Dưới đây là các bài dịch của Song Tuyết. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 10 trang (94 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bài số 78 (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Song Tuyết

Bạn đồng hành của con đường,
Đây là lời cầu chúc từ những lữ khách của tôi gửi đến người.
Ôi Chúa tể của nỗi đoạn trường, của biệt ly và mất mát, của nỗi ảm đạm ngày tàn,
Lời cầu chúc từ căn nhà đổ nát hướng về người!
Ánh sáng ban mai,
Mặt trời chiếu trên ngày vĩnh cửu,
Lời cầu chúc từ niềm hy vọng bất diệt hướng về người!
Hỡi người dẫn đường,
Tôi lang thang trên con đường vô tận,
Lời cầu chúc từ kẻ bộ hành này hướng về người.

Ảnh đại diện

Bài số 77 (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Song Tuyết

“Này lữ khách, anh đi đâu đó?”
“Là biển khơi tôi đang tới đắm mình
Dưới bầu trời hoàng hôn rực đỏ
Dọc con đường rợp bóng cây xanh.”

“Này lữ khách, biển kia nơi nào thế?”
“Nơi con sông chảy hết cuộc phiêu du,
Nơi hừng đông sớm mai mới hé,
Nơi ánh dương lả xuống giữa mịt mù.”

“Này lữ khách, cùng anh bao nhiêu bạn?”
“Tôi chẳng hay phải đếm họ thế nào.
Qua màn đêm họ chong đèn bước tới,
Qua ánh ngày vượt sông thẳm, non cao.”

“Này lữ khách, biển chắc là xa lắm?”
“Có xa không, tôi cũng tự hỏi mình.
Tiếng sóng tung trời khi chúng tôi dứt tiếng,
Tưởng rất gần, lại xa thẳm mông mênh”.

“Này lữ khách, mặt trời sao chang chói!”
“Phải, hành trình dằng dặc lắm đau thương.
Hãy hát lên, những linh hồn mệt mỏi,
Và hát lên, những tim yếu ngại ngùng.”

“Này lữ khách, nếu bóng đêm đuổi tới?”
“Tôi sẽ nằm ngủ một giấc yên,
Đến ban mai ca vang điệu nhạc,
Khắp không trung lời biển lộng êm đềm.”

Ảnh đại diện

Bài số 76 (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Song Tuyết

Tôi như thấy khuôn mặt người, và đã thả con thuyền trong đêm.
Giờ đây hừng đông hé rạng mỉm cười, hoa xuân đang bừng nở.
Thế nhưng ánh sáng dù tắt lịm và hoa thắm phai tàn, tôi sẽ vẫn căng buồm lướt tới vậy thôi.
Khi người ám hiệu cho tôi, thế gian còn ngủ say và màn đêm trống rỗng.
Giờ đây chuông ngân rền, con thuyền chất đầy châu báu.
Thế nhưng chuông dù tắt lịm và thuyền tôi dù chẳng còn gì, tôi sẽ vẫn căng buồm lướt tới.
Có những con thuyền đã đi xa, có những thuyền còn chưa chuẩn bị, nhưng tôi sẽ chẳng nán lại đâu.
Cánh buồm lồng lộng, cánh chim bến khác bay về.
Thế nhưng dù buồm tôi rũ xuống hay lời nhắn từ bến nào có bị mai mòn, tôi sẽ vẫn lướt tới vậy thôi.

Ảnh đại diện

Bài số 75 (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Song Tuyết

Những vị khách trong đời,
Đến trong hừng đông, và trong đêm khuya.
Hoa xuân và mưa rào thốt lên tên người.
Người mang cây đàn vào nhà, người mang cả ngọn đèn.
Khi người rời đi tôi thấy dấu chân của Chúa trên nền gỗ.
Giờ đây khi cuộc hành hương sắp tận, tôi để lại những đóa hoa cúng buổi đêm như gửi lời chào viên mãn đến người.

Ảnh đại diện

Bài số 74 (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Song Tuyết

Bổn phận đã đến với tôi - làm ca sĩ của người.
Trong những bài ca cất lên tiếng nói của hoa xuân, và phổ nhạc cho tán cây xào xạc.
Tôi đã hát trong cảnh im lặng đêm khuya người, trong nỗi bình yên ban mai người.
Cơn mưa đầu hè rùng mình nhập vào giai điệu của tôi cùng vụ mùa thu rập rờn.
Xin cho lời ca tôi đừng tắt, hỡi chủ nhân, khi người phá vỡ tim tôi bước vào ngôi nhà, mà hãy để nó bừng lên thành lời chào đón.

Ảnh đại diện

Bài số 73 (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Song Tuyết

Từ giây phút đầu tiên người đã nhường chỗ cho tôi bên cửa sổ.
Tôi đã nói chuyện với những đầy tớ lặng thầm trên đường của người, và đã hát cùng bầy thiên thần trên bầu trời.
Tôi đã nhìn thấy biển khơi, trong êm dịu ôm nặng nỗi yên ắng khôn cùng, và trong bão tố vẫy vùng cố phá tan bao bí mật thẳm sâu.
Tôi đã nhìn thấy đất mẹ khi trẻ trung và hào sảng, và cả khi ngả bóng âm trầm.
Người gieo hạt đã nghe tôi chào hỏi, người gặt hái, dù bội thu hay thất bát, đều đã bước qua bài ca tôi.
Thế nên giờ đây trong giây phút cuối đời, bài ca cuối cùng của tôi trong đêm cất lên rằng tôi đã từng yêu thế gian của người.

Ảnh đại diện

Bài số 72 (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Song Tuyết

Khi tim tôi không còn âu yếm hôn người, ôi thế gian, ánh sáng của người để vuột mất vẻ huy hoàng viên mãn và bên ngọn đèn, bầu trời của người thao thức thâu đêm.
Tim tôi đến bên người mang theo lời hát, những lời thầm thì lại qua, rồi nàng quàng vòng hoa quanh cổ người.
Tôi biết nàng đã trao người báu vật được người trân trọng như những ánh sao.

Ảnh đại diện

Bài số 71 (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Song Tuyết

Tôi còn nhớ rõ tuổi thơ, khi bình minh như người bạn trẻ bừng lên bên gối, mang theo những bất ngờ tôi thấy mỗi sớm mai; khi hằng ngày niềm tin vào bao điều kỳ diệu bừng nở trong tim như hoa tươi, tôi nhìn vào khuôn mặt nhân gian từ những niềm vui giản dị; khi côn trùng, chim muông và thú vật, hay nhánh cỏ thường, và mây trôi tràn đầy thú vị; khi tiếng mưa đêm lộp độp đến cùng giấc mơ có nẻo thần tiên, và tiếng mẹ khiến những vì sao chẳng còn vô nghĩa.
Rồi tôi nghĩ về cái chết, khi bức màn vén lên, khi ban mai đẹp đẽ ùa vào, sự sống nơi tôi bừng dậy trong tình yêu bất ngờ và tươi mới.

Ảnh đại diện

Bài số 70 (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Song Tuyết

Tôi đã xem người tấu lên khúc nhạc giữa vũ trường cuộc đời; trong chồi non chợt nhú mùa xuân người cất tiếng cười chào đón tôi; và tôi nằm nghe lời thầm thì của người trên cỏ hoa đồng nội.
Bọn trẻ mang đến nhà tôi lời nhắn hy vọng từ người, và phụ nữ mang đến khúc nhạc tình yêu.
Giờ đây bên bờ biển tôi đợi chờ người cùng cái chết, để thấy cuộc đời còn neo lại trên bài ca của những ánh sao đêm.

Ảnh đại diện

Bài số 69 (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Song Tuyết

Cầu cho khúc hát của tôi giản đơn như cuộc dạo chơi buổi sáng, như giọt sương trên lá cỏ,
Giản đơn như những mây nổi muôn màu và dào dạt mưa đêm.
Nhưng đàn tôi vừa mới căng dây, phóng ra những âm giai như những mũi lao sắc nhọn.
Rồi để vuột mất linh hồn cơn gió và làm đau ánh sáng bầu trời, khúc hát tôi khắc khoải kiên cường tìm về với điệu nhạc của người.

Trang trong tổng số 10 trang (94 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối