra còn mỗi một mình tôi biết chuyện và kể lại mà thôi, thế không phải mộng là gì? các bậc đạt nhân quân tử có thấu cho chăng? còn hai tiếng Nam Ông thì chính là tên tự của Trừng tôi vậy”!

Ngày trùng cửu, năm Mậu Ngọ, niên hiệu Chính Thống thứ ba (1438). Lê Trừng, tên chữ là Mạnh Nguyên, người xứ Nam Giao, giữ chức Chính Nghị đại phu, Tư trị doãn, Công bộ tả thị lang, đề tựa.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]