Chưa có đánh giá nào
3 bài trả lời: 2 bản dịch, 1 thảo luận

Một số bài cùng tác giả

Đăng bởi sabina_mller vào 29/07/2007 22:22

Punkt

Die wüsten Straßen fließen lichterloh
Durch den erloschnen Kopf. Und tun mir weh.
Ich fühle deutlich, daß ich bald vergeh –
Dornrosen meines Fleisches, stecht nicht so.

Die Nacht verschimmelt. Giftlaternenschein
Hat, kriechend, sie mit grünem Dreck beschmiert.
Das Herz ist wie ein Sack. Das Blut erfriert.
Die Welt fällt um. Die Augen stürzen ein.

 

Dịch nghĩa

Đường phố lộn xộn chảy („chảy“ chứ không phải là „cháy“) sáng bừng
Qua cái đầu kiệt quệ. Và tôi đau đớn.
Tôi cảm nhận rõ ràng, rằng tôi sắp ra đi –
Hoa hồng có gai đâm vào thịt tôi cũng không như thế này.

Đêm tối mốc meo. Ánh đèn đường độc hại
Đã bôi nhọ đêm tối từ từ với vết dơ màu xanh lá.
Trái tim như một cái túi. Máu đông lại.
Trái đất ngã gục. Đôi mắt sụp xuống.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Trác Văn Quân

Đèn phố bừng lên chảy mặt đường
Qua cầu đau đớn đến thê lương
Ta biết đời ta dường đã tuyệt
Gai nhọn sao bằng những vết thương

Đêm tối đèn đường ánh nhớp nhơ
Quệt vào đêm lặng những vết dơ
Tim ta rỉ máu chừng đông lại
Trái đất cuồng quay, mắt bỗng mờ


(Dự án dịch thơ của Thi Viện)
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

sabina_mller dịch

Bài thơ „Chấm hết“ của nhà thơ Alfred Lichtenstein ra đời năm 1913, gồm hai khổ thơ mỗi khổ 4 câu, vần ôm (abba) được gieo là ở cuối câu. Nội dung bài thơ đề cập đến thành phố lớn và sự phân li cái tôi.

Hai câu đầu tiên phản luận với nhau. Cái „tôi“ trong thơ miêu tả trong câu thơ thứ nhất giao thông đô thị lộn xộn và sáng bừng. Trong câu thứ hai, cái „tôi“ đứng đối lập với hình ảnh „cái đầu kiệt quệ“. Đường phố (giao thông) huyên náo và sống động, trong khi chủ thể „tôi“ cảm thấy trống rỗng. Đường phố (giao thông) chạy xuyên qua đầu của tác giả, khiến tác giả đau đầu. Hình ảnh này ám chỉ rằng giao thông đường phố đối với cái „tôi“ tiêu biểu cho sự sống vội, sự trôi qua nhanh và nguy hiểm và thế giới này đang đi qua chủ thể „tôi“. Tác giả không thể tự khẳng định mình trong cuộc sống nơi thị thành huyên náo này và cảm thấy bị đe dọa. Hệ quả là chủ thể „tôi“ dường như một mình và không tham gia gì cả, điều mà tác giả gắn liền với nỗi đau.

Động cơ của sự trôi qua nhanh và căng thẳng giác quan nội tâm của cái „tôi“ trong thơ một lần nữa được gạch dưới ở câu thứ ba. Chủ thể „tôi“ rõ ràng đang buồn rầu và chịu đựng sự cách ly, khiến chủ thể „tôi“ nhìn thấy cái kết thúc báo trước đang đến gần. „Nỗi đau trái đất“ này được dẫn tiếp ở câu bốn. Trong câu cuối cùng của khổ một, thật rõ ràng rằng chủ thể „tôi“ đang tự huỷ diệt mình từ bên trong và không chỉ do ảnh hưởng bên ngoài mà bị tiêu huỷ. Người ta gọi đây là sự phân li cái „tôi“ hay còn gọi là sự huỷ diệt cái „tôi“ hoặc sự mất đi cái „tôi“.

Khổ thứ hai được chia như khổ thứ nhất: đầu tiên hai câu đầu miêu tả phần tiêu biểu của thành phố lớn, trong khi những câu sau nói về ảnh hưởng của thành phố lớn lên cái „tôi“ trong thơ. Câu một của khổ thứ nhất miêu tả giao thông đường phố lộn xộn thì trong khổ thứ hai là ánh đèn đường.

Tác giả mô tả đèn đường của thành phố lớn như là „đèn độc hại“từ từ bôi nhọ bóng đêm với vết bẩn màu xanh lá. Đèn đường là một  phát minh tương đối mới trong thời kì công nghiệp hoá gian đoạn sau mà chỉ có ở thành phố lớn. Tác giả ghê tởm phát minh mới, vẫn còn xa lạ này. Ánh sáng nhân tạo của đèn đường được cho là „độc hại“ và không tự nhiên, ánh sáng của nó khiến đêm tối trông mốc meo. Tính từ „xanh lá“ ở câu sáu tương quan với từ „độc hại“ ở câu năm, vì màu xanh lá thường đi kèm với chất độc hại và câu này chuyển sang câu kia bằng cái ngắt dòng. Nổi cộm lên là đêm tối được tác giả miêu tả qua sự mốc meo dường như trở nên „hữu cơ“ một cách bất thường. Đêm tối chủ động và đe doạ, đèn đường độc hại được nhân hoá qua động từ „trườn bò“ (= kriechend)(ở đây Sabina dịch là „từ từ“).

Hai câu cuối chủ thể „tôi“ trở lại với mình. Chủ thể tôi được bị cái lạnh vây quanh và trái tim được ví như là một cái túi (câu 7). Để kết thúc bài thơ, tác giả mới hay biết ngày tận thế của riêng mình. Điểm đặc biệt ở đây là Alfred Lichtenstein đã lật ngược mối quan hệ chủ từ - túc từ. Vì ở đây không phải thế giới sụp đổ, mà là chính cái „tôi“ trong thơ. Kĩ thuật này dường như khiến người đọc thấy kì quặc, không thực và điên rồ, nhưng Alfred Lichtenstein lại vận dụng thường xuyên, chẳng hạn trong bài thơ „Thành phố“ hay bài „Chiều tối“.

Trong bài thơ này, người đọc nhận ra được hai chủ đề tiêu biểu của trường phái biểu hiện, thứ nhất là chủ đề thành phố lớn rất hay được nói đến trong thơ của các nhà thơ trường phái biểu hiện, thứ hai là chủ đề rất quen thuộc trong trường phái biểu hiện - cái „tôi“ trong thơ được cố định và những ấn tượng chủ quan được miêu tả. Đặc biệt ở đây là sự phân li cái „tôi“ đã được nói đến ở trên, còn được gọi là sự huỷ diệt cái „tôi“ hoặc sự mất đi cái „tôi“. Cái „tôi“ trong bài thơ này có vai trò thụ động, nó (cái „tôi“) không thể tự chủ được, mà trở thành nạn nhân của môi trường xung quanh đầy quyền lực quật ngã tác giả. Chủ thể „tôi“ không theo kịp sự sống vội của giao thông đường phố, đứng một mình và bị cách ly, lo sợ trước sự thay đổi như là việc sử dụng đèn đường, cảm thấy bị chính môi trường xung quanh đe doạ và ngã gục trong tình trạng u uất. Phần cuối cùng, nỗi đau tâm hồn quá lớn đến nỗi mà chủ thể „tôi“ ngã gục. Đối với người đọc, thế giới của chủ thể „tôi“ ngã gục hay là chủ thể „tôi“ „tự sát“ hoặc tương tự như thế, vẫn còn để ngỏ.  

Tuy nhiên, Alfred Lichtenstein tự nhận rằng nhiều nhà thơ trường phái biểu hiện chịu đựng sự trầm uất nhưng không phải là người u sầu.Giả thiết rằng tác giả bài thơ „Chấm hết“ và người phát ngôn là một vẫn còn là một điều xa xôi. Alfred Lichtenstein và chủ thể „tôi“ đứng cách xa nhau.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của thanhbinh82_tp

Giữa đường phố bộn bề xe cộ
Khiến đầu tôi đau nhức lạ thường
Tôi mệt mỏi, rả rời, chán nản
Hơn những lần gai nhọn đâm tay.

Giữa đêm tối mốc meo độc hại
Bởi màu xanh từ ánh đèn đường
Khiến dòng máu tim tôi đông đặc
Mặt đất quay cuồng, nặng đôi mi.


(Dự án dịch thơ của Thi Viện)
Dẫu em có nghi ngờ ! Ngôi sao là ánh lửa ! Mặt trời di chuyển chỗ ! Chân lý là dối lừa ! Nhưng em chớ nghi ngờ ! Tình yêu Anh em nhé
Chưa có đánh giá nào
Trả lời