Trang trong tổng số 22 trang (215 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Những câu hát trên sông Hương (Nguyễn Phúc Ưng Bình): Nước chảy xuôi con cá buôi lội ngược

Cách đây hơn nửa thế kỷ, hồi còn ở Huế, một buổi sáng chủ nhật, tôi ngồi uống trà với ba tôi. Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện gia đình, một điệu ru con từ nhà láng giềng vọng lại:
À... ơ...
Nước chảy xuôi con cá buôi lội ngược
Nước chảy ngược con cá vược lội ngang
Thuyền em xuống bến Thuận An
Thuyền anh lại trẩy lên ngàn anh ơi!


Thấy tôi có vẻ trầm ngâm suy nghĩ, ba tôi nói:
- Con có biết câu ấy của ai và có ý nghĩa gì không?

Tôi thưa:
- Xin ba chỉ giáo.

- Cụ Thúc Giạ Ưng Bình đã sáng tác câu hò ấy để nói đến cuộc khởi nghĩa chống Pháp của vua Duy Tân năm 1916.

Rồi ba tôi chậm rãi kể:
"Sau khi phế truất vua Thành Thái, thực dân Pháp đưa hoàng tử Vĩnh San mới 8 tuổi lên nối ngôi cha, lấy hiệu là Duy Tân. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng vua Duy Tân đã có một tinh thần yêu nước rất nồng nàn. Năm 13 tuổi, vua giao cho Thượng thư bộ Lễ Huỳnh Côn một bức thư gửi cho Pháp để trách về việc nhà cầm quyền Pháp không thi hành đúng hòa ước 1884 và yêu cầu duyệt lại những điều khoản bất bình đẳng trong hòa ước ấy.

Thấy người Pháp không thành thực, vua Duy Tân rất phẫn uất. Tương truyền, có lần đang ngự câu, nhà vua bỗng than rằng: Ngồi trên nước không ngăn được nước/ Trót buông câu nên lỡ phải lần.

Năm 1915, thừa cơ hội Pháp đang có chiến tranh với Đức, Việt Nam Quang Phục Hội ủy cho Trần Cao Vân và Thái Phiên phụ trách việc tiếp xúc với vua Duy Tân để mời vua tham gia cuộc khởi nghĩa giành lại chủ quyền.

Vào khoảng tháng 3 âm lịch năm 1916, Trần Cao Vân và Thái Phiên giả làm người đi câu đến gặp vua Duy Tân trên Ngự hà để cùng bàn về cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Trong những lần hội kiến, nhà vua đã cùng các nhà cách mạng hoạch định chương trình với hai điểm chính yếu:

1) Chiếm 3 tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi để làm căn cứ.
2) Tổng phát động khởi nghĩa khắp các tỉnh Trung kỳ.

Cuộc khởi nghĩa mới đầu định vào nửa giờ trưa (giờ Ngọ) ngày Ngọ và tháng Ngọ tức mồng 2 tháng 5 năm Bính Thìn (1916). Hiệu lịnh được ban ra theo bài thơ của Trần Cao Vân nhan đề "Hỏa xa Huế - Hàn".

Nhưng sau, theo quyết nghị chung vì gặp trường hợp khẩn cấp, phải khởi nghĩa trước một tháng vào đêm mồng 2 tháng 4 năm Bính Thìn (tức ngày 3-5-1916). Tuy nhiên, từ chiều mồng 1, cơ mưu đã bại lộ, nên người Pháp áp dụng các biện pháp đề phòng rất gắt gao.

Võ Văn Trứ (cũng gọi là Phán Trứ), làm thông phán tại tòa Khâm Huế, cũng là một tay cốt cán trong phong trào khởi nghĩa, biết việc khó thành, liền đầu thú với Khâm sứ Trung kỳ. Vì thế, Pháp đề phòng nghiêm ngặt, ra lệnh thu hồi súng đạn và giữ hết binh lính ở trong đồn trại.

Vua Duy Tân, Trần Cao Vân và Thái Phiên không hay biết gì cả. Đến lúc được tin chẳng lành, nhà vua cùng vài người tùy tùng lẻn ra khỏi hoàng thành, rồi bị bắt gần Nam Giao. Trần Cao Vân bị bắt tại làng Hà Trung (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên).

Sau đó, thực dân Pháp đày vua Duy Tân ra đảo Réunion, lúc ấy vua mới 16 tuổi. Trần Cao Vân, Thái Phiên cùng một số đồng chí bị đưa ra chém tại An Hòa (phía tây bắc thành nội Huế).

Cụ Thúc Giạ đau buồn, thương tiếc cho vua Duy Tân và các nhân sĩ yêu nước đã hy sinh ngôi báu và tính mạng của mình để giải phóng dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, nhưng việc lớn không thành, cuộc khởi nghĩa đã thất bại vô cùng bi thảm. Cụ đã áp dụng phép tỷ và hứng trong Kinh Thi để sáng tác câu hò dẫn trên, tức là dùng phép ẩn dụ để nói ra một cách kín đáo và bóng bẩy một chuyện gì. Cụ dùng những từ anhem để xưng hô giữa vua tôi, cho ta thấy lòng tin yêu và tình tri kỷ của vua Duy Tân đối với Trần Cao Vân. Câu hò này này đã trở thành câu ca dao và phổ biến trong dân chúng ở cố đô Huế".

Nghe đến đó, tôi cúi đầu yên lặng.

Ba tôi ái ngại nhìn tôi:
- Ba đã làm con xúc động!

Tôi ngẩng lên và nói:
- Con xin cảm ơn ba đã cho con một bài học lịch sử vô cùng quý giá. Con sẽ kể lại cho con cháu nghe để chúng biết yêu nước và ngưỡng mộ tôn sùng các bậc chí sĩ tiền bối hơn nữa.

GS Bửu Cầm
(Trích tham luận nhân 120 năm ngày sinh Ưng Bình Thúc Giạ Thị được tổ chức trên sông Hương ngày 22-8-1997)

Ảnh đại diện

Hoa trắng thôi cài trên áo tím (Kiên Giang): Hoa trắng thôi cài trên áo tím

Ở bài sửa lại sau, ghi ngày 28-5-1958, thay vì nhân vật nữ chết và tình tác giả vẫn nồng cháy, thì ông để người trai "đã chết hiên ngang dưới bóng cờ" khi bảo vệ ngôi thánh đường. Và như tác giả sau này cho biết vì muốn người yêu sống hạnh phúc bên chồng con, ông đã đổi một số câu trong bài cho hợp tình ý câu chuyện và đoạn kết bài thơ như muốn tống tiễn mối tình học trò trong trắng ấy.

Bài thứ hai cũng trong cùng tập do Phù Sa xuất bản năm 1962.

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

*

Quen biết nhau qua tình lối xóm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần chúa nhựt em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường

Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông

Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi

*

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường, buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu qui

*

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm một khối sầu
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Giữ làm chi kỷ vật ban đầu

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím màu hoa trắng
Giữ cả trường xưa nóc giáo đường

Giặc chiếm lầu chuông xây gác súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh gom gạch đổ xây tường lũy
Chiếm lại lầu chuông giết kẻ thù

Nhưng rồi người bạn đồng trang lứa
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ban chiều, em nức nở
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Mà cài trên nắp cỗ quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò mãi thắm tươi

*

Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc... tiễn người ngàn thu
Từ đây, tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng trên mồ người xưa


Gia Định 28-5-58
Ảnh đại diện

Hoa trắng thôi cài trên áo tím (Kiên Giang): Hoa trắng thôi cài trên áo tím

Bài thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím" có hai văn bản: bản đầu ghi sáng tác tại Bến Tre ngày 14-11-1957, gồm 15 khổ (60 câu), bản thứ hai ghi "Gia Định 28-5-1958" lược bỏ 8 câu và thay đổi một số nội dung.

Văn bản đầu trích từ tập thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím" do Phù Sa xuất bản năm 1962, những chữ in màu sẽ thay đổi ở bản sau.


Tâm tình người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa xóa không gian
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

*

Trường anh ngó mặt giáo đường
Gác chuông thương nhớ lầu chuông
U buồn thay! chuông nhạc đạo
Rộn rã thay! chuông nhà trường

Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông
Làm thơ sầu mộng dệt tình thương

Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi

*

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm khối tuyệt tình
- Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Anh vẫn yêu người em áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

*

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím, người yêu cũ
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường

Mặc dù em chẳng còn xem lễ
Ở giáo đường u tịch chốn xưa
Anh vẫn giữ lầu chuông gác thánh
Nghe chuông truy niệm mối tình thơ

Màu gạch nhà thờ còn đỏ thắm
Như tình nồng thắm thuở ban đầu
Nhưng rồi sau chuyến vu quy ấy
Áo tím nàng thơ đã nhạt màu

*

Ba năm sau chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về trong áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang

Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đoá hoa màu trắng
Anh kết tình tang gởi xuống mồ

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Không còn đứng nép ở lầu chuông
Những khi chuông đổ anh liên tưởng
Người cũ cầu kinh giữa giáo đường

"Lạy Chúa! con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời"
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi!!"


(Bến Tre 14-11-57)

Ảnh đại diện

Cơm Độc lập, nước Tự do (Nguyễn Phúc Ưng Bình): Cơm Độc lập, nước Tự do

Cơm Độc lập, nước Tự do
(Tôn Nữ Hỷ Khương)

Vào khoảng 1950-1953, tòa Khâm sứ ở Huế là chỗ giam tù của Pháp, mà tù nhân phần nhiều là những người dân vô tội bị bắt trong các cuộc bố ráp ở thôn quê, đem về giam tại đây. Một buổi chiều đi ngang qua đó, thầy tôi dừng xe lại hỏi thăm một người đàn bà, tay ôm một gói cơm bới, tay xách một hủ nước chè đang đứng trước cửa tòa Khâm thì được biết bà ta từ thôn quê, cách thành phố mấy chục cây số lên đây bới cơm cho chồng. Chồng bà là một nông dân chất phác, hiền lành, vừa bị Tây "đi lùng" bắt về thành phố và giam nơi đây. Mủi lòng và chua xót trước cảnh tượng này, thầy tôi viết đôi câu hò trên làm ký sự.

Câu hò này đã một thời ở Huế làm cho nhiều người xúc động qua sự việc vừa kể trên mà lúc đó mọi người dân ở Huế ai cũng biết rất rõ. Nhưng điều làm tôi ghi nhớ nhất là sau năm 1975, một hôm bỗng dưng tôi nhận được thư của một người bạn thơ từ Đà Nẵng, nói với tôi rằng: "Thi sĩ Vũ Đình Liên vào thăm đất Hàn, tình cờ đọc cuốn "Tiếng hát sông Hương" rất lấy làm thích thú, và tiên sinh tâm đắc nhất là bài "Cơm Độc lập, nước Tự do". Nhà thơ họ Vũ, tác giả bài thơ "Ông đồ" mà có lẽ trong thế hệ chúng ta không ai là không thuộc. Riêng tôi rất đỗi kính phục. Do đó, sự việc này làm cho tôi càng thêm cảm kích.

Rồi một hôm cũng khoảng thời gian 1975-1976, thi sĩ Hà Thượng Nhân đưa thi sĩ Hữu Loan đến thăm tôi. Tôi hết sức vui mừng và cảm động. Bao nhiêu năm qua vẫn thuộc nằm lòng bài thơ "Màu tím hoa sim" mà bây giờ bỗng nhiên được gặp tác giả, một người mình hằng ái mộ quí phục, niềm vui này được nhân lên gấp bội. Anh Hà Thượng Nhân yêu cầu tôi ngâm bài thơ "Màu tím hoa sim" cho anh Hữu Loan nghe. Khi bài thơ vừa dứt lời ngâm, tác giả tỏ vẻ xúc động tột cùng. Và để đáp lại chút tình văn nghệ, chút nghĩa tri âm, anh đã sốt sắng viết tặng cho tôi bài thơ trên với đầy đủ toàn bài. Tôi nói toàn bài vì trong bài thơ này có một đoạn không có trong bài "Màu tím hoa sim" suốt thời gian dài đã lưu hành ở miền Nam. Tôi cầm trên tay bài thơ vừa chính tác giả trao tặng cho, cảm thấy mình thật hạnh phúc. Trong niềm vui chợt đến nhẹ nhàng mà sâu lắng này, tôi vội xin phép lên lầu lấy tập "Tiếng hát sông Hương" viết đề tặng anh gọi là đáp tạ mối tình tri ngộ hiếm quí. Anh vui mừng đón nhận và lật xem qua, gặp bài "Cơm Độc lập, nước Tự do", anh dừng lại, đọc cho anh Hà Thượng Nhân và tôi cùng nghe. Anh gật gật đầu nhỏ nhẹ nói lên niềm xúc cảm... Tôi bâng khuâng chạnh nhớ thầy tôi. Đó là một kỷ niệm rất sâu sắc của một buổi chiều cuối xuân năm xưa, thật khó phai mờ trong ký ức.


Nam Đô, tháng 11-2004
Ảnh đại diện

Cửa ngõ tre vàng (Nguyễn Phúc Ưng Bình): Siêu thăng cho cái cửa ngõ

Căn nhà của thầy tôi tọa lạc ở thôn Tây Thượng, bên bờ sông Hương. Từ đường cái đi vào thấy đề trên cổng xây ba chữ "Chu Hương Viên", hai bên có đôi câu đối, một chữ Hán:

Khoái mã trường chu đông tây đắc lộ
Hầu môn cự thất tả hữu vi lân


(Có nghĩa là: phía đông có đại lộ, phía tây có bến sông, có thể đi ngựa trước đường, có thể đi thuyền trên sông, cả hai đường bộ và đường thủy đều thuận lợi. Bên trái có nhà của một vị đại thần, bên phải có nhà của một bậc triệu phú, cả hai đều là hàng xóm láng giềng).

Và một câu đối bằng chữ Nôm:

Ưng đọc thi tiên, thẳng đó một đường lên Vỹ Dạ
Muốn nghe kinh Phật, cách đây vài cửa đến Ba La


Đến thời Ngô Đình Diệm, người ta mở đường rộng để đi Thuận An, nên cái cổng xưa với đôi câu đối phải phá đi. Thầy tôi rất buồn.

Một thời gian sau, thầy tôi cho trồng ở cửa ngõ hai bụi tre vàng và làm thơ nhắn bạn hữu tới thăm chơi.

Các bạn hữu gần xa tới thăm hỏi sao cụ không viết là "nghe chàng ngâm thơ" mà lại là "nghe chàng tụng kinh". Thầy tôi cười nói: "Tôi làm thế cốt là để siêu thăng cho cái cửa ngõ". Các bạn lắc đầu mỉm cười và thưa: "Xin chịu cụ".


Trích: Tôn Nữ Hỷ Khương, Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị, 1996
Ảnh đại diện

Một buổi chiều ở Praha (Ý Nhi): Thơ Ý Nhi

Câu 1: Như người ta thường đi trong các giấc mơ (không có chữ các)
Câu 5: Sông V'tava lặng lẽ êm trôi
Câu 8: Những đền đài trầm mặc, uy nghiêm
Câu 22: Cánh cửa sẽ mở ra (không có chữ ra)


Nguồn: Văn chương một thời để nhớ (Thơ), Nxb Văn học, 2006
Ảnh đại diện

Người đàn bà ngồi đan (Ý Nhi): Thơ Ý Nhi

Câu 3: Vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã
Câu cuối: Đang lăn đi những vòng chậm rãi (không có chữ đi)


Nguồn: Văn chương một thời để nhớ (Thơ), Nxb Văn học, 2006
Ảnh đại diện

Trường Sa hành (Tô Thuỳ Yên): Trường Sa hành

Thi ảnh và ngôn ngữ của Tô Thùy Yên trong "Trường Sa hành" (tt)

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo...
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân

Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi

Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu


Trong cảnh tang chế khốc liệt kia, ta phải cố gắng sống. Phải tìm cách để tồn sinh. Hãy tìm một chút đẹp đẽ còn sót lại để nuôi lấy mộng. Nhà thơ nhìn vào làn nước vịnh xanh lơ và thấy còn sót lại chút mộng nhỏ, mềm. Xanh lơ mộng là một cụm từ, một ngữ đoạn, một ngữ tuyến (phrase), làm rõ nghĩa cho làn nước vịnh. Vì là sự kết hợp của cả một cụm từ, những ý xanh lơmộng sóng sánh bập bềnh ôm ấp lấy nhau, chứ không tĩnh tại như xanh lơ hoặc mộng đứng tách riêng. Bổ ngữ xanh lơ mộng, nhờ sự kết hợp, diễn tả được sự sóng sánh của làn nước. Xanh lơ thuộc phạm trù và nhận thức của giác quan: thị giác. Mộng thuộc phạm vi nhận thức của lý trí hay tình cảm. Xanh lơ mộng là sự chen kẽ của thực tại và ảo giác trong cái tâm thế chuếnh choáng của nhà thơ giữa một khung cảnh tang chế và khốc liệt của ngoại giới. Nhìn vào làn nước vịnh thấy gì? Thấy xanh lơ mộng. Thấy gì nữa? Những cụm rong óng ả bập bềnh. Nhưng những cụm rong này lại gợi cho nhà thơ nhớ về những tầng buồn mãi còn lay động trong hồn ông. Hồn ta, như một hải quốc xa xôi, hoang lạnh, long lanh, tịch mịch, chẳng có một chút thân ái cận kề.

Chiều rơi. Rã. Rụng. Mặt trời bị cắt cổ. Le soleil cou coupé. Appolinaire. Mặt trời chiều rã rưng rưng biển. Có thể hiểu là động từ của mặt trời chiều. Rưng rưng là tính từ bổ nghĩa cho biển. Một mặt trời đang tan ra thành máu. Và biển rưng rưng nước mắt nhìn cảnh hấp hối kia. Hay rưng rưng chính là tâm cảm của tác giả, trước cái chết của mặt nhật, đang quán chiếu lấy lòng mình. Rưng rưng là tính từ, đứng trước, làm rõ nghĩa cho biển. Ngữ pháp rất mới. Cũng thế, trong vầng khói chim đen thảng thốt quần, thảng thốt là trạng từ chỉ thể cách, đứng trước động từ quần, cũng là một ngữ pháp rất Tây phương. Đặt vào câu thơ, nó làm bật ra cái mới của sự bất ngờ. Hình ảnh cả một vầng nhật tan, toé ra thành máu lênh láng mặt biển, khiến bầy chim đen lúc thì tan tác thất thần, lúc thì bay vòng vô định hướng, làm nên một quầng đen xao xác, kinh động cả trời đất. Nhà thơ, trong cảnh kinh hoàng và vỡ nát ấy của thiên nhiên, thấy như cả hòn đảo bốc cháy. Và những tia lửa, đỏ, nóng, lỏng và sôi, bắn tung toé vào mình.

Câu Mặt trời chiều rã rưng rưng biển cũng có thể được ngắt thành:
Mặt trời chiều/ rã rưng rưng/ biển

Mặt trời chiềubiển là hai cực trên dưới của một không gian đáng lẽ là phân cực, yên ắng, và có thứ tự. Nhưng khi ta đọc câu thơ này với nhịp 3/3/1 như thế, bây giờ ta cảm thấy là cái mặt trời ấy đang biến chất và biến thể một cách rất rõ ràng. Rõ hơn là cách ngắt nhịp 4/3 nhiều. Mặt trời - cái khối tinh vân chứa đầy những nguyên tử hydrogen sôi sục trong tâm của nó kia, những nguyên tử hydrogen này có thể kết hợp với nhau để cho ra những nguyên tử helium trong một phản ứng đặc biệt làm chuyển hoá một trọng khối nhỏ bé thành một nguồn năng lực vĩ đại qua một tiến trình kết hợp nhiệt nhân (thermonuclear fusion) - trước mắt nhà thơ, bây giờ, đang là một sự hủy thể. Nó rã ra, loang ra và tràn lan lênh láng. Nó đang trải qua một sự chết rưng rưng. Để cuối cùng trở thành biển. Một biển sầu lênh láng máu. Rã rưng rưng. Ba âm rung sát nhau tạo nên những tác dụng xót xa đau đớn, vừa trên mặt vật lý vừa trên mặt tâm lý. Vừa ngoài vừa trong. Tất cả đều đang rã ra, đang run rẩy, đang rạn nứt. Làm sao mà nhà thơ lại không khỏi không cảm thấy những tia lửa đang bắn ra làm phỏng khắp thân thể mình.

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê

Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tinh thức âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng

Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng vô biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên


Con tàu ma, là hòn đảo chuếnh choáng và khốc liệt kia, vẫn tiếp tục trôi đi, trôi vào thủy tận. Nhà thơ biết mình đã bị đẩy vào một cuộc lữ oan nghiệt, cuộc lữ của một người lính thú bị vất lên đảo hoang để chuẩn bị nhìn thấy định mệnh của mình, của anh em bè bạn. Tiếng hét của kẻ bị bức tử không bung thoát được ra ngoài để tan mất vào không gian rộng lớn ngoài kia, mà nó cứ dội vang oan khuất trong lòng kẻ bị hành hình. Không lối thoát, tiếng hét cào xé và bứt rách đi từng mảng đời người. Nó xé toạc đời sống, và gửi tâm hồn con người về nỗi chết trên cao. Mây. Đỏ thảm thê. Thảm thê cùng với tiếng hét từng chập bị giam hãm trong lòng.

Nhưng, những khi đêm xuống, thu góp lại những mảnh hồn rách nát của mình, nhà thơ ngồi nói chuyện với những vì sao cô độc trên cao. Cuộc tâm sự kéo dài bất tận. Ông ngồi nói chuyện với từng tinh tú một. Hình ảnh bãi lân tinh thức, trên cao, sáng âm u, kỳ diệu, từ mái đầu của nhà thơ, lung linh lấp lánh bao ý nghĩ vượt lên trên trời cao, là một thi ảnh rất lạ. Cái đầu như loé lân tinh. Hay như một điểm kết tập và phản chiếu ánh sáng u ảo của vũ trụ. Nó là một điểm phản ánh những hồi quang và những kỳ bí thẳm sâu của vũ trụ mênh mông xa tít. Cái đầu, bây giờ, là nơi trời đất, vũ trụ, thời gian, không gian và những mối cảm xúc, u hoài, sầu nhớ, chứng tỏ sự có mặt của chúng. Cái đầu, địa bàn hoạt động với diện tích thu nhỏ lại của tất cả những sức mạnh bên trong và bên ngoài con người. Và bãi lân tinh vẫn tiếp tục thức, âm u sáng, để đối thoại với điểm sáng nhỏ nhoi ở dưới kia, thi sĩ. Trong sự sáng vẫn còn cái âm u mang mang rợn ngợp của những sức mạnh siêu hình.

Đoạn thơ Đất liền, ta gọi, nghe ta không? là đoạn thơ duy nhất trong bài thơ mười sáu đoạn này được gieo vần bằng. Tất cả những đoạn khác được hạ vần trắc, tạo tác dụng khốc liệt, kinh hoàng, u uất cho toàn bài. Nhưng đoạn thơ bốn câu vần bằng này lại có một nhịp gãy, gấp khúc, gấp gáp, tạo cảm giác hoảng loạn rõ nét. Hãy đọc lại nó đúng như nhịp điệu mà nó đã được viết ra:

Đất liền / ta gọi / nghe ta không?
Đập hoảng vô biên / tín hiệu trùng
Mở / mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc / gào cô đơn


Như kẻ tử tội bị che mất lối về dương thế, nhà thơ cất tiếng gọi đất liền hốt hoảng, trong khi con tàu ma, là cái đảo chuếnh choáng, khốc liệt kia, vẫn tiếp tục cái hành trình của nó vào vô cùng thủy tận. Đập thẳng tay vào vô biên, chỉ thấy một tín hiệu u u. Trùng và lạc. Tín hiệu đứt hơi, hấp hối, và đang chết. Sự kinh hoàng càng tăng lên. Con người đưa tay đập liên hồi vào cánh cửa của sự chết. Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc. Tại sao lại khoảng cách đặc? Có phải để làm bật rõ tâm trạng của con người với cảm giác đang bị giam vào một con tàu bùng, cứng, đầy, và tối, đang trôi vào hư vô, đang chìm vào tận tuyệt. Con chim động giấc gào cô đơn. Con chim nào đây? Hay là một biểu tượng cho những giấc mơ bé nhỏ bị giam hãm của con người!

Tất cả các động tác trong đoạn thơ này đều có tính cách hoảng loạn: đập, hoảng, mở, mở, động giấc, gào. Khoảng cách đặc được dùng như một thứ oxymoron, một từ nghịch lý ngay trong chính bản thân của nó, để làm bật lên sự phi lý của hoàn cảnh, sự mỉa mai của số phận. Vô biên, tín hiệu trùng, cô đơn là những sợi tơ mỏng mảnh gắn vào cõi siêu hình. Cả đoạn thơ là một tiếng kêu cứu vô vọng của con người bị vất hẫng vào cõi lãng quên.

Ngày rồi đêm. Đêm rồi ngày. Đời sống (hay nỗi chết) cứ thế trôi qua. Ngày, trắng ngất, chói chang, như một thanh kim loại, được một bàn tay vô hình nào đó giũa mãi trên kia. Ánh sáng nhảy múa hỗn loạn và điên dại trong một điệu nhạc chói, gắt, hoảng loạn. Và vô thanh. Mái tóc sầu đau của kẻ tử tội, bây giờ, nhìn từng sợi, thấy như bị nung đỏ lên trong một nhiệt độ khủng khiếp. Ánh sáng vẫn vang lừng mãi một điệu múa điên cuồng, man dại. Từng sợi tóc bị nung đỏ, nứt rạn thành tiếng kêu vỡ của tuổi trẻ. Chính là cái hữu hạn, soi chiếu qua mái tóc bị nung đỏ trong nắng chói của kẻ bị hành hình, đang nứt rạn ra. Tuổi trẻ rạn nứt, vỡ tan, như ước mộng hoa niên của một lớp người.

Ôi! Lũ cây gầy ven bãi sụp
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh

San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người


Đây là đoạn kết của "Trường Sa hành". Nhìn vào thiên nhiên hoang lở, rách nát, nhưng vẫn cố gắng sống xứng đáng, trong danh dự, cái cuộc tồn sinh của mình cho đến ngày thật sự gục ngã, hay cho đến ngày được sống lại với cái ý nghĩa như thực của cuộc sống, nhà thơ nhìn ra cái ý sống của mình. Của Con Người, nói chung.

Hòn đảo, nhìn ở một kích thước lớn rộng hơn, chính là cái cuộc đời chuếnh choáng bít bùng này. Đời sống sẽ còn trổ ra muôn ngàn nhánh khổ. Con người sẽ còn tiếp tục bị vất vào những nỗi đau đớn, xót xa. Trong vinh dự lầm than của kiếp người, những nỗi đau của nó sẽ mãn khai, đầy cành sống. Nhưng có phải chính sự đau khổ, chua xót và lầm than kia lại là những dấu chỉ vào cái danh dự của kiếp người? Thời gian rồi cũng sẽ như đá hóa thạch. Trên tảng đá u tịch, sắc cứng và mốc meo dựng sững vào Đời Đời ấy, nhà thơ trân trọng khắc nét hai chữ: Con Người.

Toàn bài "Trường Sa hành" được bao phủ bởi một bầu khí quyển hoang lạnh, âm u và khốc liệt, đầy tính siêu hình. Bài thơ, cùng với cái bầu khí quyển bao quanh nó, trôi vừa khốc liệt với cái độ cuồng nộ băng băng của nó, vừa dật dờ với cái bối cảnh âm u, vào tâm thức ta. Nó cứ còn trôi đi mãi, trong cái hải quốc sâu thẳm của lòng ta, rách tưa tiếng gió và âm u tiếng những con sóng thiên cổ ầm ỳ. Con tàu chuếnh choáng vẫn tiếp tục trôi đi, trôi vào thiên cổ.

Và con người, kẻ cô đơn, lầm than và bị lưu đày kia, nó phải tìm ra được vinh dự và nghĩa sống của nó giữa chốn lưu đày.

Tháng 8.1992
Tháng 7.1995


Nguồn: Trích từ: Bùi Vĩnh Phúc, Lý luận và phê bình - Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước 1975-1995, NXB Văn Nghệ, California, 1996
Ảnh đại diện

Trường Sa hành (Tô Thuỳ Yên): Trường Sa hành

Thi ảnh và ngôn ngữ của Tô Thùy Yên trong "Trường Sa hành"

Toàn bộ thi phẩm của Tô Thùy Yên trải dài trên dưới ba mươi lăm năm, ít nhất từ 1956 đến nay, dù chưa được thu góp để xuất bản như một chỉnh thể hữu cơ, gắn bó, giúp cho người đọc có được một cái nhìn nhất quán về thế giới của nhà thơ, cũng đã để toát ra từ đó, từ những bài thơ rời cấu thành linh hồn nó, cái không khí chung đã bao trùm lấy tâm hồn thi sĩ. Chúng ta đã có cơ hội nói về cái không khí, cái khí hậu vây bủa thi ca của Tô Thùy Yên trong những phần phân tích ở trên.

"Trường Sa hành" là một dấu mốc đặc biệt, khắc họa nhân dáng Tô Thùy Yên trong tư tưởng, ngôn ngữ đặc thù của riêng ông, đồng thời, cho thấy được cái nhìn vào nhân giới và nhiên giới của nhà thơ và những khắc khoải siêu hình của ông. Cùng với chùm thơ "Quỷ xướng thi", gồm ba bài thơ bảy chữ nhiều đoạn, "Trường Sa hành" đã làm cho Tô Thùy Yên trở nên lớn lao trong thi ca. Bài thơ như một dấu ấn đóng xuống đời thơ của một thi sĩ, đã giữ mãi tên tuổi cũng như nhân dáng của Tô Thùy Yên trong lòng người đọc. Cái thế giới mà ông đã tạo nên qua bài thơ này cứ như một vệt lân tinh sáng mãi trong bóng đêm của trí nhớ chúng ta. Có thể ta không có ý thức về nó trong cuộc đời thường, nhưng cái vệt lân tinh lung linh và lóng lánh ánh bạc kia cứ mãi còn theo đuổi ta trong những đêm tối của trần gian. Khi ta sụp cửa lòng mình xuống để ngăn che đi những huyên náo bên ngoài, cái thế giới khốc liệt, rưng rưng biển và xanh lơ mộng kia lại bật sáng long lanh trong lòng trí ta quạnh quẽ.

"Trường Sa hành" gồm có mười sáu đoạn. Mỗi đoạn bốn câu, mỗi câu bảy chữ.

Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han hề Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ

Đảo hoang vắng cả hồn ma quỷ
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên


Bài thơ mở ra với một hình ảnh chuếnh choáng. Người chuếnh choáng khi vừa qua một cuộc hải hành, bị vất lên đảo, thấy đất chòng chành, không vững chân. Hay người chuếnh choáng vì cái sầu vây trắng bốn bề đang thăm thẳm vây phủ chung quanh? Hay chuếnh choáng bắt nguồn từ cả hai cái yếu tố vật lý và tâm lý kia? Hai mũi tên, từ hai cửa ngõ tạo nên cái hiện hữu của con người, cùng bay đến và cắm phập vào hồng tâm. Chuếnh choáng, như một dội đập êm ái, cuốn hút, dịu dàng. Vừa chìm lẩn vào, vừa lan toả ra. Ba âm trắc tận cùng của một câu thơ dẫn đầu bằng bốn âm ngang, bằng phẳng đã làm cho tác dụng chuếnh choáng nổi bật lên. Trong ba âm trắc đó, hai âm cuối chói lên cùng với liên âm uênh oang, gần như trong những từ chuệch choạc, loạng choạng càng làm sắc lên cái cảm giác mà nhà thơ cảm thấy. Nhà thơ nói đảo chuếnh choáng, nhưng thật ra đảo, tự thân nó, như một hữu thể vô tri giác, không hề chuếnh choáng. Nó tạo ra cái tác dụng chuếnh choáng trên não thùy con người với sự hiện hữu bàng hoàng của nó. Chỉ chính sự hiện hữu ấy không thôi cũng đã tạo nên một tấm lưới sầu, thăm thẳm, dày đặc, kín khít, bao phủ và giữ ghịt lấy con người. Cái cảm giác chuếnh choáng, chòng chành kia đã khiến cho những ngưoi lính thú, trong đó có nhà thơ, đêm nằm còn tưởng hòn đảo bập bềnh trôi đi. Hòn đảo, như một con tàu ma, trôi đi, trôi mãi, bập bềnh, bập bềnh vào vô cùng đêm thủy tận.

Gió thổi. Gió miên man thổi. Lòng thi sĩ như những tàu lá chuối tưa rách, líu ríu, quờ quạng trong biển gió. Phóng tầm mắt vào không gian, chỉ thấy có hiu quạnh chực chờ. Một Hiu Quạnh Lớn. Hiu Quạnh này từ chối con người.

Đảo hoang đến nỗi hồn ma bóng quỷ cũng vắng. Rêu rong thảo mộc còn giữ hình dáng ngày sáng thế. Mịt thẳm thời gian. Cái màu xanh hoang dã và rờn lạnh kia như đắp mãi lên con người bây giờ, chết sững, những tấm khăn liệm kỳ bí, lạ lùng.

Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?


Sầu đã vây kín. Đảo cứ trôi đi, trôi mãi vào vô cùng thủy tận. Những người lính thú như bị tung lưới chụp bắt, có cố vùng vẫy cũng chỉ như một thứ tự bạo hành. Đành nhẫn nhục, cố đi tiếp con đường nhân thế của mình.

Trong cảnh ấy, nhà thơ cố gắng tách thoát ra khỏi cái hữu hạn của con người. Ông đứng nhìn trời đất. Chỉ thấy sóng. Và biển. Sóng cứ thế, tiếng khóc đập đầu vào ghềnh đá của nó đã cất lên tự lúc nào, thời nào. Mang mang thiên cổ sầu. Biển thì mãi chít trên đầu một vành tang trắng. Hay lễ phục của nó mỗi ngày trước thánh lễ của trời đất, của vũ trụ bao la, là một bộ quần áo sô gai? Sóng thiên cổ khóc/ biển tang chế. Trong ngữ cảnh của một kiến trúc song song, kết hợp để nhấn mạnh, ở đây, phải hiểu tang chế là một động từ, vì khóc là một động từ. Sóng và biển là hai chủ từ. Khóctang chế là hai động từ, dùng song song và có tính kết hợp để nhấn mạnh ý. Thiên cổ là tính từ, bổ nghĩa cho sóng. Căn bản là một danh từ, tang chế, ở đây, biến thành động từ, để mang một nét sống động đau đớn. Không phải là cái đau buồn riêng mà là một cái đau buồn cất lên tiếng khóc. Đất đai bên lở bên bồi. Và gió. Gió tiếp tục gào thét những tiếng gào khốc liệt. Trùng dương thì như một hồ nước mắt khổng lồ, rân rấn, mênh mang, tuyệt mệnh.


Nguồn: Trích từ: Bùi Vĩnh Phúc, Lý luận và phê bình - Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước 1975-1995, NXB Văn Nghệ, California, 1996
Ảnh đại diện

Bài Nhã ca thứ nhất (Nhã Ca): Nhã ca

Bài này thiếu khổ thơ thứ ba:

Tôi làm con gái
Đời như heo may
Tình bằng cỏ dại
Giận hờn không khuây


Khổ 4:
Tôi làm con gái
Một lần yêu người
Một lần mãi mãi
Bao giờ cho nguôi

Khổ cuối:
Tôi làm con gái
Bao nhiêu tuổi đời
Bấy lần thơ dại
Buồn không ai hay


Nguồn: Thơ Nhã Ca, NXB Thương Yêu, 1972

Trang trong tổng số 22 trang (215 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: