Dù làm gì ở đâu, trai gái đến Ngày Valentin đều cố gắng bộc lộ những gì là đẹp nhất trong trái tim mình. Hai phương tiện chủ yếu được sử dụng cho mục đích đó là quà tặng và thư chúc, vốn biến hóa không ngừng theo không gian và thời gian. Từ hơn 300 năm nay, sôcôla được ưa chuộng như một quà tặng đặc biệt, một biểu tượng của tình yêu, món quà hay có hình trái tim. Sôcôla gợi nhớ sự ngọt ngào, đằm thắm, lan tỏa của ái tình, đồng thời có tác dụng tốt lên hệ thần kinh, hệ cơ bắp, hệ phản xạ, khiến cho người đang yêu trở nên mạnh mẽ, hoạt bát, linh lợi. Một quà tặng bắt buộc nữa là hoa. Hoa vĩnh viễn là sứ giả không lời nhiệm màu nhất. Tình yêu thích nhất hoa hồng, vì hoa hồng nói hộ nó nhiều cung bậc tình cảm khó diễn tả bằng lời. Hoa hồng màu hồng ám chỉ tình yêu dịu dàng, ý nhị. Hồng đỏ là tình yêu rạo rực, nồng nàn. Hồng vàng tượng trưng cho băn khoăn của tình yêu đơn phương. Hồng phủ rêu là lời tình yêu được thú nhận... Đây mới là một vài góc nhìn. Còn nhiều góc nhìn nữa mà hoa tạo cho con người man mác, xao xuyến hay ngất ngây.
Đương nhiên, ngôn ngữ của các bạn tình là không gì thay thế được. Bức thư tình chính thức đầu tiên là của Thánh Valentinius như nói trên. Hiện Bảo tàng Bristish ở Luân Đôn vẫn lưu giữ bức thư tình được coi là cổ nhất của người phàm. Đó là bài thơ viết năm 1415 của Công tước Pháp Charles d’Orléans (1391-1465), một trong hai thi sĩ Pháp vĩ đại nhất thế kỷ. Thời ấy, Anh Pháp đang giao chiến. Công tước bị quân Anh bắt làm tù binh ở Azincourt năm 1415 và bị giam ở Tháp Luân Đôn suốt 25 năm trời. Nhân Ngày Valentin đầu tiên mình mất tự do, ông đã viết bài thơ tình nói trên cho người yêu Marie de Clèves ở Pháp. Sau 25 thư tình như vậy, ông được sum họp cùng ý trung nhân tại quê nhà. Theo dòng thời gian, hình thức thư tình liên tục đa dạng lên gấp bội. Mỗi Ngày tình yêu hiện nay, các tình nhân trên hành tinh gửi cho nhau không dưới một tỷ bức thư, chủ yếu viết trên các bưu thiếp muôn màu (thư Noel khoảng 2,6 tỷ bức). Nếu nam giới chi phí gấp đôi phụ nữ cho quà tặng, thì phụ nữ mua 85% bưu thiếp Valentin. Giọng thư thì đủ kiểu, từ bi thương, da diết cho đến khôi hài, dí dỏm, thậm chí thô kệch. Song, thư nào cũng muốn tỏ ra thật uyên thâm và tế nhị. Cho nên, không lạ là thơ được sử dụng nhiều bậc nhất trong các thư tình ngày 14-2. Cạnh đó là lời hay ý đẹp, thường mượn của dân gian, của các vĩ nhân hay các nghệ sĩ. Hiện nay, các bạn trẻ có thể tìm thấy trên mạng những địa chỉ gợi ý hay làm giúp thơ tình, cung cấp hàng vạn câu châm ngôn, tục ngữ.
Ngày tình yêu, vô số thổn thức có cánh được ghi lên thiếp mừng chắc chắn nâng cả người gửi lẫn người nhận lên nhiều lắm. Đấy ví như những câu đại loại
“Nước bên cạnh mà đành chịu khát”, “Nói là bạc, im lặng là vàng”, “Cái gì cũng là tương đối trên đời này”, “Yêu, đó không phải là người này nhìn người kia, mà là hai người cùng nhìn về một hướng”. “Người ta chỉ nhìn rõ bằng trái tim, cái bản chất, mắt không nhìn thấy được”, “Năm tháng sẽ qua đi, các cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt, các cuộc cách mạng sẽ thôi gầm thét, nhưng còn lại mãi với anh mối tình dịu dàng và tha thiết của em”... Cuộc sống quá hối hả và bận rộn hiện tại đôi khi làm con người mụ đi, nhất là trong những dịp đòi hỏi sáng suốt, tỉnh táo và hiền minh như Ngày Valentin. Internet là một kho vô tận những lời khuyên thiết thực, những lời khuyên gỡ rối cho bao mớ bòng bong tơ lòng, chúng xuất hiện trước người đang yêu lâm vào thế bí như những phép màu. Ngày hôm nay, người ta dễ nhận thức được rằng lời khuyên thiết cốt nhất là hãy tu dưỡng thường xuyên, tu nhân tích đức hàng ngày, hãy xứng đáng với người yêu từng phút từng giây, chứ đừng đợi đến ngày 14-2...
Ngày lễ thánh Valentin là nguồn của những biểu tượng ngợi ca tình yêu và sự chung thủy. Phần trên đã đề cập đến hai biểu tượng, quà tặng và thư tình. Đương nhiên, biểu tượng bao trùm của tình yêu là trái tim. Đúng vậy, tình yêu là tất cả, tình yêu là sống còn. Tình yêu nhất thiết phải trung thực. Chân lý này được tượng trưng bằng trái tim màu đỏ máu, vốn xuất hiện từ thời cổ đại xa xưa. Một trong những biểu hiện của lời hứa trung thành là cái hôn. Đây là biểu tượng thứ tư, ra đời từ buổi đầu của Thiên chúa giáo. Thư tình thời ấy được “ký” bằng ba hình thánh giá hay ba chữ X. Thời trung cổ, đây là chữ ký của những người mù chữ. Khi ký bằng cây thánh giá, trước các nhân chứng, người ký phải ôm lấy cây thánh giá và áp môi vào như bú mẹ. Cái hôn trong tình yêu nảy sinh như vậy. Nó hàm ý đôi tình nhân truyền nguồn sống và sinh lực cho nhau, chẳng khác đôi chim câu mớm mồi. Chim là một biểu tượng xưa bậc nhất. Trung tuần tháng hai ở Lục địa già đánh dấu khởi đầu của mùa giao phối của một số loài chim. Mặt khác, dân Anh và Pháp thời trung cổ tin rằng chim là sứ giả của mùa xuân và tình yêu. Do vậy, trong lễ Valentin, các cô gái ngước lên trời và con chim cô nhìn thấy báo cô biết hạnh phúc sẽ tới. Nếu đó là chim cổ đỏ - chồng cô sẽ là thủy thủ. Chim sẻ - chồng không giàu nhưng gia đình yên ấm. Chim hồng tước - chồng giàu... Tình yêu về cơ bản là ham muốn, được thể hiện qua biểu tượng thứ sáu, Cupidon thần ái tình, con trai của Venus, nữ thần tình yêu trong truyền thuyết La Mã. Cupidon là một cậu bé có cánh, kè kè cây cung và các mũi tên sẽ xuyên qua bất kỳ trái tim nào để lộ nhu cầu giao hòa và chia sẻ. Đôi khi Cupidon bị bịt mắt, ấy là sự mù quáng của con tim bị tình yêu dắt mũi. Cupidon thường xuất hiện trong nghệ thuật, và chỉ tồn tại trong lĩnh vực này. Nghệ thuật đồng nghĩa với cái đẹp, cái đẹp lý tưởng. Vậy nên tình yêu phải đẹp, phải cao cả...
Tình yêu chính là nghệ thuật. Nghệ thuật không tồn tại, nếu không có tình yêu. Văn chương nghệ thuật bao đời vẫn cúc cung tận tụy phục vụ tình yêu đó thôi. Mỗi mùa Valentin, hầu như nghệ sĩ nào cũng muốn và nỗ lực tung ra những tác phẩm ưng ý nhất của mình, sách, phim, ảnh, ca khúc, tượng, sắp đặt. Tình yêu luôn mới mẻ và tươi trẻ. Nghệ thuật đích thực sẽ thành công nếu biết bắt kịp nhịp bước của tình yêu, nhất là biết thực bụng với nó. Có thể nêu đôi ví dụ tiêu biểu. TK XIX được chiêm nghiệm thật hồi hộp tình yêu đơn phương qua bài thơ
Sonnet Arvers lừng lẫy. Song tâm trạng ấy hình như dần bị thời gian vượt qua, bài thơ chìm dần vào quên lãng. Thực tế, tình yêu đơn phương vẫn còn. Chỉ cách bộc lộ của nó khác đi theo thời đại. Và nhà thơ Tây Ban Nha Garcia Lorka đã nắm được chuyện ấy và diễn tả thần tình trong bài
Amparo vẫn được nối tay truyền tụng. Thảm họa tàu Titanic từng được đề cập trong nhiều bộ phim. Song nó chỉ lộ hết tầm vóc khi James Cameron nhìn nhận nó dưới góc độ nhân bản chính xác nhất. Với phim
Titanic của ông, doanh thu cao nhất cho bộ phim một tập trong lịch sử điện ảnh, sự thật nhức nhối đã được phơi bày: không bao giờ được chủ quan, sự huyênh hoang ẩn chứa tang thương và chết chóc, hãy luôn nhớ rằng tất cả phải vì tình yêu, vì con người.
Tình yêu là tổng hợp của lý trí và tình cảm, của đạo lý và dục vọng, của thể xác và tâm hồn. Tình yêu hiện hình mỹ mãn trong Ngày Valentin bắt nguồn trước tiên từ tín ngưỡng cũng như thần thoại dân gian và bác học. Nhiều chuyên gia quả quyết Ngày tình yêu ra đời từ thời La Mã cổ đại. Tương truyền, cậu bé sinh đôi Romulus, người lập nên thành Rome năm 753 tr.CN, bị vứt ra rừng hoang. Cậu được một con sói cái cho bú trong một cái hang ở đồi Palatin thuộc Rome (vốn là trung tâm của một trong những đế chế hùng mạnh nhất bấy giờ, đế quốc Roma), rồi được một người chăn cừu chăm nuôi khôn lớn. Từ chuyện này, nảy ra tục thờ Faunus Lupercus, thần sói bảo vệ các đàn vật nuôi chăn thả và các mục đồng. Lễ hội thần sói hình thành từ đó và được cử hành vào ngày 15-2 hàng năm. Sau khi giết một con dê tế thần, các “đệ tử của thần sói” gần như trần truồng hoàn toàn, bôi máu dê lên khắp mình, cắt da dê thành các roi nhỏ, chạy khắp quanh đồi Palatin, hễ gặp phụ nữ thì quất roi vào người họ. Làm vậy là để cho phụ nữ sinh nở thật nhiều. Đây là ý niệm phồn thực La Mã. Về sau, Ngày hội tình nhân được đón mừng nô nức không chỉ ở thành Rome, mà còn ở rất nhiều địa phương nữa. Tục lệ không thể thiếu là hiến sinh tế thần và quất roi vào phụ nữ như vừa kể. Tiếp theo là bữa tiệc mừng thần sói. Trước khi vào tiệc, đám con trai rút thăm trong những cái hộp để biết cô gái sẽ làm bạn ăn với mình. Chàng trai từ đó là vệ sĩ của cô trong suốt một năm, không ít đôi sẽ nên vợ nên chồng.
Lễ thần sói bị giáo hoàng Gelasius I chê là “dã man”. Hẳn ông căn cứ vào đôi tai nạn hiếm hoi trong cuộc trai gái rượt đuổi nhau, trai quất roi vào gái cho gái mắn đẻ. Ông không biết hay lờ đi những tục lệ khác phát triển tới tận bây giờ. Đấy ví như cánh trai trẻ bí mật đem những cây non và cây hoa đẹp nhất bứng từ nhà mình, trồng trên mái nhà hay trước cửa nhà cô gái mình thầm yêu trộm nhớ. Chàng cũng có thể tặng cô gái trong mộng của chàng những đôi guốc gỗ mà đế dát tiền xu kim loại, nhiều hay ít là tùy gia cảnh nhà chàng. Trai gái đồng quê còn tặng nhau những bức tranh tự vẽ hay nhờ vẽ, trên đó phải hiện diện những biểu tượng tình yêu thể hiện đúng lòng mình. Nếu hai người kết hôn, bức tranh sẽ được treo suốt đời trong nhà, ở chỗ dễ nhìn thấy nhất... Giáo hoàng Gelasius I đã thay thế lễ thần sói bằng Ngày Valentin như nói ở đầu bài. Ngày tình nhân hôm nay dường như dung hòa những tinh túy của cả hai lễ hội, Valentin và thần sói. Bên cạnh những hoạt động cổ điển, ngày ấy còn vô số biểu hiện khác, như thưởng thức phim ảnh và nghệ thuật, gặp gỡ tay đôi trực tiếp, qua điện thoại, hoặc qua mạng... với rất nhiều trợ giúp của công nghệ hiện đại, tất cả nhằm đáp ứng tối ưu và mau lẹ những nhu cầu của con tim cần tình yêu. Một thử thách lớn của ngày hội là việc tận dụng công nghệ thông tin để đùa bỡn thái quá hay lừa đảo, chiếm đoạt không chỉ tiền bạc. Lịch sử Valentin ghi mãi một chuyện tình xúc động giữa khách và chủ. Roquemaure là trung tâm một vùng trồng nho nổi tiếng của Pháp, đồng thời là một địa chỉ Valentin hút hồn bậc nhất toàn cầu. Cách đây hơn một thế kỷ, thời tiết không thuận làm hỏng hầu hết các vườn nho. Khách thập phương vẫn kéo về để chia vui ngày hội tình yêu, và sự chân tình bao đời của cư dân chủ nhà được họ đáp đền xứng đáng. Họ không bỏ đi mà vẫn hội hè rộn rã, vô tình góp vốn cho Roquemaure gượng dậy... Roquemaure chỉ có 5000 dân, nhưng hội Valentin ở đây kéo dài tới 3 ngày, thu hút chừng 20.000 khách, vẫn tỏ ra là Ngày tình nhân đúng nghĩa hơn cả, được không chỉ dân Pháp mà dân nhiều quốc gia mỗi năm một ngưỡng mộ.
(Tổng hợp từ tư liệu nước ngoài)
Các bạn có thể xem thêm ở đây trên trang Nhịp cầu thế giới
http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1189Trích một đoạn ngắn để hiểu thêm về ý nghĩa của ngày Valentin
"Các nước trên thế giới có những phong tục khác nhau trong ngày Valentine. Tựu trung, trong ngày này, chúng ta có thể tự do nhắc đến những người tình, những mối tình đã qua, trong dĩ vãng, mà không sợ bị ghen tuông, giận dữ. Vào ngày 14-2, những mối tình thầm kín nhất cũng có thể được bộc lộ, mà không sợ bị cười cợt. Bởi lẽ, bản chất của tình yêu là nỗi vui mừng khi có nhau, là sự quan tâm, để ý đến nhau. Không chỉ có thanh niên mà rất nhiều người lớn tuổi cũng tổ chức kỷ niệm Ngày Tình Nhân, với những món quà nho nhỏ bất ngờ dành cho nhau, với hi vọng cuộc sống mãi bên nhau. Một thanh sô-cô-la đặt trên gối người tình, một bông hồng nhỏ, một tấm bưu thiếp thân thương, một lá điện thư hay một dòng tin nhắn qua điện thoại di động đều có thể mang lại niềm vui trong ngày Valentine như một bữa cơm thân mật hoặc những ngày nghỉ cuối tuần ấm áp."...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..