Mùa hè năm Đinh Hợi (1767) tôi từ Thái Nguyên về triều, tiếp sắc chỉ với hàm Đông các được bổ đi làm Hiệp Trấn xứ Thanh Hoa. Tháng 7 tôi đến quận. Khi đã đến nơi, công việc đơn từ kiện tụng cũng tương đối thưa giản, nhờ thế tôi được đi du thưởng nhiều nơi danh thắng như núi Dục Thuý ở huyện Yên Khang, động Hồ Công ở huyện Vĩnh Phúc, ở những nơi ấy tôi đều có đề thơ khắc vào đá. Lại về phía đông lỵ sở có một ngọn núi tên là núi Bàn A ở xã Đại Khánh huyện Đông Sơn. Núi này không cao lắm, nhưng quanh co uốn khúc rất đáng yêu. Núi nhìn xuống sông Lương Giang, một chi từ bên hữu đội lên thành núi Da Sơn; một mạch từ bên tả ngạn giáp Lương Giang chạy về núi Bằng Trình làm thành núi Thái Bình. Sông Mã tù trên thượng nguồn chảy đến đó thì hợp với nhánh bên phải làm thành Ngã ba. Hai dòng nước chầu phía trước, hai ngọn núi vòng ôm hai bên tả hữu. Phía trước là sông lớn, cả hai bên đều có doi cát nổi lên. Doi bên trái là Ngân đái (Đai bạc), doi bên phải là Ngọc ấn (Ấn ngọc), bày bố tự nhiên theo thế ôm vòng. Trên lưng núi, đối diện với dòng sông là một vách đá. Giữa thân vách đá có một chỗ lõm sâu vào, bên trong có thể ngồi lọt một người ngồi xếp chân, dựa lưng vào vách. Bên trên đầu có một lỗ thủng như hình chiếc mũ, bên trái bên phải có thể để được những đồ dùng. Lại có chỗ có những thanh đá như song cửa sổ, bên trong ngồi được hai người ngồi đối diện với nhau dựa lưng vào song cửa sổ. Hai bên tả hữu có hai hòn đá như hai đứa tiểu đồng. Từ phiến đá dựng ở chỗ song đồng ấy có thể nhìn xuống dòng sông, người bên dưới theo lối bên trái có thể đi lên trên chòi. Những khi việc quan rảnh rỗi tôi thường đền đến ngồi chơi trong cái hang nhỏ mà tôi gọi là cái “sào” (tổ) ấy. Từ trên cao nhìn xa, thấy làn nước mênh mông bao quanh xóm núi, suối hạc, bãi le, mà tự mình được ứng tiếp muôn vạn cảnh, không thể hình dung hết được. Vì chỗ này có thể xem sông nước, nhưng nhỏ không đủ gọi là hang động, cho nên tôi đặt tên là Quan lan sào (Cái tổ xem sóng), viết 5 chữ lớn phía ngoài bên trên khuôn viên của “tổ” nhưng là bên trong lan can đá, và làm bài minh về nó. Phía trên và là bên tả của “tổ”, nhân theo tên núi khắc bia ba chữ “Bàn A sơn” để thể hiện tên núi, ở dưới khắc họ tên và năm tháng khắc bia để biết.
Lại ở chỗ vách đá bên phải giáp với “tổ” có chỗ lõm hình tròn mà dài có thể khắc bài minh, hai bên có mấy chõ to bằng bàn tay lõm vào thể thế rất tự nhiên, bèn sai thợ khắc chữ 10 chữ của bài minh làm đầu bên tả của bài minh, còn 92 chữ ở sau bài minh phía bên phải thì khắc vào chỗ đá lõm mà tròn như hình cái giếng, phía trước có hình cỗ xe nên gọi là Giếng Tiên (Tiên tỉnh), ở hòn đá trên chỗ cái hốc ấy tôi cho khắc 2 chữ “Tiên tỉnh” để ghi nhớ sự kỳ lạ của cái hốc đá. Lại gần bên phải “Giếng tiên” bên cạnh tảng đá lớn có một chỗ hơi bằng phẳng, ngồi được, mà chỗ ấy giáp núi cát mịn có thể bắc một cái đầu rau làm bếp được. Bọn tiểu đồng theo lối bên phải đến, mỗi khi nghỉ ngơi tôi thường bảo bọn trẻ nhóm lửa đun nước pha trà uống, nhân đó gọi là “Chử minh oa”(hố nấu nước pha chè). Từ bên trái chỗ đun nước pha chè ấy, vin cây mà trèo lên, lại thấy 1 chỗ dài ước vài chiếc chiếu. Giữa chỗ vách núi cao ấy nổi lên một tảng đá nhỏ có thể dựa lưng ngồi mà nhìn xuống phía trước “tổ”. Tôi mỗi khi đến nghỉ ở Quan lan sào thường trèo lên chơi chỗ này. Nhìn ra xa có nhiều cảm hứng muốn ngâm vịnh, nhưng chỗ cao cheo leo rất đáng sợ nên klhông tiện ngồi lâu, không bằng ngồi dưới “Tổ” bằng phửng chắc chắn, có thể ung dung nghĩ ngợi, lại vừa được ngắm cảnh trí xung quanh. Bởi vì nơi này hơi cao mà có gió, lại có hòn đá như cái ghế, đặt tên là “Nghênh lãm toạ” (Mời ngồi ngắm), sai khắc ba chữ ấy để ghi chỗ ngồi hóng mát.
Lại bên trái “tổ” có tảng đá chìm dưới nước, nhô lên như một hòn đảo nhỏ, cách bờ khoảng vài thước, bên trên hình nhọn. Tôi thường chèo thuyền đến gần tảng đá ấy, nói đùa rằng lên chỗ này thì không được say rượu, nhân đó gọi chỗ ấy là “Đình bôi” (dừng chén). Các bức hoạ đồ hình thế núi sông, chiều cao chiều s sâu, dài rộng bao trượng bao thước cùng là những điều ước hội dung xem kỹ ở sau. Mùa đông năm Mậu Tí, tháng 12 (1-1769) hoàn công. Nhân có công vụ, cho mời các quan lại trong ba ti đến chơi xem nơi này, coi như lễ khánh thành. Rượu đã ngà say, có người đùa tôi nói rằng: “Ngài đối với núi khai thác như thế này., vị trí quy mô đều rất rõ rệt, đẹp như nơi ngài ở, có thể gọi ngài là người “Sơn tích” (Mê núi) vậy. Tôi đáp: “Vẫn có thế!”. Tôi đi xem nhiều núi, yêu thích núi đã lâu, ngay chỗ không có ngọn khói dấu chân con người mà có ngọn núi con sông cảnh đẹp cả đến cảnh vật khiến người quê mùa có khi quên khuấy, còn như ngọn núi đẹp như thế này tôi làm sao mà vô cảm được! Lại có những người chưa ra làm quan để có dịp thăm thú núi non hang hốc, đẩy cửa ra là thấy núi, trèo lên non mà ngắm nước thì hứng thú sơn thuỷ không ngày nào không có. Như niềm lạc thú mà tôi có đây thì là núi may mà gặp tôi, tôi đối đãi với núi chu đáo đã lâu, tưởng cũng như người mê núi vậy, chứ đâu phải chỉ một mình tôi. Đại phàm lấy đá làm tổ thì yên, lấy tổ làm chỗ ngồi thì trong. Ơn nước gót đầu chưa mảy may báo đáp. Bậc trí giả lao tâm việc miếu đường, bậc dũng giả lao lực việc biên cương, mà một mình ta hàng ngày được du chơi với cái tổ của ta để trộm chút phúc, đã an lại thanh. Ấy là do tôi may gặp được người thời Nghiêu Thuấn, may được đứng trong triều đình “đô du” mà lại có thể kiêm được cái đẹp của Cơ tần. Thế là tạo vật ưu hậu cho ta, không phải là do ta trí xảo mà có thể có được cái niềm si mê ấy! Các ông khách đều cho lời ta là phải. Khách về hết rồi, ta lấy bút ghi lại sự việc.
Hoàng triều Cảnh Hưng năm thứ 29 (1776), năm Mậu Tý, tiết Gia Bình.
Chính Tiến sĩ khoa Bính Tuất, Đông các Hiệu thư Thanh Hoa Hiến sát sứ Ngọ Phong cư sĩ Ngô Thế Lộc phủ viết ở Quan Lan sào.