Thưa bạn đọc, chúng tôi đã có dịp nói chuyện với nhà văn Thanh Châu và chỉ ra với ông việc T.T.Kh đã trách ông. Nhà văn cũng đồng ý với chúng tôi rằng quả thật câu thơ của T.T.Kh có hàm ý như thế.
Đến đây, chúng tôi muốn tạm gác câu chuyện hoa ti gôn lại trong chốc lát để chuyển qua chuyện Bài thơ đan áo. Bài thơ này nhiều người không chịu thừa nhận là của T.T.Kh. Quả thật sự xuất hiện của nó cũng tương đối bất thường. Thứ nhất là nó không đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy mà lại đăng ở báo khác. Thứ hai là về hình thức, nó cũng khác ba bài thơ kia. So sánh với ba bài kia, Bài thơ đan áo có vẻ thô vụng hơn nhiều. Đặc biệt trong khi ba bài thơ của T.T.Kh đều là thơ bảy chữ thì Bài thơ đan áo lại theo thể thơ lục bát. Thật là vô lý khi T.T.Kh đang rất điêu luyện trong thể thơ bảy chữ lại nhảy qua thơ lục bát để rồi lúng túng trong lối thơ này đến nỗi đôi chỗ vần không được nhuyễn. Chính những vướng mắc trên đã khiến người ta nghi ngờ bài thơ này là của người khác giả mạo T.T.Kh.
Thế nhưng T.T.Kh lại không hề lên tiếng cải chính mà ngược lại trong Bài thơ cuối cùng nàng lại nhắc đến nó: “Bài thơ đan áo nay rao bán/Cho khắp người đời thóc mách xem”. Hiểu thế nào cho đúng về vấn đề này? Ai là người đã viết Bài thơ đan áo? Chúng ta nhớ một điều, Bài thơ đan áo ngoài những bất thường như nói trên còn có điểm khác biệt rất lớn với ba bài thơ kia. Đó là tác giả không viết cho người ấy mà viết cho một người chị nào đó: “Chị ơi, nếu chị đã yêu/Đã từng lỡ hái ít nhiều đau thương”.
Chi tiết này lại khá khớp với Bài thơ cuối cùng. Trong bài thơ đó, T.T.Kh đã nhắc đến một người nào đó ngoài người ấy: “Chỉ có ba người đã đọc riêng/Bài thơ đan áo của chồng em”. Ba người ấy là ai? Phải chăng là có mặt cả người chị trong Bài thơ đan áo?
Ở trên, chúng ta có nói đến mối quan hệ giữa tác giả truyện ngắn và tác giả thơ. Qua phân tích cuộc “đối thoại”, chúng ta đã thấy được phần nào mối quan hệ “không phải người dưng” giữa họ. Tác giả truyện ngắn, tức nhà văn Thanh Châu chính là nhân vật ai mà nàng đã trách “Trách ai mang cánh “ti gôn” ấy/Mà viết tình em được ích gì”. Chúng ta tiếp tục phân tích thêm. Trước hết khẳng định Thanh Châu chính là nhân vật ai trong các câu thơ. Nhưng trong thơ T.T.Kh, ngoài ai ra còn có thêm nhân vật anh: “Giận anh em viết dòng dư lệ/Là chút dư hương điệu cuối cùng”. Vậy nhân vật ai này và nhân vật anh trong câu thơ trên là hai người hay một người?
Có thể có hai trường hợp: Ai là một người bạn của nàng, hoặc ai chính là người yêu của nàng, tức ai chính là anh. Nếu xảy ra trường hợp đầu thì Thanh Châu chỉ là người bạn của T.T.Kh, được biết đến chuyện tình duyên ngang trái của nàng nên cảm hứng viết nên truyện Hoa ti gôn. Nếu xảy ra trường hợp sau thì Thanh Châu chính là người yêu của T.T.Kh.
Chúng ta chú ý, trong ba bài thơ, chỉ có Bài thơ cuối cùng là nàng đối thoại trực tiếp với người yêu mình: “Anh hỡi, tháng ngày xa quá nhỉ?”. Tại sao như vậy? Là vì lúc này nàng đang giận chàng. Nàng muốn nói chuyện “đâu ra đấy” với chàng một lần cho xong. Chúng ta đọc thêm khổ thơ thứ năm: “Từ đây anh hãy bán thơ anh/Còn để yên tôi với một mình”. Ta thấy lúc này nàng cự cãi với chàng một cách khá căng thẳng. Có lẽ chàng vừa gây ra một lỗi lầm gì đó làm cho nàng giận. Liên hệ đến khổ thơ thứ ba có câu “Bài thơ đan áo nay rao bán/Cho khắp người đời thóc mách xem” thì ta sẽ hiểu ngay chuyện gì. Đó là chuyện Bài thơ đan áo, chàng đã lấy nó đem “rao bán” làm cho nàng bực tức. “Rao bán” là từ mà nàng ví von cho hả tức chứ thực sự là chàng đã để lọt bài thơ đó ra ngoài. Bài thơ này vì một lẽ gì đó mà nàng không muốn cho ai đọc. Việc đăng báo bài thơ này có lẽ gây nên điều gì hệ trọng lắm nên nàng đã hết sức tức giận: “Là giết đời nhau đấy biết không”.
Hãy để ý thêm chút nữa. Sau khi nói xong chuyện Bài thơ đan áo, nàng liền quay sang chuyện những cánh hoa ti gôn: “Những cánh hoa lòng, hừ đã ghét/Thì đem mà đổi lấy hư vinh”. Chúng ta thấy rất rõ: người gây ra chuyện Bài thơ đan áo cũng chính là người nhắc đến những cánh hoa ti gôn. Trước thì nàng cố giấu nhưng bây giờ vì đang tức giận nên nhân nói chuyện này nàng nói qua chuyện kia một thể luôn.
Như vậy thì nhân vật ai, người liên quan đến những cánh hoa ti gôn (Trách ai mang cánh ti gôn ấy) và nhân vật anh, người yêu của nàng (Anh hỡi tháng ngày xa quá nhỉ) chính là một.
Như vậy mối quan hệ là đã rõ. Thanh Châu chính là người yêu của T.T.Kh. Điều này cũng phù hợp với lời kể của nàng ở khổ thơ đầu trong Bài thơ thứ nhất rằng người yêu nàng là một chàng văn nghệ sĩ: “Thuở trước hồn tôi phơi phới quá/Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương/Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại/ Êm ái trao tôi một vết thương”.
Thật sự ta đã giải mã được vấn đề quan trọng là tìm ra người ấy của T.T.Kh. Đến đây, chúng tôi muốn trở lại vấn đề ai đã viết Bài thơ đan áo. Như trên đã phân tích, bài thơ này có một số điểm khác biệt so với ba bài thơ kia về thể loại, về giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, có một đặc điểm quan trọng nhất thì nó lại không khác, đó là phong cách sáng tác. Bài thơ đan áo cũng được viết bởi một ngôn ngữ dung dị rất “T.T.Kh”: “Chị ơi nếu chị đã yêu/Đã từng lỡ hái ít nhiều đau thương”. Chúng tôi cho rằng, bài thơ này cũng là của T.T.Kh nhưng được viết trước ba bài thơ kia rất lâu. Bạn đọc có thể thắc mắc: vì sao Bài thơ đan áo không hay như mấy bài thơ kia. Đó là do hoàn cảnh sáng tác. Trước đây, T.T.Kh chỉ sáng tác để gửi cho người chị nào đó của mình đọc nên có thể cảm xúc không trào dâng bằng viết cho người mình yêu.
Trần Đình Thu
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]