Xưa kia, Triệu Vũ Đế dựng nước, vua Hán đem quân sang đánh, dân chúng bèn làm kế "vườn không nhà trống". Rồi đại binh kéo sang châu Liêm, châu Khâm đánh vào Trường Sa, đoản binh thì tập kích phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê, đề bạt được bậc hiền tài, cõi Nam vừa húng cường lên mà phương Bắc thì đang mỏi mệt suy yếu. Trên dưới cùng ý nguyện, lòng dân không chia lìa, xây thành bình lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Nhà Lý vừa mở mang cơ nghiệp, quân Tống đã xâm phạm vào bờ cõi. Bèn dùng Lý Thường Kiệt để đánh châu Khâm, châu Liêm, mấy lần đến tận Mai Lĩnh. Ấy là có cái thế đánh được vậy.

Mới rồi Toa Đô và Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, nhờ vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước dồn sức lại mà bọn chúng đành phải chịu trói, đó cũng là do lòng trời xui nên như vậy.

Tóm lại, giặc cậy trận dài, ta cậy binh ngắn, lấy ngắn chế dài là lẽ thường của binh pháp. Nếu thấy quân giặc đến ồ ạt như lửa to gió táp thì đó là tình thế dễ chế ngự. Nếu chúng dùng lối tằm ăn lá, hành binh dần dà, không ham của dân, không cốt thắng mau, thì phải kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, giống như đánh cờ, phải tuỳ tình thế mà đưa nước chống cho thích hợp. Phải gây dựng được một "đội quân cha con" rồi mới có thể sử dụng được. Vả lại, khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]