“Tôi đã chôn sao anh cứ hiện về, Nấm mộ ấy không một lần hương khói, Vùi sâu anh trong quãng đời nông nổi, Tôi bồi hồi, tôi bối rối, tôi yêu”, những câu thơ đằm thắm, nhạy cảm của chị đã ám ảnh một thế hệ độc giả trẻ. Nhưng sau Ảo ảnh nằm trong chùm thơ đoạt giải nhất Tác phẩm tuổi xanh lần I, chị bỗng biệt tăm khỏi văn đàn để chuyên tâm vào gia đình.
Làm thơ từ khi là một cô học trò trường huyện. Rời mảnh đất Hương Sơn, một vùng đất phong cảnh hữu tình với sông Ngàn Phố hiền hoà, chị đến thành Vinh. Chị tâm sự:
“Bây giờ đọc lại thấy xấu hổ vì đôi bài thơ của mình rất cải lương. Thơ mình không có tư tưởng, toàn nói những chuyện tình tang viển vông. Ngày trước, nhiều anh chàng mê thơ đã ngỏ ý nhưng rồi chẳng duyệt được anh nào mà mình quyết định gắn bó cuộc đời với một anh chẳng bao giờ thuộc lấy một bài thơ của vợ”. Hiền yêu chồng, chỉn chu với gia đình. Bạn bè đồng trang lứa đã chức này việc nọ, chị vẫn cắp sách đến trường học Cao học Ngữ văn ĐH Vinh. Gần 10 năm, chị bỏ thơ để có hai cô con gái và mấy cái bằng: Ngoại ngữ, Luật, Cao học Văn. Chưa học xong bằng này đã nhảy sang bằng kia. Chị nói:
“Nghĩ đến tương lai lúc cầm hồ sơ đi xin việc nên phải học. Trước kia, mình đã sống hết mình cho thơ. Yêu đến cạn kiệt và làm thơ như điên, nhưng có lẽ cái thời khắc ấy qua rồi. Khi lấy chồng, có con, mình biết rằng tổ ấm gia đình là quan trọng nhất đối với người phụ nữ. Làm thơ phải có một chút mất mát, hình như phải đánh đổi một thứ gì đó, bây giờ thì mình không dám. Hơn nữa ông xã luôn vo tròn mình như một viên bi, không có một vết sứt mẻ nào thì chắc sẽ khó có đau khổ để gửi gắm vào văn chương. Nhưng có lẽ mình sẽ viết về gia đình, về con cái như chị Xuân Quỳnh ngày xưa. Bây giờ có gia đình rồi, đọc thơ Xuân Quỳnh mới thấm thía nỗi lòng người phụ nữ yêu và hy sinh cho con cái hết lòng”.
Cô con gái thứ hai của chị vừa đầy tháng. Ở cữ được hơn 10 ngày, chị đã phải đến trường thi hết môn. Bên cạnh chiếc nôi của con là một chồng những Albert Camus, Garbiel Garcia Marquez, đề tài cho luận văn sắp tới. Nói là không viết, song niềm say mê văn chương của Đinh Thu Hiền vẫn còn trong gan ruột.
(Theo
Tiền phong)
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]