Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Cọng rơm vàng (Trịnh Thanh Sơn): Tôi gặp lại Tôi trong "Cọng rơm vàng" của Trịnh Thanh Sơn

Tác giả: Lý Thu Hải Thảo


Chưa khi nào nền thơ ca dân tộc lại có nhiều người làm thơ, nhiều sự tìm tòi mới lạ như hiện nay. Nhưng sự phát triển về số lượng không có nghĩa tương đồng với nâng cao về chất lượng. Chẳng hiểu có phải do người làm thơ ít tâm huyết với thơ mà thơ đương đại, phần nhiều tôi đã đọc, cứ nhạt nhạt thế nào ấy.

Suốt một thời gian dài, tôi không đủ kiên nhẫn để đọc một tập thơ của một nhà thơ đường nào. Nghe nói người này có một bài khá ấn tượng, người khác có những tìm tòi... thì tôi đọc đôi ba bài. Nhưng thú thật tôi rất ít tìm được sự đồng cảm nếu không muốn nói nó quá xa xôi.

Cũng bằng cách ấy hình ảnh "anh ngồi rót biển vào chai" đã ập vào tôi. Lập tức tôi nghĩ đến những câu chuyện cổ tích, với những lời nguyền, những bà tiên và những điều kỳ diệu làm tôi rơi nước mắt. Tình yêu – Biển cả, liên hệ ấy đã tốn biết bao giấy mực của các thi nhân. Vì vậy, mà viết về đề tài ấy rất dễ gặp phải hình ảnh, cảm xúc của người đi trước. Bởi thế, sự khác lạ của "anh ngồi rót biển vào chai" đã thôi thúc tôi tìm đến với "vàng gieo đáy nước" của Trịnh Thanh Sơn.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc tập thơ này, nói thực lòng, ít nhiều không còn cái háo hức, khao khát khám phá như đọc câu trong "Biển vắng". Tôi thấy có quá nhiều hình ảnh, cảm xúc bao người đã nói. Và dư âm trong thơ Trịnh Thanh Sơn khiến người ta nghĩ đến một nghệ sĩ họ Trịnh khác nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mang tính triết lý, và đầy ám ảnh thơ Thanh Sơn đưa người đọc vào thế giới "đời thường". Biểu đạt một cảm xúc mãnh liệt của con người đa cảm luôn thấy cô đơn trước biển đời. Nỗi lòng chân thành ấy đưa đến cho người đọc những câu thơ dung dị, mộc mạc nhất.

Cũng là một kẻ sinh thành nơi đồng quê, chọn thị thành làm nơi sinh nghiệp, có lúc về làng tôi từng thấy "khói bếp mắt cay bờ lầy ngại bước". Cứ vô tâm cho dòng đời đưa đẩy bao lần hờn tủi, thì có ai đồng cảm nhắc nhỏ mình đâu. Nhưng bất chợt "cọng rơm vàng" của Trịnh Thanh Sơn vương vào lòng tôi, như xát muối vào vết thương bị tôi bỏ mặc.
Với nhiều người bài thơ này chưa hẳn đã hay, song tôi đặc biệt thích nó. Tôi thấy tiếc là tại sao tác phẩm ra đời từ năm 1972 mà đến giờ tôi mới được đọc. Liệu có phải duyên kiếp? Khi tôi đã là kẻ ly hương mỗi lúc về nơi chôn nhau cắt rốn tôi "là khách trong ngôi nhà tôi đã lớn".

Dòng đời đưa đẩy phố thị sáng choang và sạch sẽ, ồn ào và hối hả. Ký ức những ngày bé thơ cứ nhạt nhoà dần. "Đất chôn nhau cũng có quyền lìa bỏ" câu thơ này là một nhát dao cắt cứa vào tim tất cả kẻ tha phương. Người ta trăn trở: "Có thể quên... có thể chối từ" và rồi vỗ tuột một lời "có quyền lìa bỏ". Thì đấy có ái cấm điều đó đâu. Nếu muốn chối từ thì cứ quên đi. Cứ phủ nhận quá khứ, cũng như thói quen xé lịch mỗi ngày. Đấy lý là thế, phủ nhận sạch trơn, không còn gì cả. Song có ai đã làm được điều đó? Con người đâu phải là cây cỏ. Những thứ hiện hữu thật bình dị nhưng nó lại gắn chặt mỗi con người từ lục lọt lòng và theo ta đi mãi.

Hình ảnh "rạ rơm, bùn đất, gió mặn, triền đê...", không còn mới mẻ trong thơ. Nó là ký ức của biết bao người xa xứ. Nó đã từng bao bọc trở che ta. Lọt lòng mẹ ta rơi xuống ổ rơm êm ái, lăn lóc rồi lớn lên ở đó. Thời gian qua ta bước chân khỏi đó hoàn toàn vô tâm. Chúng ta có bao giờ nghĩ "cả bờ đê tơi tả" khi vắng bóng người.

Bài thơ của Trịnh Thanh Sơn hẳn đã chết yểu nếu chỉ có những hình ảnh của làng quê được dẫn dụ ra. Nhưng chỉ với khổ thơ thứ ba tác giả đã cứu cả bài. Ở đó là giả định là lời biện bạch cho sự lãng quên. Tại sao có thể quên, có thể lìa bỏ? quên đất chôn nhau như một thói quen quá nhỏ nhặt, thói quen vô thức của thời gian lại là một cái quyền. Ví thử cứ sử dụng cái quyền ấy đi, xem con người sẽ sống như thế nào?.

"Đất quê người trong cơn sốt miên man". Đọc câu thơ này, đến đây tôi phải thú thực đó không phải là cảm xúc của Trịnh Thanh Sơn. Nó hoàn toàn là của tôi. Bởi chính tôi đã trải qua cảnh đó. Ôi chao! Khi bình thường bị cuốn vào vòng đời người ta chẳng hề biết sợ, người ta cứ tồn tại vô tâm như cây cỏ.Vậy mà khi có chút khó khăn, khi gặp sóng gió... ốm nằm trong ngôi nhà, không phải nhà mình uống miếng nước không thấy mùi thân thuộc... Trong gác trọ một mình, nỗi tủi hờn bỏng nơi khoé mắt. Tất cả cuộc sống hàng ngày đều biến mất. Lạ lùng thay lúc ấy lòng ta chỉ còn biết níu giữ vào ký ức của ngày xưa. Nơi ấy ấm êm, hiền dịu buông chiếc phao cho ta nương náu lúc ta yếu đuối và cô độc nhất.

Tôi thấy có hai kiểu người thường tìm về quê một là già, hai là những kẻ vừa ốm dạy. Nhiều lúc người ta đã quên đi nơi chôn nhau cắt rốn những tưởng đã quên thật. Vậy nhưng không. Họ đã không biết chính bản thân mình, cả tâm hồn và thể xác được nhào nặn từ những thứ bé nhỏ và bình dị ấy. Họ mang một phần đất đai, cây cỏ, máu họ có nước sông, có rừng cay, muối mặn, lời họ nói có tiếng gió vi vu.

Chỉ mấy ngày trước đây, tôi không hề biết có một Trịnh Thanh Sơn là nhà thơ, quê quán ông ở đâu, cuộc đời ông thế nào...Tôi phải cảm ơn bạn tôi, cảm ơn câu thơ đã gây ấn tượng để tôi tìm đến thơ ông. Từ những bài trong "Vàng reo đáy nước", bài "Tựa" của Vũ Duy Thông, "Bạt" của Hoàng Cầm và "Trịnh Thanh Sơn thơ và đời" của Nguyễn Trọng Tạ, tôi hiểu thơ có ý nghĩa như thế nào với Trịnh Thanh Sơn. Như chính ông đã viết "tôi về với thơ như về với mẹ". Ông đã đi qua bao khúc của cuộc đời nhưng chẳng ở đâu neo bến đậu được lâu. Cũng phải thôi, vì ông là một nhà thơ mà. Có thể nhiều người sẽ nhắc về ông với "Biển vắng". Nhưng riêng tôi, tôi sẽ mãi nhớ về ông trong "Cọng rơm vàng". Bởi vì tôi đã gặp lại tôi trong đó.

Ảnh đại diện

Biển vắng (Trịnh Thanh Sơn): Biển vắng: Trịnh Thanh Sơn – Đôi điều cảm nhận về mảng đề tài gia đình

(Đọc tập thơ Vàng gieo đáy nước)

Tôi tiếp cận tập thơ Vàng gieo đáy nước với mục đích kiếm tìm những câu thơ hay, lạ như một thói quen săn lùng ngôn từ của mình cũng như của khá nhiều người đọc thơ. Tôi đã thoả mãn điều đó vì thơ Trịnh Thanh Sơn đã có rất nhiều câu thơ hay, phải suy ngẫm, phải phục cái tài của người làm thơ và đúng là những câu thơ Vàng gieo đáy nước.

Nhưng có một điều đã làm thay đổi hướng suy nghĩ, kiếm tìm của tôi đó là những mảng thơ viết về tình cảm của mình chiếm một phần không nhỏ trong tập thơ của ông. Với một hồn thơ hồn hậu, dung dị, ngôn từ trong sáng, bình dị, đã chiếm lấy tình cảm của tôi.

Trong số 131 bài thơ thì có trên dưới 13 bài viết về tình cảm gia đình, tình cảm mẹ con, vợ chồng, cha con, tình cảm với ông bà.

Tình cảm của gia đình luôn thường trực trong mỗi chúng ta. Nhất là người làm thơ, có lẽ nó còn là nỗi day dứt, ám ảnh đau đáu nhất. Trong các bài thơ viết về đề tài gia đình của ông đều toát lên thứ tình cảm hồn hậu. Dù dưới nhiều cung bậc tình cảm của các mối quan hệ trong gia đình.

Gửi mẹ của Trịnh Thanh Sơn mang cái hồn hậu của một người con va vấp cuộc đời chầy chật, điêu đứng trước cuộc đời bồi lở mà vẫn thốt lên từ đáy lòng với người mẹ nơi quê nhà.

Dẫu sống bao năm con vẫn là đứa trẻ lên ba trong mắt mẹ.
Đó phải chăng là cái khát khao được trở về vùi trong lòng mẹ, được mẹ chở che và cũng là lời một người con khi trải qua bụi đời mới thấy được cay đắng mẹ đã từng... Vì thế con dù có đổi thay được số phận của mình đi nữa, có đổi kiếp, có đi vòng quanh trái đất thì cũng chỉ như đứa trẻ lên ba trong mắt mẹ.

Lại chợt nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên:
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi khắp phương trời lòng mẹ vẫn theo con
Nhớ về mẹ, về những nỗi lo truyền kiếp của người làm mẹ hay nhớ về một thời mẹ về làm dâu nhà họ Trịnh. Tần tảo ngược xuôi như thân cò trong bóng những câu ca dao để nuôi đàn con khôn lớn. Trong bài Mẹ và thơ:
Sáng mai chợ Hoàng sáng nay chợ Hói
Gót chân mòn qua chợ Bạch, chợ Si
Hay nhớ về mẹ nhớ về một Nơi ấy bình yên giường như cả đời nói với mẹ những lời yêu chưa đủ nên về già mượn lời nói ngô nghê chân thật của đứa trẻ “Nguyên Tường” để bày tỏ tình cảm yêu thương với người mẹ đã hơn 80 tuổi.
Mẹ ơi!
Con yêu mẹ nhất trần đời
Nhất trần gian
Nhất trần thứ ba nhất trần thứ bẩy.
Và tôi thấy rằng chẳng có một lời nào thật chân thành như những lời nói đó.

Tình cảm người cha trong câu thơ của Trịnh Thanh Sơn cũng hồn hậu như thế Những ngày đợi con ra đời có lời đề tặng cho Mai Nguyên, thể hiện tâm trạng cho người làm cha, của người đón đợi hòn máu của mình ra đời.
Trong vắt chảy giữa cỗi cằn khe núi
Suốt đời cha ngả bóng xuống lòng con
Nhớ về bà, Trịnh Thanh Sơn nhớ đế những trò đùa hồi nhỏ, những câu chuyện bà kể cho nghe, những lời ru còn thoảng trầu còn rơi vào giấc ngủ. Nhớ về ông ngoại, nhớ về những lời nói xưa đã vạch ra cả con đường đi cho nhà thơ, một con đường “dại”.
Những lúc túng quẫn lại nhớ ông ngoại.
Thầm trách ngày xưa ông đã xui dại
(Ông ngoại)
Nhưng tất cả đều xuất phát từ một tấm lòng chân thành, một tình yêu hồn hậu, hồn hậu như bờ tre, cánh cò.

Trong mảng đề tài gia đình ta nhận thấy bên cạnh nét hồn hậu còn là một nỗi lòng đau đáu của người cha, người chồng, người con hướng về gia đình. Dường như trong mỗi bài thơ ấy có một người luôn đi xa, luôn có một con người tiến về phía trước dẫu cái con đường ấy đầy dẫy những chông gai vẫn không thể trở về bên người thân được.
Con chẳng thể còn phân vân chọn lựa
Lại lên đường, lại hăm hở, lại đi
(Bài gửi mẹ)
Dù ở đằng sau là bà mẹ già, hằng ngày ngóng đợi, là người vợ “Làm thiếu phụ mới là việc khó bởi thiếu phụ một đời chỉ biết vọng phu”. Hay cả khi đứa con ra đời con người chỉ biết gửi về “khúc ru xa”.

Qua mảng đề tài gia đình trong Vàng gieo đáy nước còn thấy một Trịnh Thanh Sơn có nỗi đau về “những đứa con ngoài giá thú”. Một nỗi đau tinh tế, nhói buốt:
Những đứa con ngoài giá thú
Cũng được mẹ đưa tới trường
Chúng ngồi thu lu một góc
Chơi cùng bầy kiến trên tường.
Nỗi đau trước thái độ nhìn nhận của xã hội, ghẻ lạnh phân biệt đối xử len lỏi cả vào trong đầu óc những đứa trẻ. Vì thế đây là nỗi đau mang tính xã hội. Ngay trong cả “mua con” danh dự, tội lỗi được mua bằng tiền. Đồng tiền đi vào giá trị. đạo đức của con người đi vào nếp sống xã hội.

Dù cả tập thơ Vàng gieo đáy nước có rất nhiều câu thơ dùng ngôn từ mới nhưng tôi vẫn thích mảng ngôn từ trong sáng khi Trịnh Thanh Sơn viết về tình cảm gia đình. Những hình ảnh quá đỗi thân quen, hoa bưởi rụng, hoa gạo đỏ cuối trời, đến cả những lời ru ăn sâu vào tâm hồn người Việt ngàn đời.
Kìa một cánh mây chiều lẻ bóng
Đang nhẹ nhàng đậu xuống vành môi
(Khúc ru xa)
Hay hình ảnh về người bà thân yêu cũng gắn liền với câu thơ dung dị.
Trong giấc mơ tôi ẩn hiện bóng bà
Cắp rổ cá khoai dọc bờ sông vắng
(Bà tôi)
Có những câu thơ thưởng chừng như quá bình thường nhưng ẩn sâu trong đó là cả một tấm lòng, một mảnh đời, mảnh hồn, một nỗi niềm khôn nguôi dành cho những người thân yêu.
Nếu có thể dùng thơ làm tã lót
Thì suốt đời cha sẽ đủ cho con
(Những ngày con ra đời)
cả đời người cha thơ đã là máu thịt, là niềm hoan hỉ đón đứa con ra đời. Thơ là tài sản duy nhất của riêng cha cũng dành cho con, tấm lòng của một người cha cả đời.
Suốt đời cha ngả bóng xuống lòng con
(Những ngày đợi con ra đời)
Dù ngôn từ trong mảng đề tài này có đôi chỗ không hợp cảm xúc toàn bài, như trong bài Mua con. Tình cảm của một người cha đang đau đáu thương về người con bị tống giam, đang lo lắng tìm mọi cách cứu con ra mà đột nhiên có câu thơ:
Đêm qua con còn xem bóng đá ở nhà
Đêm nay nhảy thẳng vào nhà giam mới là độc đáo
Từ “độc đáo” Không hợp văn cảnh. Hay trong bài Mẹ và thơ dòng cảm xúc chen giữa xưa và nay, ngôn từ giản dị mà chỉ với hai câu thơ:
Mẹ vẫn đứng như cây xoà bóng mát
Từ thế kỉ này vươn sang thế kỉ sau.
Dẫu biết là tình cảm dâng trào nhưng dù sao câu thơ đó cũng làm nhàm, làm nhạt đi phần nào cái hay của bài thơ.

Vàng gieo đáy nước của Trịnh Thanh Sơn đã để lại trong tôi cũng như người đọc bấu víu nhiều câu thơ đầy tình cảm gia đình để mà vực dậy những lúc tưởng chừng khó khăn nhất. Thơ bộc lộ tâm hồn của người viết ra nó, nên tôi tin vào một Trịnh Thanh Sơn hồn hậu đau đáu ngoài đời.


Lý Thu Hải Thảo
Ảnh đại diện

Biển vắng (Trịnh Thanh Sơn): Biển vắng - Trịnh Thanh Sơn với nỗi ám ảnh cô đơn tột cùng

(Ấn tượng khi đọc Biển vắng của Trịnh Thanh Sơn)

Rơi chiều vàng ngơ ngác sóng
Xin đừng dõi chi chân trời
Anh ngồi im chìm chiếc bóng
Chén này biển với mình thôi!

Một cộng với một thành đôi
Anh cộng cô đơn thành biển
Nắng tắt mà người không đến
Anh ngồi rót biển vào chai.
Thời gian gần đây, cứ thấy người người nhắc nhiều tới Trịnh Thanh Sơn và Vàng gieo đáy nước (tập thơ tuyển mới được xuất bản năm 2007). Tập thơ dày hơn 200 trang tựa như một cuốn tự truyện chân thành bộc bạch những cung bậc xúc cảm hồn nhiên của người thi sĩ đa tài nặng nghiệp bút nghiên. Thơ Trịnh Thanh Sơn có những bài không phải là hay nhưng lại được một số câu rất ấn tượng và cũng có những tác phẩm được cả bài tương đối toàn vẹn. Tôi thích cái điệu thơ, cái tình thơ trong: Biển vắng (1976), Tự khúc (1980), Đêm (1984), Tản mạn thơ (1985), Linh cảm (2) (1996), Tự bạch (1996), Van (1999), Tự cháy (2004)... Tôi thích cái thứ thơ bóc trần tâm tư, một thứ thơ không làm gai người đọc mà lại có sức đọng. Cũng đã nghe người ta bàn nhiều về Biển vắng, tôi vẫn thích trò chuyện với Trịnh Thanh Sơn, vẫn thích suy tư sâu hơn về nỗi ám ảnh cô đơn tột cùng của thi sĩ.

Biển vắng cũng chẳng biết vắng người hay vắng sóng. Chỉ biết rằng cái khuôn chiều vàng ngọc cũng “rơi” như nỗi tủi hờn còn sóng thì “ngơ ngác” vì lắm nỗi ngẩn ngơ. Chiều “rơi” vì đâu? Sóng bâng khuâng nỗi gì mà có khi vỗ cả hai đầu xa ảo?

Cứ tưởng biển không người. Nhưng nhìn kĩ cũng thấy có người đang ngồi dõi về phía khơi xa mà lại nhắc người khác:
Xin đừng dõi chi chân trời.
Biển có vắng không khi biển còn “anh”? Nhưng sự hiện hữu của anh cũng chỉ bó gọn trong một tư thế tĩnh tại mà thôi:
Anh ngồi im chìm chiếc bóng.
Hoá ra biển không chỉ có anh mà còn dung chứa cả chiếc bóng của anh nữa. Thế nhưng, anh thì “ngồi im” còn chiếc bóng lại “chìm”. Tất cả đều là câm lặng. Sự câm lặng này đè lên sự tĩnh lặng khác, xếp câu thơ thành một khối nặng nề, bất động. Và anh không còn “trò chuyện với bóng mình” như mọi khi nữa. Ngôn ngữ nghệ thuật có cái kì lạ: đôi khi, cần nói nhiều nhất, đủ nhất, thấm nhất, người ta thường cậy vả sự lặng câm. Bởi thế nên bất động đấy mà xao động từng ngõ ngách tâm hồn. Có sự đơn độc nào không gợi về muôn mặt nỗi đau? Câu thơ nghiến chữ. Rồi bỗng ngỡ ra một sự thật rát lòng: bóng không làm bạn với thi sĩ, chiều và sóng cũng bỏ người mà đi. Chỉ có thế thôi đã làm câu thơ ngậm ngùi đến tội:
Chén này biển với mình thôi
Hoá ra biển cũng cô đơn như lòng người quạnh quẽ. Biển bỗng hoá hoang sơ... Sự hiện hữu của người bị giam trong im lặng tuyệt đối, không một cánh chim chiều hay một nẻo mây bay, không một cánh buồm hay một tiếng sóng cào bờ cát. Hỏi làm sao mà biển không vắng, không hoang?

Tâm hồn nhà thơ và tâm hồn của biển như có sự cộng hưởng, cùng chung một nhịp thở, một nhịp đau. Sự cô đơn tràn trề đưa hai sinh thể đến bên nhau. Người và biển nâng ly sầu chén tủi, có khi uống vơi rồi mà nỗi hoang lạnh càng đầy lên. “Biển với mình thôi”... Câu thơ đanh lại, nhắc người ta nhiều nỗi xót lòng. Có lẽ vì trái tim nhà thơ đơn chiếc quá nên tìm biển bầu bạn, những tưởng nhoà bớt sự lẻ loi nhưng hoá ra biển trơ trọi quá nên lòng người càng thêm bơ vơ. Giờ tìm ai để cùng nâng “chén này”?

Trịnh Thanh Sơn có vẻ là nhà thơ mê rượu:
Mong nhớ là gì thế
Chén rượu còn trên tay
Cứ ngỡ mình đã uống
Cứ ngỡ mình đã say!
(Nhớ)
Một đời lãng du, một chiều thấm mệt
Ta thành be cho rượu đổ tràn
(Bất chợt)
Nhưng hình như nhà thơ chưa say. Thậm chí ông còn rất tỉnh để nhận ra tình trạng lẻ loi của mình. Vì tỉnh nên nỗi đau càng ngấu. Vì tỉnh nên nhà thơ làm phép tính cũng rất chuẩn.:
Một cộng với một thành đôi
Anh cộng cô đơn thành biển
Hai cái “một’ sẽ ghép thành một “đôi”. Anh với cô đơn cộng lại thành biển. Anh - hữu hạn, cô đơn - tột cùng. Và mênh mông cô đơn,! Một phép cộng mang tính trừ hoại: trừ hoại bình yên, trừ hoại giấc mộng chung đôi, hoà hợp.

Con người ta bị đẩy vào cô đơn từ nhiều phía. Thường là do Buồn. Mà cái buồn lại nhiều căn cớ. Tình yêu vụn vỡ chăng? Hay sự nghiệp không thành? Liệu có thể là cái tôi hữu hạn đau đáu về một khát vọng thôn tính cái vô hạn của cuộc đời, của tình người...?

Không giống những ồn ào, ít kiêng dè ngày thường, ở những câu thơ này, Trịnh Thanh Sơn như tìm laị chính mình trong tột cùng ám ảnh cô đơn...Các thi sĩ thời thơ Mới như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên cũng từng dệt cái quạnh hiu của mình vào thơ, đọng lại buồn bã u sầu cho mãi mãi thế gian. Con người ta vốn thế, Trịnh Thanh Sơn vốn thế, cô đơn ngay chính trong tâm hồn mình. Nhà thơ luống cuống lo âu, tiếc nuối vì biểt mình không thể sống trọn vẹn, không thể thâu tóm hết mọi thương yêu, vui buồn của một kiếp người, trong khi trái tim lại luôn hôi hổi niềm khát khao hạnh phúc, hiến dâng, tin yêu cuộc đời, tin vào con người, vào tình yêu bền bỉ hay những ước nguyện bình an và sum họp tình người trên cõi nhân gian.

Hơn một lần Trịnh Thanh Sơn nói với chúng ta về những suy cảm ấy để gửi gắm nhiều thông điệp đậm tính nhân sinh. Đó là khát vọng tình yêu đi đến tận cùng:
Tới tận cùng Em
Tới tận cùng Người
Tới tận cùng cái Đẹp
(Tới em)
Nhà thơ vẫn hay triết lý:
Để yêu nhau một đời thôi chưa đủ
Một đời người chưa đủ một tình yêu
(Chuyện cũ)
Nhưng lại gặp nhiều trái ngang trong tình yêu:
Em vẫn đấy nhưng đâu còn em nữa
Sông như mê, ngơ ngác chảy bên trời
(Hoa mướp)
Hay:
Cứ đinh ninh rằng chân trời có thật
Tình yêu có thật
Sự tốt lành có thật
Và ta đi về phía không đâu
(Mùa đông)
Sau cùng, nhà thơ nhận thấy rằng mình “chỉ còn có thơ thôi”, và ở đó: “cung đàn thơ” là “một nốt SAY”, “một nốt ĐAU”, “một nốt THƯƠNG”.
Đau thương vận vào thơ, vận vào một đời người...
Biết bao chờ mong và hy vọng, thế nhưng:
Nắng tắt mà người không đến
Anh ngồi rót biển vào chai
Nắng tắt, sao người không đem về một miền ánh sáng? Mãi thấy vạn vật vô tình để rồi “hoang vắng thổi trong tôi”, để rồi “câu buồn anh giữ riêng anh”. Cứ thế, cái “rá buồn” của “gã ăn mày hâu đậu” càng đầy lên, nhức nhối. Câu thơ cuối cùng được người ta gọi là một thần cú. Nhà thơ vượt qua cái thân phận nhỏ bé của mình để đong rót cái vô cùng của biển cả, rót biển mà cũng là rót niềm đau như xát muối không giới hạn của mình vào một chiếc chai mang hình thể vật chất có giới hạn.

Câu thơ cuối âm vang, bỏ ngỏ bài thơ, kéo dài đến không cùng nỗi đau của một con người bất lực với sự tham lam của chính mình. Chữ “rót” nghe tựa hồ chữ “xót”. Tôi thích cái chữ này vì nó gợi. Có một Trịnh Thanh Sơn cặm cụi ngồi đó, rót đi rồi rót lại sự trống trải trong mình. Hành động ấy ngỡ như dứt khoát nhưng kì thực lại đầy do dự, kí hoạ thành công bức chân dung một thi sĩ mắc “bệnh” cô đơn. Ấy là một dạng thức phơi trải lòng mình khiến người đọc “phải lòng” với biết bao “tâm tình ở đằng sau tâm tình” nồng nhiệt.

Biển vắng ra đời vào những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất (1976) nhưng không chỉ là một cải cách về ngôn từ, hình ảnh mà còn là một cách làm mới nỗi niềm đã cũ của bao người - sự cô đơn. Trên những câu chữ không màu mè, chân thực, Trịnh Thanh Sơn đã trình ra trọn vẹn nguyên mẫu tình yêu con người, yêu cuộc đời đến vô cùng nhưng lại không tránh được nỗi cô đơn đến tận cùng, miên viễn khi ý thức được thân phận hữu hạn của mình trước cái vô hạn, lớn lao. Cái buồn giam hãm nhà thơ trong cố cung mà những tường thành kiên cố của nó lại được tạo bằng nỗi cô đơn rợn ngợp. Nhưng chính trong cái buồn và nỗi cô đơn ấy, niềm yêu dành cho đời, cho người, cho thơ của Trịnh Thanh Sơn được bảo tồn nguyên vẹn.

Nhà thơ tâm nguyện:
Dẫu bụi cát sẽ trở về bụi cát
Cũng một lần tôi được là Tôi!
Có ai tính Được - Thua - Còn - Mất
Một tình yêu - Một trái tim ngời!
(Câu hát cuối cùng)
Người viết bài này chợt nhớ tới lời của nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn: “Tôi vẫn cho rằng niềm trăn trở nhất trong suy cảm trữ tình của một nghệ sĩ chân chính là chuyện Còn-Mất của những gì mình coi là quý giá thiêng liêng”. Trịnh Thanh Sơn đắn đo giữa những gì Còn - Mất, Được - Thua, Đã có và Chưa có, giữa-tự-cháy-cho-riêng-mình và cháy-với-tất-thảy-trên-đời. Ngọn lửa tình yêu mà nhà thơ nuôi dưỡng, một ngày nào đó, sẽ có sức sưởi ấm một vùng ký ức thẳm sâu trong lòng độc giả. Bởi có ai mà không gặp lại lòng mình trong Biển vắng xa xôi?
Tôi đã sống hồn nhiên như cỏ
Dẫu bao nhiêu giông tố nát thân mình
Để một mai về trong lòng đất
Hoá thân thành muôn đọt non xanh
(Tự bạch)
Hồn nhiên ơi, rồi sẽ về đâu?. Trịnh Thanh Sơn đã buồn đau thật nhiều, đã cô đơn thật nhiều nhưng chắc những mảnh tim vỡ của nhà thơ cũng được vá víu vì “thơ có thể lau nước mắt cho người ta vậy”. Nhà thơ đã đi hết cái trẻ thơ của mình để chân thành với người, bộc trực với thơ, thành thật với chính bản thân mình. Vì thế chăng mà Biển vắng nhưng tình người không hoang vắng! Trịnh Thanh Sơn đã cảm hoá lòng người bằng một trái tim lành lặn!


Lý Thu Hải Thảo

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: