Trang trong tổng số 1 trang (10 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Thânthơ ngày 04/09/2008 07:23
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi karizebato vào 09/06/2009 00:43
Tác giả: Ngô Minh
Nhà thơ Phùng Quán để lại nhiều bài thơ hay, được hàng triệu người đọc Việt Nam thuộc nằm lòng như Lời mẹ dặn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, Say… Trong đó Hôn là bài thơ hay được nhắc đến nhiều nhất. Bài thơ Hôn có trong hành trang của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ được tuyển đi tuyển lại trong hàng chục tuyển tập thơ từ 50 năm nay. Được in trong tuyển tập Panorama de la Littérature Vietnamism do nhà văn hoá Hữu Ngọc dịch. Bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc.
Khi người ta yêu nhau
Hôn nhau trong say đắm
Còn anh, anh yêu em
Anh phải đi ra trận!
Nhưng:
Yêu nhau ai không muốn
Gần nhau và hôn nhau
Nhưng anh, anh không muốn
Hôn em trong tủi sầu!
Bài thơ được coi như là tuyên ngôn tình yêu của người lính khi Tổ quốc đang bị giày xéo dưới gót giày quân xâm lược: Nhưng dù chết em ơi/ Yêu em anh không thể/ Hôn em với đôi môi/ Của một người nô lệ! Âm hưởng bài thơ giống như khẩu khí thơ của các nhà thơ cộng sản Nadim Hikmet, Pe-tơ-pi. Bài thơ viết năm 1954, khi Phùng Quán 22 tuổi. Đọc bài thơ tôi cứ ngỡ nhà thơ viết tặng một cô gái nào đó mà anh từng yêu thương, nhớ nhung dọc đường ra trận. Nhưng không phải! Sự tích bài thơ bi hùng hơn rất nhiều. Tôi dùng chữ “sự tích” vì đây là một câu chuyện dài, đầy chất anh hùng ca, liên quan đến “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán.
Mới đây nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã cung cấp cho tôi lai cảo một bài viết dài của Phùng Quán viết tại Chòi Ngắm Sóng Hồ Tây năm 1992, có tựa đề: “Bản anh hùng ca bị mối xông và mười bảy bộ hài cốt…”. Tôi đọc và bàng hoàng vì câu chuyện được kể lại vô cùng lẫm liệt về cuộc chiến đấu và sự hy sinh dũng cảm, khí phách của 17 chiến sĩ cảm tử của Trung đoàn Vệ quốc quân Trần Cao Vân giữa lòng thành phố Huế năm 1946. Bài viết cũng nói rõ xuất xứ của bài thơ Hôn. Nhà thơ Phùng Quán viết: “… Cách đây trên ba mươi năm có lẻ, trong những ngày gian khó nhất của đời mình, trong nỗi buồn bã và thất vọng khôn cùng, tôi khởi viết một thiên hùng ca… Thiên hùng ca kể lại một câu chuyện có thật, những người anh hùng có thật, hơn nữa những người anh hùng mà tôi quen biết, và tôi có mối hàm ơn sâu nặng vì một lần họ đã cứu tôi thoát khỏi đạn đại liên giặc ăn thịt trong trận đánh kinh hồn vào vị trí Miễu Đại Càng… Thiên anh hùng ca gồm 10 chương, khoảng nghìn câu thơ, với một Khai từ và một Hậu từ. Từ năm 1958 đến 1988, tôi bị mất quyền in sách nên thiên hùng ca chịu chung số phận với nhiều tác phẩm khác của tôi: Mối xông! Nghìn câu thơ nay không còn nhớ nữa. Nhưng cốt truyện, đoạn khai từ và lác đác dăm câu thơ, đoạn thơ khắc hoạ ý tưởng chính tôi vẫn còn nhớ như in… Thiên hùng ca ấy có tên là Huyệt lửa chôn chung”. Xin gác lại chuyện các chiến sĩ Trung đoàn 101 Trần Cao Vân đã cứu sống và đã phạt roi Phùng Quán như thế nào, để tập trung vào sự tích bài thơ Hôn. Điều cực kỳ thiêng liêng và cảm động là bài thơ Hôn là một đoạn được trích ra từ Thiên hùng ca ấy, viết về tình yêu của người chiến sĩ thật có tên là Phùng Huấn!
Tháng 7-1992, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân có bài viết Tìm được hài cốt của 17 liệt sĩ hy sinh từ năm 1946 in trên báo Lao động. Bài báo kể lại, ngày 4-6-1992, trong lúc đào móng cải tạo công trình nhà của Uỷ ban Khoa học kỹ thuật tỉnh TT-Huế tại 18 - Hà Nội - Huế, người ta phát hiện ra 17 bộ hài cốt Vệ quốc đoàn. Trong đó có một bộ hài cốt có sợi dây chuyền nhỏ có đeo lủng lẳng một miếng nhôm, rửa sạch miếng nhôm hiện lên dòng chữ khắc: “Phùng Huấn - VQĐ - Thuận Hoá”. “VQĐ” là Vệ Quốc Đoàn. Còn Phùng Huấn là anh con bác của Phùng Bốn (tức ông Nguyễn Vạn, nguyên Bí thư tỉnh uỷ TT-Huế) chú ruột của Phùng Quán. Tức Phùng Quán gọi liệt sĩ Phùng Huấn là bác! Đọc bài báo đó, Phùng Quán bàng hoàng nhớ lại thiên anh hùng ca mình đã viết 30 năm trước…
… Nhân vật mà tôi mất nhiều công sức nhất để miêu tả và khắc hoạ tính cách với cả trăm câu thơ, là nhân vật chiến sĩ. Anh tên là Phùng Huấn, xuất thân nông dân, quê ở làng Thanh Thuỷ Thượng. Phùng Huấn yêu một cô gái làng, sắp làm lễ cưới. Mặt trận Huế bùng nổ, anh hoãn ngày cưới, cùng nhiều trai làng xung phong gia nhập Vệ quốc đoàn. Anh được tuyển chọn vào cảm tử quân… Bài thơ Hôn là tôi trích ra từ Thiên hùng ca ấy:
Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn!
Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ!
Đó là lời của Phùng Huấn nói với vợ chưa cưới của mình trước giờ xung trận. Phùng Huấn là bác họ của tôi. Trong Thiên hùng ca tôi không nói chi tiết này, chỉ miêu tả mỗi lần chúng tôi đứng cạnh nhau, cả đơn vị ai cũng lầm là hai anh em ruột vì chúng tôi giống nhau như hai cục bùn móc dưới ruộng sâu lên… Trong đội cảm tử quân, Phùng Huấn được phân công vào “Tổ vũ khí nặng”. “Vũ khí nặng” Phùng Huấn phụ trách là một cặp đầu đạn đại bác 75 ly tịt ngòi được công binh xưởng biến báo thành mìn đánh xe tăng… Tổ “vũ khí nặng” là siêu cảm tử, nên mỗi chiến sĩ được Mặt trận phát một chiếc “lập lắc” bằng nhôm cứng, trên mặt khắc tên họ, giây đeo bằng thép không rỉ, để lỡ hy sinh xác người nọ khỏi lẫn xác người kia…
Một buổi sáng, Phùng Huấn ngoắc tay gọi tôi: “Bê! Bê!” (tên gọi tôi ngày còn ở nhà) ghé sát tai tôi nói nhỏ: “Tối ni đơn vị tau đi cảm tử vị trí nhà hàng Sap-phăng-giông (Cửa hàng bách hoá số 1, đường Hà Nội, Huế hiện nay). Mặt trận sẽ đãi tụi tau một bữa thịt bò, thịt heo với xôi, ở sân chùa Vạn Phước, để lỡ có chết thì anh em được chết no! Tắt mặt trời mi nhớ chạy xuống mà ăn chực…”
Bữa ăn đó, cũng được kể trong bài báo Lao động nói trên, qua lời kể của người vợ chưa cưới của liệt sĩ Phùng Huấn: “Vợ chưa cưới của đồng chí Phùng Huấn, đã 70 tuổi, từ xã Thuỷ Dương (tên mới của làng Thanh Thuỷ Thượng), chống gậy lên thăm hài cốt của người yêu xưa. Bà kể: Chiều đó tôi lên thăm anh ấy, rủ anh đi ăn. Anh ấy nói: “Tối nay đi đánh Pháp, thế nào cũng được ăn một bữa thịt bò, bây giờ ăn ngang bụng”. Anh ấy không đi. Thấy trên tay anh có đeo một cái “lập lắc”, tôi hỏi: “Người ta đeo vòng vàng xuyến bạc, còn anh đeo chi miếng thiếc ni?” Anh nói: “Đơn vị bảo đeo. Đi đánh giặc lỡ có chết người ta biết tên mà nhận xác”. Tôi tưởng anh nói chơi, ai ngờ anh chết thiệt. Từ sau đó gia đình cứ lấy ngày 10 tháng chạp giỗ anh ấy”.
