Giới thiệu một thi tài bị lãng quên:
Xuân Chiến địa, thơ của nữ sĩ Ngân Giang
Nữ sĩ Ngân Giang (1916-2002) tìm đến với phong trào cách mạng - Đó là vào năm 1935 - Bắt đầu bằng việc làm giao thông cho Đoàn Thanh niên cộng sản. Cũng từ thời gian này, bút lực của nữ sĩ càng thêm sung sức hơn. Vào một đêm mật thám Pháp đã tới nhà khám xét, tra hỏi vì "cô Hạnh Liên (Ngân Giang) đã làm thơ kêu gọi thanh niên đứng lên cứu nước dán ở Đền Ngọc Sơn".
Mẹ chồng, vì lo cho sự an toàn của gia đình, đã không ngớt lời chì chiết cô con dâu là "mầm mống gieo họa cho cả dòng họ". Một đêm mưa gió bão bùng, bụng mang dạ chửa, Hạnh Liên lại gieo mình xuống Hồ Tây. "Dường như trời chưa cho tôi thoát kiếp trầm luân" - sau này nữ sĩ nhớ lại. Rồi bà bảo: "Kiếp trước tôi là võ tướng, vì giết nhầm một văn nhân nên kiếp này phải làm thi sĩ để trả nghiệp". Vì là nghiệp chướng nên cái nợ văn chương cứ đeo đuổi mãi.
Và bài “Xuân chiến địa” ra đời năm 1946 là một trong những bài thơ hay trong số thơ hay nhất của nền thơ ca cách mạng thời chống Pháp, có sức hấp dẫn, động viên thực sự với cả một lớp thanh niên chống ngoại xâm hồi ấy, tỏ rõ “Câu thơ đã chuyển cả sơn hà”.
Xin giới thiệu với các bạn một tấm lòng của một nữ nhi, dám từ bỏ tất cả để cống hiến hết sức mình cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức:
Gió dịu mơ hiền ánh nắng tươi
Núi sông bừng nở vạn hoa cười
Bãi sa trường ngát men tranh đấu,
Có kẻ say nhìn chốn viễn khơi
Người đẹp phương trời xiết đợi mong
Một chiều nhạc ngựa rộn ven sông
Chàng đi lo trả thù dân tộc,
Đã trở về cùng những chiến công.
Lời thư và áo giai nhân ấy
Giữa độ thu sang chớm lá vàng
Đây cả tấm lòng dâng chiến sĩ,
Quên tình riêng nhé, nhớ giang sang.
Công chúa Ngọc Hân mơ Nguyễn Huệ
Bởi say sự nghiệp khách anh hùng
Em cũng mơ người trai đất Việt,
Sẽ là những bậc Nguyễn Quang Trung.
Đẹp gì chăn gối trong khi cả
Dân tộc sôi lên chí quật cường
Hãy gác tình riêng mưu nghiệp lớn,
Để giòng máu giặc dội biên cương.
Ngày mai trọn phận người dân nước
Vó ngựa xin dừng trước mái tranh
Để ngắm ai xưa ngồi dệt lụa,
Má đào còn thắm tóc đương xanh.
Nếu sớm hy sinh nơi chiến địa
Chữ vàng chói lọi ánh vinh quang
Em kiêu hãnh như chồng em đã
Sống với thời gian, vượt thế gian
Đêm nay vườn trước bao nhiêu lá
Đã rụng theo nhiều với gió may
Em vội vàng đan xong chiếc áo,
Gửi người muôn dặm chắc vừa tay
Hẳn đã nêu cao gương chiến sĩ
Nên hoa hồng nở báo vinh quang
Lòng đầy nguyện ước, đầy tin tưởng
Chép vội lời thơ gửi đến chàng.
Trăng trong một mảnh soi đôi ngả
In chếch tường hoa chiếc bóng chờ
Nguyện sẽ ấm lòng khi nhạc ngựa,
Rung đều dưới dáng liễu lơ thơ.
Lời ai xúc động lòng anh dũng
Chiến sĩ cao nhìn thẳng núi sông
Ta quyết hứa người trai đất việt,
Sẽ là những bậc Nguyễn Quang Trung.
Phất phới cờ đào bay gió cuốn
Mây vàng, kiếm sáng lóa hào quang
Các anh, một mối thù dân tộc,
Cả một mùa xuân giữa chiến trường.
Bùi Thụy Đào Nguyên, sưu tầm
Phần giới thiệu tôi có copy một phần bài viết của Lê Thọ Bình.
Bạn đọc có thể vào đ/c ghi sau để xem toàn văn và cũng để biệt thêm một thân phận tài hoa nhưng bạc phận
http://vtc.vn/p.../5835/index.htm(Trong sách Việt Nam thi nhân tiền chiến,quyển trung,tr 151 của 2 soạn giả Nguyễn Tấn Long& Nguyễn Hữu Trong, nxb Sống Mới, năm 1968; có ghi lời than phiền của thi sĩ Thẩm Thệ Hà như sau:
Điều làm cho ngạc nhiên là tại sao các nhà phê bình văn học lại bỏ quên một nữ sĩ tài hoa đến thế?...)