Nguyễn Như Mây, tên khai sinh là Nguyễn Dục, sinh năm Kỷ Sửu (1949) tại Phan Thiết, nhưng nguyên quán của ông ở làng Gò Bồi, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định (quê ngoại nhà thơ Xuân Diệu) còn mẹ quê ở Hội An. Ông là một trong những nhà thơ kỳ cựu của đất Phan Thiết, Bình Thuận, cây bút quen thuộc của các tạp chí
Bách Khoa, Khởi Hành, Đối Diện...trước 1975. Thơ ông bàng bạc chút mây, chút gió nhưng ăm ắp sự suy tưởng và tràn đầy thân phận, tình cảm.
Cả tuổi thơ ông và đến lúc học hết tú tài 1 ở trường Phan Bội Châu, Nguyễn Như Mây gắn bó với Phan Thiết. Đến cuối những năm sáu mươi của thế kỷ trước, ông vô Sài Gòn học và lấy bằng tú tài 2. Cũng từ đây, Nguyễn Như Mây bắt đầu thời kỳ thanh niên sôi nổi của mình khi tham gia sinh hoạt ở Tổng hội Sinh viên Học sinh Sài Gòn, nơi dấy lên các phong trào lớn chống Mỹ - ngụy như “Xuống đường”, “Hát cho đồng bào tôi nghe” của các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Nguyễn Phú Yên (vốn đã quen biết từ trước ở Phan Thiết), Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh…Ở đây, ông đã có những bài thơ đầu tiên in trên các báo, tạp chí Sinh viên, Trình bày, Đối diện, Ý thức. Bút danh Nguyễn Như Mây được ông lấy ngay khi in bài thơ thứ hai, xuất phát từ một câu hát của nhạc sĩ Tôn Thất Lập trong “Hát cho dân tôi nghe”: “
Hát vang danh Lam Sơn, Người cũng như mây lên non”. Nằm trong Đoàn văn nghệ Tổng hội và Ban báo chí của phong trào SVHS nên Nguyễn Như Mây đi nhiều, lúc ở Sài Gòn, khi đi Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế; có lúc về lại Phan Thiết, Phan Rí cùng với anh em dự định thành lập Tổng đoàn học sinh Bình Thuận và đấu tranh chống Quân sự học đường… Sau giải phóng, Nguyễn Như Mây tham gia trong Ban ổn định đời sống nhân dân, sau đó làm phó ban văn hóa thông tin phường Phú Trinh rồi đi học tại Trường nghiệp vụ Văn hóa Thông tin tỉnh và về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin đến năm 1985 thì nghỉ việc, ở nhà buôn bán cùng gia đình và…làm thơ.
Nguyễn Như Mây viết nhiều (và đi cũng nhiều), những mảng đọc thấy trong Nguyễn Như Mây là thơ tình, thơ về Phan Thiết và thơ… phiêu bồng. Mạch thơ tình chảy trong ông từ những bài thơ đầu tiên cho đến tận bây giờ, ở đó có cái đằm thắm của tình vợ chồng:
Anh vẫn yêu em như ngày ấy/Hai đứa mình vừa mới quen nhau/Anh vẫn thương em, dù mái đầu/Sợi tóc bạc hiện ra báo động… và lại có một chút trăng gió vu vơ:
Em ghét anh! Rồi em thương anh/Ghét dễ sợ! Thương cũng dễ sợ!/Ghét ghê lắm! Ghét mà lại nhớ/Thương vô cùng, thương đến phải yêu…(Ghét – 13/11/2006).
Với Phan Thiết, Nguyễn Như Mây có rất nhiều bài, có thể kể: Cát, Màu biển, Phan Thiết ra giêng, Trăng trên sông Mường Mán, Thơ trên đồi cát Mũi Né, Phan Thiết của tôi, Trăng trên Lầu Ông Hoàng…Chất Phan Thiết đã thấm đẫm vào thơ Nguyễn Như Mây và ông mang tấm tình quê của mình đến với độc giả các báo, tạp chí: Thanh niên, Tuổi trẻ, Kiến thức ngày nay, Mực tím, Thời văn, Áo trắng…Ta có thể nghe những nhịp rung động của ông về mảnh đất này:
Phan Thiết của tôi, ngày muối mặn/Ướp hồn cá biển chén cơm trưa/Trái ớt dằm thơm màu nước mắm/Ăn ngày biển động nhớ khơi xa (Phan Thiết của tôi) hay:
Đêm qua Phan Thiết đầy trăng/Anh và tháp nước đứng gần với nhau/Như gần em-chút chiêm bao/Rồi choàng vai bước qua cầu - rồi thôi (Mùa thu Phan Thiết)…
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã từng nói về ông: “
Có những người mà cái tên như đã biểu hiện hết cả con người. Nguyễn Như Mây là một trường hợp như vậy. Anh sống nhẹ nhàng, phiêu dạt như mây. Đi khắp nơi, bạn bè khắp chốn, và ở nơi nào gần như cũng có một ánh mắt, một nụ cười khiến anh bật thành tiếng thơ”. Quả thật vậy, lâu lâu không gặp, đến khi giáp mặt, ông hồ hởi “khoe” là mới từ ở đâu đó về. Có điều Nguyễn Như Mây cũng như Tạ Văn Sĩ ở Kon Tum là thường rong ruổi bằng xe máy, có lần còn hơn thế, ông từ Phan Thiết ra Hội An, Huế bằng xe đạp, vậy nên, chất thơ của Nguyễn Như Mây bao giờ cũng phong phiêu như lời tự bạch:
Quen đi nên ít ở nhà/Nước sông gạo chợ thành ra Giang hồ/Thành ra một kẻ mộng mơ/Quen đi nên chẳng bao giờ dừng chân…(Giang Hồ – 25/9/2006).
Tính từ “Trăng bên khung cửa”, “Bóng thu vàng”, “Lửa cháy thành Sài Gòn”…đến nay, Nguyễn Như Mây đã có ngót nghét bốn mươi năm làm thơ. Số lượng thơ nhiều nhưng ông lại chưa ưng ý với sáng tác của mình nên chưa in tập nào, ông bảo “
vậy mình vẫn còn được đi tiếp và viết tiếp”. Ông có cách "xuất bản" đặc biệt : viết tay và trình bày khá ấn tượng và xinh xắn những tập thơ của mình. Nghe đâu đã lên đến 50 tập!
Nguyễn Như Mây thích làm thơ vào mùa trăng, cứ có trăng là ông lại viết được nhiều. Đất Phan Thiết lại biển mùa lắm gió. Có gió, có trăng, mây lại cất bước phiêu du - thầm nghĩ – ông thật sướng bởi như ông nói “
Tôi có một người vợ làm từ A đến Z còn tôi thì chơi từ Z đến A”. Quả thật, như lời của nhà thơ Tần Hoài Dã Vũ, có một Nguyễn Như Mây tên gọi như người.
Trích lời giới thiệu của Đồng Chuông Tử về tập thơ chép tay thứ 50 của Nguyễn Như Mây:
“
Trán hói. Mắt buồn. Khói thuốc. Rong rảo. Ngắm nhìn. Va chạm. Và suy tư.
Yêu thương và mê đắm. Cỏ dại và núi đồi. Tỉnh lự mà đời sống. Hoang nhiên mà trong trẻo ngoan ngời. Đó là tất cả tụ lại trong Nguyễn Như Mây, một, thi sĩ và một kia, định phận con người. Gã thơ mọc lên từ đất đai Phan Thiết. Mênh mông biển và bao la sóng. Có thể cũng sẽ lại rụng về miền đất ấy, mốt mai.
Núi, cỏ dại và thơ, tập thơ chép tay thứ 50 của Nguyễn Như Mây, vòi vọi mà bình dị, chắt lọc lẫn phiêu linh.”
(
Thông tin tổng hợp từ một số website:
http://lavantuan.vnweblogs.com http://www.yahoovanhoaviet.com và
http://tranhoangvys.vnweblogs.com/ )
____________________________________
Một số bài thơ của Nguyễn Như Mây:
Lưu bút hồngTóc con gái đợi ngày hè đến
Nghiêng nửa vai để thấy môi hồng
Rủ nhau ngồi trắng hết bờ sông
Và chép tặng những lời hoa cỏ.
Ai cũng hái theo cành phượng đỏ
Để hóa trang nhân vật của mình
Chín mười năm ngồi ghế học sinh
Giờ lưu bút, viết sao cho hết!
Nước mắt ai để dành trong viết
Chờ thả dòng mực tím bâng khuâng
Nắng chiều hè rưng rức bên sông
Quên nhuộm tím áo dài bè bạn
Chưa bao giờ bọn mình hò hẹn
Để rồi cùng đưa mắt nhìn nhau!
Ai viết xong trước, hãy chiêm bao
Cho lưu bút lắng hồn mực tím.
Ai còn cầm viết và bịn rịn
Xin trao mình một nửa môi cười
Còn nửa kia... mai mốt xa xôi
Đành gói nửa vầng trăng thương nhớ...
______________________
Dã tràngKhông có biển, dã tràng ở đâu
để xe cát ngày đêm cần mẫn
để hò hát nhịp đời lãng mạn
và để yêu cả một đại dương?
Không có sóng, dã tràng về đâu
để lặn lội giữa lòng cát lạnh
mãi đào hang giấu đời bất hạnh
sống âm thầm, mặc kệ trần gian?
Không có trời, dã tràng đi đâu
tìm thiên đường hay tìm địa ngục,
triệu xe cát vẫn thành bất lực
trời vẫn xanh và biển bao la?
Không có thơ, dã tràng biết đâu
bờ cát trắng một lần hò hẹn
áo người yêu lẫn vào chiều tím
mái tóc thề lộng lẫy trăng sao?
Không có tôi, dã tràng nghĩ gì
về một kẻ lang thang ngoài biển
suốt một đời chưa tìm ra bến
neo chiếc thuyền đợi một người thương?
______________________
(3 bài trong tập
Núi, cỏ dại và thơ của Nguyễn Như Mây)
Núi Hồi nhỏ ở nhà bên núi
lớn lên thấy núi bên nhà
tới khi râu tóc đã già
vẫn thấy núi còn chổ cũ...
Núi trong veo trong vắt
Nhìn thấy từng lá xanh
Nhưng không thấy được mình
Đang thả hồn trong ấy
Ở xa thấy núi thấp
Tới gần thấy núi cao
chẳng giống như chiêm bao
gần xa đều mất hết
Chưa lên núi thấy sợ
Núi cao vút tầng mây
tới rồi ta mới hay
lòng mình còn hơn núi
Mất bao ngày leo núi
tìm mãi chưa gặp chùa
Bổng nghe trong sương khói
lòng đã tạnh gió mưa
Lâu, không lên chơi núi
biết núi có già thêm
Nay nhớ , ta lại lên
Núi chê già ..không tiếp !
Ta tìm gì trong núi
Khói sương hay lòng mình
Sương khói thì bồng bềnh
Tìm chẳng bao giờ gặp
Lòng mình thì phơ phất
Như lau trắng đầy rừng
Cỏ Ta thèm có một chổ ngồi
Ngắm trăng sao giửa đất trời mông mênh
Ta thèm có một cõi riêng
Ngả lưng trên cỏ, nhắm nghiền mắt quên
Xuống đèo , ta vi mình cười
Những quanh co núi nổi trôi sương mù
Những hoa lá vẫn tươi vui
Khuất trong mây gió nhìn đời như không
Không ai trồng mà mọc
Không ai chăm mà tươi
Dù mưa nắng vẫn cười
Quên , mình là cỏ dại
Quên cả mình mãi mãi
Còn mọc khắp trần gian…
ThơCửa không đóng vào vô tận
Làm sao biết chổ cuối cùng
Tôi đành đứng giửa hư không
Thắp vội cho mình điếu thuốc
Trong tôi có một dòng sông
Chảy qua ngày tháng rồi không quay về
Nhiều khi tôi chợt lắng nghe
Ở trong dòng nước chảy kia có mình
Quán khuya ngồi lại một mình
Tôi nghiêng ly rượu để tìm bóng tôi
Quán khuya ngồi đã cuối đời
tôi nghiêng tôi xuống để cười bóng trăng
Ta giống như chiếc thuyền
Gập ghềnh trăm ngọn sóng
Ta giống như hy vọng
Lênh đênh mãi biển đời
Và, ta giống mọi người
Không nhìn ra hạnh phúc
Một hôm nắng xuống thật gần
Và trong tới độ chỉ cần nhìn lên
Là tôi đã thấy được mình
Đang đi trong ấy như chìm trong mơ
______________________
Đêm Phan ThiếtKhi đêm Phan Thiết lên đèn
sông Mường Mán bắt đầu chìm dưới trăng
lưới chài ai mới vừa quăng
nghe như sóng gợn lăn tăn lòng mình
tôi ngờ ngợ đó là Em
Áo bà ba trắng chèo thuyền đêm đêm
phải Em thì cất tiếng lên
cho tôi nghe với, cho mình gặp nhau
để sông Mường Mán chiêm bao
thả cho hai đứa trôi vào đêm trăng...
(18.10.2008)
(nguồn
http://www.thanhnien.com....00842/20081018150142.aspx )
______________________
Còn nhiều bài thơ khác của Nguyễn Như Mây, em đã sưu tầm, sẽ giới thiệu sau vậy “: )
"Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!"
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi.
(Olga F. Berggoltz)