Trận “cảm tử” vào nhà hàng Sáp-phăng-giông đêm ấy không kết quả. Toàn đơn vị rút ra căn cứ cả, còn Trung đội cảm tử bị mắc kẹt lại ở trong ngôi nhà hai tầng. Địch bắn như điên, kêu gọi đầu hàng, các anh vẫn chống trả quyết liệt. Giặc phun xăng đốt ngôi nhà. Các chiến sĩ đã xuống tầng trệt, dùng bộc phá nổ tung ngôi nhà, biến ngôi nhà thành ngôi mộ chôn chung của 17 anh em! Ôi, 46 năm sau, cô gái trong bài thơ Hôn của Phùng Quán mới gặp lại hài cốt người yêu của mình! Ngày xưa ở Huế, đối với con gái nhà lành, chuyện hôn nhau vô cùng hệ trọng, nhà trai đi hỏi rồi vẫn chưa dám hôn nhau, chờ khi cưới. Cho nên:
Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn
Hiểu “sự tích” tích bài thơ ta càng muôn lần cám ơn nhà thơ Phùng Quán, anh đã lấy “tuổi thơ dữ dội” của mình làm chất liệu để viết nên những câu thơ tình thế kỷ, đẹp như kinh cầu nguyện!
(Theo Kiến Thức Ngày Nay)
Gửi bởi Thânthơ ngày 02/04/2008 02:28
... Và cần giỏi điều thứ ba nữa: tiếng mẹ đẻ
Gửi bởi Thânthơ ngày 18/03/2008 21:28
"trạnh lòng"...
Nên viết là "chạnh lòng"
Gửi bởi Thânthơ ngày 10/03/2008 20:57
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Thânthơ vào 10/03/2008 21:04
Có những cái đơn giản, con người ta hay phức tạp hoá nó lên, và ngược lại, có cái phức tạp lại coi là đơn giản. Hai cái đều kông hay! Đừng phức tạp hoá và cũng đừng đơn giản hoá vấn đề. Hãy xem vấn đề đúng như nó hiện hữu. Thử xem khổ thơ đầu của bài thơ "Listopad", nói gì. Đơn giản tác giả nêu địa điểm: Mátcơva, khung cảnh: trên cao có sếu bay qua, có sương mù, có khói. Lại thêm một chi tiết nữa: trên các con lộ có treo bảng “Cẩn thận, lá rụng” (chỉ đơn giản thế thôi, đừng có thêm nào là ”mùa lá rụng”, “ mùa rụng lá cây”, nào là ”tránh đừng động vào cây”, nào là “xin đừng động vào cây” , “xin hãy dè chừng”...? Chiếc bảng treo ”cẩn thận, lá rụng” , không có ý nhắc người ta đừng động vào cây, bởi rằng, có đụng, có dựa, có ngồi lên cây thì cũng chẳng hư hại gì cho cây cả. Điều đó hiển nhiên ai cũng biết. Với lại, các khu vườn ở Matcơva, đi dạo trong vườn còn có các bulva, không mấy ai dại gì mà lại băng lối, đến để chạm cây chạm cối làm gì(?!).
Ý tác giả nói nói: Ở Matcơva mùa thu rồi! Ngay đầu bài tác giả đã nhắc tới “mùa thu” hai lần, lần sau có dấu than! Cái câu “Cẩn thận,lá rụng” là lấy sự việc thật của khung cảnh mùa thu. Sau này câu này được nhắc đi nhắc lại mấy lần nữa, Có ý của nó. Tiếp theo một chi tiết nữa khi nhắc đến mùa thu không thể thiếu được, đó là: các khu vườn đẫm vàng bởi lá. Nói tới mùa thu không khể không nói tới lá vàng, mà nhất là ở Nga. Mùa thu vàng! “Thu có nhuốm là vàng, mới có màu ly biệt”. Nói tới lá vàng là nói tới mùa thu, nói tới lá rụng, nói tới ly biệt. Vậy đó. Mở đầu bài thơ tác giả đã vẽ lên khung cảnh, địa điểm, thời gian, để rồi sau này nói đến cô gái cô đơn trong cài mùa thu ly biệt đó.
Cô gái, một mình, bước trong hẽm phố lạ! Giống như chiều hôm muộn lang thang trên các ô của sổ, mà lại dưới cơn mưa! Buồn quá, cô đơn quá. Không bạn, không người yêu, không ai an ủi. Thế thì cái bảng nhắc ”cẩn thận lá rụng” kia, nhắc nhỡ để làm gì. Đối với cô, không cần đến nó. Không cần.
Một mình, cô đơn, không bạn, không người yêu, không cần gì cả vào lúc bấy giờ. Mà không cần thì cũng chẳng gì để mất. Cô đi ra ga là để tiễn một người ra đi mãi mãi. Trong đêm tối, có cơn mưa rào ấm áp. Cô tự nhủ lòng mình, ừ ! dù là đi chia tay nhưng hãy như cơn mưa, hãy vui lên, và hạnh phúc lên! Và cô ta tự nhủ, đúng là mình chưa nói hết, và giờ đây cũng không nói gì nữa. Cô lại trở về trong hẽm phố “đầy ắp đêm”, và lần này chiếc bảng ”cẩn thận lá rụng” lại nói “cho những người cô đơn đi qua”: “cẩn thận, lá rụng”. Tâm trạng của một cô gái đơn côi, ra ga, đi qua phố nhỏ, qua các bulva, của một mùa thu thật sự ở Mátcơva, và chiếc bảng ”cẩn thận, lả rụng” đập vào ý thức của sự đơn côi, của tự sự về nỗi đơn côi, không trách cứ, mà lại có phần tự an ủi, tự vươn lên. Đó nội dung của bài thơ.
Thu có nhốm lá vàng
mới có màu ly biệt.
Thân Thơ
Gửi bởi Thânthơ ngày 07/03/2008 19:45
Đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Thânthơ vào 02/04/2008 02:37
Mình đồng ý với ý kiến của bạn khi nói lên ý nghĩ của bạn đối với việc dịch thơ: "Butgai thường không thích những bản dịch phóng tác và thêm những cụm từ không có trong bài gốc quá nhiều chỉ vì vần điệu". Mình nghĩ cái chữa "dịch" là đủ để hiểu cái việc phải làm. Dịch Có thể là dịch văn, bài phát biểu, bài thơ, v.v... Ngày trước các cụ ta dùng từ "thông ngôn" có cái hay của nó. Bạn biết tiếng anh - tôi không, bạn làm cái việc thông ngôn ngữ để tôi hiểu. Tôi biết tiếng tàu - bạn không, một người tàu làm một bài thơ, bạn chuyển tiếng tàu thành tiếng việt để tôi hiểu. Thế là "thông". Dịch thơ cũng vậy. Vì bài thơ là tiếng nga, để những ai không biết tiếng nga đọc được bài thơ đó, thì người ta dịch nó ra. Còn ý tứ, nội dung của bài thơ là của tác giả, chứ đâu là của dịch giả. Còn người nghe người cảm nhận thế nào là của người ta. Tác giả, dịch giả đâu có ép họ. Có những dịch giả dựa vào ý tứ của bài thơ, rồi viết nó lại bằng thứ tiếng mẹ đẻ, rồi thêm, rồi bớt, có thể là rất hay, hay hơn cả chính tác giả, nhiều người thích, thì đó là chuyện khác, nhưng gọi là "dịch" là "thông" thì theo tôi là vượt quá giới hạn. Hãy cứ chuyển ngữ thật trung thành, thật sát với từ ngữ của tác giả, rồi sau đó chọn thể loại nào tuỳ theo nội dung, tình cảm của bài thơ mà chuyển. Để người đọc hiểu được tác giả, chứ không phải chỉ hiểu dịch giả! KHông ngẫu nhiên mà nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà văn hoá... muốn đọc Sechxpia, họ phải dày công học tiếng anh để đọc nó nguyên bản bằng thứ tiếng của chính người viết ra, chứ đọc qua bản dịch, nhiều khi dịch giả hoa lá quá, làm mất cái ý của chính tác giả.
Đi vào bài thơ "Mne Grusno Na Tebia Smotret'" (mình sẽ dịch đầu đề là "Nhìn Mi Ta buồn"), thì tại sao lại phải có chữ "ngồi" ở đây. Biết tác giả đứng, hay ngồi, thậm chí hay là nằm...(!) Với lại một khu vườn vào mùa thu muộn, lá vàng, ẩm ướt , cứ cho là trong vườn có ghế đá đi, chắc gì tác giả lại ngồi. Còn Bạn?. Rồi câu dịch "thân thể em nồng nàn hơi ấm" mà thực ra là nội dung của câu này là: "hơi ấm của em( khu vườn) làm ấm những người vào đây". Nhiều câu nữa ... Và câu cuối ý là: "Vậy không nên buồn về những điều đó(những điều mà tác giả đã nêu ở các khổ thơ trên)" thì cả hai bài dịch đều là: "thì về nó ta chẳng cần thương tiếc"(của NVT) và "còn gì tiếc nuối nữa cuộc đời ơi"(của bạn). Riêng tôi, tôi nghĩ bạn nghĩ lại xem, có đúng không?. Tác giả mượn khu vườn để nói về cuộc đời. Đúng. Nhưng đừng để người nghe bài thơ này tưởng là nói một cô gái nào đó! Anh ngồi nhìn em một cô gái rồi anh buồn!
Gửi bởi Thânthơ ngày 06/03/2008 18:57
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Thânthơ vào 02/04/2008 02:35
Bài thơ “Mne Grusno Na Tebia Smotret'", ta thử hiểu xem tác giả nói “Tebia “ ở đây là ai. Lúc đấy mới dịch sát được với ý của tác giả, và đúng nội dung của bài thơ. Theo tôi, Em ở đây không phải là nói về người yêu, một cô gái. Em ở đây là mảnh vườn vào mùa tháng 9, nghiã là mùa thu!. Mùa thu ở Nga, có cơn mưa nhỏ,... một màu vàng của cỏ cây đang choàng lên khu vườn: “sắc đồng” đấy. Tác giả thấy đau lòng, tiếc nuối làm sao khi nhìn thấy mảnh vườn chỉ còn lại một màu vàng. Thấy “buồn khi nhìn em” là vậy. Khu vườn mới hôm nào xuân, hạ còn tốt tươi, đôi lứa đến đay hẹn hò, họ đã hôn nhau. Vậy mà giờ đây “những đôi môi của bao người khác” đã phải chia xa!. Hơi ấm của khu vườn đã từng sưởi ấm, và cho dù trong lòng, trong tâm hồn đúng là đã lạnh hơn, nhưng lại có “cơn mưa nhỏ” nên lại làm tê cóng thêm!
Tác giả nói tiếp. Không sao, anh không sợ con mưa đó. Thật là lạc quan! Anh ta đã tìm thấy niềm vui mới. Cho dù không còn gì đọng lại ngoài một màu vàng úa và ẩm ướt. Để có được một cuộc đời yên bình, có nhiều nụ cười, thực ra con người cũng có làm được mấy đâu, mà lại còn gặp phải nhiều sai lầm nữa. Nên một khu vườn thì cũng thế thôi. Cũng giống như trong nghĩa địa, trong những khu vườn khác, làm sao mà thoát ra khỏi quy luật cuộc đời: lá lại vàng, thân cành cây chết sẽ rải khắp ra cả. Và cả chúng ta, cả khu vườn, cả những ai đến thăm vưòn, thăm nghĩa địa cũng không còn ồn áo náo nhiệt nữa, vì khi đông đến cũng không có hoa mang vào đi nữa. Chúng ta... tất cả cũng có lúc tàn úa như vậy.
Câu kết là câu lạc quan. Mặc dù “Mne Grusno Na Tebia Smotret'", nhưng tác giả an ủi, lạc quan hơn. Thôi, thôi đừng buôn vì những chuyện đó!
Nếu không có nguyên bản của bài thơ, mà chỉ đọc hai bài dịch trên thì đúng là không hiểu được. Dịch thơ quả là không dễ. Trước hết phải là đúng ý của tác giả, đúng nội dung của bài thơ!
Gửi bởi Thânthơ ngày 05/03/2008 00:18
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Thânthơ vào 05/03/2008 00:21
Câu phù vân, minh nguyệt có hai cách hiểu khác nhau. Phù vân là tên một quả núi (có thể là Yên Tử chăng?), Minh nguyệt là tên một vịnh, nay coi là vịnh Hạ Long. Dịch giả coi "phù vân' chỉ là đám mây bay trên một núi đảo và minh nguyệt là trăng sáng trên vịnh trong đêm. Đây được coi là bài thơ đầu tiên trong thơ Việt Nam viết về vịnh Hạ Long!
Ngôn ngữ: Chưa xác định
Gửi bởi Thânthơ ngày 05/03/2008 00:05
Sương mù giăng trắng bên kia sông
Bờ đây thoai thoải nép bên dòng
Cây xanh cây đứng bên dòng nước
Còn tôi, một mình cô đơn không!
Tôi chui vào bụi gom cành củi
Mang đến thả vào đống củi to
Nhóm lên đốm lửa cho bùng cháy
Tôi ngồi, minh tôi tôi mộng mơ
Thế rồi tôi lội xuống dòng sông
Theo dòng nước chảy, tôi nhẹ chân
Bỗng thấy xa xa bếp lửa đỏ
Tôi biết rằng tôi nhà đã gần.
Gửi bởi Thânthơ ngày 04/03/2008 22:19
Bến sông mát mẻ ánh hồng soi
Thuyền lướt muôn non lẫn ráng trời
Cô gái bờ xa cười náo nhiệt
Đầu thuyền gió thổi chẳng nghe lời
Ngày 20-4-1965, quốc lộ 1A qua Nghệ An - Hà Tĩnh bị cắt đứt, địch tập trung đánh vào ngã ba Đồng Lộc với mật độ bom đạn tăng dần. Mãi đến thời kỳ địch gọi là “ném bom hạn chế” từ 1-4-1968 đến 31-10-1968, thì toàn bộ lực lượng của Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) N55-P18 của chúng tôi được điều về đảm bảo giao thông ở túi bom chảo lửa này. Bảy đại đội TNXP gần 1000 cán bộ, đội viên rải trên các trọng điểm ác liệt đoạn từ cống 19 đến Địa Lợi. Riêng đại đội 552 (của tiểu đội 4 - Võ Văn Tần) được chốt chặn đoạn từ Cầu Tối trở vào Truông Kén khoảng 2km, đặc biệt là 300 mét từ Cầu Tối đến Trường Thành, chúng tập trung bom đạn huỷ diệt. Từ cuối tháng 4-1968, đoạn 300m này chỉ còn là đống