Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Tây Tiến (Quang Dũng): Nghị luận bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng

Thầy Chu Văn Sơn từng nói: “Người ta thường nói cuộc đời mỗi một người nghệ sĩ thường gắn với một vùng đất, một vùng văn hoá thẩm định nhất định. Nếu Hoàng Cầm yêu dòng sông Đuống lấp lánh hiền hoà, Thanh Hải xao xuyến với dòng sông Hương xanh biếc, Tế Hanh tha thiết nhớ con sông quê hương thì Quang Dũng trong những năm tháng gắn bó với đoàn binh Tây Tiến lại kết thân với dòng sông Mã”. Và quả thật Tây Tiến đã thể hiện nỗi nhớ của mình qua bài thơ Tây Tiến, vũng văn hoá gắn với tên tuổi của ông chính là Tây Bắc.

Mở đầu bài thơ Tây Tiến nhà thơ đa tài ấy đã cất lên những nỗi nhớ thương tại Phù Lưu Chanh. Dù không ở Tây bắc nhưng hồn nhà thơ như nhớ lại biết bao nhiêu là kỉ niệm đẹp và nỗi nhớ ấy như một sự chứng minh cho sự trân trọng của nhà thơ cho những năm tháng gian nan mà hào hùng:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Hình ảnh con sông Mã gắn liền với những kỉ niệm của đoàn binh Tây Tiến. Sông Mã xa rồi Tây Tiến cũng xa rồi chỉ còn mình nhà thơ và nôi nhớ đồng đội. Tiếng ơi kết hợp với “chơi vơi” giống như một tiếng gọi tha thiết. Đồng thời nó cũng làm cho những kỉ niệm kia dội vào không gian như đánh thức biết bao nhiêu là niềm vui nỗi buồn sự khổ cực. Nhớ rừng núi Tây Bắc nhà thơ lại nhớ đến những địa danh như Saì Khao, Mường Lát. Hai địa danh ấy gắn liền với những cuộc hành quân của họ. Đoàn quân Tây Tiến phải ra đi từ lúc còn tờ mờ sáng và về lúc đêm tối đã bủa vây. Tiếng “hơi” kia để chỉ cái đêm nhẹ sau những cuộc hành quân vất vả hay nó chỉ hơi sương đã buông xuống cả khu rừng. Hình ảnh hoa về là những người chiến sĩ hay cũng chính là những bó đuốc trong đêm sáng rực.

Nhà thơ tiếp tục nhớ đến những phút giây hành quân vượt qua mọi khó khăn của địa hình. Một bức tranh thiên nhiên tây bắc hùng vĩ hiện lên thật sự rất đẹp:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Bốn câu thơ như điểm sáng của bài thơ khi vừa thể hiện được vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc vừa thể hiện được ý chí cao ngất không chịu lùi bước khuất phục của những người chiến binh Tây Tiến. Ba câu thơ đầu hầu như là vần trắc khiến cho câu thơ khi đọc lên cũng mang đầy những trúc trắc. Điều đó thể hiện sự gian nan khó khăn mà Tây Tiến phải vượt qua trên chiến trường. Từ láy “khúc khuỷu” thăm thẳm như lột tả hết độ cao độ sau của núi rừng Tây bắc. Thế nhưng người lính Tây Tiến vẫn kiên cường vượt qua để cho ngọn súng kia dương cao như chạm mây ngửi trời. hình ảnh nhân hoá ấy làm cho cây súng của chiến binh Tây Tiến dũng mãnh hơn biết nhường nào. Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống thế mà không biết một ngày những người lính ấy phải len bao nhiêu lần và xuống bao nhiêu lần. Thế rồi nhà thơ bất ngờ kết thúc bằng một câu toàn văn bằng thể hiện sự êm ả sau những trận đánh hành quân ấy. Sau những giây phút kiên cường chống lại những khẩu súng viên đạn của địch thì các chiến sĩ lại được về với tình dân quân ấm áp, những trận mưa như làm cho tâm hồn con người trở nên thanh bình hơn.

Sự hi sinh của những người Tây Tiến cũng được tác giả nói giảm nói tránh đi để nhường lại cho những nỗi nhớ và tránh những mất mát đau buồn:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Không nói là hi sinh cũng không nói là chết mà nhà thơ nói là dãi dầu, buồn nên không bước nữa. Qua cách nói như vậy ta cũng thấy được những người Tây Tiến coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Họ sẵn sàng hi sinh để đổi lại một đất nước sạch bóng quân thù. Những người chiến binh cứ thế gục lên súng mũ bỏ quên đời. thế nhưng cái bỏ quên ấy lại làm nên một đất nước hôm nay. Thiên nhiên Tây bắc lại hiện lên với hình ảnh của thú dữ. giọng thơ như hóm hỉnh khi nói cọp trêu người. sau bao vất vả người lính Tây Tiến lại về với Mai Châu thơm nếp xôi.

Trong những tháng năm ấy Quang Dũng không chỉ được sống trong tình bè đông chí mà còn được sống trong tình quân dân thắm thiết vui tươi.

Trước hết là cảnh cùng nhau liên hoan văn nghệ với những người con gái Viên Chăn xinh tươi e ấp:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Cả doanh trại bừng lên hội đuốc hoa, từ “kia” thể hiện sự ngạc nhiên của người chiến sĩ trước vẻ đẹp của những người con gái Lào trong trang phục xiêm áo truyền thống. Những tiếng khèn cất lên thì nàng bắt đầu e ấp múa. Tiếng nhạc điệu múa ấy như gửi về Viên Chăn thủ đô thương nhớ của Lào. Các chiến sĩ như được thả mình vào trong những giây phút vui vẻ của hội thế.

Thế nhưng cuộc vui nào cũng có chia tay và người chiến sĩ Tây Tiến sau những phút giây vui vẻ ấy lại phải lên đường làm nhiệm vụ:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Tây Tiến ra đi trong chiều sương, cái không gian ấy như thể hiện cho bao nhiêu gian nan mà các anh sắp phải đối mặt, cái không gian ấy cũng nói lên tâm trạng của kẻ ở người đi buồn thương tiếc nuối. Người ra đi thiên nhiên cũng buồn, lau như có hồn mà nẻo bến bờ rũ xuống như ngả chào người chiến sĩ. Người ở lại buồn chèo thuyền độc mộc đưa các anh qua sông. Những dòng nước lũ với hoa trôi đong đưa. Cảnh vật cũng như có hồn,có thần biết buồn biết thương cho những người chiến sĩ.

Khổ thơ tiếp theo Quang Dũng miêu tả đến những đồng chí trong đoàn quân Tây Tiến ấy:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Tất cả những nét ngoại hình ấy cho ta thấy được những gian nan vất vả mà người Tây Tiến phải trải qua. Không mọc tóc la do điều kiện chiến tranh rừng thiêng nước độc làm cho các chiến sĩ rụng hết tóc hay là do chính các chiến sĩ cạo trọc đi để tiện cho chiến đâu. Quân xanh kia là màu áo, màu ba lô con cóc mũ tai bèo hay là sự xanh xao do thiếu thốn. Tóm lại dù hiểu theo cách nào thì nhà thơ cũng muốn người đọc thấy được đoàn quân Tây Tiến tuy ốm nhưng không yếu vẫn dữ như chúa tể của muôn loài. Hình ảnh mắt trừng như thể hiện được những cái tức giận của các chiến sĩ với kẻ thù mong muốn biên giới sạch bóng quân thù. Hay hình ảnh mắt trừng ấy cũng là không ngủ được khi mơ về những dáng kiều thơm của Hà Thành. Câu thơ ấy được coi là mộng rớt buồn rơi, vì thế mà có thời Tây Tiến đã bị cấm nhưng về sau chính giá trị của nó đã làm nên sức sống đến ngày hôm nay.

Trong trận chiến ác liệt ấy không biết bao nhiêu người chiến sĩ Tây Tiến đã hi sinh, nhưng họ sống đã đẹp chết đi cũng tác vào lịch sử những nét đẹp về bức tượng đài bất hủ:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Họ hi sinh nhưng không được chôn cắt đàng hoàng bởi chiến tranh người chết như ngả dạ. Chính vì thế mà rải rác biên cương là những nấm mộ tuềnh toàng sơ sài khắp nơi. Thế nhưng họ đã quyết chí lên đường thì không hề tiếc thời trai trẻ. Họ sống có lý tưởng vững chắc. Và khi họ mất đi một mảnh chiếu che người cũng trở thành áo bào để anh về với cát bụi. Con sông mã gầm lên như thể hiện nỗi tiếc thương những người chiến sĩ ấy. Có thể nói nhà thơ đã sử dụng những từ hán việt làm sự hi sinh của người lính Tây Tiến trở nên trang trọng hơn. Và thành công của Quang Dũng là đã xây dựng lên bức tượng đài bất hủ của người lính bằng thơ. Và giờ đây khi lên Tây bắc thì hồn về Sầm Nứa nơi có những kỉ niệm những đồng đội chứ không về xuôi.

Như vậy qua đây ta thấy Quang Dũng đã bày nỏ lòng nhớ nhung vô hạn đến đơn vị cũ của mình. Tây Tiến cái tên ấy sẽ chẳng bao giờ bị lu mờ bởi thời gian mà nó cứ mãi sáng chói bất hủ trong lòng mỗi con người. Những lí tưởng, những hi sinh của họ sẽ luôn là công lao lớn cho dân tộc.

Ảnh đại diện

Sang thu (Hữu Thỉnh): Sang Thu - Hữu Thỉnh

Mình nghĩ nên chú ý tới các từ như: Sương chùng chình,hình như, Sông...dềnh dàng, vắt nửa mình sang thu. Và hai câu: Sấm cũng bớt bất ngờ, Trên hàng cây đứng tuổi.
Mình thấy, n~ ý trên là tất cả của bài thơ.
Nếu phân tích ra thì các cảnh vật từ vô hình thành hữu hình và từ vô hồn thành có hồn.
Như thế làm cho bài thơ thêm đặc sắc hơn!

Ảnh đại diện

Nói với con (Y Phương): Gợi ý đọc hiểu

1./ Mượn lời nói với con, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh trường của mỗi người, gợi về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình. Thể hiện ý đồ đó bài thơ dược bố cục thành hai đoạn:

Đoạn 1: (từ đầu đến câu “Ngày đầu tiên đẹp nhất trên, dài”): Con lớn lên trong tình yêu thương, sự đùm bọc, nâng đỡ của cha mẹ trong cuộc sóng lao dộng tươi đẹp cùa quê hương.
Đoạn 2: (phần còn lại) Tự hào với sức sống mạnh mẽ, bền bi, với truyền thống cao đẹp của quê hương, ước mong con sẽ kế tục xứng đáng.

Đúng là bài thơ đã khởi đầu từ tình cảm gia đình mà mở rộng ra tình cảm quê hương từ những kỉ niệm nhỏ bé, gần gũi thiết tha lên thành lẽ sống cao đẹp. Bài thơ bộc lộ cảm xúc, chủ đề dẫn dắt ý tưởng một cách tự nhiên có tầm khái quát mà vẫn sâu xa thấm thía.

2./ Đoạn đầu bài thơ là tình yêu thương của cha mẹ và sự đùm bọc che chở của quê hương đối với con.

Bốn câu thơ đầu là những hình ảnh hết sức cụ thể của một không khí gia đình đầm ấm và quấn quýt:

Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Con trẻ đã lớn lên từng ngày trong tình yêu thương, trong sự mong chờ nâng đón của bậc sinh thành. Từng bước đi là từng tiếng nói tiếng cười được mẹ cha nâng niu, chăm chút, mừng vui đón nhận từng ngày.

Không chỉ có tình yêu thương sự che chở đỡ nâng của cha mẹ, con trẻ còn trưởng thành trong cuộc sống lao động, trong thiên nhiên tươi đẹp và thấm đượm nghĩa tình của quê hương ruột thịt:
Người đồng mình yểu lắm con ơi!
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng…
Những hình ảnh tươi đẹp “Đan lờ cài nan hoa, Vách nhà ken câu hát” gợi lên cuộc sống lao động cần cù vui tươi của “người đồng mình”. Các động từ cài, ken, không chỉ miêu tả cụ thể mà còn cho thấy một cách sinh động tình cảm gắn bó, quấn quýt. Ngay cả rừng núi của quê hương tự bao đời rồi vẫn thơ mộng và trữ tình đã che chớ, dưỡng nuôi con người cả về tâm hồn, về lối sống “Rừng cho hoa. Con dường cho những tấm lòng” là như thế.

3./ Đoạn còn lại của bài thơ: qua việc ca ngợi những đức tính cao đẹp của “người đồng mình”, tác giả dặn dò mong ước con mình sẽ kế tục phát huy một cách xứng đáng với truyền thông cao đẹp đó của quê hương.

Những đức tính cao đẹp đó là gì?’
Người đồng mình thương lẩm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh Không lo cực nhọc
“Người đồng mình” - đó! Những con người sống quanh năm vất vả mà mạnh mẽ và khoáng đạt biết bao nhiêu, những con ngứời ấy luôn gắn bó với quê hương dẫu còn cực nhọc, đói nghèo.

Qua những đức tính vừa nói của “người đồng mình”, tác giả mong muốn con mình phải một lòng chung thuỷ với quê hương, sẵn sàng chấp nhận gian nan thử thách để vượt qua chúng bằng ý chí, bằng niềm tin của mình.

“Người đồng mình” còn đức tính gì nữa?
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kè cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sa da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con
Tuy mộc mạc nhưng rất giàu chí khí, niềm tin, “người đồng mình” dù “thô sơ da thịt” nhưng nhất định không nhỏ bé về tâm hồn, về quyết tâm và mơ ước xây dựng quê hương. Chính họ đã làm nên truyền thông, phong tục tập quán tốt đẹp tự bao đời, đã “tự đục đá kẽ cao quê hương”, còn quê hương thì làm phong tục. Qua các đức tính ấy của “người đồng mình” người cha dặn dò con hãy biết tự hào với truyền thông quê hương để tự tin vững bước trên đường đi tới.

4./ Tình cảm của người cha đối với con trong bài thơ này thật yêu thương, trìu mến, thiết tha và tin tưởng. Điều lớn lao nhất mà người cha truyền tới được cho con là niềm tự hào với sức sông mạnh mẽ bền bỉ, với truyền thống cao đẹp của quê hương và niềm tin vững bước vào đời.

5./ Cách diễn tả tình cảm và suy nghĩ bằng hình ảnh của nhà thơ thật đặc sắc và độc đáo. Các hình ảnh vừa cụ thể vừa có tính khái quát tuy mộc mạc, bình dị mà vẫn giàu chất thơ.

Ảnh đại diện

Thu điếu (Nguyễn Khuyến): Phân tích bài thơ “Thu điếu” của Nguyễn khuyến

Mùa thu vốn là một đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Thu thường mang đến cho thi sĩ một nỗi buồn man mác, gợi nhớ hay nuối tiếc về một cái gì đó xa xôi, đầy bí ẩn. Dường như không ai vô tình mà không nói đến cảnh thu, tình thu khi đã là thi sĩ… Đến với Nguyễn Khuyến, chúng ta sẽ thấy được điều đó. Cảnh mùa thu trong thơ ông không phải là mùa thu ở bất cứ miền nào, thời nào, mà là mùa thu ở quê ông, vùng đồng chiêm Bắc Bộ lúc bấy giờ. Chỉ với bầu trời “xanh ngắt” (Thu vịnh), với cái nước “trong veo” của ao cá (Thu điếu), và cái “lưng giậu phất phơ màu khói nhạt, làn ao lóng lánh bóng trăng loe” (Thu ẩm). Nguyễn Khuyến đã làm say đắm lòng bao thế hệ! Khi nhận xét về bải thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu có viết: “Bài thơ Thu vịnh là có thần hơn hết, nhưng ta vẫn phải nhận bài Thu điếu là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. Vậy ta thử tìm hiểu xem thế nào mà “Thu điếu là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”?

Nếu như ở Thu vịnh, mùa thu được Nguyễn Khuyến đón nhận từ cái không gian thoáng đãng, mênh mông, bát ngát, với cặp mát hướng thượng, khám phá dần các tầng cao của mùa thu để thấy được: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”, thì ở Thu điếu, nhà thơ không tả mùa thu ở một khung cảnh thiên nhiên rộng rãi, không phải là trời thu, rừng thu hay hồ thu, mà lại chỉ gói gọn trong một ao thu: ao chuôm là đặc điểm của vùng đồng chiêm trũng, vùng quê của Nguyễn Khuyến:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Câu thơ đầu tồn tại hai vần “eo”, câu thơ thể hiện sự co lại, đọng lại không nhúc nhích, cho ta một cảm giác lạnh lẽo, yên tĩnh một cách lạ thường. Không có từ “lẽo” và từ “veo” cũng đủ cho ta thấy cảnh tĩnh, nhưng thêm hai từ này lại càng thấy cảnh tĩnh hơn nữa. Khung ao tuy hẹp nhưng tác giả lại không bị giới hạn mà mở rộng ra nhiều chiều, trong cái không khí se lạnh đó dường như làm cho làn nước ao ở độ giữa thu, cuối thu như trong trẻo hơn. Những tưởng trong “ao thu lạnh lẽo” ấy, mọi vật sẽ không xuất hiện, thế mà thật bất ngờ: Khung ao không trống vắng mà có “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Có khung cảnh thiên nhiên và có dấu vết của cuộc sống con người, khiến cảnh thu thêm được phần nào ấm cúng. Chiếc thuyền “tẻo teo” trông thật xinh xắn. Câu thơ đọc lên, làm cho đối tượng miêu tả trở nên gần gũi và thân mật biết bao!Với hai câu mở đầu, nhà thơ sử dụng những từ ngữ gợi hình ảnh, tạo độ gợi cao: “lẽo”, “veo”, “tẻo teo” mang đến cho người đọc một nỗi buồn man mác, cảnh vắng vẻ, ít người qua lại. Và rồi hình ảnh:
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Càng làm cho không khí trở nên tĩnh lặng hơn, nhà thơ đã dùng vcái động của “lá vàng trước gió” để miêu tả cái tĩnh của cảnh thu làng quê Việt Nam. Những cơn gió mùa thu đã xuất hiện và mang theo cái lạnh trở về, khiến ao thu không còn “lạnh lẽo”, không còn tĩnh lặng nữa vì mặt hồ đã “gợn tí”, “lá vàng khẽ đưa vèo”, cảnh vật dường như đã bắt đầu thay đổi hẳn đi! Cơn “sóng biếc” nhỏ “hơi gợn tí” và chiếc lá “trước gió khẽ đưa vèo” tưởng như mâu thuẫn với nhau, nhưng thật ra ở đây Nguyễn Khuyến đã quan sát kĩ theo chiếc lá bay trong gió, chiếc lá rất nhẹ và thon thon hình thuyền, chao đảo liệng đi trong không gian, rơi xuống mặt hồ yên tĩnh. Quả là phải có một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thật sâu sắc thì Nguyễn Khuyến mới có thể cảm nhận được những âm thanh tinh tế, tưởng chừng như chẳng ai để ý đến như thế! Như trên đã nói: mở đầu bài thơ, tác giả sử dụng vần “eo” nhưng tác giả không bị giới hạn mà đã mở rộng không gian theo chiều cao, tạo nên sự khoáng đạt, rộng rãi cho cảnh vật:
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Bầu trời thu xanh ngắt xưa nay vẫn là biểu tượng đẹp của mùa thu. Những áng mây không trôi nổi bay khắp bầu trời mà “lơ lửng”. Trước đây Nguyễn Du đã từng viết về mùa thu với:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
Nay Nguyễn Khuyến cũng thế. Mở ra không gian rộng, cảm hứng Nguyễn Khuyến lại trở về với khung cảnh làng quê quen thuộc cũng vẫn hình ảnh tre trúc, vẫn bầu trời thu ngày nào, vẫn ngõ xóm quanh co… tất cả đều thân thương vè nhuốm màu sắc thôn quê Việt Nam. Chỉ đến với Nguyễn Khuyến, chúng ta mới thấy được những nét quê tĩnh lặng, êm ả như vậy. Trời sang thu, không khí giá lạnh, đường làng cũng vắng vẻ. “Ngõ trúc quanh co” cũng “vắng teo” không bóng người qua lại. Sau này Xuân Diệu trong bài Đây mùa thu tới cũng đã bắt được những nét điển hình đó của sông nước ở vùng quê, khi trời đã bắt đầu bước vào những ngày giá lạnh:
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
… Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò
Cùng với:
Cành biếc run run chân ý nhi
(Thu)
Thế rồi trong cái không khí se lạnh đó của thôn quê, những tưởng sẽ không có bóng dáng của con người, ấy vậy mà thật bất ngờ đối với người đọc:
Tựa gối buông cần, lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Hai câu thơ kết thúc đã góp phần bộc lộ đôi nét về chân dung tác giả. Tôi nhớ không lầm dường như đã có tài liệu cho rằng: “tựa gối, ôm cần lâu chẳng được”, “ôm” chứ không phải là “buông”. Theo Việt Nam tự điển thì “buông” hay hơn, phù hợp với tính cách của nhà thơ hơn. Trong những ngày từ quan lui về ở ẩn, mùa thu câu cá, đó là thú vui của nhà thơ nơi làng quê để tiêu khiển trong công việc, để hoà mình vào thiên nhiên, mà quên đi những bận lòng với nước non, cho tâm hồn thanh thản. “Buông”: thả lỏng, đi câu không cốt để kiếm cái ăn (hiểu theo đúng nghĩa của nó), mà để giải trí, cho nên “ôm” không phù hợp với hoàn cảnh. Từ “buông” mang đến cho câu thơ hiệu quả nghệ thuật cao hơn.

Tóm lại, qua Thu điếu, ta phần nào thấy được tấm lòng của nhà thơ đối với thiên nhiên, đối với cuộc sống: chỉ có những ao nhỏ, những “ngõ trúc quanh co”, màu xanh của bầu trời, cũng đã làm say đắm lòng người. Thì ra mùa thu ở thôn quê chẳng có gì là xa lạ, mùa thu ở thôn quê chính là cái hồn của cuộc sống, cái duyên của nông thôn. Câu cuối này là thú vị nhất, vừa gợi được cảm giác, vừa biểu hiện được cuộc sống ngây thơ nhất với sự việc sử dụng những âm thanh rất trong trẻo có tính chất vang ngân của những cặp vần, đã chiếm được cảm tình của độc giả, đã đọc qua một lần thì khó mà quên được.

Ảnh đại diện

Miếu Sầm thái thú (Hồ Xuân Hương): Đề đền Sầm Nghi Đống

Viết về bọn Thái thú phương Bắc, bọn tướng tá xâm lược của Thiên triều thì bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương là đặc sắc nhất, thú vị nhất:

Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo;
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?
Bài thơ nhắc người đọc nhớ đến một sự kiện lịch sử oanh liệt của dân tộc ta. Tết Kỷ Dậu 1789, Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Xác giặc chất cao như núi tại gò Đống Đa: “Thành Nam thập nhị kình nghê quán” (Phía Nam thành (Thăng Long) mười hai gò xác giặc). Đồn Khương Thượng bị tiêu diệt, tướng giặc Sầm Nghi Đống thất trận, khiếp đảm đã thắt cổ chết thảm hại, Hàng vạn giặc bị giết: “Một trận rồng lửa giặc tan tành” (Ngô Ngọc Du).

Mấy chục năm sau, Hồ Xuân Hương đi qua ngôi đền tên tướng giặc Sầm Nghi Đống do Hoa kiều dựng lên, tức cảnh làm bài thơ này. Bài thơ biểu lộ một thái độ khinh bỉ được thể hiện bằng giọng thơ chế giễu đa nghĩa.

Hai câu đầu tả ngôi đền và cách nhìn của nữ sĩ. Hồ Xuân Hương nhân tiện đi qua, vô tình “trông ngang” mà chợt “thấy” ngôi đền của quan Thái thú. Bà mỉm cười và nghĩ: một tướng giặc đi cướp nước người thất trận (vô dũng, vô mưu) đã hèn hạ thắt cổ chết. “Trăm năm bia đá chẳng mòn – Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Bà ứng khẩu thành thơ: “Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo”.

“Ghé mắt trông ngang” là một cái nhìn bằng nửa con mắt, khinh dẻ. Ngôn từ và giọng điệu thơ bỡn cợt, khinh thị, sắc nhọn.

Nữ sĩ tả qua ngôi đền, tả thực bằng hai nét: mặt tiền là cái “bảng treo”; thế đứng của ngôi đền rất “cheo leo”, không chút uy nghi, vững vàng, lại heo hút! Những đền đài tráng lệ thường treo đại tự, hoành phi sơn son thiếp vàng, nhưng đền Sầm Nghi Đống chỉ có cái “bảng treo”, tầm thường quá! Một nét vẽ châm biếm thân tình – Hai tiếng “Thái thú” là một lời kết tội đanh thép đối với bọn quan lại tướng tá Thiên Triều, lũ con cháu của Tô Định, Mã Viện… ngày xưa. Giọng điệu mỉa mai bật lên chính ở 2 tiếng “Thái thú” ấy:
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo
“Kìa” là đại từ để trỏ một vật từ xa. Trong văn cảnh từ “kìa” biểu cảm sự ngạc nhiên đến khó hiểu. Sầm Nghi Đống cầm quân bị đánh tơi tả, thắt cổ chết nhục nhã mà nay lại được đền thờ ư? Khó hiểu quá! Hài hước quá!

Nếu hai câu đầu nói lên một cách nhìn, một cách tả khinh rẻ, phủ định thì hai câu cuối nêu lên sự giả định – so sánh hết sức sâu sắc thú vị. Nữ sĩ vận dụng cách nói mỉa mai, nói kháy của dân gian để chế giễu cái nhân cách tầm thường, đớn hèn của vị “hổ tướng” thiên triều:
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?
“Đây” là đại từ nhân xưng, chỉ dùng trong đối ngoại suồng sã, thân mật giữa những người cùng vai phải lứa, ngang hàng. Đối thoại với quan Thái thú thần linh mà nữ si xưng là “đây”, thế là xược, rất coi thường. Ngang tàng quá! Rồi nữ sĩ lại đem mình ra, một người đàn bà Giao Chỉ, so sánh với vị tướng Thiên triều về cái “sự anh hùng” mới lạ chứ? Hồ Xuân Hương không viết: “sự nghiệp anh hùng” vì trang trọng, không hợp giọng điệu và thái độ cần có nên có đối với vị “thần” ấy. “Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?” – câu thơ châm biếm nhắc lại cái chết nhục nhã, hèn nhát của tên tướng giặc phương Bắc. Một câu hỏi tu từ rất “đắt”, xuất hiện đúng lúc, đặt đúng chỗ làm cho sự giễu cợt, hài hước nhân lên mười lần.

Bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống còn mang một hàm nghĩa sâu xa. Đanh giá nhân cách - sự anh hùng - của Sầm Nghi Đống, nữ sĩ muốn nói lên “tầm vóc” của nữ sĩ phương Nam. Bà đã ý thức và tự hào về tài năng, phẩm hạnh của mình, của giới mình. Bà đã chế giễu nhân cách tầm thường, cách xử sự tầm thường của những kẻ mày râu, những “trang nam nhi”, “bậc quân tử” bất tài, vô hạnh trong xã hội.

Đề đền Sầm Nghi Đống là bài thơ tức cảnh độc đáo. Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đã được Việt hoá cao độ từ giọng điệu, ngôn từ đến ý thơ. Cách nhìn, cách tả, cách so sánh và suy nghĩ cho thấy một lối nói trào phúng, sắc nhọn. Bài thơ đa nghĩa, hóm hỉnh, sâu sắc. Hồ Xuân Hương đã đứng trên lập trường dân tộc để tức cảnh làm thơ Đề đền Sầm Nghi Đống.

Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: