Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Cam Ly ngày 25/01/2007 16:18
Thơ đến từ đâu
Nguyễn Trọng Tạo
Khi xã hội xuống cấp, nhà thơ - người ở đâu?
Nguyễn Đức Tùng thực hiện
Nguyễn Đức Tùng: Rất vui được trò chuyện với anh Nguyễn Trọng Tạo, chàng thi sĩ lãng mạn (nhất) của thời hiện đại.
Nguyễn Trọng Tạo: Chao ôi, hai chữ “lãng mạn” (romantique) anh vừa nhắc đến khiến tôi nổi da gà, bởi ở nước ta đã có thời từ này đồng nghĩa với “ba lăng nhăng”, với những cảm xúc ham muốn viển vông, cần phải làm “cách mạng” nó, phải biến bọn “thi sĩ lãng mạn – ba lăng nhăng” thành “thi sĩ cách mạng”, nghĩa là, không thể chấp nhận bọn “Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây/ Để tâm hồn treo ngược trên cành cây” như có lần Sóng Hồng (tức đồng chí Trường Chinh) đã răn/dằn mặt Xuân Diệu. Cái từ “lãng mạn” một thời đã khiến tôi kinh hãi, bởi yêu đương cũng bị khép tội “lãng mạn”. Còn bây giờ, đối với văn chương, nghệ thuật, “lãng mạn” lại bị lớp trẻ chê là cổ (cổ điển hay cổ hủ cũng đều là cổ). Mà đúng thế thật, nghệ thuật rô-man vốn xuất hiện quá lâu, trước cả thời gô-tic. Nhưng tinh thần “lãng mạn” thì vô cùng cần thiết đối với văn chương, nghệ thuật cũng như đối với con người. Tôi nghĩ nó luôn sinh tồn, chỉ có khác là con người cố tránh nó hay phát huy nó mà thôi. Chính vì lẽ đó, tôi bỗng thấy hãi (hay thấy sướng) khi bị / được anh gọi là “thi sĩ lãng mạn (nhất) của thời hiện đại”.
Nguyễn Đức Tùng: Chủ nghĩa lãng mạn văn học giới hạn trong một giai đoạn nhất định, nhưng tinh thần lãng mạn thì, đúng như anh nói, vô cùng cần thiết đối với văn chương và con người. Một lần về Việt Nam gần đây, lang thang trong một hiệu sách ở Sài Gòn, tôi tìm thấy được mấy tập sách đóng bìa cứng, tuyển tập dày, có tên là “Văn học lãng mạn”, gồm rất nhiều các tác phẩm của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Xuân Diệu, Thế Lữ… trong đó, có nhiều cuốn tôi còn thiếu trong tủ sách của mình. Tôi rất mừng vì như thế là các em học sinh ngày nay sau nhiều năm đã có cơ hội tiếp cận với một giai đoạn văn học quan trọng. Nhưng sau nhiều phút suy nghĩ, tôi đã không mua nó. Tôi thấy nó như một người phụ nữ mà mình thương, xa cách đã lâu nay gặp lại, nàng tóc tai bờm xờm, tay xách nách mang, thấy bên kia đường, anh nửa muốn chào, nửa muốn thôi. Tôi nhớ lúc nhỏ, học lớp sáu, lớp bảy, tôi được giới thiệu các cuốn Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, thơ Huy Cận, Xuân Diệu, ở trường học và ở nhà một cách…rất lãng mạn. Và trang trọng. Đầu tiên là Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng vào năm lớp sáu, sau đó là Hoàng Đạo, Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Trần Tiêu, Kim Lân, lớp bảy, lớp tám. Lớn hơn chút nữa mới đến các tác phẩm hiện thực hơn của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, bên cạnh thơ Nguyễn Du. Lên lớp chín, tôi mới được ba mình cho đọc Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc,Võ Phiến. Có lẽ ba tôi tin rằng sự sắp xếp như thế của ông là phù hợp với tâm lý phát triển của một đứa trẻ khá cứng đầu như tôi chăng? Mặc dù thật ra tôi đã phá rào từ rất sớm, tôi đã cả gan đọc lén Thiếu lâm nữ hiệp hay Bát quái chi chi đó cùng lúc với cụ Kim Lân. Anh có nghĩ rằng một sự giới thiệu trang trọng, cẩn thận, tỉ mỉ và ưu tiên nền văn học lãng mạn cho học sinh trung học lớp dưới là cần thiết cho sự phát triển tâm hồn Việt Nam? Tôi có đi xa quá chăng? Tôi có lãng mạn quá chăng?
Nguyễn Trọng Tạo: Thời trẻ của chúng tôi ở miền Bắc “quá độ lên CNXH” phải đọc lén những thứ “Văn học lãng mạn” đó, thậm chí đọc bản chép tay. Năm 1983, tôi nói với anh Xuân Diệu và anh Huy Cận, rồi thơ lãng mạn của các anh sẽ đến lúc được in lại. Bộ trưởng Cù Huy Cận nói “còn lâu lắm”, còn thi sĩ Xuân Diệu đánh rơi cái “phích” điện đang định cắm vào ổ điện, ngạc nhiên đến líu lưỡi: “Em em em… nói nói nói… cái gì?”. Rồi những tập thơ trước 1945 (hay nhất) của hai anh được tái bản cùng với Thi nhân Việt Nam, v.v… Tiếc là anh Xuân Diệu không biết điều này (mất 18.12.1985, trước Đổi mới). Sách giáo khoa không chỉ nên dạy cho học sinh biết văn học lãng mạn VN trước 1945 là một cuộc cách mạng ngôn ngữ Việt vĩ đại, mà còn phải cho học sinh biết tất cả những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học VN dù của “ta” hay của “ngụy”, trong nước hay ngoài nước…
Nguyễn Đức Tùng: Anh là người rất yêu trăng. Ngoài bài thơ “Thế giới không còn trăng”, anh còn bài thơ nào về trăng nữa không?
Nguyễn Trọng Tạo: Yêu trăng không phải độc quyền của ai cả. Đến như cụ Hồ Chí Minh khi lãnh đạo kháng chiến cũng rất yêu trăng: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ” hay “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”. Tôi rất thích ba thi sĩ cùng viết về trăng vô cùng kỳ lạ (và đều chết trẻ) là Hàn Mặc Tử, Esenin và Lorca. “Trăng trăng trăng là trăng trăng trăng”. Câu thơ hay và tươi đến nỗi, nếu thò miệng lưỡi phê bình vào là nó bị rữa ra ngay. Trăng cũng xuất hiện trong thơ tôi khá nhiều. Nó ngây thơ như lính trẻ dọc đường hành quân: “Trăng trên cao vẫy người lên dốc/ Người lên rồi thấy trăng dưới thấp/ Lại vẫy trăng lên”. Nó ở trong túi những thi sĩ nghèo: “Bạn bè ở Huế đông vui lắm/ Túi đầy thơ tặng túi đầy trăng”. Nó nhắc nhở câu chuyện tự do của con người: “Cũng đừng mong hóa vầng trăng/ Trăng là nô lệ muôn năm của trời”. Nó như người đẹp tắm sông: “Vầng trăng lõa thể ướt đầm/ Sẩy chân thi sĩ vớt nhầm mỹ nhân”… Có lần tôi thú nhận là tôi đã nhiễm bệnh trăng từ Hàn Mặc Tử. Bài thơ đầu tiên của tôi làm năm 14 tuổi là một bài thơ viết về trăng, chịu ảnh hưởng Hàn thi sĩ rất rõ. 26 năm sau, nó mới được in trong tập thơ Gửi người không quen của tôi. Bài thơ không đặt tên, khi in có tên là “Không đề”:
Tôi nằm nhoài giữa ánh trăng
Quanh tôi thảm cỏ rối hăng hương nồng
Bạn ơi, trăng hóa dòng sông
Tôi con thuyền nhỏ bơi trong nỗi niềm
Bây giờ tôi dịu tôi hiền
Biết đâu tôi dại tôi điên bao giờ
Mai sau tôi chết trong thơ
Hay là thơ chết bên bờ hồn tôi?...
Trăng trên ngọn liễu trăng ngồi
Tôi trên ngọn liễu tôi rơi bây giờ!...
Bạn ơi, trăng quá ngây thơ
Còn tôi cằn cỗi già nua thế này
Bao giờ tôi hóa làn mây
Hẳn tôi muôn thuở sum vầy cùng trăng!...
Nguyễn Đức Tùng:
“Thế giới không còn trăng! Tin nghe rùng rợn quá
…
…
Những tinh cầu ta ngưỡng mộ trên cao”
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]