Hàn Mặc Tử tên thật Nguyễn Trọng Trí, tên thánh Francois, sinh ngày 22/9/1912 tại Đồng Hới, Quảng Bình. Hàn Mặc Tử có duyên với 4 chữ Bình: sinh tại Quảng Bình, làm báo Tân Bình, có người yêu ở Bình Thuận và mất tại Bình Định. Tổ tiên Hàn Mặc Tử gốc họ Phạm ở Thanh Hoá. Ông cố là Phạm Chương vì liên quan quốc sự gia đình bị truy nã, nên người con trai là Phạm Bồi phải di chuyển vào Thừa Thiên Huế đổi họ Nguyễn theo mẫu tánh. Sinh ra ông Nguyễn Văn Toản, ông Toản lấy vợ là Nguyễn Thị Duy (con của cụ Nguyễn Long, ngự y có danh vào thời vua Tự Đức), sinh hạ được 8 người con: 1- Nguyễn Bá Nhân (tức Nhà thơ Mộng Châu) cũng là người dìu dắt Hàn Mặc Tử trên con đường thơ văn. 2- Nguyễn Thị Như Lễ. 3- Nguyễn Thị Như Nghĩa. 4- Nguyễn Trọng Trí (tức Nhà thơ Hàn Mặc Tử). 5- Nguyễn Bá Tín (người dời mộ Hàn Mặc Tử từ Quy Hoà về Ghềnh Ráng vào ngày 13-02-1959). 6- Nguyễn Bá Hiếu; 2 người em út: Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Văn Thảo.

Vì cha Hàn Mặc Tử lúc đó làm chủ sự thương chánh nên công tác nhiều nơi (chịu ảnh hưởng bởi nghề nghiệp nên Hàn Mặc Tử theo gia đình đi nhiều nơi từ lúc nhỏ).

- 1920 di chuyển theo gia đình học Tiểu học Sa Kỳ.

- 1921 - 1923 học Quy Nhơn, Bồng Sơn.

- 1924 chuyển Sa Kỳ.

- 1926 thân sinh Hàn Mặc Tử bị bệnh rồi mất tại Huế.

Chính vì điều kiện đó mẹ đưa các con vào Quy Nhơn để lập nghiệp.

- 1927 bài thơ đầu tiên được ra đời “Vội vàng chi lắm” hoạ lại của nhà thơ Mộng Châu.

- 1928 ra Huế học trường Trung học Pellerin.

- 1930 thôi học về Quy Nhơn, đạt giải nhất thơ trong cuộc thi thơ Thi xã tổ chức.

- 1931 thơ văn nổi danh với bút hiệu Phong Trần, được cụ Phan Bội Châu chủ nhân Thi xã Mộ Du hoạ thơ và đề cao. Được Hội nhà Tây Du giới thiệu du học nước ngoài. Nhưng vì bọn mật thám biết Hàn Mặc Tử có liên lạc với cụ Phan Bội Châu nên đã gạch tên trong danh sách du học.

- 1932 bước vào đời làm việc đầu tiên ở Sở Đạc điền Quy Nhơn - và cũng vào năm ấy yêu người đầu tiên là Hoàng Thị Kim Cúc, người gốc Huế sinh năm 1913 (vì Hàn Mặc Tử tính tình nhút nhát rụt rè nên chỉ dám tỏ bày qua thơ).

Kim Cúc bị tai nạn giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/8/1988. Nằm Bệnh viện Chợ Rẫy 12 ngày đêm. Đưa về Huế và mất vào ngày 03/02/1989. Có thể nói đám tang của bà lớn nhất ở Huế từ xưa tới nay, bởi vì bà là Phó ban hướng dẫn Trung ương Gia đình Phật tử Việt Nam.

- 1935 vào Sài Gòn làm báo, cộng tác trang văn thơ báo Công luậnTân thời. Yêu người yêu thứ hai là Mộng Cầm, người gốc Quảng Ngãi, sinh năm 1917 khi đó đang sống ở Phan Thiết. Những năm làm báo ở Sài Gòn thường ra Phan Thiết và đi chơi cùng Mộng Cầm ở Mũi Né cách TP. Phan Thiết 22km về hướng đông.

- Cuối năm 1936 Tử thấy mình có bệnh nhưng chưa xác định là bệnh phong nên chia tay Mộng Cầm, trở về Quy Nhơn chữa trị. (Hiện nay Mộng Cầm còn sống ở tuổi 88 (1917 - 2005) với một người con gái ở Bình Chánh - TP. Hồ Chí Minh và người con gái ở Phan Thiết).

- 1936 ra tập thơ Gái quê.

- 1937 Mai Đình (gốc Thanh Hoá, sinh năm 1919) đọc tập thơ Gái Quê và đem lòng yêu người. Năm 1939 trong lúc Tử bệnh tật, Mai Đình có ra Quy Nhơn thăm nuôi.

Năm 1940 Hàn Mặc Tử mất và Mai Đình lại ra Quy Nhơn thăm mộ HTM lần đầu năm 1941. Năm 1995 ra Quy Nhơn thăm mộ Hàn Mặc Tử lần cuối cùng. Ra tập thơ Đôi hồn hoạ các bài thơ Hàn Mặc Tử. Mai Đình mất 1999 tại TP.HCM, thọ 80 tuổi.

- Cùng thời gian này Hàn Mặc Tử còn quen Ngọc Sương, sinh 1914 - Quảng Ngãi, là dì ruột của Mộng Cầm và là chị ruột nhà thơ Bích Khê. Nhưng 2 mối tình Mai Đình và Ngọc Sương không đi sâu vào lòng Tử như tình yêu Tử dành trọn cho Mộng Cầm. (Ngọc Sương mất năm 2002 tại TP. HCM, thọ 89 tuổi).

- Vào cuối cuộc đời, bệnh tình Tử càng ngày càng nặng. Những người yêu chia xa, Tử bị đau khổ về mặt tinh thần lẫn thể xác. Vì vậy nhà văn Trần Thanh Địch muốn an ủi bạn mình lúc đau khổ bằng cách giới thiệu cho Hàn Mặc Tử một người yêu thơ Hàn. Nàng tên Trần Thương Thương, sinh năm 1924 người Huế, là cháu gọi Trần Thanh Địch bằng chú ruột. Những bức thư tình của Thương Thương gửi Hàn Mặc Tử hoàn toàn do Trần Thanh Địch tự phác hoạ ra. Hàn Mặc Tử cứ ngỡ mình đang có người yêu thực sự. Từ đó khoái cảm về mặt tinh thần mà sáng tác ra những vần thơ nổi tiếng là Cẩm Châu Duyên và kịch Quần Tiên Hội.

- Ngày 20/9/1940 bệnh tình Tử ngày càng nặng. Vì vậy người anh rể, chồng chị Nguyễn Thị Như Lễ, lúc đó làm y tá Bệnh viện Quy Nhơn, đưa vào Bệnh viện phong Quy Hoà. Sau 52 ngày đêm chữa trị thì qua đời vào ngày 11/11/1940 vì bệnh kiết lỵ. Khi Tử mất không gặp được những người thân, chỉ được các soeur, các bác sĩ và một người anh em đồng bệnh là Nguyễn Văn Xê chăm sóc và an táng tại Quy Hoà. Những năm tháng cuối đời của Hàn Mặc Tử tại Quy Hoà ông có sáng tác một bài văn xuôi “Sự trong sạch tâm hồn” bằng tiếng Pháp, đó là bài thơ cuối cùng của nhà thơ để cảm tạ những vị đã chăm sóc và chữa trị ông tại Quy Hoà.

Để tưởng nhớ một nhà thơ lớn của Việt Nam, nơi an táng đầu tiên tại Quy Hoà, hiện nay được ca sĩ Nhật Trường (tức nhạc sĩ Trần Thiện Thanh) và một số văn nghệ sĩ TP.HCM dựng đài tưởng niệm (hình tượng là một cây viết, quyển sách) để thương tiếc và tưởng nhớ nhà thơ tài danh bạc mệnh Hàn Mặc Tử. Đồng thời tại phòng nằm chữa trị tại Quy Hoà của Hàn Mặc Tử nay cũng được làm Phòng lưu niệm nhà thơ.

- Năm 1959 bạn thân Hàn Mặc Tử là nhà thơ Quách Tấn cùng với gia đình Tử cải táng mộ về Ghềnh Ráng, Quy Nhơn. Ngôi mộ Hàn hiện nay đang nằm trên đỉnh cao Ghềnh Ráng, chung quanh núi non hùng vĩ, biển trời xanh ngát xa xa nhìn về TP Quy Nhơn chạy dài theo bãi cát vàng giữa trăm màu thuỷ thọ thật thích hợp với hồn thơ. Hàn Mặc Tử ra đi với lứa tuổi thanh xuân (28 tuổi), nửa đời người chưa qua hết, nhưng Hàn Mặc Tử đã làm tròn sứ mệnh của mình là để lại cho nền Văn học Việt Nam chúng ta một đời thơ rất giá trị, có những bài được đưa vào chương trình văn học như: Đây thôn Vỹ Dạ, Mùa xuân chín. Hiện tư liệu bài Đây thôn Vỹ Dạ nay được nhà sưu khảo Phạm Xuân Tuyển nghiên cứu có chữ viết Hàn Mặc Tử gửi tại nhà Hoàng Thị Kim Cúc. Nguyên bản gốc Ở đây thôn Vỹ Dạ có đăng báo Thừa Thiên Huế năm 2000 có kèm theo tư liệu. Ngoài ra đặc biệt Hàn Mặc Tử có 2 bài thơ thuận nghịch đọc là: Cửa sổ đêm khuya, Đi thuyền.

Các bạn yêu thơ Hàn thân mến, bản thân tôi cũng như hàng triệu trái tim yêu thơ Hàn khác. Nhưng thực tế hơn, tôi đã viết thơ Hàn bằng cây bút lửa của mình để truyền bá:

- Lo những ngày sinh nhật và giỗ đã hơn 20 năm nay. Gặp các người thân - các người yêu để tìm hiểu - Đọc và nghiên cứu nhiều sách báo viết về Hàn.

Cùng với các vị có trách nhiệm, bản thân tôi đã tham gia làm Phòng lưu niệm tại Quy Hoà (1998) và Nhà lưu niệm tại Ghềnh Ráng, Quy Nhơn (2000) để phục vụ du khách đến viếng Hàn Mặc Tử - Và là người trực tiếp tiếp xúc các bạn yêu thơ từ mọi miền về thăm Hàn Mặc Tử. Nên tôi sưu tâm một số tư liệu, hình ảnh, thơ văn những người có liên quan để tặng các bạn tham khảo tốt hơn, một phần nào giúp các bạn hiểu thêm Hàn Mặc Tử. Dĩ nhiên với sự tìm hiểu, hiểu biết có giới hạn nên sẽ còn nhiều điều thiếu sót, mong các bạn, anh chị em mến mộ Hàn lượng thứ, rất cảm ơn các bạn.

Người giữ lửa thơ Hàn

Bút lửa Dzũ Kha (Sưu tầm)
2005