Chiếc áo rộng cho một cơ thể còm
18:10:00 27/07/2008
Chưa vượt khỏi giới hạn của năng lực sáng tạo, nhưng không ít nhà thơ xứ ta lại như bị ám ảnh bởi danh tiếng của nhà thơ ở thời vàng son trước đây, nên vẫn cố gắng "tô son" cho nghề nghiệp của mình bằng cách vơ quáng vơ quàng mấy cái áo xem ra quá rộng với một cơ thể còm. (...) Chưa mang tâm thế hiện đại thì đừng vội nghĩ đến hậu hiện đại. Cũng đừng coi việc sử dụng một cách ngọng nghịu một vài thủ pháp của hậu hiện đại là nghiễm nhiên có sáng tác hậu hiện đại.
Cách đây không lâu, bàn tới hậu hiện đại trong thơ, tôi đề xuất ý tưởng rằng các nhà thơ hãy đi hết con đường hiện đại rồi hãy tính đến hậu hiện đại. Đó là suy nghĩ nghiêm túc khi nhìn nhận hiện đại như một khái niệm có nội hàm là chỉnh thể thống nhất của nhiều yếu tố.
Tôi tin đối với thơ, không có chuyện "đi tắt đón đầu" một khi nhà thơ chưa chuẩn bị những hành trang tinh thần thiết yếu. Một trào lưu nghệ thuật thật sự mang ý nghĩa xã hội - con người bao giờ cũng mang chứa nguồn gốc tinh thần sâu xa, không phải là trò chơi hình thức, thuần túy cá nhân.
Tại hội thảo Lý luận văn học Việt Nam thế kỷ XX tổ chức ngày 7/6/2008 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, TS Hoàng Ngọc Hiến trình bày tóm tắt bản tham luận nhan đề “Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại”.
Nghe Tiến sĩ trình bày, tôi nghĩ nên tham khảo ý kiến của ông, rằng: Chúng ta nhắc nhiều tới hậu hiện đại nhưng lại bỏ qua hiện đại, cần nhìn nhận hiện đại không chỉ như một trào lưu nghệ thuật, cần nhìn nhận nó trên bình diện rộng hơn là lối sống, là tư duy, là trình độ phát triển…
Vâng, tôi vẫn nghĩ, hiện đại không phải là khái niệm chỉ dành riêng cho nghệ thuật. Đó là một khái niệm có nội hàm rất rộng, bao quát trạng thái cùng sự phát triển văn hóa - văn minh, bao quát mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội - con người. Vì thế, thơ hiện đại không phải là cái gì khu biệt, nó liên quan tới nhiều lĩnh vực khác như năng lực tư duy, trình độ nhận thức, và điều quan thiết trước hết là trình độ phát triển của nhà thơ.
Một ngày có người còn lầm lẫn giữa phương tiện sống hiện đại với tư duy hiện đại, một ngày lối ham hố bằng mọi cách kiếm được chỗ ngồi trên chiếu thơ và lối tư duy tiểu nông hẹp hòi còn chi phối cảm thức của người làm thơ qua hành vi thơ manh mún, cảm tính, học đòi, a dua… thì ngày ấy tác phẩm của họ chưa thể hiện đại một cách triệt để.
Hơn 70 năm trước, bằng sự ra đời của phong trào Thơ Mới, thơ Việt Nam đã có bước đi đầu tiên của thời hiện đại. Nhưng thiển nghĩ, có thể coi đó mới chỉ là hiện đại được đặt trong quan hệ với tiến trình lịch sử, chưa phải là hiện đại như một trào lưu nghệ thuật?
Nhầm lẫn các tính chất ấy, người ta dễ ngộ nhận làm thơ trong thời hiện đại thì sẽ (phải) là thơ hiện đại. Còn từ quan hệ nội dung - hình thức, có nên nói như ai đó rằng, đến hôm nay hình thức của thơ Việt Nam vẫn là vệt kéo dài của Thơ Mới?
Nhận xét thật sòng phẳng, những cách tân mà một số nhà nghiên cứu - phê bình đã phát hiện từ sáng tác của Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền… chỉ là hiện tượng đơn lẻ, có ý nghĩa tác giả, thiếu tính phổ quát; hầu như chưa thấy người làm thơ nào học hỏi, vận dụng để từ đó hình thành một đội ngũ, một thế hệ người làm thơ cùng chung xu hướng tư tưởng - thẩm mỹ, đủ sức tiến hành một cuộc cách mạng trong thơ, như các tác giả Thơ Mới đã làm. Đọc “Trần Dần - thơ”, tôi khâm phục ông khi đọc một số bài vốn có mặt trong “Cổng tỉnh”, hơn là các bài ở nửa sau của tập.
