Đăng bởi tôn tiền tử vào 05/11/2014 13:07
Nhà thơ Định Hải tên thật là Nguyễn Biểu. Từ trước năm 1959, mỗi khi làm thơ đăng báo ông thường ký tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho. Thế nhưng, sau khi bị báo Văn nghệ “phang” cho một dòng “cảnh cáo” vì cùng một tác phẩm nhưng gửi đăng hai báo ra một ngày nên “xấu hổ”, ông đã quyết định lấy tên xã Định Hải, nơi ông sinh ra làm bút danh và trở nên nổi tiếng cho đến tận bây giờ, thậm chí là mai sau nữa… Ngoài chuyện đó ra, ông từng được cho là một “anh bồi bút” khi gần như viết bịa thêm nhiều chi tiết về một người thầy giáo ở quê hương xứ Thanh của ông…
Chuyện bút danh
Ông tâm sự: “Từ những năm 1955 đến 1959, trong tất cả những tác phẩm của mình tôi đều kí là Nguyễn Biểu, học theo ông anh tôi là nhà thơ Nguyễn Bao, nổi tiếng với tác phẩm Hoa chanh thời bấy giờ. Với bút danh Nguyễn Biểu, tôi cũng đã được khá nhiều người biết đến, cũng đã để lại được dấu ấn với những người yêu thơ. Chắc có lẽ tôi sẽ “trung thành” với cái bút danh ấy nếu như không có một chuyện “xấu hổ” xảy ra. Đó là vào khoảng năm 1959, nhân sự kiện Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ lên mặt trăng, tôi có làm một bài thơ gửi cho báo Văn nghệ tên là Thăm trăng kí tên là Nguyễn Biểu. Thế nhưng, vì e không được đăng nên tôi lại tiếp tục gửi cho báo Độc lập nhưng đổi tên bài thơ thành “Ta gắn quốc huy lên vầng trăng sáng” cho khác đi. Nhưng ai ngờ, cái bài thơ một nội dung, hai cái tít ấy của tôi lại được cả hai báo Văn nghệ và Độc lập chọn in.
Dù đã đổi tít thì tôi vẫn không “qua mặt” được những người biên tập ở báo Văn nghệ! Một tuần sau khi bài thơ được đăng, báo Văn nghệ số tiếp “phang” một câu: Nhắn bạn Nguyễn Biểu: “Từ nay, bài vở đã gửi cho chúng tôi không gửi báo khác nữa”. Từ đó tôi nghĩ và đi đến quyết định lấy tên xã Định Hải quê tôi làm bút danh. Anh trai tôi là nhà thơ Nguyễn Bao biết được nổi cáu phản đối nhưng tôi giải thích vu vơ rằng là thấy bút danh ấy hay thì lấy, chứ ảnh hưởng gì đến viết lách đâu mà sợ!
Sau này, có một lần tôi về nói chuyện với thầy trò một trường cấp 2 ở Định Hải, huyện Yên Định quê tôi, ông Nguyễn Thắng Vu lúc ấy là Giám đốc NXB Kim Đồng đứng lên nói với toàn thể giáo viên và học sinh: “Các thầy cô và các em học sinh có biết vì sao nhà thơ Định Hải lấy bút danh là Định Hải không? Này nhé, đó là do ông này yêu quê hương quá nên mới lấy tên xã làm bút danh đấy…” Nghe vậy tôi thấy nóng hết mặt mày. Thực ra đâu hoàn toàn phải thế mà là do mình ngượng với với lần đăng bài thơ Thăm trăng ở 2 báo như đã nói mới phải lấy bút danh Định Hải đấy chứ… Cũng từ đó bút danh Định Hải gắn với sự nghiệp sáng tác văn học cho thiếu nhi của tôi đến tận bây giờ và chắc chắn là mãi mãi…
Từng bị phê là anh “bồi bút”
Những tháng ngày công tác tại NXB Kim Đồng nhà thơ Định Hải thường viết rất nhiều về giáo dục, về thầy giáo cô giáo, về các em học sinh, về gương người tốt việc tốt như là gương các em Hương, Hường, Phúc là ba em ở Hải Nhân, Tĩnh Gia. Tác phẩm này cũng đã được in trong SGK kể về chuyện em Phúc bị liệt nên hai em Hương, Hường hàng ngày thay nhau cõng Phúc đi học.
Kể chuyện về việc viết về người thật việc thật, nhà thơ Định Hải không thể nào quên giai đoạn mà ông bắt tay viết cuốn Bàn tay gieo hạt. Ông kể: “Tôi từng bị gọi là “Anh bồi bút” chỉ bởi quá hăng say chạy theo viết đề tài này đấy. Trong thời gian làm việc tại NXB Kim Đồng, tôi hay đi đến các địa phương để tìm hiểu về công tác giáo dục và viết về các gương điển hình trong giáo dục. Khoảng năm 1966 tôi về huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá để viết về tấm gương một thầy giáo trong một cuốn truyện ký lấy tên là Bàn tay gieo hạt. Trong những ngày ở quê để viết cuốn đó, tôi có gặp lại thầy giáo cũ của tôi là thầy Đại, trước dạy ở Yên Định. Gặp tôi, thầy hỏi về quê viết gì, và sau khi hiểu ra, thầy Đại tức khắc nói với tôi: “Thế thì cậu đúng là bồi bút rồi”. Lời phê ấy của thầy đến tận bây giờ tôi thấy sao đúng quá. Đúng là “bồi bút” thật chứ không chỉ là bị gọi không đâu… Bởi lẽ, viết cuốn sách Bàn tay gieo hạt lúc bấy giờ, khi viết tôi đã “bịa” thêm rất nhiều chi tiết”. Nhưng thôi, âu cũng chỉ tại vì những cái gọi là chỉ tiêu, thành tích của cái thời xa lắc xa lơ mà ra chứ giờ viết thế có gãy bút ngay tắp lự…
Ngượng vì một bài thơ của chính mình trong SGK
Ngày xưa họ chọn những tác phẩm của tôi vào SGK như bài ca dao viết về con bói cá, về sau tôi ngượng quá phải bảo họ bỏ đi. Bỏ đi là bởi bài thơ quá thô thiển. Thô thiển đến mức không thể chịu nổi. Đại loại bài thơ nói về con chim bói cá đi kiếm cá làm thức ăn ở ao hồ sông suối. Thế nhưng bắt đâu thì bắt cấm chỉ ao của hợp tác xã nhất định chết thì chết mày (tức con chim bói cá) cũng không được bắt. Sau một thời gian tôi đọc đi đọc lại thấy đúng đó chính là một bài thơ của một anh bồi bút không hơn không kém. Để những bài thơ như thế trong SGK làm gì cho thêm xấu hổ kia chứ…
Sau này, có người đề nghị tôi làm một tập thơ để tuyên truyền giữ gìn vệ sinh. Nhưng tôi trả lời ngay là tôi không làm. Làm thơ về giữ gìn vệ sinh thì tôi không làm được! Đừng nói chi một tập như người ta đặt mà chắc một bài cũng khó mà viết được. Làm sao có thể ép mình viết về một cái gì đó mà mình không hề có hứng thú, cảm xúc. Đặc biệt đó lại là viết cho các em. Mà có viết được thì cũng chẳng ra gì. Đọc chỉ càng thêm chán chính mình, nghề của mình hơn thôi. Hơn nữa, biết bao năm trong nghề và gắn bó với các em thiếu nhi, tôi hiểu rằng, là một anh cầm bút mà bị gọi là một anh bồi bút thì quả thật đáng buồn lắm! Nhất là lại “bồi bút” ở cả những cái viết cho thiếu nhi… thì thà rằng anh đừng cầm bút nữa cho xong!