Bản dịch của Châu Hải Đường

Tiết thu tháng Chín chừ, bốn phía mờ sương.
Trời cao nước khô chừ, cái nhạn bi thương.
Lính thú khổ thay chừ, ngày đêm bàng hoàng.
Mặc giáp cầm gươm chừ, xương trắng gò hoang.
Rời nhà mười năm chừ, mẹ cha xa cách;
Vợ con nào thấu chừ, lẻ loi cô phòng.
Dẫu có ruộng tốt chừ, ai người coi với?
Xóm giềng rượu cất chừ, ai người nếm cùng?
Tóc sương tựa cửa chừ, sông thu trông vợi;
Con thơ thương nhớ chừ, khóc đứt can trường.
Ngựa Hồ hí gió chừ, còn hay nhớ nước;
Người nơi đất khách chừ, há quên cố hương?
Một buổi giao binh chừ, giáo gươm chịu chết;
Thịt xương thành đất chừ, cầu khe cỏ vàng.
Hồn phách phiêu diêu chừ, chẳng nơi nương tựa.
Tráng chí tịch mịch chừ, phó trả hoang đường.
Dằng dặc đêm nay chừ, nghĩ suy tỉnh ngộ;
Sớm rời khỏi Sở chừ, khỏi chết tha phương.
Ta há ca suông chừ, trời cho người biết;
Người khá biết mệnh chừ, chớ cho là thường.
Hán vương có đức chừ, hàng binh chẳng giết;
Kêu xin muốn về chừ, tha cho tuỳ lòng.
Chớ giữ doanh không chừ, lương thảo đã tuyệt;
Nay mai bắt Vũ chừ, ngọc đá đều tan.
Điệu hát Sở chừ, tan lính Sở;
Ta khá thổi chừ, hiệp sáu luật.
Ta chẳng phải Tư chừ, xin ăn Đan Dương;
Ta chẳng phải Trâu chừ, ca Yên thất.
Tiếng tiên vi diệu chừ, thông cửu thiên;
Gió thu nổi chừ, ngày Sở mất.
Sở đã mất chừ, người về đâu?
Thời giờ chẳng đợi chừ, như chớp giật.
Ca chừ, ca chừ, ba trăm chữ;
Chữ chữ câu câu có ý tứ.
Khuyên ai chớ có lấy làm chơi;
Lọt tai ghi lòng cho thực nhớ!

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]