bùn nhão, đêm xe bò qua vệt bùn quánh quanh miệng hố bom. Dưới những vệt bùn bị đào lên lật xuống ấy là bổi, vọt, đá, đất tre, phên và... bùn nhão bùng nhùng, xe qua như đưa võng. Chính là địa bàn chốt giữ của đại đội Võ Thị Tần và Hồ Thị Cúc suốt gần ba tháng trời (1-4-1968 đến 23-7-1968) nhưng cả tiểu đội gồm 15 nữ đội viên vẫn an toàn. Thế mà... ngày 24-7-1968 các tiểu đội khác vẫn làm việc trong 300m này để kịp thông xe ban đêm. Riêng tiểu đội 4 của Tần và Cúc được phân công đi đào công sự và hố hầm chữ A tại eo núi Trọ Voi (cách trọng điểm cũ khoảng 300m). Từ trưa, địch chỉ tập trung đánh ở toạ độ lửa ngoài Trường Thành. Đến khoảng 16h cùng ngày 24-7 thì tốp cuối cùng 3 chiếc máy bay phản lực tiêm kích rút ra biển. Bất ngờ một chiếc quay lại trút bom xuống đúng vị trí Tiểu đội 4. Một quả bom tấn dội đúng hầm của 10 cô ẩn nấp, chôn sống cả 10 cô. Khi tan khói bom, chạy lại thì không thấy cô nào mà xẻng cuốc mũ nón còn nằm ngổn ngang bên miệng hố bom. Cả VP Tổng đội, cán bộ Ty Giao thông, toàn bộ C552, C557 đổ dồn về đào bới. Sau hai tiếng thì tìm thấy 9 cô đã hy sinh nhưng thể xác vẫn còn nguyên như đang nằm ngủ. Cả 9 cô Tần, Nhỏ, Dương Thị Xuân, Nguyễn Thị Hà, Hường, Hợi, Xanh và Rạng đều ẩn nấp ở cái hào dài vừa đào xong. Riêng Hồ Thị Cúc (tiểu đội phó) không thấy. Có người nghi là Cúc chạy xa lên núi nên vừa khóc vừa gào vừa đào, kể cả tôi. Còn 9 cô lần lượt được đặt lên cáng thương khiêng về xếp một hàng ngang sau eo núi Bãi Địa (thuộc xã Xuân Lộc) cách đó chừng 2km. Đào tìm Cúc suốt chiều, đêm 24/7 và sáng ngày 25/7 vẫn biệt tăm (?), Chiều 25/7, Ty Giao thông vận tải Hà Tĩnh (nay là sở Giao thông Vận tải) điện cho máy ủi anh Uông Xuân Lý ra đào tìm. Trong khi anh Lý vận hành máy ra hiện trường thì chi bộ 552 họp do đồng chí Nguyễn Hải Đường bí thư chủ trì. Nghị quyết của chi bộ là: tiếp tục đào bằng tay, sự đào bằng máy sẽ làm nát thi thể của Cúc thì đau xót quá. Vì thế, máy ủi anh Lý ra hiện trường lại phải đánh về. Tại BCH đại đội 552, 10 các hòm đã khiêng đi 9 cái, còn cái hòm của Cúc lúc này dân mê tín, dù thương nhưng họ vẫn bắt khiêng ra ngoài vườn. Tự nhiên nỗi xúc động thương xót dâng trào trong tôi. Tôi chạy ra vườn tro(*) nhà BCH C55, ngồi cạnh hòm của Cúc vừa khóc vừa viết. Viết nhưng chưa đặt được tên bài. Tôi nhớ gì viết nấy, khi nhớ lại hình ảnh 9 cô được đặt trên 9 cáng xếp hàng ngang, da dẻ còn hồng hào tôi cứ ngỡ là tiểu đội đang tập hợp lúc còn sống. Tôi cứ viết thế, viết như một ký sự tuyến lửa bằng thơ:
Tiểu đội đã xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ mặt
Nhỏ-Xuân-Hà-Hường-Hợi-Rạng-Xuân-Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười răng được)
Khi sắp 9 tên tôi chủ ý đặt Rạng Xuân Xanh ra sau câu để toát lên cái ‘bi’ có ‘hùng’. Đồng thời nghĩ đến 10 mới có 9 tôi vội nhớ câu phương ngôn của cha ông thường dạy “Ở đời cũng phiên phiến thôi, chín bỏ làm mười, căn kẹ chi lắm”. Nhưng 9 là 9 con người, 10 là 10 anh hùng, tôi phản bác lại như một lời ai oán: “chín bỏ làm mười răng được”. Và diễn tiến sau đó... cứ thực mà viết. Chỉ đến đoạn nhớ về quê Cúc (Xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) có dòng sông Ngàn Phố bạt ngàn xanh trong, quê Cúc có loại quýt ngon nổi tiếng tôi lại viết:
Cúc ơi! Về với bọn anh
Tắm nước trong Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu cắt cỏ
Mạch cảm xúc tự nhiên chảy cho đến khi hoàn thành là 3 tiếng đồng hồ. Đến lúc đặt tên bài là “Hồn Trinh nữ ở đâu” viết rồi lại xoá. Tôi nghĩ nội dung cả bài như một bài điếu sao bài lại vẽ ra lãng mạn như Nguyễn Bính. Nguyễn Bính xưa khóc người hàng xứ nhưng mình khóc người thân với lòng căm thù, xót xa, gần gũi. Tôi quyết định để giản dị hai chữ “Cúc ơi”. Tôi không dám đọc lại và dí vào túi áo chỉ sợ ai bắt được họ lại mắng mình là anh vô tâm, vô cảm. Trong hoàn cảnh này lại thơ với thẩn.
Suốt chiều 25/7, đêm 25/7 và tận trưa 26/7/1968 mới tìm thấy Cúc đang ngồi trong hầm tròn, đầu đội nón bẹp dí, và vai còn dựng cái cuốc. Mười đầu ngón tay toe toét còn đọng máu khô. Chắc Cúc đã dùng hai tay cào bới trong tuyệt vọng khi biết mình đã bị vùi dưới hố bom khá sâu. Mà đào sao được khi quả bom tấn lao từ hàng ngàn mét độ cao lại gặp phải đất sỏi đồi rắn, sức công phá phi thường. Hố bom có đường kính 15 mét, sâu 9 mét, tương đương với 1700m3 đất đồi lấp đè 10 cô (mãi 5 ngày sau tôi đo được số liệu trên).
Ở đơn vị 552 thường gọi Hồ Thị Cúc là “Cúc mục”. Vì Cúc còi cọc, mặt choắt lại, mắt luôn nhìn xuống, tóc cụt cỡn loe hoe như đuôi bò, mặt dợm buồn, hiền lành, tốt bụng nhưng kiệm nói. Lên 1 tuổi (1945), cha Cúc chết đói. Mẹ con Cúc ở với ông nội và o Loan. Ông nội mất, mẹ tái giá lúc 4 tuổi - Cúc được chú ruột và o Loan nuôi lớn tận ngày đi TNXP. Thường ngày Cúc chăn trâu cắt cỏ, lên 8 tuổi, Cúc bị một nồi cám lợn đang sôi sục đổ vào mình bỏng nặng. Thoát chết nhưng để lại một vết sẹo suốt từ vai xuống thắt lưng nhưng Cúc dấu cả tiểu đội.
Viết như thế để bạn đọc hiểu rằng: Tại sao tôi lại chọn Cúc để mượn Cúc nói lên cả tiểu đội anh hùg. Những năm tháng ấy... Tôi và tiểu đội 4 Võ Thị Tần như anh em trong nhà, tôi thường vẽ gối, khắc bút, bày toán, văn cho các o. Tôi sáng tác cả hoạt cảnh, tấu thơm hò cho các o diễn...
Ba mươi tám năm trôi qua, tôi không thể nào quên được 6 năm sống bên những người anh hùg ở Ngã ba Đồng Lộc thời CMCN. Tôi xin cảm ơn bạn đọc gần xa đã yêu quý bài thơ “Cúc ơi” của tôi. Như một nhân chứng lịch sử. Rồi đây tôi cũng sẽ về với tiểu đội 4, nhưng phim “Ngã ba Đồng Lộc” vẫn còn, các tuyển tập thơ, bài thuyết minh ở khu di tích Ngã ba Đồng Lộc còn đó. “Cúc ơi” sống là tôi còn sống.
Trang trong tổng số 1 trang (10 bài trả lời)
[1]