Một số người coi Trần Dần là nhà thơ có nhiều cách tân, tôi tôn trọng điều đó, song thành tựu của ông liệu có ý nghĩa lớn lao hay không nếu dừng lại ở một số trò chơi chữ nghĩa, ở một số bài nghiên cứu - phê bình? Tôi nghĩ người ta cứ tán dương vậy thôi, chứ người ta không muốn học tập (không có khả năng học tập?).
Tán thưởng một văn bản lạ mắt không đồng nghĩa với việc thẩm định một bài thơ hay. Tương tự như mấy năm trước, có nhà thơ xuất bản một tập thơ - họa. Tôi xoay ngược xoay xuôi mấy bức tranh có kèm theo mấy câu thơ rồi đành bất lực, không biết làm thế nào để khám phá ra cái đẹp cái hay. Tranh thì chán mà thơ thì dở. Báo chí cũng rùm beng cả lên, nhưng cái sản phẩm nhất bản, nhất kỳ, nhất lạ, nhất non tay kia cũng trở nên vô tăm tích sau vài tuần sinh nở.
Cách tân vốn là một động thái sáng tạo bắt nguồn từ sự nhận thức một cách bản chất, sâu sắc về sự vật - hiện tượng, từ đó làm mới những gì đã có. Cái được gọi là cách tân không bao hàm ý nghĩa loại biệt, và mọi người liên quan có thể học hỏi, kế thừa, phát triển.
Tiếc rằng, vào lúc năng lực sáng tạo của đa số nhà thơ Việt Nam chưa đạt tới một tầm mức tư tưởng - thẩm mỹ mới thì các cách tân về hình thức thường vẫn được cổ xúy rình rang nhưng ảnh hưởng mờ nhạt, nếu không muốn nói là "cách tân" sớm yểu mệnh.
Không được trang bị hiểu biết cơ bản về quan hệ biện chứng giữa nội dung với hình thức, một nhà văn kiêm nhà thơ trẻ quả quyết: "Đã đến lúc, viết như thế nào quan trọng hơn viết về cái gì! Đang có một làn sóng cách tân cả nội dung lẫn hình thức, nhưng cách tân hình thức đi xa hơn và cách tân hình thức đã có độc giả của nó".
Và tôi nghĩ, nhà thơ Inrasara đã không sai khi trả lời phỏng vấn rằng: "Riêng lí thuyết thì có đến 95% nhà văn ta mờ mờ nhân ảnh". Mới đọc vài cuốn sách đã vội khuyên mọi người phải đọc sách này sách kia thì khó mà thành tài.
Cách tân ư, có ai phản đối đâu, song cách tân như thế nào mới là điều đáng bàn, xin dẫn lại ý kiến của một cây bút trẻ về vấn đề này: "Có lúc mình cảm thấy hoang mang với cái gọi là cách tân. Đọc báo, thấy người ta khen nghi ngút tác giả này, tác phẩm kia mới mẻ, hay ho. Mình đọc đi đọc lại, nghĩ ngược nghĩ xuôi, chỉ thấy mới thì mới thật, còn lại là... chẳng hiểu tác giả viết gì.
Rồi lại nghĩ: Hay là mình chưa đủ trình độ để cảm thấy cái hay ấy. Nhưng những người phê bình lại thường chẳng chỉ ra cái hay, mà chỉ khen thôi. Mình nghĩ, cách tân là điều văn học mọi thời đại đều đòi hỏi, vấn đề còn lại là cách tân như thế nào cho khỏi sa vào chuyện thuần túy hình thức, chuyện cách tân lấy được".
Xin dẫn thêm ý kiến của Nguyễn Thanh Sơn trên Thể thao & Văn hóa ngày 27/6/2008: "Nếu không có trụ cột là tình yêu với cuộc sống thì đi tìm những thể nghiệm cách tân, hiện đại… chỉ là những mỹ từ che đậy cái anh đánh mất. Những thể nghiệm đó không đi đến đâu cả, chừng nào họ chưa tìm được tình yêu cuộc sống".
Chưa vượt khỏi giới hạn của năng lực sáng tạo, nhưng không ít nhà thơ xứ ta lại như bị ám ảnh bởi danh tiếng của nhà thơ ở thời vàng son trước đây, nên vẫn cố gắng "tô son" cho nghề nghiệp của mình bằng cách vơ quáng vơ quàng mấy cái áo xem ra quá rộng với một cơ thể còm.
Từ hậu hiện đại đến trình diễn thơ… theo tôi, chỉ là cố gắng vô vọng của một số người làm thơ. Chưa mang tâm thế hiện đại thì đừng vội nghĩ đến hậu hiện đại. Cũng đừng coi việc sử dụng một cách ngọng nghịu một vài thủ pháp của hậu hiện đại là nghiễm nhiên có sáng tác hậu hiện đại.
Tỷ như cái món được định danh là "thơ giễu nhại" chẳng hạn. Khi người làm thơ phải dựa theo tác phẩm của người khác để giễu nhại thì dẫu anh ta có tài hoa đến đâu, tư tưởng của anh ta có lớn đến mức nào thì xét đến cùng, anh ta chỉ là người sáng tạo hạng hai. Bởi, nếu không có thơ của người khác thì anh ta bó tay ư?
Mặt khác, xưa nay giễu nhại vốn vẫn được coi là một thủ pháp nghệ thuật, không chờ đến khi hậu hiện đại xuất hiện thì thủ pháp này mới ra đời. Còn khi giễu nhại lại kết hợp với việc ném bừa bãi ngôn từ tục tĩu vào thơ thì xin lỗi, thơ ấy chỉ có thể đọc lên trong lúc thù tạc của mấy vị cùng hội cùng thuyền. Người biết đỏ mặt vì xấu hổ sẽ không đọc hoặc không muốn nghe xướng lên cái món thơ mất vệ sinh ấy.
Thêm nữa, nếu lấy giễu nhại để ám chỉ, chửi bới các vấn đề xã hội - con người mà người làm thơ không vừa ý, muốn phản kháng thì đó chỉ là thơ hạng bét. Chửi, đó là điều chưa và không bao giờ có thể trở thành nguồn cội sinh ra tuyệt tác, dù thế nào thì "tính văn hóa" vẫn là một trong các tiêu chí cơ bản đo lường phẩm chất con người, đo lường phẩm chất các sản phẩm do con người làm ra.
Còn hậu hiện đại ư, hãy trang bị một hành trang tinh thần, một tư duy, một cảm thức của con người ở thời hiện đại rồi hãy đi tiếp con đường muốn đi. Đừng bắt trí tuệ phải gồng mình mang tải những ý nghĩa mà nó không có khả năng mang tải.
Tôi luôn nhìn nhận ngôn ngữ là một giá trị tiêu biểu của văn hóa. Và cũng luôn nghĩ, phải phát triển đến một trình độ nào đó con người mới có khả năng làm cho ngôn ngữ trở nên trong sáng rồi sử dụng như là một biểu thị của phẩm chất văn hóa, thể hiện trong ứng xử với xã hội - con người. Từ đó, ngôn ngữ ngày thường sẽ thăng hoa, trở thành ngôn ngữ văn chương. Chúng ta coi văn chương là một trong các thành tố làm nên văn hóa là vì vậy. Qua văn chương, có thể nhận diện một nền văn hóa, nhận diện phẩm chất văn hóa của một cá nhân cũng là vì vậy. Phải chăng do thế mà tôi dị ứng với từ ngữ bẩn thỉu trong thơ?
Gần đây tôi đọc trên Internet mấy bài thơ của N.Đ.C. và tôi muốn được nói rằng, công bố thơ là quyền của tác giả, song giá như trước khi bày thơ ra trước thiên hạ, N.Đ.C. nghĩ tới việc "trần qua nước sôi văn hóa" thì có hơn không? Với một vài người trẻ làm thơ bây giờ, họ thản nhiên văng tục trong thơ, coi đó như chuyện bình thường. Phải chăng, họ tìm thấy khoái cảm khi cố tình làm nhem nhuốc "nàng thơ"?
Như đã nói, tôi luôn dị ứng với loại ngôn ngữ bẩn thỉu trong thơ cũng như trong mọi hành xử có liên quan tới xã hội - con người. (Cho dù tôi vẫn biết đôi khi việc văng tục cũng giúp người ta "xả" sự bực bội, tức tối, ấm ức mà các hành vi khác không giúp thỏa mãn được). Phải chăng do gu thẩm thơ của tôi đã cũ kỹ nên không ngửi thấy mùi bốc ra từ các bài "thơ dơ"?
Nếu ai đó quan tâm tới vấn đề, hãy phản biện điều mà sinh thời, học giả Đoàn Văn Chúc đã định nghĩa với đám học trò chúng tôi rằng: "Nói tục là ngôn ngữ nguyên thủy của loài người khi chưa được văn hóa hóa")
theo: Nguyễn Hòa
Chạnh lòng gấp một câu thơ
Dũng buồn thả những ước mơ trôi dòng
Tác giả Phan Đức Dũng