Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi NHẤT TRƯỜNG KHÔNG ngày 25/08/2010 22:27
Thật vô cùng may mán. Một tình cờ giải toả thắc mắc trên 40 năm cho tôi . Tác giả bài thơ KHÓI TRẮNG -KIÊN GIANG-HÀ HUY HÀ tên thật trong Khai sinh là TRƯƠNG KHƯƠNG TRINH . Như vậy Kiên giang , Hà huy Hà , Trương Khương Trinh là một .Trong đó Kiên giang và Hà huy Hà là bút danh .Xin kèm bài viết sau đây mà tôi vừa xem được :
KIÊN GIANG- HÀ HUY HÀ ( TRƯƠNG KHƯƠNG TRINH )
Vậy là nhà thơ Kiên Giang- Hà Huy Hà đã bước qua tuổi bát tuần, năm ngoái tỉnh Long An mừng thọ ông chẵn 80, và mới đây tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận khán giả mộ điệu lại mừng ông tròn 81. Người thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà đã thượng thọ còn tác phẩm nổi danh Hoa trắng thôi cài lên áo tím của ông cũng lên "chức cụ" với 50 năm tồn tại trong trí nhớ nhân gian.
NGUYÊN MẪU TRONG "HOA TRẮNG THÔI CÀI LÊN ÁO TÍM
"Từ lâu, những người thường xuyên tiếp xúc với Kiên Giang - Hà Huy Hà biết có một con người thật ngoài đời tạo nên chất xúc tác để nhà thơ sáng tác nên bài thơ tình trên. Nhưng mãi đến ngày mừng sinh nhật 81 tuổi, chính Kiên Giang - Hà Huy Hà mới công bố trước nhiều người bức di ảnh của người yêu cũ. Gọi là người yêu cũ nhưng tình yêu đó trong ông không hề tàn phai bởi nó đã theo ông từ thời thanh niên đến tuổi xế chiều. Và người nữ trong "Hoa trắng thôi cài lên áo tím" mãi mãi là tình yêu trong sáng, đẹp đẽ nhất đời ông.Gặp nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà trong những ngày buồn bã nhất của tuổi già tại Ban Ái hữu nghệ sĩ, Hội Sân khấu TPHCM, giữa bao bộn bề cuộc sống thường nhật, nhưng khi nhắc đến người yêu trong thơ và trong đời thì đôi mắt ngầu đục vì tuổi đời của ông bỗng sáng trở lại. Những ngày hôm qua hiện rõ mồn một qua từng dòng ký ức. Vào năm 1942, cậu trai Trương Khương Trinh (tên khai sinh của Kiên Giang – Hà Huy Hà) đang học tại trường Lê Bá Cang - Sài Gòn, nhưng vì nhà quá nghèo nên phải chuyển về Cần Thơ cho gần quê Kiên Giang để tiện việc tiếp tế từ gia đình. Tại Cần Thơ, cậu Trinh học trường tư thục Nam Hưng lớp đệ nhị và tại đây đã gặp bà Nguyễn Thúy Nhiều. Bà Thúy Nhiều học cùng lớp, học giỏi toán còn ông giỏi môn văn nên hai người thường xuyên "cọp dê" bài cho nhau. Cậu Trương Khương Trinh kiếm thêm tiền trang trải việc học bằng cách làm bài luận thuê từ mấy cậu ấm con nhà giàu với giá khoảng 2 cắc một bài. Nhưng với bà Nhiều, cậu chẳng những không dám nói đến chuyện tiền công mà còn hân hạnh làm giúp những bài luận quá khó.Thời gian sau, nhà trường tổ chức làm báo lấy tên là "Ngày xanh", nhờ giỏi văn cậu trò Trinh được giao tổ chức bài vở. Lúc đó, gần như các tờ báo trường đều được "in" bằng viết tay. Bà Nhiều viết chữ rất đẹp trở thành người luôn sát cánh cùng cậu Trinh trong những buổi họp nhóm làm báo. Đã mến nhau từ thuở ban đầu lại gần gũi trong những ngày mạch máu thanh xuân dào dạt, thế là ánh mắt, cử chỉ, lời nói… càng thêm trao gởi tâm tình. Thế nhưng, tình yêu ấy mãi mãi song song không bao giờ gặp dù trong một cái nắm tay. Cậu học trò Trinh chỉ lẽo đẽo theo sau những hôm nàng diện áo tím, cài hoa trắng đi lễ nhà thờ. Nhà bà Nhiều ở xóm nhà thờ Cần Thơ trong gia đình mộ đạo. Cứ như thế, hai con người một mối tình lặng thầm bên nhau cho đến ngày Cách mạng tháng 8/1945. Cậu trò Trinh về quê tham gia kháng Pháp còn bà Nhiều vẫn lặng lẽ chờ…HƠN 10 NĂM GẶP LẠILúc tham gia kháng Pháp, chàng trai Trương Khương Trinh lấy hiệu là Huy Hà làm báo "Tiếng súng kháng địch" và ký tên Kiên Giang dưới những bài thơ. Kiên Giang đã gặp nhà thơ Nguyễn Bính trong chiến khu và hai người kết nghĩa anh em. Sau này, nhiều người cho rằng thơ Kiên Giang chịu ảnh hưởng nhiều bởi Nguyễn Bính, song một người vẫn giọng miền Bắc và người kia thì "rặt ròng" Nam Bộ. Có nhiều câu thơ của Kiên Giang lâu nay vẫn bị "hiểu lầm" là ca dao như: "Ông bầu vờn đọt mù u/ Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn". Trong chiến khu, Kiên Giang có gặp một người bà con của bà Nhiều đang hoạt động quân nhạc nhắn tin: "Cô Tám Nhiều vẫn nhắc đến cậu hoài". Lời nói của người kia làm sống lại nhiều hy vọng nhưng đau buồn thay, gia đình Kiên Giang bắt ông phải lấy vợ. Mãi đến năm 1956, Kiên Giang về Sài Gòn làm báo, soạn cải lương với bút danh Hà Huy Hà. Chính vì bút danh này khiến bọn mật thám nghi ngờ ông có "dây mơ" với các ông Hà Huy Tập, Hà Huy Giáp… nên chúng thường xuyên "thăm hỏi". Trong năm diễn ra phong trào "Ký giả đi ăn mày", Hà Huy Hà đã dẫn đầu một đoàn ký giả xuống đường và ông đã bị bắt nhốt ở bót Catinat (nay là Sở VHTT TPHCM trên đường Đồng Khởi, Q.1). Làm báo công khai ở Sài Gòn nhưng Kiên Giang vẫn thường xuyên vô khám vì có tiền sử "ở trỏng" (trong chiến khu) và vì hay viết bài chống chính quyền, bài ngoại lai.Khi vừa về Sài Gòn làm báo, Kiên Giang - Hà Huy Hà đã xuống Cần Thơ tìm gặp người yêu, hai người đã chong đèn nói chuyện đến 4 giờ sáng mới chia tay. Hai tháng sau, ông nhận được thư bà Nhiều báo sẽ lấy chồng vì Kiên Giang đã có vợ. Người chồng của bà Nhiều cũng tên Trinh và khi sinh đứa con đầu lòng bà đặt tên tên Triều (gồm một nửa Nhiều và Trinh cộng lại). Năm 1957, Kiên Giang làm Giám đốc kỹ thuật gánh hát Bích Sơn - Ngọc An đi lưu diễn khắp lục tỉnh. Trong một lần diễn ở Sóc Trăng, ông biết bà Nhiều đang ở đây cùng chồng nên dành 2 vé đến mời xem hát. Đêm diễn hai ghế mời bỏ trống khiến ông buồn vô hạn và những câu thơ đầu tiên trong "Hoa trắng thôi cài lên áo tím" ra đời: "Lâu quá không về thăm xóm đạo/ Từ ngày binh lửa xóa không gian/ Khói bom che lấp chân trời cũ/ Che cả người thương, nóc giáo đường…". Bài thơ này hoàn thành năm 1958 và sau này chính Kiên Giang đã sửa lại đoạn kết thay vì nhân vật nữ chết thì ông lại cho người nam qua đời để giữ trọn mối tình trong sáng. "Hoa trắng thôi cài lên tím" đã nằm trong sổ tay thơ của rất nhiều lứa tuổi đang yêu từ đó đến nay.
TÌNH YÊU DẮT ĐỜI QUA LẬN ĐẬN
Sau năm 1975, năm nào Kiên Giang cũng về xóm nhà thờ Cần Thơ thăm người yêu cũ. Con cháu bà Nhiều biết mối quan hệ giữa hai người và nhất là biết ông tác giả của bài thơ trứ danh thì càng quí mến nên ai cũng gọi ông bằng cậu (anh trai của mẹ mình). Nhà thơ Kiên Giang một đời lận đận, lúc nào cũng sống lang bạt kỳ hồ và túng thiếu. Năm 1999, ông cùng Hãng phim TFS về Cần Thơ quay bộ phim "Chiếc giỏ đời người" mới hay tin người yêu vừa qua đời cuối năm trước. Nếu không vì sống cảnh rầy đây mai đó thì có lẽ tin người yêu mất đã đến với ông không muộn mằn. Hiện mộ bà Nhiều nằm ở nghĩa trang Rau Răm gần cầu Cái Răng - Cần Thơ. Năm nào nhà thơ Kiên Giang cũng mang hoa trắng lặng lội viếng mộ bà Nhiều vào ngày giỗ hay tảo mộ.Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà không chỉ là tác giả của một bài thơ, nhà văn Sơn Nam nhận định Kiên Giang là người có công đem thơ vào sân khấu. Ở lĩnh vực tuồng, Kiên Giang - Hà Huy Hà gắn danh soạn giả vào nhiều vở tuồng trứ danh còn ở lại trong lòng người yêu cải lương như: "Áo cưới trước cổng chùa", "Người đẹp bán tơ", "Ngưu Lang - Chức Nữ, "Sơn nữ Phà Ca"… Nhưng đến tuổi 81, ông vẫn cứ là một thi sĩ "gạo chợ nước sông" ở đậu khắp chốn bạn bè. Kiên Giang đang hiệu đính tập thơ "Lối mòn xe trâu" và hoàn thành một hồi ký, theo cách gọi của ông để tạ ơn đời nếu là lần sau chót! Có thế nói, tình yêu dành cho nguyên mẫu trong "Hoa trắng thôi cài lên áo tím" đã dắt đời ông qua lận đận.
Trần Hoàng Nhân
"Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa xóa không gian
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường
Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh *
Trường anh ngó mặt giáo đường
Gác chuông thương nhớ lầu chuông
U buồn thay! chuông nhạc đạo
Rộn rã thay! chuông nhà trường
Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông
Làm thơ sầu mộng dệt tình thương
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường
Mỗi lần tan lễ chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi
*
Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy
Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm khối tuyệt tình -
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh
Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Anh vẫn yêu người em áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng
*
Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím, người yêu cũ
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường
Mặc dù em chẳng còn xem lễ
Ở giáo đường u-tịch chốn xưa
Anh vẫn giữ lầu chuông gác thánh
Nghe chuông truy niệm mối tình thơ
Màu gạch nhà thờ còn đỏ thắm
Như tình nồng thắm thuở ban đầu
Nhưng rồi sau chuyến vu-qui ấy
Áo tím nàng thơ đã nhạt màu
*
Ba năm sau chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về trong áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang
Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đoá hoa màu trắng
Anh kết tình tang gởi xuống mồ
Lâu quá không về thăm xóm đạo
Không còn đứng nép ở lầu chuông
Những khi chuông đổ anh liên tưởng
Người cũ cầu kinh giữa giáo đường
"Lạy Chúa! con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời"
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi !!"
________________________________________
Lê Trung Chánh @ 00:16 13/09/2009
Gửi bởi NHẤT TRƯỜNG KHÔNG ngày 24/08/2010 22:01
Năm 1968 tôi dạy Văn tại một trường Trung học . Sách Giáo khoa về Văn thuờ ấy nhiều vô cùng . Tôi đã chọn một quyển để dạy cho học trò . Đó là quyển Văn lớp Đệ Lục ( Lớp 7 ) của tác giả nào lâu quá tôi không nhớ .Trong đó phần trích thơ có bài thơ Khói Trắng của Kiên Giang .Tôi rất tâm đắc với bài thơ này , nên giảng rất say sưa.Không những giảng mà trong suốt năm học nếu có trò nào không thuộc bài tôi buộc em đó phải đọc thuộc lòng cho cả lớp nghe bài thơ KHÓI TRẮNG .Đến nay tôi còn thuộc bài thơ và thường xuyên ngâm nga nhất là những năm mẹ tôi qua đời, xin ghi lại đây để tất cả cùng tham khảo .Nhân tiện tôi nêu lên đây một thắc mắc đến giờ này tôi chưa tìm được chính xác . Tác giả bài thơ này đúng là người có bút danh Kiên giang , nhưng Kiên Giang-Hà huy Hà hay Kiên giang -Trương Khương Trinh ? Kính .
KHÓI TRẮNG
Hương cau, thơm phức ngôi sao mẹ
Thơm ngát mái nhà thơm áo cơm
Con thở trong mùi hương bát ngát
Thịt da mái tóc quyện mùi thơm
Nước mắt chảy xuôi tình mẫu tử
Chảy theo nước mắt cuộn mồ hôi
Mẹ đem cái chết làm nên sống
Nước mắt một dòng vẫn chảy xuôi
Ngày xửa ngày xưa thời trẻ dại
Con đau rên xiết mẹ rầu lo
Bán đôi bông cưới mua thang thuốc
Mua bánh tai heo giấy học trò
Đêm nào con khóc đòi ru ngủ
Mẹ thức mỏi mòn nhịp võng đưa
Con lạnh nằm khoanh, lòng mẹ ấm
Mẹ ơi! Con lớn giữa niềm ru
Nhớ ngày đầy cử nằm trong xó
Chiếu lạnh ủ không ấm vóc gầy
Đau đớn không hề rên xiết khẽ
Sợ con nghe tiếng, mà buồn lây
Nói làm sao hết, mẹ hiền ơi!
Công đức niềm đau lẫn tiếng cười
Mẹ lấy bụi đời, làm phấn sáp
Che dù trời nắng đội mưa rơi
Nhớ mùa cau trổ, trong vườn cũ
Mẹ quét lá vàng ủ lấy phân
Khói trắng lên trời như tóc mẹ
Con ngờ khói trắng quyện mây Tần
Chiều nay dừng gót trên bờ biển
Nhìn sóng bạc đầu mây trắng trôi
Con ngỡ khói vườn hay tóc mẹ
bay tìm con lạc bước đường đời
Mai mốt con về thăm xóm mẹ
Thăm mùa cau trổ bóng làng xưa
Để nhìn , nghe lại trong hiu quạnh
Tiếng hát ngày xưa nhịp võng đưa
Con sẽ kính dâng bên gối mẹ
Gói trà Tàu, gói bánh tai heo
Hương cau quyện lại hai màu tóc
Nước mắt đoàn viên ấm xóm nghèo
Nguyện cầu đức Phật và Danh Chúa
Rũ đức từ bi , xuống phước lành
Mẹ sống muôn đời cùng vũ trụ
Ngôi sao Mẹ ngự giữa thiên đình .
KIÊN GIANG
( Kiên Giang –Hà huy Hà hay
Kiên Giang -Trương Khương Trinh
Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]