Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Hậu Lộc (Tố Hữu): Tiếng còi tàu phía ga Nghĩa Trang

TIẾNG CÒI TÀU PHÍA GA NGHĨA TRANG
-----------------------------------------
                                                                                            Trần Tâm
                                                                                          Ngày 24.2.2011
Thủa ấy…Khi còn thơ bé
Có những đêm hè tôi vẫn thức cùng trăng sao
Bài toán thầy giao trên bàn chưa giải
Bởi tâm hồn tôi mãi theo tiếng còi vang
Tu… tu… phía nhà ga vọng lại
Tàu đưa về người xa xứ, kẻ vảng lai

Tiếng còi tàu…
Có lúc trầm, có lúc bỗng
Lúc vang xa rồi lại vọng gần
Như tiếng Tù Và tan dần trong không khí

Tiếng còi tàu…
Níu bước chân người đi xa
Làm nhạt nhòa người đưa tiễn
Rồi phút vỡ òa trong khoảnh khắc ôm hôn

Tiếng còi tàu phía Ga Nghĩa Trang
Đã bao năm giữ hồn người xa xứ…

Note:
Ga Nghĩa Trang là một Ga Tàu Hỏa nhỏ thuộc địa phận xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nằm ngay cạnh Quốc lộ IA, có vị trị nằm khu vực giữa hai cây cầu huyền thoại của Xứ Thanh đó là “ Cầu Đò Lèn ” và “ Cầu Hàm Rồng ”, Ga cách trung tâm TP. Thanh Hóa khoảng 20 km về phía nam.
Là một Ga Tàu nhỏ với nhiệm vụ chủ yếu là chung chuyển hàng hóa nhưng mỗi khi tàu về làm cho cả một vùng không gian rộn ràng bởi tiếng còi tàu râm ran…
Ga Nghĩa Trang cách nhà tôi khoảng 7 km, có lẽ chính vì cái khoảng cách địa lý gần gũi đó mà ngay từ khi còn bé tôi đã được thưởng thức thứ âm thanh đặc biệt này nhất là vào những lúc đầu sáng mỗi khi Tàu Bắc – Nam chạy qua Ga.
Đến tận bây giờ tiếng còi tàu vẫn là một trong những yếu tố tạo nên hai tiếng “ Quê Hương ” mà mỗi người xa xứ như chúng tôi mỗi khi nhớ quê đều phải nhắc đến. Chắc chắn “ Tiếng còi tàu phía Ga Nghĩa Trang” sẽ mãi giữ hồn tôi và bao người xa quê nữa…

Ảnh đại diện

Hậu Lộc (Tố Hữu): Hồi ức Sông Mã

HỒI ỨC SÔNG MÃ
-----------------
Trần Tâm
Ngày 06.4.2009.
                                                                                            
Đưa em về thăm Sông mã
Mãnh đất Xứ Thanh vất vả bao năm
Nhớ nạn đói năm bốn năm
Cả Quê mình nỗi thù căm sóng dậy
Ôi! Những ngày đã xa ấy…
Bao mái nhà tang tóc thấy thê lương
Các anh tôi không đến trường
Đi khắp chốn để tìm đường thoát đói
Rồi Cha tôi cũng khăn gói
Xa gia đình theo tiếng gọi quê hương
Khi ấy tôi là hạt sương…
Theo tóc Cha suốt chặng đường quân ngủ

Rồi những ngày sông không ngủ
Giặc Mỹ leo thang trút đủ thứ bom
Làm tan hoang những làng xóm
Bến đò xưa cũng thấp thỏm âu lo
Nhưng cầu Hàm Rồng còn đó!
Vẫn uy nghi trước sóng gió dữ hung
Núi Quyết Thắng! Cũng anh hùng …
Diệt B52 và lũ bạo hung khát máu

Để hôm nay đời con cháu
Đã không còn cảnh: Lửa, máu, chiến tranh.
Cuộc sống như một bức tranh:
Hạnh phúc, ấm no, an lành, đổi mới.
Lịch sử nay sang trang mới
Tiếp bước cha anh đổi mới quê hương

Đấy! Sông Mã là cố hương…
Của anh và cả tình thương đất me./.
                                                                                              
Note:
Khi nói đến Xứ Thanh sẽ là thiếu xót nếu ta không nói về con Sông mã, cầu Hàm rồng và núi Quyết thắng!
Những địa danh này đã gắn liền với cả một thời kỳ oanh liệt, hung tráng của quân và dân Thanh hóa nói riêng và cả nước nói chung trong cuộc chiến chống Đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc.
Là một người con của Xứ Thanh, may mắn được sinh ra trong thời bình và lớn lên bên dòng Sông mã thơ mộng. Tôi tự hào về những điều mà thế hệ cha anh đã làm nên lịch sử, càng tự hào hơn về sự thay đổi ngày một lớn mạnh của quê hương bây giờ.
Mặc dù không được chứng kiến quãng thời gian khốc liệt đấy nhưng tôi đã hình dung được qua những hồi ức của thế hệ cha anh. Những người viết nên: “ Hồi Ức Sông Mã ” huyền thoại!

Ảnh đại diện

Hậu Lộc (Tố Hữu): Thơ về Văn Lộc

VỀ VĂN LỘC ĐI EM
--------------------
Trần Tâm
Đêm!  Ngày05.4.2009

Mong em hãy đến một lần
Về thăm Văn lộc chuông ngân sớm chiều
Thả hồn, vãn cảnh, phiêu riêu…
Nơi Chùa Diêm Thánh bao điều linh thiêng
Hồ Sen mặt nước lung liêng
Soi Bia tưởng niệm thiêng liêng bên hồ
Xa trông đồng lúa, bãi ngô
Cò bay thẳng cánh biết mô đường về?
Chiều ra hóng mát bờ đê
Thăm làng Hà Mát tiện về Mỹ Quang
Có nhà thờ đạo trang hoàng
Ngay làng Mỹ Điện thêm càng mến yêu
Ghé qua Chợ Phủ chiều chiều
Ngay làng Văn hóa yêu kiều Duy Tinh
Biết bao thế hệ học sinh
Từ ngôi trường nhỏ nuôi tình yêu quê
Nhìn Làng Mới cũng sẽ mê…
Đường đi rộng dãi, xum xuê bóng dừa
Quê tôi tuy nhỏ nhưng thừa…
Tình người chan chứa em vừa lòng chưa?
                                                                                                           
Note:
Xã Văn Lộc, huyện Hậu lộc, tỉnh Thanh hóa cách Thị trấn huyện 3 km về hướng Tây bắc; Cách Quốc lộ 1A khoảng 6 km về hướng Tây.
Là một xã thuần nông của huyện nhưng Văn lộc có bề dầy về truyền thống hiếu học và lịch sử văn hóa. Khi nói đến Văn lộc không chỉ người dân trong huyện, trong tỉnh Thanh hóa mà còn nhiều người ở các tỉnh thành khác trong cả nước biết đến làng Duy Tinh, nơi có Di tích Lịch sử Quốc gia “ Chùa Sùng nghiêm Diêm thánh ” có từ trước Thời Lý. Bên cạnh chùa là Nhà Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là con em, nhân dân trong xã. Ngay trước Nhà Bia là Hồ Sen ( Rộng khoảng 1.500 m2 ) có từ thời Phong Kiến nước rất ngọt và trong, không thấy cạn nước bao giờ.
Xã Văn Lộc là một điển hình trong cả nước về phong trào xây dựng làng văn hóa, nếp sống văn hóa và gia đình văn hóa. Toàn xã có 08 thôn được chia thành 05 làng, đều đạt tiêu chuẩn làng văn hóa. Đó là: Làng Duy Tinh ( Gồm 04 thôn: Tinh anh, tinh phú, tinh hoa và tinh lộc ); Làng Mỹ Quang; Làng Mỹ Điện; Làng Hà Mát và Làng Mới.
Hệ thống đường giao thông liên thôn đều được dãi nhựa và bê tông hóa sạch sẽ. Mỗi thôn đều có nhà văn hóa và sân chơi riêng, là nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao, hội họp của nhân dân mỗi thôn. Xã có một sân vận động lớn ( Còn gọi là Sân Căng ) là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT,… có quy mô của xã và huyện.
Chợ Phủ là nơi giao lưu,buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân trong xã và vùng lận cận tuy còn đơn sơ nhưng đã có từ thời Phong Kiến. Có thể nói, Chợ phủ cũng là nét đặc trưng của làng Duy Tinh.
Có thể nói, xã Văn Lộc là bức tranh đẹp, nhiều màu sắc về cuộc sống nông thôn Việt Nam nói chung và của Xứ Thanh nói riêng./.
Bài thơ: “ Về Văn Lộc đi em ” là sáng tác của tôi giới thiệu đôi nét về quê hương mình, Đó cũng là lời mời của tôi cũng như của bà con trong xã, tới tất cả mọi người trên mọi miền Tổ quốc về thăm Văn Lộc một lần./.

Ảnh đại diện

Mùa xuân và mẹ (Nguyễn Minh Quang): Chung cảm nhận về Bài thơ: Mùa xuân và mẹ

Xin được đồng cảm với Nhà Thơ Nguyễn Minh Quang bằng bài thơ cũng là: " Mùa xuân và me " của tôi....

MÙA XUÂN VÀ MẸ
------------------
                 T/giả: Trần Tâm

Mẹ tôi dáng nhỏ, hao gầy…
Tháng ngày tần tảo vì bầy con thơ
Đêm qua tôi thấy trong mơ
Trong tay mẹ bế con thơ thủa nào

Ước gì con hóa vì sao
Từng đêm con đến rơi vào giấc mơ
Để con mãi thủa ngây thơ
Mẹ còn bồng ẵm bơ vơ câu hò
Ước chi con mãi lò dò
Tập đi chập chững mẹ lo suốt ngày
Con đi vững, nhẹ như bay
Mẹ cười hạnh phúc lung lay nắng chiều

Xuân này nếu vắng con yêu
Mẹ buồn: Thơ thẩn, liêu xiêu, bần thần…
Liệu xuân còn có là xuân?
Thiếu con mẹ chẳng còn xuân trong lòng…
                                      Ngày 15.01.2010








Note:
Ai cũng vậy, nếu ngày tết mà vì một lý do nào đó không thể xum họp với gia đình thì có lẽ đấy là điều bất hạnh và khổ sở nhất. Đặc biệt đối với những người sống độc thân, chưa người yêu, chưa lập gia đình, dù là trai hay gái thì sống trong không khí những ngày gần tết cảm giác nhớ nhà lâng lâng, thật khó tả chứ chưa nói đến cảnh phải ăn tết xa nhà.
Tôi cũng vậy, một người sống độc thân nơi đất khách quê người đã ba mùa xuân nhưng chưa một lần tôi ăn tết nơi xứ người. Mặc dù không phải là một người yếu đuối nhưng chưa bao giờ tôi dám nghĩ nếu không vì một lý do gì đó đặc biệt mà mình lại ăn tết xa nhà, không được xum họp và đoàn tụ với gia đình trong ba ngày tết.
Mặc dù công việc cuối năm khá bận rộn, dễ làm cho người ta bị cuốn vào và quên đi những thứ vặt vãnh với tôi lại khác. Quãng thời gian này làm cho mình trở nên yếu đuối và hay bị mất tâm chung vì cái cảm giác nhớ nhà, nhớ bạn bè cứ lớn dần tỷ lệ thuận với số đếm của các ngày trong tháng 12 âm lịch. Tôi hay rơi vào tình trạng mất tập chung hoặc hay quên một thứ gì đó cũng là vì vậy.
Nếu phải trải qua cảnh ăn tết xa nhà có thể tôi sẽ khó khăn vượt qua nhưng chưa dám chắc chắn rằng liệu gia đình mình trong ba ngày xuân niềm vui có còn trọn vẹn? Theo tôi gia đình nào cũng vậy thôi, trong trường hợp đấy có lẽ người mẹ là người mềm yếu và buồn tủi nhất khi phải chịu cảnh trống vắng, hụt hẫng vì thiếu bóng những đứa con yêu quý trong ngày tết.
Xuất phát từ những suy nghĩ đó của cá nhân, tôi đã có cảm xúc để viết nên bài thơ này “ Mùa Xuân Và mẹ ” để cùng chia sẽ, đồng cảm với những người đồng cảnh ngộ và những người không có may mắn được về quê xum họp với gia đình tết này.

Ảnh đại diện

Nhớ con sông quê hương (Tế Hanh): Đồng cảm với nhà thơ Tế Hanh qua bài: Nhớ Con Sông Quê Hương

Như lời một bài hát nào đó:" Quê hương ai cũng có một dòng sông..." có lẽ bất cứ ai đã được sinh ra ở vùng nông thôn Việt nam thì có lẽ lẽ hình ảnh những con sông quê khó có thể phai mờ trong tâm tưởng vì nó gắn liền với hầu hết những kỷ niệm của thời chăn trâu cắt cỏ, đúng không các bạn?
     Bài thơ: " Nhớ con sông quê hương " của nhà thơ Tế Hanh là một trong những bài thơ quá hay về những hình ảnh như tôi đa nói ở trên. Và con sông mà nhà thơ miêu tả ở đây theo tôi nghĩ nó không chỉ đơn thuần là một con sông quê mà nó còn là một con sông lớn đó chính là hình ảnh của Đất nước hình chữ S của chúng ta!
     Đây là bài thơ tôi rât thích, xin có đôi dòng bình luận như vậy và cũng xin góp một bài Lục bát do chính tôi sáng tác về một con sông nơi tôi đang sống và công tác. Rất mong mọi người góp ý, xin cảm ơn!
                                    ngày 08.12.2009
                                        Trần Tâm


SÔNG NẬM MỨC
--------------------

Con sông Nậm mức hiền hòa
Đẹp như một dải lụa hoa sắc màu
Bốn mùa nước chảy trắng phau
Khi mùa mưa đến thêm màu phù sa
Nên sông đẹp đến kiêu sa
Như người thiếu nữ mặn mà vùng cao
Những con gió cũng lao xao...
Dừng chân ngắm nghía, quên chào nắng trưa
Sông nguồn từ bản người thưa
Mang tên Nậm Mức xa xưa lắm rồi
Nơi dòng nước bỗng chia đôi
Từ dòng nước lớn êm trôi Sông Đà

Những nơi sông đã chảy qua
Từ vùng Sá Tổng mượt mà Trẩu, Thông ...
Rồi Pa Ham cũng ngóng trông
Đón dòng nước mát của sông thỏa lòng
Qua Hừa ngài lại xuôi dòng
Na Sang bản Thái rộng lòng đón sông
Mường mươn nước mát ruộng đồng
Tung tăng cá lượn, ngô trồng tốt tươi
Hòa cùng dòng nước mát tươi
Nậm Mươn suối nhỏ gọi mời từ lâu
Mường Chà huyện nhỏ vùng sâu
Có Sông Nậm Mức nặng sâu ngĩa tình...
                          Sá Tổng, ngày 12.6.2009
                              T/giả: Trần Tâm


Note:
Sông Nậm Mức là một nhánh nhỏ của Sông Đà, đoạn chảy qua tỉnh Điện Biên. Tại bản nhỏ Nậm Mức thuộc xã Sá Tổng, nơi có bạt ngàn những rừng Thông, rừng Trẩu xanh ngát dòng nước Sông Đà qua đây bỗng nhiên chia đôi. Nhánh chảy qua huyện Mường Chà tạo thành con sông Nậm Mức, từ Sá Tổng chảy qua Pa Ham, xuống Hừa Ngài, Na Sang và Cuối cùng sông chảy qua xã Mường Mươn. Trước khi ra khỏi địa bàn huyện Mường Chà, sông hòa cùng  dòng nước suối nhỏ Nậm Mươn để tạo thành một dòng nước lớn hơn và mạnh hơn.
Chúng tôi, những người làm công tác: Trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và quản lý bảo vệ rừng, phòng hộ cho con sông Nậm Mức hơn ai hết am hiểu tường tận, yêu quý và thấy được tầm quan trọng cũng như vẽ đẹp, nét thơ mộng của con sông này.
Bài thơ: “ Sông Nậm Mức ” là đôi lời giới thiệu của tôi về con sông này, đấy cũng là sự bày tỏ lòng yêu mến của không chỉ tôi mà còn của cả những con người đang sống, làm việc tại đây đối với sông Nậm Mức./.

Ảnh đại diện

Hậu Lộc (Tố Hữu): Đồng cảm cùng nhà thơ Tố Hữu

Hậu lộc là quê hương của tôi, có lẽ chính vì lẽ đó khi đọc bài thơ này của Tố Hữu sự cảm nhận của tôi chắc chắn có sự khác biệt với mọi người... Tôi tự hào về vẽ đẹp quê hương mình và hãnh diện vì có một nhà thơ lớn đã sáng tác một bài thơ hay về Hậu Lộc.
Cũng xuất phát từ tình yêu quê hương, giờ tuy ở một nơi cách Hậu lộc gần 1000 km nên vào một đêm chính tôi đã biến những cảm xúc đó thành một bài thơ nhỏ dưới đây. Khi Đăng bài thơ của mình vào trang này tôi không có ý so sánh với thơ của nhà thơ Tố Hữu nhưng để nói một điều rằng: Chúng tôi có cùng một tình yêu với mãnh đất Hậu lộc...


HẠT MUỐI QUÊ TÔI
-------------------------
Ngắm nhìn hạt muối mến thương…
Thân sao trong trắng lạ thường muối ơi?
Những trưa hè mẹ đem phơi
Bao dòng nước biếc, mặn tươi thắm nồng
Mồ hôi mẹ chảy thành sông...
Ngấm vào tình đất ruộng đồng quê ta
Nên dù muối có đi xa
Ra nơi Hải đảo hay qua Phố phường
Dẫu rằng đi khắp bốn phương
Sao em vẫn mặn vấn vương lòng người?
Quê tôi! Hạt muối bao đời…
Nuôi làng quê nhỏ với người quê tôi

Về thăm Hậu lộc quê tôi…
Cùng nhau xem lại cái nôi làng nghề
Biển Diêm phố ngắm thấy mê
Nhà cao san sát bờ đê trải dài
Rừng phi lao tạo vành đai
Dang tay che chắn làng chài bao năm
Người làm muối nước da ngăm…
Chắc vì nắng gió ghé thăm đêm ngày
Còn vì cả những tháng ngày
Phơi dòng nước mặn thành khay muối nồng
Nên em... Hạt muối biết không?
Mặn vì thắm đượm bao công sức người./.
                                  Nhớ Hậu lộc!  Đêm 24.4.2009
                                     T/giả: Trần Tâm
Note:
   Hậu lộc là một huyện đồng bằng ven biển, cách trung tâm T.P Thanh hóa 25 km về phía đông bắc. Phía bắc giáp huyện Nga sơn, Hà trung. Phía Nam và phía tây giáp huyện Hoằng hóa. Phía đông giáp biển đông.
   Hậu lộc là một vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa. Năm 1973 & 1976, các nhà khảo cổ học đã phát hiện di chỉ văn hóa Hoa lộc và Gò trũng ( Phú lộc ) niên đại cách đây 4.000 – 5.000 năm. Điều đó chứng tỏ con người tiền sử ở Hậu lộc sớm phát triển nền văn minh lúa nước, chăn nuôi và đánh bắt. Người dân Hậu lộc có tinh thần yêu nước nồng nàn, là cái nôi của cách mạng việt nam. Từ xa xưa, mãnh đất này đã sản sinh và nuôi dưỡng nên nhiều anh hùng dân tộc như: Triệu Thị Trinh ( Bà Triệu ), Phạm Bành ( Hòa lộc ), Đinh Chương Dương ( Hải lộc ), Lê Hữu Lập ( Xuân lộc ) – Bí thư tỉnh ủy Lâm thời đầu tiên của Thanh hóa, Nguyễn Chí Hiền ( Hòa lộc ), Mẹ Tơm,…
   Hậu lộc là một huyện có bề dày về lịch sử văn hóa với hàng chục di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng quốc gia và tỉnh như: Di tích Đền Bà Triệu ( Triệu lộc ), Chùa Sùng Nghiêm Diêm Thánh ( Thờ Trần Hưng Đạo – Làng Duy Tinh, Văn lộc ),…
Bên cạnh việc bảo vệ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, Hậu lộc đã tập trung thực hiện phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ”. Điển hình là các phong trào xây dựng làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa. Trong đó, Làng Duy Tinh ( Hay còn gọi là làng Chợ phủ - xã Văn lộc ) là một điển hình về xây dựng đơn vị văn hóa của cả nước.
    Có thể nói, Hậu lộc xưa và nay như một tỉnh Thanh hóa thu nhỏ bởi nơi đây có đầy đủ những tiềm năng để phát triển kinh tế một cách toàn diện. Với sự giàu có về tiềm năng cả 03 vùng: Vùng đồi, vùng đồng bằng và vùng ven biển.
Ngoài việc khai thác có hiệu quả vùng đồi bằng việc hình thành các trang trại VAC, trang trại vườn rừng, vườn cây ăn quả, nhân dân còn tiến hành trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng cây chắn sóng lấn biển   
( Năm 2002 toàn huyện có: 1.298,58 ha rừng ).
Với 12 km đường bờ biển cùng hai cửa lạch lớn ( Lạch trường và lạch sung ) đây không chỉ là tiềm năng để phát triển kinh tế biển mà còn là nơi thăm thú, du lịch, giải trí rất tuyệt vời. Biển Hậu lộc có độ mặn cao, kết hợp với khí hậu nắng gió đã tạo nên nghề làm muối truyền thống ( Có từ năm 1897 ) chủ yếu một số xã ven biển như: Hòa lộc, Minh lộc, Đa lộc, Hải lộc và Ngư lộc ( Là Diêm phố xưa kia ).
    Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Duy tinh ( xã Văn lộc ) nên gia đình không có truyền thống làm nghề muối. Nhưng từ thời thơ ấu và đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in tiếng rao của những người bán rong muối “ Ai muối đê...ê…ê.ê… ”. Rồi những hình ảnh những đoàn xe đạp thô sơ đến mức khó tin ( Phanh trước xe bằng cách gắn một miếng dép xốp vào càng, khi muốn dừng lấy chân đạp mạnh nó vào bánh xe ) chở những bao muối to nặng đi bán rong xa, vẫn còn hiển hiện trong tôi như mới gặp hôm nào. Khi khôn lớn, tôi đã có điều kiện tìm đến những ruộng muối để tìm hiểu cách tạo ra nó cũng như những khó khăn vất vả để có được hạt muối.
     Bài thơ: “ Hạt muối quê tôi ” là sáng tác của tôi dành tặng những người nông dân cần cù, chịu khó đã một sương hai nắng tạo ra thứ hàng hóa đặc biệt này cung cấp cho xã hội.
Qua đây, tôi cũng xin giới thiệu một ít hình ảnh đẹp về mãnh đất Hậu lộc tới những người chưa biết đến và hy vọng làm gợi nhớ lại một chút kỷ niệm cho những người đã từng biết đến nơi đây./.
( Bài viết này của tôi có sử dụng một số tư liệu của Đồng chí: Trần Quang Thiêm – Chủ tịch UBND huyện Hậu lộc trong bài viết Giới thiệu về huyện Hậu lộc ).

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: