Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tácĐập đá ở Côn Lôn là hai tác phẩm cùng ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt: hoàn cảnh lao tù nghiệt ngã. Giống nhau về hoàn cảnh sáng tác, lại là con đẻ tinh thần của hai nhà chí sĩ cách mạng lớn của dân tộc nên hai áng văn chương này cùng khắc hoạ một chân dung: chân dung người anh hùng với khí phách ngang tàng, lẫm liệt, dù đã sa vào chốn tù ngục hiểm nghèo vẫn giữ vững ý chí chiến đấu sắt son.

Nước mất, nhà tan, người anh hùng ôm ấp hoài bão cứu nước, cứu dân:

Đạp toang hai cánh càn khôn
Đem xuân vẽ lại trên non nước nhà.
(Chơi xuân – Phan Bội Châu)
Hoài bão ấy kẻ thù không thể chấp nhận. Chúng săn lùng truy đuổi và kết án họ, khiến họ lâm vào cảnh:
Đã khách không nhà trong bốn biển
Lại người có tội giữa năm châu.
Tình cảnh của những người yêu nước thật khốn đốn, họ lưu lạc khắp nơi, rồi cuối cùng rơi vào tay bọn đế quốc. Tính mạng của họ thật mong manh. Họ gần như đã cầm chắc cái chết trong tay. Thế mà giữa gông cùm, xiềng xích, khí phách và bản lĩnh anh hùng nơi họ càng được tôi luyện thêm. Họ vẫn tự khẳng định được mình:
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Vẫn ngạo nghễ trước gông cùm, xiềng xích:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Một tư thế và phong thái hiếm có: vừa hiên ngang, lẫm liệt, vừa ung dung thanh thản. Nhà tù của bọn đế quốc chỉ có thể giam cầm, đày đoạ được thân xác những người yêu nước, chúng làm sao có thể uy hiếp được tinh thần của họ. Họ coi nhà tù chỉ là nơi dừng chân nghỉ ngơi trên bước đường cách mạng đầy chông gai sóng gió của mình. Thậm chí, đối với họ, nhà tù còn là nơi thử thách và tôi luyện thêm phẩm chất anh hùng. Cho nên, họ cố thể ngẩng cao đầu kiêu hãnh, cất lên tiếng cười đầy ngạo nghễ, ngang tàng.

Khẳng định được tư thế của mình, người anh hùng coi những gian khổ của cảnh tù đày nhẹ tựa lông hồng:
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Từ một người tù nhỏ bé, bình thường, họ vụt lớn lên ngang tầm với trời đất, có sức mạnh diệu kì đến mức thần thánh.

Sức mạnh ấy là sức mạnh của tinh thần và bản lĩnh anh hùng nơi người chiến sĩ cách mạng. Chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ để khắc hoạ những tượng đài uy nghi, sừng sững về người anh hùng cứu nước. Nhưng hai nhà thơ của chúng ta không dừng lại ở đó, họ tiếp tục cho chúng ta khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một người anh hùng ở tầng cao hơn. Đó là chí lớn của người anh hùng.

Như phần trên chúng ta đã bàn đến, người anh hùng trong hai bài thơ vì ôm ấp hoài bão, chí lớn cứu nước, cứu dân, nên họ mới bị chính quyền đế quốc bắt và giam cầm. Đó là điều đã đáng cảm phục lắm rồi. Nhưng càng đáng cảm phục hơn, xúc động hơn là khi đã sa vào tay kẻ thù, cận kề với cái chết, chí lớn ấy vẫn không hề suy giảm. Người anh hùng tự ví mình là một kẻ phá trời (Đập đá ở Côn Lôn), thậm chí vẫn:
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế
Đối với một sự nghiệp lớn lao cao cả, như sự nghiệp kinh bang tế thế (Lo nước cứu đời), sự nghiệp đội đá vá trời, thì những gian khổ mà họ phải chịu đựng, kể cả những bản án tử hình mà họ đang mang, nào có đáng kể gì:
Gian nan chi kể việc con con
Cùng với chí lớn là ý chí chiến đấu và niềm tin sắt son của người tù yêu nước:
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng càng bền dạ sắt son
Và cuối cùng là một lời thề:
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu
Lời thề ấy kết tinh từ khí phách và tư thế của con người đứng cao hơn cái chết. Đối với người chiến sĩ cách mạng, còn sống là còn chiến đấu, bất chấp hiểm nguy. Bởi họ tin ở chính mình và sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc.

Cả hai bài thơ đều khép lại ở tư thế của con người đứng cao hơn cái chết, với một ý chí sắt gang, đầy khí phách. Cảm ơn hai nhà thơ đã đem đến cho ta những cảm nhận đẹp về người anh hùng – người chiến sĩ cách mạng của dân tộc ta đầu thế kỷ XX.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)