Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Đất nước ta (Chế Lan Viên): Về "Đất nước ta" của Chế Lan Viên...

Với chúng ta- những con người yêu nước, luôn tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Trong lịch sử, đất nước ta thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, địch hoạ, ngoại bang xâm lấn. Nhưng rồi chúng ta cũng đều vượt qua tất cả. Chúng ta lấy làm yêu thêm đất nước mình, lấy làm tự hào về đất nước mình... Chế Lan Viên thì khác. Ông thấy THƯƠNG cho đất nước hơn là YÊU đất nước. Chúng ta là một dân tộc đáng thương, chứ không phải đáng tự hào. Giọng thơ đầy sự thương hại, đầy những sự vô lý đùng đùng mà chúng ta xưa nay vẫn thường lấy làm tự hào... Đúng là chỉ có Chế Lan Viên mới có thể làm được điều này: ĐỨNG ĐỐI LẬP VỚI SỐ ĐÔNG!

Ảnh đại diện

Tĩnh dạ tứ (Lý Bạch): KHÁN hay MINH?

Chẳng biết ở đây có bạn nào được xem bản nguyên tác chữ Hán của bài này chưa? Mình đã từng được đọc qua, câu đầu trong bản mình được đọc: Sàng tiền KHÁN nguyệt quang... chứ không phải là ..MINH nguyệt quang.

Ảnh đại diện

Ba tiêu (Cây chuối) (Nguyễn Trãi): Nghi án quanh bài thơ “Cây chuối” (Nguyễn Trãi)

Bài thơ Cây chuối của Nguyễn Trãi chỉ có 4 câu nhưng đã gây nên nhiều cách hiểu khác nhau và tốn không ít giấy bút tranh luận. Đọc rồi lòng chưa yên, xin góp mấy điều trần tình cùng bạn đọc.

Thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, cùng với những tùng, cúc, trúc, mai... bài Cây chuối nằm trong phần môn hoa mộc:

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem
Trước hết, về nghĩa đen của bài thơ. Trong tập Văn học phê bình nhận diện (NXB Văn học, 1999) ông Trần Mạnh Hảo viết: “Khi một cây chuối đã có “buồng chuối” thì dứt khoát nó không còn “đọt chuối non đang cuộn tròn” được nữa.” Để làm chỗ dựa cho mình, ông Hảo viện đến uy tín của nhà thơ Xuân Diệu: “Mà khi cây chuối đã trổ ra buồng rồi, thậm chí buồng chuối chín, thì nó không còn có thể ra lá non, thậm chí lá non cuộn lại được nữa.” (Các nhà thơ cổ điển Việt Nam - NXB Văn học, 1987). Không ai dám cãi rằng hai ông sai. Không ai không biết cây chuối đã có buồng thì không có nõn. Nhưng ở đây dường như hai ông đã lầm khi hiểu về cây chuối. Nói đến cây chuối, người ta có thể nghĩ tới một cây chuối cụ thể khi cây chuối đó được chặt xuống nuôi heo hay cây chuối mới trồng. Còn khi nói đến cây chuối bình thường, người ta nghĩ tới cây chuối trong đơn vị tồn tại nhỏ nhất của nó là bụi chuối. Một bụi chuối tối thiểu phải có cây mẹ cùng với vài ba lớp cây con: Cây mẹ trổ buồng, đôi cây chị vào thì con gái, mấy cây em lẫm chẫm và vài nụ chuối măng... Đấy là cây chuối thông thường trong sự hiểu của một bà nhà quê. Dám chắc rằng cây chuối, đối tượng làm thơ của thi nhân Nguyễn Trãi cũng phải là một bụi chuối tốt. Cây nhà thơ nói ở đây không thể là một cây chuối mới trồng, càng không phải cây chuối sắp chặt nuôi heo, cây ở đây là một bụi chuối. Chính cách hiểu máy móc cây chuối là một cây chuối cụ thể đã ám ảnh Xuân Diệu và dẫn ông tới sai lầm khiên cưỡng tiếp theo: chữ “buồng”.

Không được làm nhà thơ, không bị loạn chữ, mỗi người dân quê Việt khi đọc bài thơ của Nguyễn Trãi đều hiểu ngay buồng ở đây là buồng chuối, một buồng chuối tiêu chín cây toả hương thơm thoang thoảng. Thời gian dài tôi không hiểu nổi vì sao nhà thơ Xuân Diệu lại tưởng tượng ra buồng giai nhân, “buồng của cô gái bắt gặp tình yêu.” Rồi lại có người cho rằng đó là buồng văn nhân?! Đọc bản chữ Nôm của Nguyễn Trãi, một nhà nghiên cứu bảo: “Chữ buồng có hai ký tự là chữ phòng bên chữ bồng. Chữ phòng ở đây có bộ thảo, vậy nó là buồng cau buồng chuối.” Một việc tra cứu đơn giản mà sao không chịu làm? Một câu hỏi đặt ra: vì sao Xuân Diệu lại lầm lẫn đáng tiếc vậy? Chính vì ông đã máy móc coi bụi chuối của Nguyễn Trãi là một cây chuối, đã có nõn tình thư thì không thể có buồng. Cái lô-gíc (logique) này buộc buồng chuối phải biến thành buồng giai nhân! Xuân Diệu đã lầm, tiếc rằng, vì thiếu tỉnh táo nên ông Trần Mạnh Hảo lại lăn theo vết trượt của người trước!

Vẫn chưa hết, trong sách của mình, ông Trần Mạnh Hảo còn viết: “... trong bài thơ Cây chuối của Nguyễn Trãi, gió còn ở nơi đâu, còn chưa có gió nhẹ, còn im gió...” Đó là cách ông hiểu câu thơ Gió nơi đâu gượng mở xem.

Xin thử phân tích: trong câu trên, gió nơi đâu là chủ ngữ. Vị ngữ là phần còn lại. Trong chủ ngữ, gió là danh từ, nơi đâu là trạng từ bổ nghĩa cho danh từ gió. Nơi đâu có thể hiểu như ông Hảo là gió còn ở nơi nào đó, chưa xuất hiện. Nhưng cũng có thể hiểu ngược lại: gió xuất hiện rồi nhưng không rõ từ phương (nơi) nào tới. Do chủ ngữ mang hai nghĩa đối lập như vậy, ta buộc phải cầu đến vị ngữ. Nếu động từ tiếng Việt có thì, chuyện sẽ đơn giản vì nếu là gió chưa tới, động từ được chia ở thì tương lai. Ở đây do tiếng ta không có thì nên chỉ có trần xì động từ mở. Nhưng để làm rõ ý của mình, Nguyễn Trãi đã cẩn thận kèm vào đó trạng từ gượng. Gượng mở tức là mở một cách gượng nhẹ. Một động thái chứng tỏ sự việc đang diễn ra, người ta quan sát được. Nhưng ai, cái gì đang gượng mở? Ở đây không ai khác là gió. Một khi gió đang gượng mở, có nghĩa là gió đã có mặt, gió đã đến, không còn là gió đang ở đâu nữa!

Đấy là phân tích thuần tuý kỹ thuật, thuần tuý ngữ pháp. Khi phân tích ý thơ, sự thể thú vị hơn nhiều. Nếu gió chưa đến, còn chưa có gió thì bức tranh phong cảnh của Nguyễn Trãi là bức tranh chết, hoàn toàn tĩnh, thậm chí mùi hương cũng không có, vì không có gió lấy gì đưa hương! Một điều không thể có trong bài thơ này của Nguyễn Trãi. Trạng từ nơi đâu dùng ở đây thật tài tình vì nghĩa không xác định của nó cho ta thấy gió rất nhẹ, không rõ là bấc hay đông, chính là ngọn gió xuân.

Đọc bài thơ, ta hình dung: sau một đêm nghe thoang thoảng mùi thơm chuối chín cây, sáng dậy nhà thơ ra vườn, theo hương tìm trái. Bụi chuối tốt, buồng trái đẹp, hương thơm, gió xuân nhẹ mơn man nõn lá. Tức cảnh sinh tình nhà thơ làm bài thơ tả cảnh. Xin trả lại Nguyễn Trãi những gì vốn của ông.


Hà Văn Thuỳ

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: