Chưa có đánh giá nào
Ngôn ngữ: Tiếng Đức
3 bài trả lời: 2 bản dịch, 1 thảo luận

Một số bài cùng tác giả

Đăng bởi sabina_mller vào 24/06/2007 09:52, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi sabina_mller vào 13/07/2007 18:00

Der Sohn

Mutter, halte mich nicht,
Mutter, dein Streicheln tut weh,
Sieh durch mein Gesicht,
Wie ich glüh und vergeh.
Gib den letzten Kuss. Lass mich frei.
Schick mir Gebete nach.
Dass ich dein Leben zerbrach,
Mutter, verzeih.

 

Dịch nghĩa

Mẹ ơi, đừng giữ con,
Mẹ ơi, sự âu yếm của mẹ khiến con đau,
(Mẹ) Hãy nhìn vào mặt con,
(Xem) con đỏ lên và đau đớn thế nào.
(Mẹ) hãy hôn con lần cuối. Hãy buông con ra.
(Mẹ) hãy cầu nguyện cho con sau.
Rằng con đã làm cuộc đời mẹ tan vỡ,
Mẹ, hãy tha thứ cho con.


Rút từ tập Thơ của Kuno Kohn (Die Gedichte des Kuno Kohn).

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của thanhbinh82_tp

Đừng giữ con, mẹ ơi
Bởi sự chăm lo của mẹ càng làm con đau
Mẹ hãy nhìn vào con
Xem con đau đớn thế nào.
Mẹ hãy hôn con
và nguyện cầu cho con lần cuối
Dù con đã làm mẹ tan vỡ cuộc đời
Mẹ ơi, hãy thứ lỗi cho con.

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Hoàng Tâm

Mẹ ơi đừng cản ngăn con,
Mẹ an ủi thế làm con đau lòng.
Mẹ nhìn con nhé, Mẹ đừng,
Con đang cơn sốt, nóng bừng, sắp đi.
Hôn con lần cuối ôm ghì.
Mẹ cho con được ra đi nhẹ nhàng.
Mẹ ơi Cầu Phước con sang,
Dù rằng điều đó nát tan mẹ rồi.
Chắp tay con lạy. Mẹ ơi!

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

sabina_mller viết

Bài thơ „Đứa con trai“ của nhà thơ Alfred Lichtenstein là một trong hàng loạt bài thơ mà tác giả hoá thân vào nhân vật Kuno Kohn, một nhân vật của trong trí tưởng tượng của tác giả.

Về hình thức, bài thơ được chia làm hai khổ, mỗi khổ gồm 4 câu. Số âm trong từng câu thay đổi, không cố định, khi thì bảy âm, khi thì tám, khi thì chỉ năm âm thôi. Vần được gieo theo sơ đồ abab (vần chéo)-cddc (vần ôm). Nói chung, về thể thơ thì bài thơ này không có gì đặc biệt lắm.

Về nội dung, nếu không liên tưởng bài thơ với tiểu sử và hình tượng nhân vật Kuno Kohn này thì người đọc sẽ có hai hướng cảm nhận bài thơ khác nhau, hoặc là tâm sự của đứa con sắp đi xa, trải nghiệm thế giới hoặc là tâm sự của con sắp lìa khỏi cõi đời. Kì thực, bài thơ này là tâm sự của người con nói với mẹ trước khi mất. Tác giả mở đầu bài thơ bằng hai câu thơ

“Mẹ ơi, đừng giữ con,
Mẹ ơi, sự âu yếm của mẹ khiến con đau”


Mới đọc hai câu này, người đọc thoạt nghĩ đến ngay đứa con nay đã trưởng thành và muốn thoát khỏi vòng tay yêu thương che chở bấy lâu của người mẹ. Nếu suy luận theo chiều hướng này thì người đọc liên tưởng đến câu tục ngữ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” và cho rằng người con như vừa nói vừa van nài người mẹ, buông người con ra để cậu được tự do vẫy vùng, để cậu được khám phá, và vì rằng người mẹ che chở cho người con quá nhiều khiến người con không được tự mình trải nghiệm thế giới theo cách người con muốn nữa. Nếu hiểu theo hướng thứ hai, thì hai câu thơ trên sẽ là lời người con tha thiết nói với mẹ trước khi chết, rằng anh mong người mẹ hãy buông người con ra, hãy chấp nhận cái chết của anh và đừng níu giữ anh lại. Chỉ hai câu đầu tiên thì quả thực không thể kết luận được bài thơ nên hiểu theo chiều hướng nào. Nhưng đến câu thứ ba và thứ tư, người đọc dường như nhận ra hướng đi của bài thơ:

“Qua gương mặt con mẹ hãy nhìn xem,
con nóng đỏ và đau đớn thế nào”


Từ “glühe” trong nguyên bản có nghĩa là nóng đỏ, nóng bỏng, khiến ta hình dung người con đang nóng bừng, đỏ bừng như đang trải qua một cơn sốt và cũng có thể khiến ta nghĩ đến cơ thể người con đầy máu do súng đạn của kẻ thù. Từ “glühe” ở đây gợi cho ta nhiều liên tưởng, nhưng cho dù có liên tưởng đến đâu đi nữa thì ta cũng không thể phủ nhận được đây là hình ảnh của đứa con hấp hối sắp ra đi mãi mãi. Tác giả càng làm cho người đọc rõ thêm khi đọc sang câu thứ năm và thứ sáu:

“(Mẹ) hãy hôn con lần cuối. Hãy buông con ra
(Mẹ) hãy cầu nguyện cho con sau”


Tới đây thì người đọc không thể nhầm lẫn được nữa. Các từ ngữ như “hôn con lần cuối” và “cầu nguyện cho con” làm rõ nghĩa của bài thơ hơn. Bài thơ quả thật là lời người con nói với mẹ trước lúc lìa khỏi cõi đời. Vẫn là cách nói giống như khổ thứ nhất, “mẹ đừng giữ con” và “hãy buông con ra”, người con mong người mẹ chấp nhận cái chết của mình.

“Rằng con đã làm cuộc đời mẹ tan vỡ
Mẹ, hãy tha thứ cho con”


Cấu trúc của câu này theo bình thường ta vẫn hiểu là “mẹ hãy tha thứ cho con vì con đã làm cuộc đời mẹ tan vỡ”, nhưng tác giả đã đổi vị trí mệnh đề chính phụ, và vần được gieo thay vì là cdcd (vần chéo) thì giờ trở thành cddc (vần ôm). Về mặt ngữ pháp, đảo vị trí mệnh đề như thế cũng không hề sai. Câu kết của bài thơ thật xúc động. Trước khi chết, người con không hề lo sợ cái chết, lo sợ cho chính bản thân mình mà nghĩ đến người mẹ. Chết là hết, đối với người sắp chết, cái chết là một sự giải thoát, nhưng với người ở lại, cái chết quả là một cái gì đó ghê gớm, nó cướp đi người ta yêu mến. Ở đây, tác giả nhắc đến hình ảnh người mẹ, người mang nặng đẻ đau ra anh, cho anh hình hài vóc dáng này, người ấy sẽ ra sao khi anh mất đi? Viễn cảnh mà ta liên tưởng được là "lá vàng khóc lá xanh". Chắc chắn rằng người mẹ sẽ rất đau khổ và khó chấp nhận được sự thật là người con của mình sẽ ra đi vĩnh viễn, chắc chắn bà sẽ cố níu giữ để cái chết không đến gần cướp đi đứa con yêu quí của bà. Nhưng, trớ trêu thay, sinh – lão - bệnh - tử là cái lẽ của tự nhiên rồi, ta làm sao có thể cưỡng lại, níu giữ lại được? Vì lẽ thế, người mẹ cũng chẳng thể nào níu giữ người con khi cái chết gần kề. Với người con, anh đã chấp nhận cái chết và hằng mong mẹ anh cũng chấp nhận điều này, đừng vì cái chết của anh mà quá đau khổ. Bài thơ được kết bằng hai câu thơ rất xúc động, càng làm ta đau xót hơn, càng làm cho ta thấy được sự thảm khốc của những cuộc chiến tranh.

Bài thơ “Đứa con trai” nằm trong tập thơ “Thơ của Kuno Kohn”, một trong nhiều tập thơ mà nhà thơ hoá thân vào nhân vật tưởng tượng của mình để diễn tả sự bế tắc, thất vọng về cuộc chiến và cái mà người đời vẫn gọi là “linh tính” về cái chết của bản thân.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời