Cùng với những ngày cuối năm 2007, ba nhà thơ đương đại và tên tuổi vừa lần lượt ra đi. Chính Hữu mất ngày 27 tháng 11, Vũ Cao ngày 3 tháng 12, và Phạm Tiến Duật ngày 4 tháng 12. Hai tác giả trước thành danh thời chiến tranh chống Pháp, người thứ ba nổi tiếng trong bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ.
Cùng với những ngày cuối năm 2007, ba nhà thơ đương đại và tên tuổi vừa lần lượt ra đi.
Chính Hữu mất ngày 27 tháng 11, Vũ Cao ngày 3 tháng 12, và Phạm Tiến Duật ngày 4 tháng 12. Hai tác giả trước thành danh thời chiến tranh chống Pháp, người thứ ba nổi tiếng trong bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ.
Nổi tiếng sớm nhất là Chính Hữu, tên thật là Trần Đình Đắc, sinh ngày 12-12-1926, tại Vinh. Tham gia phong trào Việt Minh từ 1945, chiến đấu trong Trung Đoàn Thủ Đô; tham dự mặt trận Điện Biên Phủ, làm chính trị viên tiểu đoàn; quân hàm đại tá. Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Nhưng sự nghiệp văn chương Chính Hữu không phải là suôn sẻ. Ông lừng danh rất sớm với bài
Ngày về, 1947, được đồng đội và độc giả hoan nghênh. Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đã phổ nhạc ngay lúc đó.Nhưng tác phẩm không được phổ biến, vì giọng điệu kiêu bạc, tiểu tư sản:
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng,
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm.
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm,
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa.
Trong nhạc phẩm
Về miền Trung, 1948 nổi tiếng, Phạm Duy có câu này rất lạ:
Về Miền Trung
Còn chờ mong núi về đồng xanh
Một ngày mai đốt lửa rực đô thành...
Người nghe có thể ngạc nhiên về hình ảnh lạ này, nếu không biết câu thơ trong
Ngày về:
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa,
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng.
Những chàng trai...
Nếu có ai yêu cầu, Phạm Duy sẽ đọc thuộc lòng bài
Ngày về, cũng như có lần tôi chứng kiến cảnh ông đọc cho Nguyễn Đình Thi nghe bài thơ
Đất nước trong nguyên tác “cỏ mòn thơm mãi dấu chân em” thay vì “tôi nhớ những mùa thu đã xa” như trong ấn bản hiện hành.
Từ sáu mươi năm nay, người đọc chưa thấy bài
Ngày về in lại, trong các tập thơ của Chính Hữu hay tuyển tập, mà rộng thoáng nhất là
Thơ kháng chiến 1945-1954 (1986), của nhà xuất bản Tác phẩm mới. Ngày nay có thể tìm thấy trên mạng.
May mắn hơn là bài
Đồng chí, phát thảo cùng năm 1947, được truyền tụng nhờ bài hát “Đất cày lên sỏi đá... Áo anh rách vai, quần tôi có hai mảnh vá... Miệng cười buốt giá... chân không giày...”.
Nhịp thơ đơn giản, hình ảnh đơn sơ, phản ánh chính xác quê nghèo và bóng dáng người lính thời đầu chống Pháp. Nhưng tiềm ẩn dưới hình ảnh quê hương và dân tộc, có những yếu tính hoàn vũ (universaux) của thi ca, đã có trong những bài
Giang hồ (Ma bohème) của Rimbaud, hay
Chiến sĩ năm hai (Les soldats de l’an II) của Hugo, mà Chính Hữu, sinh viên Hà Nội, có biết. Ông vẫn tự nhận là môn đồ của Baudelaire.
Câu kết “đầu súng trăng treo” sẽ làm tựa đề cho một tập thơ xuất bản về sau, 1966, mượn ý từ một câu ca dao Trung Bộ.
Số phận bài hát cũng ly kỳ: do Minh Quốc phổ nhạc, với tên
Tình đồng chí, nó được phổ biến tại vùng Pháp chiếm, sau này là Miền Nam, rộng rãi hơn vùng kháng chiến, dưới tên nguỵ trang
Tình nước của Vũ Hoà Thanh, rất truyền cảm qua giọng hát “nông dân” của Duy Khánh. (Ngoài đề: trường hợp bài thơ
Bộ đội về làng của Hoàng Trung Thông, Lê Yên phổ nhạc, không phổ biến bằng bản
Các anh đi của Văn Phụng qua giọng Thái Thanh – tức Băng Thanh, văn công trung đoàn, thời Làng Sim, khu Bốn chống Pháp).
Thành công với quần chúng, bài
Đồng chí là bước đường đến sự nghiệp và công danh.
Bài thơ thành hình trong chiến dịch Việt Bắc 1947, được viết ra trong một đợt điều dưỡng 1948 và đăng lần đầu tiên trên tờ bích báo của đại đội, sau đó, ngày 30-7-1948, đăng lên báo
Sự thật, cơ quan chính thức của Đảng, do Trường Chinh tổng biên tập. Năm sau, Chính Hữu tham gia lãnh đạo phong trào văn nghệ quân đội. Là chính trị viên tiểu đoàn, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ những ngày đầu, và đã phác thảo hai bài tơ tâm đắc nhất, là
Thư nhà về những người gồng gánh dân công và bài
Giá từng thước đất về những tổn thất trên chiến trường, mà ông ngày ngày chứng kiến:
Khi bạn ta
Lấy thân mình
đo bước
chiến hào đi
Ta mới hiểu
giá từng thước đất.
Hai bài này được cấu tứ từ 1954, đến 1961 mới thành hình. Điều này nói lên quan niệm và cung cách làm thơ của Chính Hữu. Thơ ông gồm những câu ngắn, cô đúc, súc tích, như đè nén xúc cảm, hình thức hiện đại, phóng túng mà cấu tứ gần với cổ thi. Do đó, nhiều bài được phổ nhạc và thành công:
Ngọn đèn đứng gác do Hoàng Hiệp,
Bắc cầu do Quốc Anh,
Có những ngày vui sao do Huy Du.
Có lẽ cuộc chiến gian lao và trách nhiệm chính trị tạo ra phong cách cần kiệm và khuôn khổ như vậy; phần khác, ông tự nhận ảnh hưởng lối sáng tác gạn lọc của Baudelaire. Thỉnh thoảng mới lộ ra nét tài hoa:
Mười năm đi mải miết
Mang quê mình xanh biếc trên lưng
Người xa rồi hàng quân đã khuất
Lá nguỵ trang còn đọng tiếng chim rừng
Tha thiết
Cây mọc trăm miền gửi lá theo ta
Gian khổ đêm ngày chiến dịch
Vẫn nghe rì rào thôn xóm ta qua
Nghe núi nghe sông nghe cành lá hát
(Lá nguỵ trang, 1961)
Chính Hữu còn là nạn nhân của lề lối phê bình dễ dãi, hùa nhau ca ngợi câu đầu súng trăng treo là một câu thơ hai lần dở: thứ nhất, tự nó mang hình ảnh khuôn sáo, thứ hai, là không nằm đúng vị trí kết luận bài thơ chiến đấu, làm bài thơ lạc hướng. Đang tâm huyết, đâm ra vớ vẩn. Ngoài ra, Đồng Chí là một bài thơ trong sáng, hợp tình hợp cảnh, hợp với ca khúc, nhưng không phải là thơ hay. Hay chăng là câu này, lượm lên từ trí nhớ, không biết từ đâu:
Có chàng trai trẻ hiền như đất
Mùa hạ tưng bừng thương núi sông
Chẳng có ý từ gì cao siêu, khúc triết. Mà hay là hay.
*
Nhà thơ Vũ Cao tên thật là Vũ Hữu Chính, sinh ngày 18-2-1922, tại Nam Định, nhập ngũ từ 1946; dáng người cao lớn, nên có xước danh như vậy, sau trở thành bút danh.
Ông nổi tiếng với bài
Núi Đôi kể chuyện một tình duyên thời chống Pháp:
Bảy năm về trước em mười bảy,
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng.
Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa,
Bữa thì em tới, bữa anh sang.
Lối ta đi giữa hai sườn núi,
Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi.
Em vẫn đùa anh: sao khéo thế:
Núi chồng núi vợ đứng song đôi.
Người thanh niên vào bộ đội, đi chiến trường xa; người con gái vào du kích, không hiểu vì sao chẳng lấy chồng, ý đợi chờ ai đó. Cuối cùng cô bị giặc giết. Bài thơ dài 16 khổ, kết thúc:
Anh đi bộ đội sao trên mũ,
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường.
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi,
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
Chuyện thường gặp trong chiến tranh, tuy nhiên vẫn thảm thương, lời thơ thắm thiết nhưng chừng mực, thật thà, có sức truyền cảm sâu lắng. Thêm vào một số hình ảnh, đơn giản nhưng có giá trị tượng trưng: Núi Đôi, sao trên mũ, hoa trên đỉnh núi...
Câu kết “Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm” là một câu thơ vụng. Nhưng hay, hay vì vụng. Chuyện xảy ra thời kỳ chiến tranh chống Pháp, nhưng bài thơ làm về sau, tháng 12-1956, đăng năm 1957 trên Tạp chí
Văn nghệ quân đội mà Vũ Cao là tổng biên tập!
Vũ Cao là nhà thơ dân dã, ưa kể chuyện, hay miêu tả.
Cấu trúc
Núi Đôi không khỏi nhắc đến thơ truyện của Nguyễn Bính hay T.T.Kh, nhưng được truyền tụng nhiều hơn là do hoàn cảnh lịch sử, như trường hợp
Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Thi sĩ làm nên bài thơ, nhưng có khi lịch sử tạo nên giá trị: lý thuyết văn học hiện hành gọi là liên văn bản.
Có thể nói: lịch sử là đồng tác giả. Cũng có thể nói: lịch sử là nghệ nhân mù.
Thơ kể chuyện thường là đơn tuyến, thành dễ đơn điệu. Do đó thơ Vũ Cao không mấy được phổ biến. Sau này, tôi có đọc bài “Như một điều không có thật”, thơ phá thể, gồm mươi tiểu đoạn, kể chuyên một bác bộ đội về hưu, trồng hoa canh tác. Một hôm có anh bộ đội trẻ “ở đơn vị về” (!) tìm mua hoa hồng mừng sinh nhật cô bạn gái. Người chiến sĩ già bèn ra vườn cắt hoa: “Đây tôi biếu chú những bông hồng đẹp nhất của tôi đây” thế là... như không có thật!
Bài thơ như vậy cũng đã được chọn đưa vào
Tuyển tập thơ Việt nam 1975-2000, của nhà xuất bản Hội nhà văn, năm 2000, cuốn 1, trang 79.
Thơ Vũ Cao là món quà tình nghĩa của quê nhà. Không ngon, nhưng mà lành.
Ông được giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2001.
(Ngoài đề: không hiểu do đâu mà có người nhớ đến Hồ Dzếnh (1916-1991), ban cho ông cái giải này, kỳ 2007, lạ lùng, nhưng cũng vui thôi. Cái nước Việt Nam nó vậy).
*
Ngược lại với hai “đồng chí” Chính Hữu và Vũ Cao, thơ Phạm Tiến Duật ào ào như trên đường Trường Sơn những đoàn quân trùng trùng ra trận. Và giữa hằng triệu khuôn mặt chập chờn lửa đạn, thì Phạm Tiến Duật nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Thơ khoẻ thế mà người lại sớm ra đi, tuổi sáu mươi sáu: ông sinh ngày 14-1-1941 tại Phú Thọ.
Năm 1969, báo
Văn nghệ có tổ chức cuộc thi thơ. Phạm Tiến Duật đoạt giải nhất duy nhất, với một loạt 4 bài:
Lửa đèn;
Bài thơ về tiểu đội xe không kính;
Gửi em - cô thanh niên xung phong;
Nhớ. Ông nổi danh từ đó, nhưng sáng tác không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Năm sau, tập thơ
Vầng trăng quầng lửa, 1970, được hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng vài năm nữa, ông lại “có vấn đề”. Nghe nói, vì bài thơ
Vòng trắng đăng trên tạp chí
Thanh niên, số 1 năm 1974, bị lên án nặng nề, cả trên báo
Học tập, số 9, 1974.
Thơ ông được nhiều người phổ nhạc, nổi tiếng là
Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, do Hoàng Hiệp và Hoàng Tạo. Lại còn nhiều bài khác, qua nhạc Lê Lôi, Trần Tiến, Huy Thục, Huy Loan, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Việt Hoà,... đến với quần chúng rộng rãi và trẻ trung, trong một thời kỳ mà nền tân nhạc Việt Nam tiến bộ rất nhanh, rất mạnh. Phạm Tiến Duật nhà thơ bộ đội, trong một thời gian ngắn, trở thành nhà thơ quần chúng, phần nhờ âm nhạc.
Ngoài những ca khúc được phổ biến sâu rộng, bạn bè thường đọc cho nhau nghe bài Nhớ, vì hay và... ngắn, mô tả tâm trạng người lính lái xe:
Cái vết thương xoàng mà đưa viện,
Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo..
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến,
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.
Đoạn thơ ngắn kết hợp bốn yếu tố đặc biệt trong phong cách Phạm Tiến Duật. Câu 1: lời nói thông thường; câu 2: chất thực tế trong thơ; câu 3: giọng cổ điển, nhắc thơ Lý Bạch “Cử đầu vọng minh nguyệt, đê đầu tư cố hương”; câu 4: chất lãng mạn riêng của người lính trẻ.
Bốn yếu tố này sẽ quyện vào nhau làm nên thi pháp Phạm Tiến Duật, mà điều 2 là đặc biệt nhất. Nó đánh mạnh vào tâm thức người đọc lúc đó, chủ yếu là bộ đội Trường Sơn.
Ngày nay, chúng ta, ngồi trong phòng khách gia đình, không thể cảm thụ lối thơ Phạm tiến Duật như người chiến sĩ dưới bom đạn, khi chuyển quân giữa mưa rừng gió núi, hay canh phòng một mình nơi biên trấn: thơ Phạm tiến Duật tạo quan hệ với thế giới bên ngoài. Nhà văn Nguyễn văn Thọ, bộ đội Trường Sơn, đã mang lại một chứng từ, qua đoạn viết sau đây, đăng trên Tạp chí
Quân đội nhân dân, tháng 12-2007: “Đọc thơ Phạm Tiến Duật, người ta thấy rõ chân dung đa diện của con người Trường Sơn, từ những người coi kho tới công binh, thanh niên xung phong, chiến sĩ cao xạ, những chiến sĩ lái xe v.v... mọi thành phần có mặt trên con đường đều được Phạm Tiến Duật khắc hoạ bằng thơ. Chính điều đó làm tăng thêm sự lan toả của thơ anh. Những người lính, đủ mọi thành phần, nhận ra chính họ, thân phận họ trong đó và, đấy là điều cốt tử để thơ Phạm Tiến Duật mau chóng trở thành một sinh thể tồn tại song hành cùng con đường (vốn nhiều huyền thoại), một sinh thể có sức sống rất lâu trong tâm hồn của nhiều người. Cho mãi tới sau này, khi cuộc chiến đã ngưng, thơ Phạm Tiến Duật vẫn khôn nguôi ám ảnh, dành biết bao nhiêu tình sâu nghĩa nặng cho đồng đội của anh một thời.”
Đây lại là chuyện liên văn bản!
Giới phê bình văn học thường chê thơ Phạm Tiến Duật thô tháp, gần với văn xuôi, nghèo tu từ pháp. Với tôi, điều này tạo phong cách riêng. Phạm Tiến Duật là nhà thơ, từ cách nhìn, cách tiếp thu. Rồi cách nói, cách làm thơ, sẽ đến sau, làm hậu sự. Ông có lần thổ lộ “nếu không có cuộc sống với những con người đa dạng ồn ào bao quanh, với xô bồ chi tiết trôi chảy từng phút từng giờ, thì hình như tôi không có thơ”.
Nghĩa là chiến tranh, với nét tàn bạo, ào ạt, tạo dựng lên thơ Phạm Tiến Duật, cũng như trước kia, cảnh tàn tạ của nông thôn đã làm nên thơ Nguyễn Bính. Nhưng kết tinh được những âm độ chát chúa, những sắc độ phôi pha kia lại phải có tài năng một Phạm Tiến Duật, một Nguyễn Bính. Khả năng ghi nhận là đặc thù của một nhà thơ chân chính. Nguyễn Du, trước khi viết truyện Kiều, đã biết nghe tiếng chim kêu, nhìn cành hoa nở, mới làm được câu thơ:
Chim hôm thoi thót về rừng
Đoá trà mi đã ngậm gương nửa vành
Phạm Tiến Duật và độc giả cùng tuổi không được hưởng niềm yên ắng ấy, vì thường xuyên phải chung sống với nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng. Ấy là chưa kể tiếng đạn tiếng bom: bom giật bom rung kính vỡ mất rồi. Và ông quan tâm đến chi tiết, nhìn thấy những cái rất thường, trên đường đi tìm lại cô gái Thạch Kim Thạch Nhọn:
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy láng sớm
Thơ hay. Một mảnh thơ nho nhỏ. Hay tham lam hơn, khi nhìn tấm áo:
Áo thanh niên xung phong phơi ở nông trường
Cái túi chéo làm sao mà lẫn được
Trời sắp mưa rồi, người bỏ áo đi đâu?
(...)
Cái hôm con đường chiến dịch mới vừa xong
Bộ đội với thanh niên cười mặt lấm,
Áo khét thuốc bom, áo nồng bụi bậm
Giờ áo giặt rồi, hơi cũ khó tìm ra...
Bài thơ làm 1974. Bom đạn thế ấy, mà sao các ông tình cảm thế kia, các bà lãng mạn thế kia!
Phạm Tiến Duật là nhà thơ, nên nhìn vào cái gì, đụng đến cái gì, cái ấy cũng thành thơ:
Anh đi trong rừng, lá vỗ trên cao,
Gió bốn bề cây; cây ngả nghiêng chào,
Lay bóng đậm gió thổi vào đốm nắng.
Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng
Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay;
Cây bồng bênh cười vui suốt ngày,
Thân thẳng cây chò, cành ngang cây bứa;
Cây nhựa trắng là cây si, cây sữa,
Nhựa vàng cây dọc, nhựa đỏ cây nò,
Cây nứa mọc đứng, cây giang mọc bò,
Cây tầm gửi mọc ngồi đỏng đảnh,
Cây lim uy nghi, sa nhân ma mỏng mảnh,
Dạ hương của đêm, mắc cỡ của ngày.
Da bàn tay thường chạm với da cây,
Khuôn mặt người chạm vào mặt lá.
Rừng ơi rừng, ta bỗng gần gũi quá!
Không có những ngày này, hồ dễ đã quen nhau?
“những ngày này” là thời chiến tranh. Nhưng đoạn thơ “cây” trên chứng tỏ nơi Phạm Tiến Duật một tâm hồn phong phú, giàu nhân đạo, yêu thiên nhiên, tài hoa và đa cảm. Không có chiến tranh, vẫn sẽ có thơ Phạm Tiến Duật. Thơ ông sẽ khác đi, khó nói trước là hay hơn hoặc dở hơn, nhưng không thể khẳng định “thì hình như tôi không có thơ” như ông đã tuyên bố, hoặc vì từ tốn, hoặc vì phát ngôn... cho đúng bài bản!!!
Phạm Tiến Duật đánh dấu bước thành công của một thế hệ làm thơ, trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ. Thành công vì đã đáp ứng lại yêu cầu của nhiều thành phần độc giả, chủ yếu là người trong cuộc cùng lứa tuổi. Những người ngoài cuộc, nếu không có thiên kiến cũng có thể ưa thích. Việc nhiều bài được phổ nhạc, phổ biến là hệ luận của thành công, chứ không phải là nguyên nhân.
Ông được giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2001.
*
Thơ họ, là những đứa con của chiến cuộc. Tác phẩm họ không phải là tàn dư, cũng không dừng ở nét phản ánh. Thơ họ đã tích cực góp lửa vào chiến cuộc.
Ngày nay, nó trở thành tác phẩm văn học, vì có giá trị văn học. Tác phẩm sẽ được tiếp cận dưới nhiều cách nhìn khác nhau, từ quan điểm chính trị, lịch sử, tâm cảm hay văn học, và cách đánh giá, cảm nhận và thưởng ngoạn nhất định cũng khác nhau.
Bài này cố gắng trông tìm tầm nhìn, dưới nhiều góc độ, chừng mực và công bình nhất.
Chuyện văn thơ, công bình bao giờ cũng khó khăn và tương đối.
Chủ quan là điều không tránh khỏi.
Đặng Tiến
Orléans, 14-1-2008