Thấy Bùi Giáng có những biểu hiện không bình thường, chính quyền phường cũng có lần mời nhà thơ đi trị bệnh tâm thần, ông liền trả lời: “Bác sĩ cả thế giới này trị được bệnh điên chưa mà cỡ phường đòi trị?”. Cán bộ phường đầu hàng!
Ông thường nằm võng tới 10 giờ đêm mới chịu vô nhà. Nổi hứng, ông trèo lên hai cây ổi trong vườn la hét ầm ĩ hoặc ca hát nghêu ngao. Trăng sáng, hương ổi thơm thơm toả ra khu vườn, chắc là gợi cho ông những điều kỳ bí, nên đầu óc cũng chung chiêng. Nhánh ổi xoè xuống mái nhà nhỏ, có một bóng người râu tóc um tùm ngồi chơi với trăng, thật tình chẳng biết là cảnh điên hay cảnh tiên nơi trần thế, nơi nhân gian đang đắm chìm trong mộng mị, tính toan.
Nhiều hôm, ngủ vài tiếng đồng hồ, khoảng 3-4 giờ sáng ông leo rào đi ra. Nhà ông Võ khi ấy chưa xây tường rào, mà chỉ có dàn kẽm gai bao quanh. Bùi Giáng kiếm đồ quăng lên đống kẽm, thế là leo ra khoẻ re, không bị trầy xước tí gì. Ông Võ cười: “Ổng khôn chứ điên chỗ nào! Ổng còn nhớ dai kinh khủng. Ai nói câu gì, mấy năm sau ổng còn nhớ như in. Có bận ổng gật gù bảo: Thầy bói nói bây giờ tôi nghèo chớ chừng tôi chết rồi tôi mới giàu. Chẳng biết thầy bói xem cho ổng hồi nào mà ổng còn nhớ kỹ như vậy”.
Bùi Giáng đi lang thang suốt năm, nhưng có lúc lại không thèm đi đâu, ở nhà luôn cả tháng. Và cả tháng đó là thời gian ông... tịnh khẩu. Không la hét, không chửi mắng, cũng không đọc thơ, không nhắc Kim Cương, ni sư Trí Hải, cũng không giỡn đùa với cháu chắt... Tuyệt đối im lặng. Bà Võ hỏi: “Anh có ăn cơm không?”. Đáp: “Ừm...”. Hỏi: “Anh ăn thêm nữa không?”. Đáp: “Không”. Một tiếng duy nhất. Và lúc tịnh khẩu là lúc ông đem quần áo ra... vá. Có tin được không? Bàn tay ấy, tâm trí ấy mà ngồi tỉ mỉ từng đường kim sợi chỉ? Bà Võ nói: “Trời, ông vá áo khéo lắm, khéo hơn cả phụ nữ. Ông vá miếng hình tròn, miếng hình vuông, hình tam giác, đẹp như người ta vẽ. Ngồi im thin thít mà vá, không nói tiếng nào. Tiếc quá, lũ nhỏ nhà tôi dọn dẹp, không còn giữ được cái áo, cái quần nào của ông để mọi người xem bàn tay khéo léo ấy”. Bà Võ cũng có một cái áo vá chằng vá đụp, đem ra làm giẻ lau, thì ông cản lại: “Cô cất vô tủ đi, sau này nước ngoài qua mua đắt lắm đó!”. Bây giờ thì lại lên cơn điên thiệt!
Hết thời kỳ “tịnh chân, tịnh khẩu” thì ông tiếp tục đi lang thang. Mấy đứa cháu đi học tình cờ gặp ông đang... ngồi thiền tại ngã tư quận 6. Thế là mấy bà người Hoa nghĩ rằng “Phật sống”, xúm nhau quỳ lạy. Mấy bả mà biết đó là “nhà thơ Bùi Giáng” chắc dám đem thơ của ông về... tụng.
Trong cơn điên, ông lại đi lấy cho bằng được chiếc giày của Kim Cương, rồi xỏ dây đeo tòng teng nơi cổ như... dây chuyền. Bà Võ nhớ, chiếc giày đó mới toanh, hình như chưa đi bao giờ. Về tới nhà, ông tháo ra đặt trên bếp để đi tắm. Bà Võ thấy vậy, dọn vô một nơi gọn gàng. Ông tìm không thấy, hốt hoảng như mất vàng mất ngọc. Chừng bà Võ mang ra, ông chửi muốn... tắt bếp, và đòi đánh cô em dâu vì dám xúc phạm tới “tiên nữ” của ông.
Vậy mà gia đình vẫn thương yêu đùm bọc ông. Khi ông mất, gia đình lập bàn thờ, cúng giỗ suốt 4 năm. Sau đó đem di ảnh ông về nhà thờ họ tộc tại Bình Chánh, và mỗi năm cúng giỗ tại mộ phần ở Gò Dưa. Hiện nay anh Hoài (rể của ông Võ) coi phần cúng kiến. Nhưng khổ nỗi, chẳng năm nào dự đoán được chính xác số khách đến dự. Vì bạn bè văn nghệ và người ái mộ ông ở khắp nơi kéo về, khi lên đến vài trăm, chẳng biết đường nào mà chuẩn bị thức ăn đãi tiệc. Mấy năm đầu đãi tiệc chay vì có nhiều nhà sư đến dự, sau đãi tiệc mặn vì bạn bè đông quá.
Bùi Giáng không còn nữa nhưng ông không chết. Dường như ông “giáng” xuống cõi trần này rong chơi một chút ta bà, rồi cưỡi thơ về trời, nhẹ như mây như khói...
Hoàng Kim