Trang trong tổng số 1 trang (7 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Dạ Thảo

Ngày 16.8.2011.
  Nghe anh rể điện về, giọng hồ hởi phấn khởi- em biết chị đã phục hồi sức khoẻ, tức là đã đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ được. Anh rể thật thà, mộc mạc, đơn giản quá chừng. Chăm chỉ, giản dị, chung thuỷ, yêu vợ, quý con, được hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp, họ hàng...  yêu thương quý mến...- Anh là mẫu đàn ông hiếm hoi như loài khủng long đã tiệt chủng chợt nảy nòi một con tái thế để giành riêng cho chị...Bao người thân yêu mừng thầm cho chị " Trời có mắt" "Ở hiền gặp lành mà...". Cũng có những người phụ nữ đố kỵ, ghét ghen " Cô ấy cũng có gì là sắc nước, hương trời đâu cơ chứ!" "Sống mơ mộng trên mây, trên gió. May mà vớ được ông chồng tốt, biết lo toan , vun quén cho tổ ấm gia đình. Cứ như cô ta có mà...cám cũng chẳng đủ ăn...".
  Dù ở cách xa chị hàng mấy trăm cây số, em cũng biết chị chỉ khoẻ phần xác. Phần hồn chị tướp tơ, rã rượi. Chắc chắn từng đêm chị vẫn khóc lén chồng...Anh tốt đến ngờ nghệch. Làm sao anh hiểu nổi chị đây?
Chị gái ơi! Em thương chị vô hạn...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Dạ Thảo

Hôm ấy, ở trong hang nơi sơ tán, Lan Anh và Vân Anh được ăn cơm với cá. Khi chiều đuổi những giọt nắng cuối cùng ra khỏi hang thì mẹ và cô Nhung ướt như chuột lột trở về, trên tay hai người là hai xâu cá nặng trĩu...
Máy bay Mĩ thả bom cầu bản Chượp, cá lớn cá bé chết nổi lềnh bềnh. Đợi máy bay im ắng hồi lâu, dân bản Chượp túa ra hua cá. Trẻ choai choai thì cởi truồng tồng ngồng lặn ngụp trong dòng suối đục ngầu. Có ông trung niên đi rừng lấy củi ngang qua đấy thấy tiếc của trời,cởi vội quần áo vứt vào bụi cỏ cũng tay trái khư khư giữ của quý, tay phaỉ tranh thủ  quơ quáng quơ quàng những con cá bé xâu vào cọng cỏ nậm ở mồm để bán cho cán bộ. Mẹ và cô Nhung vừa chia cá cho mọi người vừa cười khúc khích. Mẹ tranh thủ nấu cơm, tắm táp cho hai chị em và cho chúng ăn trước.
Tối bố về muộn hơn mọi khi. Bố mang theo một đứa bé trai chừng năm, sáu tuổi, tóc sém như lông bò, mặt cắt không còn một hạt máu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Dạ Thảo

Bố bảo: khi bố và chú Toản đi dạy học ở Ca Tủ về qua cánh rừng ma bản Chượp, bố thấy túp lều của người đàn bà ma cà rồng đã cháy tan, người đàn bà nằm thoi thóp thở, thằng bé ba tuổi đã chết trong vũng máu, mắt vẫn mở trừng trừng, ruột gan và bộ phận sinh dục văng đi đâucả...Thằng bé này ôm bó củi từ bìa rừng về, đứng chết trân không khóc nổi một tiếng. Bố bế thằng bé , còn chú Toản đi tắt ngang cánh đồng, báo cho bệnh viện  cử người ra cứu ...nhưng  không kịp nữa rồi. Người đàn bà bất hạnh đã trút hơi thở cuối cùng...
Cách đấy mấy hôm, đi dạy học về qua rừng ma ,bố mới tình cờ phát hiện ra người thiếu phụ khoảng chừng ba mươi tuổi lam lũ khắc khổ mà vẫn đẹp hoang dại cùng hai đứa trẻ này trong rừng... Khi hỏi già làng mới biết cô ta tên là Siểng. Ngày xưa, mẹ Siểng đẹp nhất bản ...mới 15 tuổi mà đêm nào cũng có trai bản về chọc sàn... Khoảng đất dưới sàn nơi mẹ Siểng ngủ ngày càng nhẵn thín, trơn tuột đi...Cái môi cứ chon chót đỏ, cái má cứ phơn phớt hồng, và hai con mắt...Chao ôi hai con mắt cứ sóng sa sóng sánh ướt rượt. Thế mà chưa có thằng trai bản nào lọt vào đôi mắt ướt rượt ấy kể cả Tun- con trai trưởng bản...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Dạ Thảo

Người ta đuổi mẹ Siểng ra khỏi bản. Tun- cậu trai mồ côi  chưa một lần dám  đến chọc sàn nhà mẹ Siểng lẳng lặng vào rừng, chặt cây làm lán cho mẹ Siểng ở và trở thành... bố của Siểng.
Trong rừng ma, đã có tiếng cười tiếng khóc của Siểng. Đó là niềm an ủi lớn lao trong cuộc đời đôi vợ chồng trẻ bất hạnh...  Hàng ngày, bố mẹ Siểng thay nhau vào rừng kiếm măng, đào củ mài, tra ngô...Thi thoảng, trong bản có đám ma nhà giàu, người ta đem xôi, con gà luộc, thậm chí cả cái thủ lợn cúng trên mộ người chết. Khi tang chủ ra về thì bố Siểng ra lấy về cho vợ con ăn. Những bữa ăn tươi hiếm hoi  ban đầu cũng làm cho hai vợ chồng trẻ cảm thấy rờn rợn ...day dứt...song thương con quá, đằng nào họ cũng bỏ đi rồi nên bố Siểng cứ liều.  Trước đây khi bố mẹ Siểng chưa sống ở rừng ma ,người ta vẫn làm như vậy. Thú rừng quen mui, cứ thấy kèn trống đám ma là đợi người ra về, xông vào chén sạch không còn một giẻ xương nhỏ nào...Họ tin là hồn người chết đã về ăn hết đồ cúng bái.
Rồi một lần, người ta rình thấy bố Siểng lấy cắp đĩa xôi, con gà luộc, đã xông vào đánh bố Siểng lết lê thân tàn ma dại. Ba tháng sau, bố Siểng trút hơi thở cuối cùng...Hai mẹ con Siểng- hai con ma cà rồng-lầm lụi ôm nhau khóc rưng rức trong rừng ma...
Bạn đã lần nào nghe người Thái kể nhũng chuyện rùng rợn về ma cà rồng chưa?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Dạ Thảo

Hai vợ chồng chú Năng cô Tĩnh là hai giọng ca Át chủ bài của Đoàn Văn công Khu. Hai người cưới nhau đã năm năm mà vẫn chưa có con. Cả hai đều có chung cảnh ngộ là con độc, lại mẹ goá con côi nên quyết định đón cả hai bà mẹ lên cùng chung sống nơi sơ tán. Mọi người trong Đoàn thường đùa lén sau lưng gọi hai bà già là bà cụ Đực và bà cụ Cái.  Bà cụ Đực( mẹ chú Năng) hiền lành, ít nói bao nhiêu thì bà cụ Cái( mẹ cô Tĩnh) lại chua ngoa, lắm mồm bấy nhiêu. Hang Thẳm chứa đủ mười một hộ gia đình văn công chung sống trong những ngày giặc  Mỹ  điên cuồng ném bom bắn phá miền Bắc... mỗi "nhà" ở cách nhau chưa đầy nửa mét. "Nhà " Lan Anh- Vân Anh ở  liền kề "nhà" bà cụ Đực- bà cụ Cái. Khi bố đi dạy học và mẹ đi tập múa, bà cụ Đực thường giúp trông nom hai bé, tha thẩn nhặt  con ốc sên rửa sạch phơi nắng ngoài cửa hang rồi đem về dạy chúng chơi bán hàng hoặc giúp các nhà hàng xóm hứng từng giọt nước chảy tong tong trên nhũ đá vào cái xô sắt cũ kỹ xộc xệch... Bà cụ Cái thì cứ  nhằm nhằm chỉ chực mẹ đi làm về là lăn sả đến kể hàng lô xích xông những chuyện  trên trời dưới biển... Ban đầu bà cũng nói chầm chậm đủ nghe rồi tốc độ nói cứ  tăng dần, tăng dần như súng bắn liên thanh, âm thanh cũng cứ to dần, to dần... lại được vách hang vào hùa vọng lại nên nghe cứ như bộ nhại phập phừng ò è phát ra từ phòng ông Đởn- người phụ trách tăng âm loa đài của đoàn văn công khu ấy. Khi hứng thú cao độ, hai tay bà vung lên, mắt bà lúc lim dim như chìm đắm trong suy tư... khi ánh lên những tia tai quái;  man rợ hệt mắt phù thuỷ, miệng thì bắn ra những tia nước bọt đùng đục  như màu nước vo gạo... Bố không ưa bà cụ Cái mỗi khi bà đến chơi lâu, kể chuyện con cà con kê nhưng vì cả nể bố chỉ phản ứng bằng cách vặn to cái đài xi-ong- mao lên cho át tiếng bà đi. Kệ! Bà cứ giả tảng như không nghe, không thấy, cứ say sưa đắm đuối, cứ thao thao bất tuyệt  kể cho sướng  cái mồm...chẳng cần biết phản ứng của người nghe ra sao nữa . Thỉnh thoảng như bị điện giật, như bị nhập đồng, như con choi choi , bà cứ nhảy cỡn lên, hai cái vú bánh dày nhảy nhảy nom ngứa mắt đàn ông lắm! Bà tuy đã năm mươi tuổi nhưng nom chỗ nào vẫn ra chỗ ấy... nghe nói cô Tĩnh là kết quả lần thăng hoa duy nhất trong đời bà trước khi người yêu bà ra trận và vĩnh viễn nằm lại nơi rừng sâu heo hút...Ban đầu bà mắc bệnh trầm cảm kéo dài, bà đặt tên con gái là Tĩnh những mong tâm hồn mình tĩnh lại. Bỗng ngoặt 180 độ, bà mắc chứng nói nhiều, nói nhảm từ bao giờ chẳng rõ. Bác sĩ bảo bà mắc bệnh tâm thần phân liệt, bà cần nói để giải toả những uẩn khúc trong lòng mới mong khỏi bị điên thật ...Hồi sinh xong cô Tĩnh, bà có thiếu gì đàn ông theo đuổi đâu cơ chứ ...Từ cái bọn choai choai mới lớn râu lún phún vàng như râu ngô đến các lão sồn sồn vợ bìu con ríu ... nhìn bà là bà biết ngay là họ muốn gì. Mặc dù bị mang tiếng là chửa hoang nhưng bà là người phụ nữ đứng đắn, chung tình nhất. Trong mắt bà, bọn đàn ông con trai chỉ là một giống đực không hơn không kém, chỉ mỗi "anh Phát" nhà bà- bố cô Tĩnh duy nhật ngự trị vĩnh viễn trong trái tim yêu của bà...  
Đàn bà con gái lạ thật đấy, họ rất hay ghen ghét đố kỵ trong tình yêu nhưng lại rất dễ động lòng thương cảm những người đồng giới bất hạnh...Các cô văn công thường bảo nhau" Bà cụ Cái khẩu xà tâm phật; thời buổi chiến tranh, cái ăn cái mặc còn chưa lo đủ, chuyện được xem sách báo cứ như xa xỉ phẩm, được bà đến kể chuyện không công cũng ngộ ra bao điều...mà chuyện bà kể cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn lắm chứ!"
Nhưng các cô thích nhất khi nghe bà kể chuyện ma cà rồng, mặc dù thích đấy nhưng đêm xuống chẳng may có mót tiểu tiện cũng sợ rúm ró chẳng dám mò ra cửa hang một mình...đành phải nhờ đức ông chồng đưa đi. Suốt ngày chúi  trong hang oi nồng chật chội, cái chiếu rải của từng nhà sát sạt gần nhau, vợ chồng muốn tình cảm cũng khó...Đêm thanh được làm vệ sĩ dẫn vợ ra khỏi hang không nghe tiếng máy bay Mỹ ầm ào, vợ chồng chìm đắm trong mênh mông hơi thở đại ngàn, cảm xúc yêu thương thăng hoa lắm chứ!
Chính vì vậy, chỉ một năm  mười một hộ sơ tán trong hang,đã có chín đưấ trẻ cất tiếng khóc chào đời với những cái tên gắn liền nơi cát bụi chúng đã manh nha bước vào cõi người...

Xin lỗi bạn đọc vì tôi đã sa đà vào những chuyện vặt vãnh chẳng liên quan đến câu chuyện Ma Cà Rồng tôi nhắc ở trên. Bạn ơi! Đừng đồ rằng tôi cố tình lẩn tránh để khêu gợi trí tò mò nơi bạn. Khi viết, tôi hoàn toàn bị cảm xúc chi phối, lôi kéo...để chữ  cứ tự gọi chữ, câu  cứ tự gọi câu. Tôi không thể lập được đề cương bố cục cho một bài viết  của mình thì cũng giống như người chị gái song sinh lãng mạn mộng mơ của tôi không thể tính toán từng bước đi cho cuộc đời của chị mà thôi...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Dạ Thảo

Trong đoàn dân công phục vụ chiến dịch Biên Giơí năm ấy, Pỉnh là cô gái xinh đẹp dịu dàng nhất. Không ai biết quê cô ở đâu bởi mỗi khi có ai hỏi về hoàn cảnh gia đình, cô chỉ đỏ bừng mặt, lí nhí đáp:"Em ...khôông...bết". Cái giọng ngập ngừng, e lệ  và lơ lớ  cùng thái độ sợ sệt ấy khiến người hỏi cũng cảm thấy lúng túng, ngại ngùng không nỡ  truy hỏi cô nữa. Nghe giọng nói, mọi người đoán cô là con gái Thái vùng Tây Bắc. Cô có thân hình mảnh mai, nước da trắng như cái măng rừng mới bóc vỏ,đôi môi lúc nào cũng như được nhuộm bằng hoa đào, đôi mắt ươn ướt vương vương sợi buồn. Thế nhưng khi  vận chuyển vũ khí, lương thực hoặc cáng thương, cô lại là người nhanh nhẹn tháo vát nhất. Cô thổi cơm cũng khéo hơn mọi người. Cơm cô nấu lúc nào cũng hơi cháy cạnh, chưa ăn mới ngửi thôi đã cảm nhận được hương vị nồng nàn của lúa mường, lúa bản...
Pỉnh còn được các chị trong đoàn quý yêu bởi cái nết nhịn nhường nữa. Ngồi ăn cơm, bao giờ cô cũng tranh ngồi đầu nồi để xới cơm cho mọi người, còn mình thì cứ ăn nhỏ nhẻ đợi mọi người ăn xong đứng cả dậy, lại tranh phần rửa bát...
Các cô dân công miền xuôi 18, 19 tuổi bận áo cánh mầu nâu non hoặc áo xanh sĩ lâm bên trong mặc coóc - xê độn nhọn hoắt. Áo mặc chưa lâu mà hai bên ngực áo đã có một khoảng trống to bằng đồng năm xu bạc phếch, thậm chí rách riêng chỗ ấy. Riêng Pỉnh thì mặc áo chàm bó sát phần eo thon lẳn và bộ ngực đồ sộ không có vũ khí che chắn. Một lần, chị đội trưởng phơi quần áo thấy Pỉnh nhìn chiếc coóc- xê của chị với ánh mắt thèm thuồng nom đến tội. Chị lục cục bới trong tay nải tìm cái coóc - xê cũ đưa cho Pỉnh:
- Em lấy cái này mà mặc!
- A lúi! Cái này chắc đắt tiền lắm! Em khôông dám lấy của chị đâu vớ!
- Không sao đâu, chị còn hai cái để dùng mà. Nếu chỉ có toàn chị em gái mình với nhau thì không sao, hàng ngày mình đi chuyển gạo , chuyển đạn, gặp bộ đội thì không tiện
  Chị đội trưởng chân thành quá, Pỉnh không nỡ từ chối. Từ đó, hai chị em càng thân với nhau hơn, đêm nào ngủ cũng chọn chỗ ngủ ngoài cùng cạnh nhau trên cái sập dài đan bằng nứa.
   Một đêm khuya khoắt, chị đội trưởng giật mình tỉnh giấc, quờ tay sang ôm Pỉnh thì lạ chưa, tay chị hụt hẫng, trơn tuột khi định xích lên ôm lấy khuôn mặt xinh đẹp của Pỉnh. Dưới ánh trăng mờ ảo lọt qua lán trại, chỉ còn thân hình mảnh mai, eo thon và bộ ngực đồ sộ của Pỉnh. Cái đầu Pỉnh đã bay đi đâu tự bao giờ không biết nữa...Chị cấu véo vào tay đau điếng, biết không phải là ngủ mơ, chị đã định hô hào mọi người dậy xem thực hư ra sao nhung lại nghĩ chị em cả ngày vất vả lăn lộn với nắng mưa, dưới bom đạn rồi...giấc ngủ quý hơn vàng, thôi mình cứ để cho mọi người ngon giấc, mai còn tiếp tục nhiệm vụ của mình.
Chị đánh liều sờ tay vào phần cổ Pỉnh thì thấy nó nhơn nhớt, nhầy nhẫy , trơn tuột như rêu đá. Chị  đang chưa biết xử trí ra sao thì nghe có tiếng "pựt" rất nhỏ, cái đầu Pỉnh từ đâu bay về, đã kịp thời nhập vào thân hình Pỉnh. Pỉnh quờ tay ôm chặt lấy chị làm toàn thân chị nóng lên hầm hập , chị cố nén xúc động nhưng vẫn nghe thấy tiếng tim mình đập thình thịch...thình thịch...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Dạ Thảo

Đêm sau, chị giả vờ ngủ sớm, giả vờ ngáy phì phì, tay vẫn âu yếm quàng ôm cổ Pỉnh. Nửa đêm, ngỡ chị ngủ  say rồi, Pỉnh nhẹ nhàng gỡ tay chị ra... nhẹ nhàng vấn tóc rồi ...nhẹ nhàng bay đi. Chị run lên cầm cập: "Pỉnh là người hay là ma?". Dồn hết can đảm, chi se sẽ sờ lên cổ Pỉnh...vẫn thấy trơn trơn, ươn ướt, dinh dính như máu tươi. Chị lật úp thân hình Pỉnh nằm sập xuồng giường, nghe tim đập dồn dập như sắp văng ra khỏi lồng ngực. Sợ quá, chị ngủ thiếp đi lúc nào không biết...
Mờ sớm tỉnh dậy, đã thấy Pỉnh  đứng ở đầu giường, mặt thất thần, đờ đẫn, tay lào cào giơ lên đầu mà không sao vấn nổi tóc, chị dụi mắt không nhớ đêm qua mình đã làm gì. Bỗng một cô bé trong đoàn thét lên"Ma!" làm cả lán choàng dậy. Pỉnh luýnh quýnh đánh rơi chiếc lược. Lạ chưa, phía trước dưới khuôn mặt xinh đẹp của Pỉnh là chiếc lưng...phẳng lì, xuống nữa là đôi mông tròn trịa căng mẩy. Chị  nhảy xuống giường, vòng ra sau  Pỉnh thì thấy đôi gò bồng đảo đồ sộ của Pinh đã bị ...di cư mọc chồm chỗm  ngược chiều. Trong một tích tắc sững sờ,  Pỉnh như bừng tỉnh, chạy thục mạng vào rừng trước sự kinh ngạc, bàng hoàng, đứng tim của mọi người...
Từ đấy, không một ai còn nhìn thấy Pỉnh nữa.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài viết)
[1]