Trang trong tổng số 7 trang (65 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

hongvan28

     Tôi không yêu thơ Nguyễn Bính mà chỉ... thuộc.

  Nhớ lúc đó tôi khoảng 12 tuổi, học lỏm được các chị
gái tôi ít câu, thế là tôi nằm võng đưa cháu bổng tít
và nghêu ngao:
    " Giời mưa ướt áo (a) làm gì?
      Năm mười bảy tuổi (a) chị đi lấy chô ô ồng..."
  Tôi thích ru cháu những câu này hơn là "Con cò bay lả..."
                               Phùng Thị Hồng Vân
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

quyduc

-Xin ăn theo thơ cụ...

-BƯỚM VÀNG BAY
/Thơ tình Nguyễn Bính (1918-1966)
(Cảm tác theo Tuyển tập TTNB
do Nhà xb Văn học ấn hành)

Chân quê yếm lụa cánh buồm nâu
Lỡ bước sang ngang em đốn dâu
Hết bướm vàng bay hoa với rượu
Một con sông lạnh lấp tình sầu

Cô hái mơ ơi! Xa khuất bóng...
Khăn hồng bỏ lại Đoài tương tư!
Một trời quan tái rừng thu đổ
Tỉnh giấc chiêm bao chửa tạnh mưa

Thôi nàng ở lại nhớ thôn Đông
Nhặt nắng đề thơ kể chuyện lòng
Vũng nước hồn tôi mưa xứ khác
Người hàng xóm vẫn cứ tay không...

(Dựa theo tứ thơ NB)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

quyduc

-Thêm một bài thơ ăn theo Thơ cụ NB...

Phỏng thơ NB "CHÂN QUÊ" để trêu đời, trêu mình...

Vô duyên tôi khổ...

Bùi ngùi một gợn sóng thu ba
Hàng xóm người ơi! Có nhớ nhà?
Anh mộng ruộng vườn tìm cuộc sống
Em mơ phố thị xót đời hoa
Thâm tình cốt nhục thương cha yếu
Cắt rốn chôn nhau khóc mẹ già
Đâu nữa chân quê cài yếm lụa
Vô duyên tôi khổ...hát ê a...

TĐ-19/9/2002
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

quyduc

-T/h Thứ Lang hoạ theo  QĐ...

-Vô duyên tôi khổ...

Giọt lệ tuôn trào ướt khóe ba
Làm dâu xứ lạ phải xa nhà
Quê chồng tuyết lạnh đau lòng trẻ
Đất khách mưa buồn tủi kiếp hoa
Ngắm áng mây trôi thương mẹ yếu
Nghe con sóng vỗ nhớ cha già
Còn đâu những buổi chiều êm ả
Dạy đứa em khờ học chữ a

Mar 11, 2007
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongvan28

Sao trích: Chuyện về: Nhà văn Sơn Nam
                                  Nhà thơ Nguyễn Bính
Của Bùi Bình Thi  - Báo An ninh thế giới – Tháng 9/2013.

Một đoạn viết về Nhà thơ Nguyễn Bính:

Anh Huỳnh Minh Nhựt kể tiếp: “ Có một nhà thơ nữa mà anh Ba Duẩn vô cùng yêu thích thơ của anh ấy, đó là nhà thơ Nguyễn Bính………………………………………………………………………..
Hồi ở R, anh Ba Duẩn cứ hôm nào thưa việc, lại bảo mình đưa Nguyễn Bính vào chơi với anh Ba, đọc thơ cho anh ấy nghe. Anh Ba Duẩn có nói: Đọc thơ của Nguyễn Bính càng thêm yêu cái làng quê của đồng bằng sông Hồng”. Khi anh Ba Duẩn biết nhà thơ Nguyễn Bính phổ thơ toàn bộ Bộ kinh của đạo Hòa Hảo của ông
Giáo trưởng Huỳnh Phú Sổ thì tấm tắc khen mãi. Anh Ba Duẩn bảo với mình rằng cách nay, năm ngoái anh đã đọc toàn bộ kinh của đạo Hòa Hảo và thấy kỳ lạ sao lại có thể giống giọng thơ của miền Bắc đến thế, thì hóa ra là như vậy. Cái hôm Nguyễn Bính vào trò chuyện với anh Ba Duẩn, anh Ba hỏi nhà thơ Nguyễn Bính về chuyện đã phổ thơ vào bộ kinh của đạo Hòa Hảo, nghe xong nhà thơ nhận ngay và hỏi anh Ba: “Anh Ba có muốn nghe lại toàn bộ kinh của đạo Hòa Hảo mà em phổ thành thơ không?” Anh Ba đáp ngay: “Có có, Bính đọc đi”. Nhà thơ Nguyễn Bính tiếp: “ Bộ kinh đạo Hòa Hảo em phổ thành thơ, ông giáo trưởng Huỳnh Phú Sổ rất mê. Bộ kinh có 3.202 câu  thôi mà, em đọc nhé!”. Vậy là nhà thơ Nguyễn Binh cứ tuôn ra như suối chảy. Đến lúc nhà thơ Nguyễn Bính tạm ngừng nghỉ, để nhắp chén trà cho trong giọng, thì anh Ba Duẩn thong thả:”Em phổ thơ rất hay và có ý nghĩa lắm. Chúng ta những người làm cách mạng vì dân tộc, vì đất nước thì càng phải am hiểu một cách sâu sắc những câu kinh của đạo như thế này. Đây cũng chính là tâm ý, nguyện vọng tha thiết của một bộ phận nhân dân mình đấy chứ. Nào, em đọc tiếp đi”. Anh Ba Duẩn sửa lại tư thế ngồi, và trang trọng nghe nhà thơ Nguyễn Bính đọc ngân nga cho đến hết câu kinh thứ 3.202, là toàn bộ bộ kinh của đạo Hòa Hảo.

                                                   Ngày 19/9/2013
                             Người sao trích đoạn: Phùng Thị Hồng Vân
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongvan28

Trích: “Trúc Đường nói về thơ Nguyễn Bính”* đăng trong Tạp chí thơ năm1968.


……………………………………………………………………………….
    Bài Cô hái mơ thì nhiều người thuộc rồi. Bài này viết ngay ở làng ta (Thiện Vịnh) hồi năm 1933-1934 gì đó. Nó là bài thơ đầu tiên đã giới thiệu Nguyễn Bính với thiên hạ. Tất cả bài thơ đượm một màu xanh lơ, như cái dãy núi xa vời mà ta thường nhìn thấy màu xanh về phía Tây qua con đê Vân Tập:

               Thơ thẩn rừng chiều một khách thơ
               Say nhìn xa rặng núi xanh lơ

    Có cái gì thấp thoáng, nhẹ nhàng và lặng lẽ trong từng câu thơ. Và cái lặng lẽ ấy trở thành cái im lìm khuất nẻo, thật là xa vắng…Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng. Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi… Bài thơ này đã được giải thưởng như nhiều người đã biết và rất được người ta thưởng thức.

    Chân quê là một bức tranh cổ, nhà thơ cố van nài, cố thuyết phục để giữ lại, nhưng đã tỏ ra bất lực trước những thay đổi hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống đang đi lên. Nó là hình ảnh của một nông thôn Việt Nam đang thay hình đổi dạng theo quy luật tiến hóa.

               Nào đâu cái yếm lụa sồi
               Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân
               Nào đâu cái áo tứ thân
               Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

    Tài mấy cũng không giữ nổi cái “hương đồng gió nội” cho nó khỏi bay đi… Cho đến bây giờ, với cái đầu bù và cái quần phăng rộng ống, đôi lúc ta cũng thấy ngán ngẩm và lấy làm tiêng tiếc một cái gì đã mất…

    Tám câu thơ lục bát ở bài Bên sông là bốn bức tranh lụa rất
tài tình.Tôi cứ phải đọc đi đọc lại cái câu
               
                Nắng sang bãi cát bên kia có chiều…
để thưởng thức cái nhìn tinh vi của tác giả. Hẳn cũng đã môt đôi khi cậu* thấy nắng bỗng nhiên hắt đi ở một bên sông để lóe lên ở phía bờ bên kia: Chỉ ở bờ bên kia mới có chiều!



                                                                            Còn nữa…
*  Đây là bức thư Trúc Đường viết cho cậu Năng.
*  Nhà viết kịch Trúc Đường
    là anh trai của Nguyễn Bính.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongvan28

……….Tiếp theo

    Tôi đã nhiều lần giới thiệu với cậu bài  Giấc mơ anh lái đò rồi. Ôi giấc mơ đẹp quá nhưng viển vông quá. Và rồi tan vỡ đau xót quá! Cả bài thơ là một tấn kịch bi hài, dẫn đến một kết cục bất ngờ, rất bất ngờ. Anh lái đò dạm bán thuyền (nhớ là đi lang thang nhé). Có người nào mua không? Có. Ôi thật là may! Anh lái có dịp bán được cái thuyền đầy kỷ niệm ấy đi, cho lòng đỡ đau xót. Nhưng rút cục, người mua ngần ngừ… xem lại cái thuyền ( ý chừng đã cũ nát) chê rồi lắc đầu bỏ đi.

         Lang thang anh dạm bán thuyền
         Có người giả chín quan tiền lại thôi!

    Cái đau thật là trọn vẹn! Thủ pháp này của Nguyễn Bính thật là tài tình. Chắc đời nhà thơ hẳn đã có nhiều phen đi lang thang dạm bán thuyền như thế !

    Mùa xuân xanh, cũng là bức tranh bột màu vẽ bạo tay. Họa sĩ dùng  toàn màu xanh để vẽ bức tranh mùa xuân bắt đầu từ trời đất, cây cỏ và sau cùng ở cái thắt lưng xanh của người yêu mà mình hẹn đến để tình tự. Cái thần tình nhất là bài thơ chấm dứt ở câu thơ tựa như câu bắt đầu :

         Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
         Bắt đầu là cái thắt lưng xanh

    Nếu tác giả không biết chấm hết ở câu này thì cả bài thơ sẽ đổ vỡ, không những cái màu xanh chủ đạo không nổi bật lên được, mà anh họa sĩ hóa ra non tay.

    Bài thơ Tương tư  « Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông » thì nổi tiếng quá rồi. Cái tính nhân dân, tính ca dao của bài thơ khiến mọi người thích thú. Đúng là : Gió mưa là bệnh của giời... có phải không cậu nhỉ ? Cậu đã yêu thì hẳn cậu đã phải nhiều phen hỏi như nhà thơ Nguyễn Bính :

        Hai thôn chung lại một làng
        Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này ?

    Ừ, thật đấy, có xa xôi gì cho cam...đằng này chỉ cách có một đầu đình thôi...ấy thế mà... Ôi, ví thử có một chàng trai ở Thiện Vịnh yêu một cô gái ở Tháp hay Phúc Lương mà đọc đến bài thơ này thì hẳn là phải tâm đắc với tác giả lắm...  


                                                                                       Còn nữa.....
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongvan28

………Tiếp theo


      “Lủa đỏ” dẫn ta đi vào thế giới khác, cái thế giới Huế, cái thế giới sông Hương…Tất nhiên là Huế ngày xưa, sông Hương ngày xưa.Hai câu đầu tác giả phác họa một nét tổng quát thật tuyệt:

          Suốt giời không một vì sao
          Suốt giời mực ở nơi nào loang ra

      Chưa chi đã thấy có ngay ở trước mặt một bức tranh toàn thể là một màu mực xám…Trong cái màu xám xịt đó thì người ta chong lên một ngọn lửa ở dưới đò để chờ khách chơi đêm trên sông…Ngọn lửa cháy leo lét giữa đêm khuya, giữa tiếng mõ đục đục và cái tiếng gà te te…Còn khắp nơi thì sương thu xuống, gió thu về…tất cả đều bấp bênh không ổn định, tất cả đều bồng bềnh, “Đêm thu lạnh, gió thu về bồng bềnh”…và sau cùng một tiếng đàn đương đêm bỗng nổi lên rồi bỗng chìm ngay xuống giữa cái không gian xám xịt ấy…Còn cái gì não nuột hơn nữa!

       “Hà Nội ba mươi sáu phố phường” dành cho thanh niên đương yêu mà ít hy vọng, yêu đến rạc cẳng và đi đi lại lại qua cái phố chết tiệt ấy để rồi chẳng dám nói một lời, chẳng dám ngỏ một câu.

         Nhà ấy hình như có mặt trời
         Có rừng có suối có hoa tươi
         Bao nhiêu chim lạ, bao nhiêu bướm
         Không, có gì đâu! Có một người!

       để đến một chiều có tiếng pháo nổ ở phía ấy, ở nhà ấy…Tóm lại cái con đường vạn dặm ấy chỉ mang đến cho anh chàng si một cảnh tuyệt vọng não nề: "Như một người đi giữa đám tang"…

      “Thời trước” là một giấc mơ đẹp, khác hẳn với giấc mơ của anh lái đò, giấc mơ đầy trăng, đầy thơ và đầy tình.Tôi cứ thấy nó giống như một vườn chè nào ở quê ta, nhưng hình như ở quê ta không có cô con gái nào yêu anh học trò đến thế. Bài thơ này thật là đẹp ở cái không khí trữ tình rất chi là lãng mạn do tác giả tạo ra, tác giả vẽ nên. Từ cái đêm “Sáng giăng chia nửa vườn chè” đến cái đêm “Ai đem trăng giãi lên trên vườn chè” tức là cái đêm có sự cự tuyệt (Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng…Kẻo không rồi chúng bạn cười. Rằng tôi nhan sắc cho người say sưa…) đến cái đêm “Quan trạng vinh quy”, cái đêm “thực là đêm” ấy còn những đêm khác, đêm trước, chẳng qua là những đêm gượng, đêm giả mà thôi, đã sẩy ra biết bao thèm muốn, háo hức, có cái gì không toại nguyện, hậm hực, bực bội nữa mà vẫn phải giả bộ mỉm cười, mở sách ra cất tiếng học bài…Tác giả không tỏ ra nhưng người đọc thấy thế. Một mình, khéo tôi  rất thích ngâm nho nhỏ hai câu sau trong bài “Một mình”

         Hôm nay trăng rụng về bên ấy
         Gác trọ còn nguyên gió thất tình…

      Hinh như đối với bọn đàn ông, con trai chúng mình, thường thì trăng đều rụng về “bên ấy” cả, có phải không cậu?

                                                                                       ………Còn nữa
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Dong Linh



        NHỚ NGUYỄN BÍNH

     Hương Sơn động vẫn còn đây
     Hỡi người năm ấy giờ này ở đâu
     Rừng mơ xanh thắm một màu
     Thoáng như có bóng cô nào hái mơ.
     Phải chăng cô gái năm xưa
     Từng làm cho một khách thơ chạnh lòng.

     Suối vàng anh có thấu không
     Khóc anh đã có bao dòng lệ rơi
     Thơ anh còn mãi với đời
     Xót xa đời đã vắng người khách thơ
     Xạc xào trong cánh rừng mơ
     Gió đưa hay tiếng người xưa vọng về.

                            Đ.L.
    (viết nhân chuyến đi thăm chùa Hương Tích)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hongvan28

  ……………Tiếp theo

      “Lần đầu đan áo” là một câu thề, một lời nguyền rủa cay độc, bọn mình thường ai cũng mắc phải cái tội khuyên mãi son cho chữ ái tình, cứ cặm cụi ngày đêm trang điểm  giấc mộng lòng để rồi sau cùng, bắt buộc  phải làm một công việc “đốt hết” của tác giả, cái công việc chẳng lý thú mấy tý ấy hầu như là công việc mà ở mối tình nào cũng thấy tác giả Nguyễn Bính phải làm, để kết thúc một tấn kịch nội tâm đau xót:

             Tôi về thu cả ba đông lại
             Đốt hết cho cô khỏi thẹn lời.

      “Đêm cuối cùng” tả một đêm hội làng mùa xuân, có phường chèo diễn tích Nhị Độ Mai, tác giả tỏ ý ghen với người yêu đêm ấy cũng đi xem: “ Sao em lại đứng với người đi xem?” Lạ thật đi xem chèo mà không đứng với người đi xem thì còn đứng với ai? Cái ghen vớ vẩn ấy tả rất ý vị tâm tình con người - nếu không muốn nhắc lại cả bài thơ Ghen của tác giả. Và cái ý sợ mất người yêu được bộc lộ rõ trong hai câu:

             Mấy lần tôi muốn gọi em
             Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ…

      Cuộc đời nhà thơ đã hơn một lần phải đưa tiễn kiểu ấy nên ta cũng thông cảm với nhà thơ…

      “Nhà tôi” tả cảnh nhà thanh bạch của nhà thơ ở  quê ta, có hơi khuếch đại lên một tý nhưng lại cũng rất thực. “ Có gì tiếng cả nhà thanh… “đúng là như thế đó cậu Năng ạ. Nhưng tả cái cảnh ấy không phải để tự hào hoặc để tự ti, mà chính để là để đánh thêm một đòn chí tử vào một con người đã phụ bạc mình ( Thế gian chán vạn người thề có sao!) Bây giờ đọc lại mấy câu
Mấy khoa thi chót thầy ơi!...mà lòng thấy gờn gợn. Ta còn gặp trong thơ Nguyễn Bính nhiều câu bực bội, phẫn uất như thế nào tưởng cũng không lấy gì làm lạ!

                                                                                   Còn nữa…….
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (65 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối