Than rằng:
Đạo thần tử hết lòng thờ Chúa, gian nan từng giãi dạ trung thành;
Đấng anh hùng vì nước quên mình, điên bái chẳng sai lòng tiết nghĩa.

Ngọc dầu tan, vẻ trắng nào phai;
Trúc dẫu cháy, tiết ngay vẫn để.

Nhớ hai người xưa:
Thao lược ấy tài;
Kinh luân là chí.

Phù vạc Hán thuở ngôi trời chếch lệch, chém gai đuổi lũ hung tàn;
Với xe Đường khi thế nước chông chênh, cầm bút ra tay kinh tế.

Mối nghĩa sánh duyên gác tía, bước gian truân từng vững dạ khuông phù;
Màn kinh giúp sức cung xanh, công mông dưỡng đã đành lòng uỷ ký.

Hậu quân thuở trao quyền tứ trụ, chữ ân uy lớn nhỏ đều phu;
Lễ bộ phen làm việc chính khanh, bề trung ái sớm khuya chẳng trễ.

Ngoài cõi vuốt nanh ra sức, chí tiêm cừu từng trải xuống ba quân;
Trong thành then khoá chia lo, lòng ưu quốc đã thấu lên chín bệ.

Miền biên khổn hai năm chia sức giặc, vững lòng tôi bao quản thế là nguy;
Cõi Phú Xuân, một trận thét uy trời, nặng việc nước phải lấy mình làm nhẹ.

Sửa mũ áo lạy về bắc khuyết, ngọn quang minh hun mát tấm trung can;
Chỉ non sông giã với cô thành, chén tân khổ nhắp ngon mùi chính khí.

Há rằng ngại một phen thỉ thạch, giải trùng vi mà tìm tới quân vương;
Bởi vì thương muôn mạng tì hưu, thà nhất tử để cho toàn tướng sĩ.

Tiếng hiệu lệnh mơ màng trước gió, ân tín xưa người bộ khúc thương tâm;
Bóng tinh trung thấp thoáng dưới đèn, phong nghi cũ kẻ liêu bằng sái lệ.

đẵng định kíp chầy đành hẹn buổi, xót tướng doanh sao vắng mặt thân huân;
Phận truy tuỳ gang tấc cũng đền công, tiếc nhung mạc bỗng thiệt tay trung trí.

Nay gặp tiết thu;
Bầy tuần quý tế.

Hai chữ cương thường nghĩa nặng, rõ cổn hoa cũng thoả chốn u minh;
Nghìn thu hà nhạc khí thiêng, sắp mao việt để nền bình trị.

Hỡi ôi! Thượng hưởng!


Đây là một bài điếu văn được Đặng Đức Siêu viết nhằm ca ngợi sự hy sinh của hai tướng Võ Tánh (?-1801, còn gọi là Võ Tính) và Ngô Tùng Châu (?-1801, còn được gọi là Ngô Tòng Chu), những người đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh vì sự nghiệp của chúa Nguyễn Ánh (hoàng đế Gia Long sau này). Cuộc chiến tranh giữa anh em nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh kéo dài trong 25 năm từ 1777 đến 1802. Năm 1799, sau khi nắm quyền kiểm soát thành Bình Định (miền Trung Việt Nam), Nguyễn Ánh trở về căn cứ chính của mình tại Gia Định (miền Nam Việt Nam) và ra lệnh cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ở lại để bảo vệ thành trì này. Năm 1801, quân đội Tây Sơn trở lại và bao vây thành, tìm cách ép hai vị tướng ra đầu hàng. Nguyễn Ánh muốn đem quân đến giải vây nhưng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đã khuyên Nguyễn Ánh nhân cơ hội này tấn công Phú Xuân còn hai người sẽ tìm cách giữ chân quân Tây Sơn ở Bình Định. Bị bao vây và không nhận được trợ giúp từ bên ngoài, cuối cùng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đã quyết định tự tử để biểu thị lòng trung thành của họ với Nguyễn Ánh.


[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]